Lê Mạnh Hùng
Brexit rồi đến dịch bệnh COVID-19 vốn vẫn bị coi là những nguyên nhân lớn nhất có nguy cơ làm cho Liên Hiệp Châu Âu tan rã. Nhưng nay Trung Quốc mới xuất hiện như là một nguy cơ lớn hơn. Và thử thách tối hậu cho sự thành công hay thất bại của Liên Hiệp Châu Âu là liệu Châu Âu có thể đưa ra một lập trường chung đối với Trung Quốc.
Trung Quốc đã tỏ ra một khéo léo hiếm có trong việc lợi dụng đẩy quốc gia Châu Âu này chống lại quốc gia kia, tỷ như trong việc Châu Âu tìm cách xây dựng hệ thống điện thoại di động 5G. Nhưng đây chỉ là bước đầu tiên. Qua những hành động khác Trung Quốc đang trên đà trở nên thế lực bên ngoài có ảnh hưởng mạnh nhất đối với Châu Âu.
Sáng kiến “Một Vòng Đai, Một Con Đường” một dự án lâu dài đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở xuyên qua đại lục Âu Á là trọng tâm của chiến lược dài hạn tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Các nước Châu Âu đều biết rõ tham vọng này. Đề nghị chung Pháp-Đức thành lập một quỹ phục hồi kinh tế hậu siêu vi 500 tỷ Euro viết rõ trong đó một điều khoản phải có một chính sách công nghiệp bảo vệ Châu Âu chống lại những đầu tư của một “thế lực thứ ba” vào những lãnh vực chiến lược của Châu Âu. Thế nhưng một điều khoản như vậy hiện đang bị Ý chống. Ý đang là nước có triển vọng trở thành cây cầu chính cho đầu tư xâm lược của Trung Quốc vào Châu Âu.
Ý chính thức gia nhập chương trình “Một Vòng Đai, Một Con Đường” vào Tháng Hai, 2019, là quốc gia lớn độc nhất tại Châu Âu tham dự vào chương trình này. Các lãnh tụ chính trị Ý giữ quan hệ mật thiết với các giới chức Trung Quốc. Trong các quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu, Ý là nước hấp dẫn đầu tư của Trung Quốc đứng thứ nhì sau Đức kể từ năm 2000. Anh là nước đứng đầu nếu tính toàn thể Châu Âu.
Thế nhưng Anh sau Brexit không còn hấp dẫn bao nhiêu còn Đức thì chính phủ Đức đã bắt đầu áp đặt những kiểm soát và giới hạn chống lại việc mua các xí nghiệp quan trọng cho kinh tế và an ninh quốc gia cũng như thay đổi luật lệ để nhà nước có thể mua cổ phần của các công ty nào mà nhà nước Đức thấy cần phải bảo vệ. Tất cả những biện pháp này được đưa ra sau việc Trung Quốc mua công ty Đức đứng hàng đầu về kỹ thuật robot Kuka vào năm 2016. Người Đức có thể có tiếng là chịu khó tính việc đầu tư lâu dài, nhưng so với Trung Quốc, Đức hãy còn thua.
Ý có thể là nước hưởng lợi trong việc Đức, Pháp sợ bị Trung Quốc xâm nhập và chi phối. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, Ý đã bị thiệt hại nhiều vì cạnh tranh của Trung Quốc sau khi học nghề của mình, nhưng vào lúc này Ý có thể thấy mình được lợi nhiều hơn là thiệt khi mở cửa cho Trung Quốc.
Tuy nhiên vấn đề còn tùy thuộc vào liệu chính phủ Ý đứng về phía Trung Quốc hay là đi theo với chính sách của Pháp và Đức. Bắc Kinh đã hứa là sẽ đầu tư phát triển cảng Trieste của Ý trên bờ biển Adriatic, nhưng đồng thời cũng hứa hẹn phát triển những cảng cạnh tranh với Trieste tại Croatia và Slovenia. Một hậu quả gián tiếp của dự án “Một Vòng Đai, Một Con Đường” là chuyển trọng tâm chính trị của Châu Âu về phía Đông.
Nguy cơ đối với Châu Âu là cảm tình của dân chúng chuyển sang phía Trung Quốc. Một cuộc khảo sát ý kiến dân Ý trong tháng qua cho thấy dân Ý coi Trung Quốc như là nước thân thiện nhất với Ý, theo sau là Nga. Đức bị coi như là nước ít thân thiện nhất, sau đó là Pháp. Một cuộc khảo sát khác cho thấy chỉ có 44% dân Ý ủng hộ ở lại Liên Hiệp Châu Âu trong khi 42% muốn rút khỏi. Cách đây hai năm con số này là 65% ở lại chống lại 26% rút ra.
Có thể là việc Liên Hiệp Châu Âu không đoàn kết với Ý trong giai đoạn đầu của dịch bệnh COVID-19 đã đẩy tinh thần bài Châu Âu lên cao. Nhưng dù sao đây cũng là những con số đáng e ngại. Hai mươi năm làm thành viên của khu vực Euro đã đẩy dân Ý đến mức họ coi Trung Quốc là đồng bạn hữu nghị nhất tuy rằng thật là vô lý, nhưng cũng là một thất bại đáng ngạc nhiên của chính sách kinh tế tài chánh mà Brussels và Ngân Hàng Châu Âu tại Frankfurt đề ra.
Bà Merkel và ông Macron hy vọng rằng quỹ phục hồi có thể một phần nào ngăn chặn Ý rơi vào tình trạng chống Châu Âu như dân chúng Anh, nhưng nhiều người còn nghi ngờ rằng quỹ này không có bao nhiêu hy vọng thuyết phục Ý không tách ra đi theo Trung Quốc, nhất là còn có một số thành viên như Hòa Lan đòi rằng quỹ này chỉ dùng cho vay chứ không phải là tặng dữ – Đức rộng rãi hơn đòi rằng tiền này là tặng dữ (grant) chứ không phải tín dụng (credit).
Ngay cả tại Đức, uy tín của Trung Quốc cũng đang gia tăng, được giúp đỡ bởi những hành động có tính “bully” của Mỹ. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 36% dân Đức muốn có quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc so với 37% ủng hộ Mỹ. Khoảng cách này trước đó cao hơn nhiều. Việc Bắc Kinh đàn áp dân chúng Hồng Kông cũng như việc che giấu những tin tức về COVID-19 hiện còn chưa có ảnh hưởng bao nhiêu đến dân chúng Châu Âu, tuy rằng trong tuơng lai có thể thay đổi.
Nguy cơ hiện nay đối với Liên Hiệp Châu Âu không phải là môt sự tan rã như người ta sợ sau Brexit mà là một sự mài mòn dần sự đoàn kết trong khối. Thiệt hại đối với Liên Hiệp Châu Âu tạo ra bởi Brexit sẽ không thấm vào đâu so với thiệt hại mà Ý và các nước khác có thể tạo ra bằng cách mở cửa cho Trung Quốc xâm nhập.