Hương Thảo
Theo tờ Saarbrücker Zeitung của Đức, tính đến ngày 23/4, đại dịch COVID-19 đã giết chết 3.770 người ở Grand Est. Khu vực này giáp với nước Đức, là tâm điểm bùng phát virus Vũ Hán ở Pháp vào tháng 3. Hiện tại, khu vực này đã đạt đến đỉnh điểm của dịch bệnh, số ca nhiễm nghiêm trọng tuy đã giảm nhẹ nhưng các bệnh viện địa phương vẫn lo ngại về khả năng bùng phát lần hai do lệnh đóng cửa của Pháp đã được nới lỏng.
Grand Est là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Pháp. Bộ trưởng Y tế Pháp, Olivier Véran đã mô tả tình hình ở đây là “rất căng”, đặc biệt là xung quanh quận Mulhouse và thủ phủ Strasbourg của vùng Grand Est. Tại sao sự bùng phát virus COVID-19 ở Grand Est lại nghiêm trọng như vậy?
Một bài bình luận ngày 30/3 của tờ FranceSoir, có tựa đề, “Corona virus: Làm thế nào mà dịch bệnh bắt đầu ở Haut-Rhin”, đã xác định các yếu tố gây ra lây lan virus trong khu vực. Bài báo chỉ ra rằng Mulhouse có quan hệ “kết nghĩa” với Bergamo ở Ý và Tế Ninh ở Trung Quốc, nhằm thúc đẩy quan hệ văn hóa và thương mại. Bergamo thuộc vùng Bologna, tâm chấn dịch bệnh nước Ý. Tế Ninh là thành phố ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán từ 25/1 đến 8/2, nhiều người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài. Tuy các chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc đến Pháp rất hiếm nhưng có nhiều chuyến bay thẳng từ Basel Mulhouse Freiburg (sân bay do Pháp và Thụy Sỹ vận hành) đến Tế Ninh- Trung Quốc, bài báo lưu ý. Thành phố Colmar thuộc vùng Grand Est cũng trở thành một điểm đến thời thượng của du khách Trung Quốc, theo bài báo. Thành phố này đã xác định được bệnh nhân nhiễm virus COVID-19 đầu tiên vào tháng 12/2019 trước thời điểm Trung Quốc công bố dịch bệnh.
Hợp tác chiến lược với tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
Ông Jean Rottner, chủ tịch hội đồng khu vực của Grand Est cho biết, “Tứ Xuyên là một khu vực chiến lược, một cửa ngõ tốt cho khu vực Grand Est”. Ông cũng là thị trưởng của quận Mulhouse từ năm 2010 đến 2017.
Vào tháng 5/2018, ông Rottner và một phái đoàn địa phương đã đến Tứ Xuyên để ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa Grand Est và Tứ Xuyên. “Y tế, nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp, ngành công nghiệp của tương lai – du lịch và ẩm thực” là 4 lĩnh vực hợp tác được nhấn mạnh, tờ báo địa phương L’hebdo du Vendredi đưa tin. Ông Rottner cũng cho biết, ông hy vọng sẽ có một chuyến bay trực tiếp giữa thành phố Thành Đô của Tứ Xuyên và Mulhouse để quảng bá ngành du lịch. Phái đoàn đã không đề cập đến những vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc trong cuộc họp, tờ báo cho biết.
Từ năm 2011, thành phố Thành Đô đã nổi lên như một “gã” khổng lồ công nghiệp với ba lĩnh vực hàng đầu gồm: điện tử, hàng không và ô tô. Một tuyến đường sắt mới, bắt đầu tại Thành Đô và kết thúc tại trạm vận chuyển hàng hóa Bettembourg ở Luxembourg đã hoàn thành xây dựng vào tháng 10/2019.
Trước Grand Est, Tứ Xuyên đã ký thỏa thuận hợp tác văn hóa với vùng Champagne-Ardenne của Pháp vào năm 2010. Theo báo cáo năm 2018 của L’hebdo du Vendredi, khoảng 60 công ty Pháp đã được thành lập ở Tứ Xuyên trong các lĩnh vực năng lượng (Areva, Suez), vận tải (Alstom, Air France-KLM), phân phối bán lẻ (Carrefour, Auchan, Décathlon ), công nghệ (Ubisoft, Alcatel) và hàng xa xỉ (Moët Hennessy, Pernod Ricard). Axon’ Cable, một nhà sản xuất cáp tùy chỉnh hàng đầu có trụ sở tại Montmirail và một chi nhánh tại Thành Đô.
Dưới thời ông Rottner làm thị trưởng, vùng Grand Est trở nên thân thiện với chính quyền Trung Quốc. Các mối quan hệ chặt chẽ được tiếp tục sau thời gian ông làm thị trưởng. Vào ngày 24/9/2019, các quan chức địa phương đã tổ chức một buổi lễ lớn tại Strasbourg để chào mừng ngày Quốc khánh Trung Quốc, kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ. Các quan chức từ các khu vực khác cũng tham dự sự kiện này.
Chào đón hãng công nghệ Huawei
Năm 2011, Huawei bắt đầu hợp tác với Viện Công nghệ Paris (ParisTech) để triển khai chương trình “Hạt giống tương lai” tại Pháp. Năm 2013, Huawei đã mở rộng hợp tác chương trình này tới 6 trường đại học của Pháp bao gồm ESIEE Paris, HEI Lille, INSA Rennes, INSA Toulouse, INSA Lyon, Ecole Centrale de Lyon, and Institut du Service Civique.
Hoa Kỳ lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của Huawei cho hoạt động gián điệp và đã kêu gọi các đồng minh châu Âu không đưa thiết bị Huawei vào mạng di động 5G thế hệ tiếp theo. Cuối tháng 1/2019, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố hai bản cáo trạng chống lại Huawei, giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu và một số chi nhánh của công ty với cáo buộc công ty này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, và đánh cắp bí mật thương mại từ nhà mạng di động T-Mobile của Mỹ.
Vào ngày 28/2/2020, Huawei tuyên bố sẽ chi 200 triệu Euro đầu tư một nhà máy 5G mới tại Pháp. Theo trích dẫn các tài liệu của tờ Politico đã báo cáo vào tháng 02/2020, Huawei đang sử dụng đầu tư để gây ảnh hưởng đến các nước châu Âu. Huawei là công ty đầu tiên trong ngành này ở châu Âu, hãng này sẽ sản xuất thiết bị radio trong các liên lạc 4G và 5G cho toàn bộ lục địa châu Âu với số tuyển dụng dự kiến 500 người tại Pháp.
Tờ Politico cũng báo cáo, các Giám đốc điều hành của Huawei đã ‘tán tỉnh’ các nhà lập pháp địa phương của Pháp tại khu vực Alsace trong nhiều tháng trước khi họ thông báo về kế hoạch đầu tư vào Pháp hôm 28/02.
Ngày 3/3, Tạp chí kinh doanh Pháp – Challenges đã đưa tin, Huawei có kế hoạch xây dựng nhà máy mới của mình tại Strasbourg. Báo cáo cho biết, khu vực Grand Est “đã xác nhận những cuộc thảo luận này” và coi hồ sơ của Huawei là “ưu tiên hàng đầu”.
Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp cho biết, thông báo này sẽ “không thay đổi” quan điểm của chính phủ về 5G. Bà Lilla Merabet, Phó chủ tịch của khu vực Grand Est phụ trách về đổi mới và công nghệ kỹ thuật số cho biết, “Chúng tôi đang tiến hành các cuộc thảo luận liên tục với Huawei, vấn đề này là một ưu tiên”.
Vào ngày 12/3, Pháp tuyên bố sẽ cho phép các nhà khai thác viễn thông sử dụng một phần thiết bị 5G của Huawei, nhưng chỉ giới hạn trên các phần không nhạy cảm của mạng, CNET France đưa tin.
Có phải du khách Trung Quốc từ Vũ Hán đã lan truyền virus?
Colmar thuộc vùng Grand Est và được biết đến với tên là “Little Venice”, với khoảng 70.000 cư dân. Vào tháng 6/2018, đài truyền hình Hồ Nam của nhà nước Trung Quốc đã quay show truyền hình thực tế “Nhà hàng Trung Hoa” tại Colmar trong 3 tuần. Các tập phim được quay tại một nhà hàng địa phương, Bistrot des Lavandières.
Do show truyền hình này khá nổi tiếng ở Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc muốn đến thăm Colmar. “Dịch vụ thị thực Vũ Hán lưu ý rằng, có 3 công ty du lịch mỗi tuần nộp trung bình một trăm đơn xin thị thực cho các nhóm du khách Trung Quốc muốn đến thăm Colmar,” tổng lãnh sự quán Pháp tại Vũ Hán cho biết.
Lượng du khách Trung Quốc đến Colmar tăng 70% trong năm 2018. “Chúng tôi đón gần 4 triệu du khách đến Colmar và chúng tôi nhận thức được rằng bạn có thể mang tới nhiều du khách hơn, nhờ vào show “Nhà hàng Trung Hoa” của bạn.” ông Gilbert Meyer, Thị trưởng của Colmar cho biết, theo một báo cáo của kênh truyền hình cáp của Pháp BFM TV.
Theo Wu Wo, Epoch Times ngày 6/5/2020
Hương Thảo dịch và biên tập