- Mộc Lan
Biên giới Trung – Ấn gần đây càng trở nên căng thẳng. Ngày 15/6, đụng đội dữ dội tại thung lũng Ladakh, Galwan, Ấn Độ thương vong 20 binh sĩ. Nhưng Trung Quốc tránh né công bố số binh lính của nước này bị thiệt mạng. Sau cuộc xung đột, làn sóng tẩy chay hàng hóa từ Trung Quốc dấy lên khắp nơi trên cả nước Ấn Độ.
Truyền thông Ấn Độ News 18 India đưa tin, ngày 18/6, một nhóm người dân tại thành phố cảng Surat, Ấn Độ đã ném chiếc TV do Trung Quốc sản xuất từ tầng hai xuống sân, những người bên dưới chen nhau dẫm đạp lên chiếc TV cho đến khi nó bị hỏng hoàn toàn.
Trên Twitter và các mạng xã hội khác, nhiều cư dân mạng Ấn Độ đã phát động các nhóm thảo luận “Tẩy chay hàng Trung Quốc (#BoycottChina)”
Các cuộc biểu tình của người dân Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc xảy ra trên khắp đất nước. Nhiều người dân đã đốt hàng hóa Trung Quốc ngay trước của hàng của mình và hét lên: “Trung Quốc đáng xấu hổ. Quân đội Trung Quốc đáng xấu hổ. Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc!”
Cư dân mạng Ấn Độ liệt kê các thương hiệu hàng hóa và phần mềm điện thoại Trung Quốc, đặc biệt là phần mềm giải trí Tik Tok đang rất được giới trẻ Ấn Độ yêu thích, cũng bị hô hào xóa bỏ.
Ấn Độ TV (India TV) đưa tin, Liên minh các thương nhân Ấn Độ (CAIT) với 70 triệu thành viên tiểu thương đã liệt kê hơn 3.000 loại sản phẩm Trung Quốc, trong đó có hơn 450 mặt hàng số lượng lớn như mỹ phẩm, giày dép, đồng hồ, vali, đồ chơi, nội thất…và hô hào tất cả người dân Ấn Độ tẩy chay các mặt hàng này.
CAIT cho biết, họ muốn tẩy chay hàng hóa Trung Quốc cho đến tháng 12/2021.
Một số cư dân mạng Ấn Độ cũng đồng thời tweet ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông và giải phóng Tây Tạng.
Để tránh làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tại Ấn Độ, thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc OPPO cũng đã hủy cuộc họp báo giới thiệu sản phẩm mới dự kiến sẽ được phát trực tuyến trên Youtube.
Trong trận xung đột này, phía Ấn Độ thương vong 20 binh sỹ. Ngày 17/6, tờ ANI News Ấn Độ đưa tin, ít nhất 43 binh sỹ Trung Quốc đã thiệt mạng. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với các câu hỏi của giới truyền thông ngày 17/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vẫn tránh né đưa ra thông tin cụ thể về con số thương vong của lính Trung Quốc, mà chỉ nói rằng “Xung đột tay chân nghiêm trọng giữa quân đội biên phòng hai bên dẫn đến thương vong.”
Truyền thông Trung Quốc cũng không có báo cáo liên quan, gây khó hiểu cho ngoại giới.
Một số cư dân mạng đã để lại lời nhắn trên Facebook: “Trong xung đột Trung-Ấn, lính Ấn Độ chết, nước này ngay lập tức công bố tên, liệt kê hồ sơ và phong tặng liệt sĩ; ngược lại, lính Trung Quốc chết, không có tên, thậm chí không có số … Quá bi thương! “
Mộc Lan