Hàng loạt các bình luận của người dùng mạng xã hội tại Trung Quốc cho thấy sự bất bình đối với việc truyền thông chính thống của nước này im re trước đại nạn của nhân dân trong khi rất xông xáo với bạo loạn ở Mỹ.
Kể từ đầu tháng 6, do mưa lớn kéo dài liên tục, 11 tỉnh thành ở miền nam Trung Quốc đã bị ngập nặng, khiến cuộc sống của hơn 2,5 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người chết hoặc mất tích, hơn 120.000 người bị buộc phải sơ tán khẩn cấp. Hiện tại, mưa lũ vẫn đang hoành hành ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, đứng trước khổ nạn to lớn của người dân, truyền thông nhà nước Trung Quốc trước sau vẫn “im lặng làm ngơ” mà tập trung nguồn lực ra sức tuyên truyền về cục diện rối ren ở Mỹ, khiến cư dân mạng không khỏi bức xúc.
Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) đưa tin rằng trận lũ khiến gần một nửa đất nước Trung Quốc bị ảnh hưởng này hiếm hoi mới được truyền thông nhà nước Trung Quốc theo dõi đưa tin. Trong mấy ngày đầu tiên khi lũ lụt phát sinh, gần như không thể nhìn thấy bất kỳ bản tin nào được phát sóng trên đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Những hình ảnh như: nước lũ dâng cao, thành phố biến thành “biển đảo” bị cô lập, hàng ngàn ngôi nhà bị sập, người dân bị mắc kẹt… chỉ có thể được nhìn thấy trên các trang mạng xã hội. Toàn bộ phương tiện truyền thông chính thức đều tập trung cả vào “Sự kiện Minnesota” ở Mỹ, và những tin tức mới nhất của CCTV vặn hết công suất đưa tin về các cuộc diễu hành kháng nghị của Mỹ một cách toàn diện.
Điều này không khỏi khiến người dân Trung Quốc kinh ngạc thốt lên rằng đài truyền hình trung ương CCTV rốt cuộc đang phục vụ cho ai?
Một bài viết đăng tải trên mạng có tiêu đề Thảm họa mưa lũ miền Nam biến mất trong lặng lẽ viết rằng: “Miền nam có bị lũ lụt hay không? Nhìn vào thông tin của bạn bè trên mạng đăng lên, mỗi một hình ảnh mỗi một video về các thành phố bị nước lũ bao vây, đường cao tốc bị hủy hoại, vô số xe hơi bị nước lũ cuốn trôi, thật khiến người ta kinh tâm động phách. Nhưng khi nhìn vào bản tin được các hãng truyền thông quyền uy có tiếng nói trong nước, dường như trước nay chưa từng có trận lũ nào phát sinh, trên dưới cả nước đều đang an hưởng thái bình”.
Có cư dân mạng nói rằng để chứng minh miền nam có thật sự xảy ra lũ lụt hay không, anh đã bật TV lên, muốn xem xem rốt cuộc miền nam đã bị ngập thành bộ dạng gì rồi, đồng bào miền nam có ổn hay không? Kết quả là anh chỉ nhìn thấy TV dồn dập đưa tin về cục diện rối ren ở Mỹ và nụ cười hả lòng hả dạ khi thấy người khác gặp họa của người dẫn chương trình.
Một số cư dân mạng đã giận dữ viết rằng: “Phải chăng tất cả những người làm việc trong giới truyền thông Trung Quốc đều đã chết hết cả rồi? Bão lũ ảnh hưởng đến nhiều tỉnh miền Nam như vậy, tại sao không có truyền thông trong nước quan tâm? Tại sao không có phóng viên nào đưa tin? Tại sao không ai quan tâm đến những gì đã xảy ra với người dân miền nam hiện đang sống trong vùng lũ?
Chúng ta đều biết rằng bản tin thời sự là sống dựa vào tin tức, nơi nào có thảm họa, nơi đó có tin tức, nơi nào có tin tức, nơi đó có phóng viên. Tôi vẫn còn nhớ trong trận động đất lớn ở Vấn Xuyên, có biết bao nhiêu phóng viên đã bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn chạy đến khu trung tâm xảy ra trận động đất, đứng trên mặt đất vẫn còn đang rung chuyển mà phát sóng thông tin về những gì đang diễn ra nơi hiện trường!”
Những hình ảnh và video về lũ lụt miền nam được bạn bè chia sẻ trên các trang mạng xã hội nhìn vào thấy kinh tâm động phách đến thế, tổn thất nặng nề đến thế, tại sao truyền thông đảng lại không chút quan tâm? Tôi thật sự rất lấy làm lạ. Nói cách khác, nếu các phóng viên làm tin thời sự ngay đến cả sống chết của đồng bào mình cũng không quan tâm, thế họ quan tâm điều gì?”Vào lúc 7:13 sáng ngày hôm qua, trên giao diện của các trang mạng như Sina, NetEase, Phoenix và Yidianzixun.net đều đưa tin về cái chết của 110.000 người Mỹ gần như cùng một lúc. Còn có rất nhiều cơ quan truyền thông khác tất cả không có ngoại lệ mà tranh nhau đưa tin về tình hình nước Mỹ”.
“Lạ đời thay, sống chết của đồng bào, họ (truyền thông đảng) không chút quan tâm, sống chết của người Mỹ thì họ lại vật vã khóc thương hệt như cha mẹ chết! Đây có phải là ăn cây táo rào cây sung hay không?
Nhấp vào bản thảo tin tức của các hãng truyền thông chủ lưu gần đây nhất, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng trọng tâm của các bản tin được phát sóng là về các cuộc biểu tình sau cái chết của một người đàn ông người Mỹ gốc Phi George Floyd trong quá trình thực thi pháp luật của cảnh sát. Tất cả họ đều đặc biệt quan tâm đến sự hỗn loạn đang diễn ra ở nước Mỹ, tất cả họ đều đặc biệt dõi theo sống chết của người dân Mỹ, vậy nên họ không có thời gian để chú ý đến mưa lũ ở miền nam, thế là thiên tai bão lũ hoành hành ở miền nam cứ thế đã âm thầm rơi vào trong quên lãng”.
Một bài viết khác được đăng trên mạng có tiêu đề Hôm nay, tôi đặc biệt muốn xem bản tin thời sựviết như vậy: “Kể từ sau khi tôi hiểu chuyện, tôi không bao giờ xem bản tin thời sự nữa. Nhưng hôm nay, tôi đặc biệt muốn xem bản tin thời sự. Kỳ thực, hôm qua tôi đã xem bản tin thời sự từ đầu đến cuối. Một chữ cũng không bỏ sót, nhưng kết quả khiến tôi rất thất vọng”.
Bài viết nói thêm: “Tôi xem bản tin thời sự là muốn xem đài truyền hình CCTV báo cáo về trận mưa lũ ở Quế Lâm, Quảng Tây đã gây nên những tổn thất và mất mát cho người dân địa phương như thế nào. Kết quả tôi không thấy họ đề cập đến một chữ nào về những mất mát và thiệt hại mà người dân đang phải hứng chịu. Phần sau cùng của tiết mục phải mất gần 4 phút chỉ trích Hoa Kỳ, trong đó khoảng 2 phút chỉ trích Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và 2 phút còn lại chỉ trích Hoa Kỳ về cái chết của người da đen tại bang Minnesota”.
Bài viết cho rằng truyền thông Trung Quốc nên quan tâm chú ý hơn đến tình hình mưa lũ ở miền nam, thay vì cứ mãi tốn thời gian chỉ trích Hoa Kỳ. “Chúng ta nên dành thời gian quý báu của chuyên mục bản tin thời sự cho người dân Trung Quốc nhiều hơn, quan tâm đến những thảm họa mà Trung Quốc hiện đang phải chịu đựng. Ví như những mất mát và đau thương trận mưa lũ lớn ở Quế Lâm, Quảng Tây mang đến cho người dân địa phương lần này”.
Bài viết có đề cập: “Hôm qua, tôi không thấy một tin tức nào về tình hình mưa lũ của Quế Lâm trong bản tin thời sự. Thậm chí có lần tôi đã nghĩ rằng các video về mưa lũ lớn ở Quế Lâm được chia sẻ trong nhóm bạn bè là giả mạo. Bởi vì CCTV trước giờ không bao giờ bịa đặt, hết thảy tin tức đều lấy báo cáo của CCTV làm chuẩn. Nhưng sáng hôm nay tôi đã xem báo cáo chính thức từ trang mạng tin tức Quảng Tây, không chỉ mưa lũ lớn là có thật, hơn nữa còn có thương vong. Thế thì tại sao chương trình phát sóng tin tức CCTV lại không đưa tin? Điều này khiến tôi không sao lý giải được.
Chúng tôi vẫn còn nhớ rằng khi người dẫn chương trình của CCTV đưa tin về tình hình dịch bệnh ở Nga, anh ta không cầm lòng được đã nghẹn ngào rơi lệ, và khi người dẫn chương trình của CCTV đưa tin về cái chết của người Mỹ da đen gốc Phi, anh ta cũng nghẹn ngào đến không thở nổi… Vậy nên tôi nghĩ, giờ phút này đây khi đối diện với đồng bào đang phải hứng chịu khổ nạn, nỗi đau và nước mắt của bản tin thời sự không thể thiếu vắng được. Xét cho cùng, người Nga và người Mỹ đều là người ngoài, trong khi người dân chịu nạn ở Quế Lâm, Quảng Tây lại là đồng bào Trung Quốc của chúng ta”.
Ngoài ra còn có một bài viết trực tuyến có tiêu đề Không phải xấu xa thì chính là ngớ ngẩn với nội dung như sau:
“Khi tin tức 600 triệu người dân Trung Quốc có thu nhập dưới 1.090 Nhân dân tệ mỗi tháng phủ kín trên các trang mạng xã, họ (truyền thông ĐCSTQ) đang dõi theo tình hình bất ổn ở Hoa Kỳ.
Khi tin xấu về một bảo vệ an ninh ở tỉnh Quảng Tây chém bị thương 39 giáo viên và học sinh tiểu học, họ đang chú ý đến các cuộc biểu tỉnh bạo loạn ở Mỹ. Khi tin xấu về một người đàn ông ở huyện Tiên Du, tỉnh Phúc Kiến chém chết 3 du khách và khiến 7 du khách khác bị thương, họ vẫn đang chú ý đến các cuộc bạo loạn ở Mỹ. Khi trận mưa lũ khiến cuộc sống của hàng trăm nghìn người dân ở Quế Lâm chìm trong biển nước, từ thành thị đến nông dân trở thành ‘đại dương’, nhà cửa đổ sập, họ vẫn quan tâm đến các cuộc bạo loạn ở Mỹ. Họ không phải là truyền thông của Mỹ, mà là truyền thông của Trung Quốc.
Nếu như nói ống thoát nước là lương tâm của thành phố, thì truyền thông chính là lương tâm của xã hội. Trách nhiệm của cống thoát nước là loại bỏ nước và chất thải, còn trách nhiệm của truyền thông là giám sát dư luận. Các phương tiện truyền thông Mỹ dám mắng chửi chính phủ Hoa Kỳ, và họ (truyền thông ĐCSTQ) cũng dám mắng chửi chính phủ Hoa Kỳ, thậm chí còn mắng chửi dữ dội hơn cả truyền thông Mỹ, kích động hơn mấy lời chửi bâng quơ.
Ngày càng có nhiều công ty phá sản, họ (truyền thông ĐCSTQ) không chút quan tâm. Ngày càng có nhiều đồng bào không trả nổi tiền nhà, họ không chút quan tâm. Ngày càng có nhiều đồng bào phải bán hàng rong trên đường, họ không quan tâm. Ngày càng nhiều đồng bào bị nạn bởi mưa lũ, họ không quan tâm. Cơm họ ăn là tiền thuế của người dân Trung Quốc, nhưng lòng họ lại quan tâm chuyện của người dân Mỹ. Trong khi truyền thông Mỹ lại hoàn toàn ngược lại, người ta ăn cơm của mình và quan tâm đến chuyện của nước Mỹ.
Khi Lôi Dương, thạc sĩ tại trường đại học Nhân dân Trung Quốc, bị cảnh sát tra tấn đến mất đi hơi thở, thì họ (truyền thông đảng) lại thở một cách thản nhiên với tâm thái ổn định… Khi vắc-xin độc, sữa bột độc khiến con trẻ của chúng ta mất đi hơi thở, thì họ lại thở một cách nhẹ nhàng với tâm thái bình hòa. Khi đồng bào của chúng ta tuyệt vọng vì nghèo đói, dắt theo con thơ tìm đến cái chết, họ đã thở một cách nhẹ nhàng với tâm thái thật thản nhiên. Khi một người Mỹ da đen dày đặc tiền án hình sự bị chết do cảnh sát thực thi pháp luật quá tay, họ (truyền thông đảng) đã ngay lập tức cảm thấy đau đớn đến không thể thở được. Nhìn họ tan nát cõi lòng “không thể thở nổi” khi đối diện với bạo loạn ở Mỹ, tôi thực sự rất muốn biết, trái tim đó của họ rốt cuộc là như thế nào? Nếu đó là trái tim của một con người, hẳn đã không nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của đồng bào mình.
Điều thứ hai là vấn đề phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ. Các kênh truyền thông chính thống nói rằng tình trạng bất ổn ở Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục leo thang với diễn biến ngày càng ác liệt. Nguyên nhân gốc rễ là phân biệt chủng tộc đã cắm rễ sâu trong tư tưởng của người dân nơi đây. Đài truyền hình CCTV đã phát sóng một buổi phỏng vấn của đài truyền hình Mỹ với một thị trưởng. Thị trưởng này chỉ trích mạnh mẽ vấn nạn kỳ thị đối với người da đen trong xã hội Mỹ. Ông đã đưa ra rất nhiều ví dụ cho điều này, nhưng điều khiến tôi cảm thấy nực cười nhất chính là màu da của thị trưởng đó trông rất đen, nhìn vào thì thấy vẫn còn rất trẻ. Tôi nghĩ rằng ông ta có thể làm đến thị trưởng, thế cái gọi là phân biệt chủng tộc đó có nghiêm trọng đến mức giống như ông ta nói không?
Tôi không xem hết buổi phỏng vấn với thị trưởng da đen đó đã tắt TV ngay. Tôi đang suy nghĩ, đài truyền hình trung ương đang làm gì vậy? Rất nhiều thứ nó cảm thấy nhạy cảm, thảm họa do con người nó cảm thấy nhạy cảm. Tại sao bây giờ đến cả thiên tai nó cũng cảm thấy nhạy cảm luôn vậy? Nếu nó đưa tin kịp thời một chút về lũ lụt ở Quảng Tây, liệu nó có chết hay không? Còn như không đưa tin kịp thời không chỉ khiến cho người dân bị nạn khó có được sự hỗ trợ kịp thời, hơn nữa còn khiến những người ở nơi không có thảm họa mất hết niềm tin. Có người cho biết: Tối qua ở nhà cha mẹ ăn cơm, phát sóng tin tức kết thúc chưa được bao lâu, người bố và con trai đã có trận cãi vã. Nguyên nhân là con trai đưa video nói về lũ lụt trên điện thoại di động của mình cho ông bố xem. Người bố xem xong nói rằng thông tin nào không được phát sóng trên đài truyền hình trung ương thì đó đều là giả, chớ nên tin theo những lời vu khống xuyên tạc.
Có lẽ, một ngày gần đây nhất đài truyền hình trung ương sẽ nói một chút về lũ lụt ở Quế Lâm, chủ đề chính là cứu trợ, những đợt cứu trợ khiến người xem phải xúc động đến rơi nước mắt. Dù nó có đưa tin hay không thì tôi cũng không quan tâm, dù sao tôi cũng sẽ luôn quan tâm theo dõi thông qua con đường của riêng mình”.