Virus corona tại Nga: Kẻ thù vô hình mà Putin không ngờ tới

Mai Vân


Mùa xuân 2020 lẽ ra phải rất huy hoàng đối với tổng thống Vladimir Putin, một người đã liên tục ngự trị ở thượng tầng Nhà nước Nga từ 20 năm nay mà không có đối thủ.

Thế nhưng, một kẻ thù vô hình mà ông Putin không hề chờ đợi – con virus corona – đã đột nhiên xuất hiện, kéo theo một cuộc khủng hoảng y tế rồi kinh tế ở quy mô chưa từng thấy, làm dấy lên câu hỏi : Liệu ngai vàng của người được gọi là Sa Hoàng mới tại Nga có bị chao đảo hay không?  

Một cuộc trưng cầu dân ý dự trù ngày 22/04 vừa qua, trên nguyên tắc, sẽ thông qua với đa số áp đảo quyết định cải tổ Hiến Pháp cho phép ông Putin tái ứng cử vào năm 2024, mốc đầu tiên đánh dấu khả năng trị vì suốt đời của ông, đã bị hủy bỏ. Vài tuần sau đó, cuộc diễn binh ngày 09/05, kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã, với sự hiện diện của nhiều nguyên thủ nước ngoài, một màn tán dương công trạng của ông Putin sau 20 năm trị vì độc quyền, cũng không diễn ra.  

Vì con virus corona mà không có các dấu mốc huy hoàng này. Trái lại, ông Putin đã phải tự nhốt mình trong tư dinh ở Novo-Ogaryovo, vùng ngoại ô Matxcơva, để từ đó xử lý đà lây lan đáng ngại của dịch Covid-19.

Tính đến ngày 19/05, nước Nga đã có gần 300.000 người bị nhiễm virus, lan truyền với tốc độ kinh khủng 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, liên tiếp nhiều hôm từ ngày 02/05. Đất nước 144,5 triệu dân, giờ đứng hàng thứ 2 thế giới sau Mỹ, về số người nhiễm virus.

Tỷ lệ tử vong thấp: “Thận trọng với số liệu của chính quyền”

Cho dù dịch chưa tới đỉnh cao, nhưng có một con số dường như có thể trấn an. Cho đến hết ngày 19/05, người ta “chỉ” ghi nhận hơn 2.800 ca tử vong vì Covid-19, trong lúc tại Pháp con số này cao hơn gấp 10 lần (hơn 28.000 ca).

Số tử vong quá thấp của Nga, theo tạp chí Pháp L’Express ngày 12/05 trong bài “Virus Corona, địch thủ mà Vladimir Putin không ngờ tới”, rất đáng nghi ngờ.

Nina Khrouchtcheva, giáo sư quan hệ quốc tế tại New School ở New York, cháu cố lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrouchtchev, nhận định thẳng thừng: “Tô vẽ thực tế là bản chất của chế độ”. Theo bà, phải luôn  thận trọng với số liệu của chính quyền.

Tại Matxcơva, nhà nghiên cứu chính trị Maria Lipman thì chừng mực hơn: “Số liệu thực mà cao hơn nhiều tất yếu sẽ được biết qua các mạng xã hội, một số lượng lớn người chết sẽ khó che giấu”.

Nhưng dù sao thì tại đất nước rộng lớn với 11 múi giờ, tình hình rất khác biệt theo từng nơi, với một nửa ca nhiễm Covid-19 tập trung ở thủ đô – có hạ tầng cơ sở về y tế để có thể đối phó – và những oblast (vùng) ở Siberi, thiếu thốn cơ sở hạ tầng nhưng lại được buông tha.

Covid-19 xuất hiện không đúng lúc chút nào cho TT Putin

Điều chắc chắn duy nhất là khủng hoảng y tế Covid -19 xẩy ra không đúng lúc chút nào đối với Putin. Rất lệ thuộc vào ngành năng lượng, Nga đứng trước một thảm kịch khác: giá dầu hỏa sụt giảm mạnh trên thị trường thế giới. Thu nhập về dầu hỏa và khí đốt chiếm 15% GDP Nga và một nửa ngân sách Nhà nước, nên khó tránh khỏi khủng hoảng. Cho dù Nga có các lợi thế khác – nợ không cao, dự trữ ngoại tệ hơn 500 tỷ đô la – nhưng suy thoái như đang rình rập trước cửa điện Kremlin.

Gần đây, ông Putin đã có một thủ thuật để giảm sốc: Trút lên đầu các công ty xí nghiệp lớn cũng như nhỏ gánh nặng chi phí phải trả cho chế độ thất nghiệp bán phần, bằng cách tuyên bố tất cả những ngày làm việc kể từ 30/03 là “ngày nghỉ”.

Luật pháp Nga cấm mọi quyết định sa thải trong lúc có những “ngày nghỉ”, và cho đến lúc dỡ bỏ phong tỏa, tiền lương vẫn được công ty xí nghiệp trả, không phải là Nhà nước !

Tác giả bài báo kể lại một chuyện tiếu lâm trong giới kinh doanh: “Vladimir Putin đi vào một quán rượu và hô lên “Vodka cho mọi người!”, trước khi nói thêm: “tiền quán rượu trả!”.

Các công ty vừa và nhỏ ngày càng bị tác động mạnh

Nếu những tập đoàn lớn như Rosneft (dầu hỏa), Gazprom (khí đốt), Rosatom (hạt nhân), Rostelecom (viễn thông) hay Sherbank (tài chính) vẫn vững chắc thì các công ty vừa và nhỏ sử dụng 1/4 lao động đang bị lao đao.

Tại Matxcơva, Alexeï Petropolski, chủ khách sạn Valises, ở khu phố nổi tiếng Kitaï-Gorod, nay vắng hoe, cho biết: “Tôi phải lấy tiền túi ra trả cho nhân viên, nhưng tôi khó thể thể cầm cự thêm một tháng nữa”.

Anastasia Mecheriakova, quản lý các quán cà phê Piou (7 quán ở Matxcơva, 100 nhân viên) cũng khó khăn không kém: “Cho dù chúng tôi quen với khủng hoảng, tình hình hiện nay rất đáng ngại, cứ tưởng như đang trở lại thời kỳ 1990”, tức giai đoạn đen tối thời Eltsine.

Ivan Semenoff, chủ tịch tổng giám đốc Brainpower, một công ty tuyển dụng lao động, có 30 nhân viên, đã thương lượng được với họ làm việc bán thời gian trong lúc khủng hoảng để cứu vớt công ty, mà hoạt động tuột giảm đến 80%. Một số khách hàng còn đồng ý trả trước hóa đơn. Ông Semenoff cho đây là “cái giá để kinh doanh sống còn”.

Uy tín của Putin “chỉ” còn 59%, một mức thấp lịch sử

Trong khi đó, tổng thống Vladimir Putin nỗ lực tuyên truyền để bù đắp cho sự sụp đổ uy tín của mình, đã rơi xuống còn 59%, một mức xấu lịch sử vì tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Nga chưa bao giờ tụt xuống một mức thấp như vậy. Và trái với chủ trương ít ra mặt khi khủng hoảng bắt đầu, trong thời gian gần đây, ông Putin hầu như ngày nào cũng xuất hiện trên truyền hình.

Với vẻ hơi gia trưởng nhưng kiên quyết, ông đóng vai trò người cha của đất nước, ban hành các sắc lệnh trước các bộ trưởng của mình, ra lệnh cho thống đốc các vùng. Theo bà Maria Lipman, tổng thống Nga “tự phô trương mình là người ra các quyết định quan trọng, và giao việc quản lý các tin xấu cho các thống đốc”. Không có cơ sở tại địa phương, thường là người được Putin cắm ở các vùng, những thống đốc này đã trải qua cuộc thử lửa đầu tiên với con virus corona.

Theo chuyên gia khoa học chính trị Tatiana Stanovaya, sáng lập viên trung tâm tham vấn R.Politik: “Nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với những nhà kỹ trị vốn quen phục vụ điện Kremlin hơn là dân chúng”. Lý do là vì cuộc khủng hoảng có lẽ chỉ mới bắt đầu.

Trong một động thái minh bạch hiếm hoi, thị trưởng nổi tiếng của thủ đô Matxcơva, ông Sergei Sobyanin, đã tỏ ra không mấy lạc quan. Phát biểu với một thái độ thành thật khác thường, nhân vật này công nhận: “Chúng tôi mới chỉ đi được một phần tư chặng đường”.

Từ hai mươi năm nay, quả là chưa bao giờ ông Vladimir Putin lại phải đối phó với nhiều tình huống bấp bênh như vậy.

Related posts