- Như Ngọc
Quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ký một lệnh hành pháp về truyền thông xã hội vào thứ Năm (28/5).
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany hôm thứ Tư (27/5) nói rằng bà không thể đi trước tổng thống để giải thích về mục đích của lệnh hành pháp về mạng xã hội, nhưng bà khẳng định lệnh này sắp được ban hành.
Vào sáng thứ Tư 27/5 (giờ Mỹ), ông Trump đã cảnh báo các gã khổng lồ mạng xã hội rằng chính phủ liên bang có thể “điều chỉnh mạnh mẽ” hoặc “đóng cửa họ” nếu các mạng xã hội này tiếp tục “bịt miệng tiếng nói bảo thủ”. Ông Trump đưa ra cảnh báo này trong bối cảnh vừa bùng phát căng thẳng với Twitter sau khi mạng xã hội này lần đầu kiểm tra sự thật (fact check) các tweet của ông Trump.
“Đảng Cộng hòa cảm thấy rằng Các nền tảng Truyền thông Xã hội bịt miệng hoàn toàn tiếng nói bảo thủ”, ông Trump viết trên Twitter. “Chúng tôi sẽ điều chỉnh mạnh mẽ hoặc đóng cửa họ, trước khi chúng tôi có thể cho phép việc bịt miệng đó xảy ra. Chúng tôi đã thấy những gì họ nỗ lực làm, và đã thất bại trong năm 2016. Chúng tôi không thể để một phiên bản tinh vi hơn thế lại xảy ra”.
Tổng thống Trump viết thêm rằng: “Cũng giống như chúng ta không thể để Bỏ phiếu qua thư quy mô lớn bén rễ vào Đất nước ta. Việc bỏ phiếu như vậy sẽ tạo điều kiện cho tất cả các hành vi về lừa gạt, gian lận và đánh cắp phiếu bầu. Người nào mà lừa dối lớn sẽ chiến thắng. Cũng như thế, Truyền thông Xã hội. Hãy chấm dứt hành động của các người lại, NGAY LẬP TỨC!!!”.
Sau đó ông Trump viết: “Twitter bây giờ cho thấy rằng mọi thứ chúng ta đã và đang nói về họ (và đồng đẳng của họ) là chính xác. Hành động lớn sẽ tiếp sau đây!”
Những phát biểu nêu trên của Tổng thống Trump đến sau khi Twitter hôm thứ Ba (26/5) đã gắn kèm một nhãn cảnh báo lên một trong các tweet của ông Trump đề cập về bỏ phiếu qua thư. Cảnh báo của Twitter nhắc nhở người đọc rằng bất chấp các tuyên bố của tổng thống, “những người kiểm tra sự thật” nói rằng “không có bằng chứng” cho thấy bỏ phiếu qua thư sẽ làm tăng rủi ro gian lận và rằng “các chuyên gia cho biết bỏ phiếu qua thư rất hiếm khi liên quan tới gian lận bầu cử”.
Vài phút sau khi bị Twitter gắn nhãn cảnh báo, Tổng thống Trump đã đăng tweet cáo buộc mạng xã hội này “can thiệp vào cuộc Bầu cử Tổng thống 2020 bằng cách kiểm tra sự thật qua thông tin từ CNN Tin giả và Washington Post của Amazon”. Ông Trump cũng viết thêm rằng Twitter đang “bóp nghẹt hoàn toàn TỰ DO NGÔN LUẬN”, và ông cam kết rằng “Trong vai trò Tổng thống, tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra”.
Nhãn cảnh báo mới của Twitter đã được thực hiện ngay cả khi một phát ngôn viên của mạng xã hội này đã xác nhận với Fox News rằng tweet của ông Trump không vi phạm các quy định Twitter và ngay cả khi một số chuyên gia đã dấy lên lo lắng về xảy ra gian lận bầu khi bỏ phiếu qua thư.
Cảnh báo của Twitter được đưa ra sau khi ông Trump tweet: “Chắc chắn việc bỏ phiếu qua thư là lừa bịp. Thùng thư sẽ bị cướp, phiếu bầu sẽ bị làm giả và thậm chí được in ra bất hợp pháp và được ký giả mạo. Thống đốc California đang gửi Phiếu bầu tới hàng triệu người, bất cứ ai sống ở bang này, bất kể họ là ai và họ đã đến đó như thế nào, sẽ nhận được một phiếu bầu. Sau đó, những người này, nhiều người trong đó chưa bao giờ từng nghĩ đến việc bầu cử trước đây, sẽ được các chuyên gia bảo cho họ sẽ phải bỏ phiếu như thế nào và bỏ phiếu cho ai. Đây là một cuộc Bầu cử Gian lận. Chắc chắn thế!!”
Vài giờ sau khi ông Trump đăng tweet nêu trên, Twitter đã gắn một nhãn xanh cảnh báo viết : “Tìm hiểu sự thật về bỏ phiếu qua thư”.
Khi nhấp chuột vào dòng cảnh báo này, người đọc sẽ được xem một đoạn nội dung như sau: “Vào thứ Ba, Tổng thống Trump đã đưa ra một loạt tuyên bố về gian lận bầu cử tiềm năng sau khi Thống đốc California Gavin Newsom thông báo một nỗ lực mở rộng bỏ phiếu qua thư tại California trong đại dịch COVID-19. Những tuyên bố này là không đúng, theo CNN, Washington Post và các bên khác. Các chuyên gia cho biết bỏ phiếu qua thư rất hiếm khi liên quan tới gian lận bầu cử”.
Twitter tiếp tục lưu ý độc giả với mục “Bạn cần biết”, trong đó viết rằng “những người kiểm tra sự thật nói không có bằng chứng cho thấy bỏ phiếu qua thư liên quan tới gian lận bầu cử” và rằng “ông Trump đã tuyên bố sai về việc California sẽ gửi phiếu bầu qua thư tới ‘bất cứ ai sống tại bang này, bất kể họ là ai hoặc họ đến đó như thế nào’. Thực tế là, chỉ có những cử tri đăng ký mới nhận được phiếu bầu”.
Twitter đã xác nhận tweet của ông Trump “không vi phạm các quy định của Twitter vì nó không trực tiếp cố gắng thuyết phục mọi người không bỏ phiếu – tuy nhiên, tweet đó chứa các thông tin sai lệch về tiến trình bầu cử, đặc biệt về bỏ phiếu qua thư, và chúng tôi đang cung cấp thêm thông tin cho công chúng”.
Gắn nhãn cảnh báo chỉ là ví dụ mới nhất mà những người bảo thủ dẫn ra khi chứng minh họ bị Twitter phân biệt đối xử. Hai tháng trước, Twitter đã gắn cờ cảnh báo một video do chiến dịch Trump đăng tải là “truyền thông bị thao túng”, nhưng lại từ chối yêu cầu của chiến dịch Trump về việc Twitter phải gắn cờ cảnh báo với một video tương tự do đội ngũ của ứng viên Joe Biden đăng tải.
Đe dọa đóng của ông Trump hôm 27/5 về việc sẽ đóng cửa các nền tảng mạng xã hội như Twitter và Facebook là phát ngôn mạnh mẽ nhất của ông chủ Tòa Bạch Ốc trong một loạt các mâu thuẫn liên tiếp của ông với các Công ty Công nghệ lớn của Mỹ (Big Tech). Cổ phiếu của cả Twitter và Facebook hôm 27/5 đều giảm sau phát biểu của tổng thống.
Năm ngoái, chính quyền Trump đã cho lưu hành các bản dự thảo một lệnh hành pháp đề xuất về định kiến chống các tiếng nói bảo thủ. Ông Trump cuối cùng đã không ký ban hành lệnh hành pháp này.
Hiệp hội Internet Mỹ, trong đó Twitter và Facebook là thành viên, đã tuyên bố rằng các nền tảng trực tuyến không thiên vị chính trị và họ cung cấp “cho nhiều người dân hơn cơ hội được lắng nghe hơn bất cứ phương tiện nào khác trong lịch sử”.
Trả lời câu hỏi trong cuộc họp thường niên của Twitter hôm 27/5 rằng tại sao công ty lại quyết định gắn nhãn các tweet nói về bỏ phiếu qua thư của ông Trump, Trưởng nhóm luật sư của Twitter, ông Sean Edgett nói rằng những quyết định về xử lý thông tin sai lệch là do một nhóm đưa ra.
“Chúng tôi có một nhóm và một ủy ban những người chịu trách nhiệm tìm hiểu những điều này và đưa ra những quyết định về điều gì sẽ cần phải làm rõ hơn…” ông Sean Edgett nói.
Trong những năm gần đây, Twitter đã thắt chặt chính sách cộng đồng hơn sau khi họ gặp nhiều chỉ trích về cách tiếp cận lỏng tay, cho phép nở rộ nhiều tài khoản giả mạo và thông tin sai lệch.
Twitter cùng các hãng công nghệ khác sau khi quản lý thắt chặt hơn đã bị cáo buộc về thông lệ chống cạnh tranh và vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Apple, Google, Facebook và Amazon đang bị chính quyền liên bang, các bang và một ủy ban của Quốc hội điều tra về chống độc quyền.
Các nhà lập pháp Cộng hòa và Dân chủ, cùng với Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang xem xét thay đổi Điều 230 của Đạo luật Khuôn phép Truyền thông (Communications Decency Act). Luật liên bang này miễn trừ hầu hết các nền tảng trực tuyến khỏi trách nhiệm pháp lý đối với các tài liệu mà người dùng đăng tải lên. Những thay đổi này có thể khiến các công ty công nghệ phải đối mặt với nhiều vụ kiện hơn.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley, người thường xuyên chỉ trích các công ty Big Tech, hôm 27/5 đã gửi thư cho CEO của Twitter Jack Dorsey chất vấn rằng tại sao công ty này nên tiếp tục được nhận quyền miễn trừ tư pháp sau khi “lựa chọn đưa ra quan điểm cá nhân về các tweet của Tổng thống Trump”.
Khác với Twitter, Facebook đã lựa chọn không can thiệp vào bài đăng của ông Trump nói về bầu cử qua thư.
CEO Facebook Mark Zuckerberg thậm chí đã chỉ trích Twitter vì đã gắn nhãn fact-check vào một tweet của Tổng thống Trump. Ông Zuckerberg nói với Fox News rằng các nền tảng kỹ thuật số sở hữu tư nhân không nên hành xử như “người phán xét sự thật”.
“Tôi nghĩ về vấn đề này, chúng tôi có chính sách khác Twitter… Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Facebook không nên là người phán xét sự thật về mọi thứ mà mọi người nói trên mạng”, ông Zuckerberg nói.
Như Ngọc (Theo Reuters và Fox News)