Hương Thảo
Trung Quốc đang lợi dụng dịch COVID-19, thực hiện cách tiếp cận ‘chia để trị’ để chinh phục châu Âu và có thể sớm khiến một số quốc gia nhất định “chia tay” với khối EU, một chuyên gia cảnh báo, theo tờ Daily Express.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đang tìm cách chiếm giữ vai trò cường quốc hàng đầu trên thế giới. Trong khi Bắc Kinh vừa mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch virus corona, châu Âu đã bị tê liệt. Với việc EU không thể nhanh chóng hỗ trợ các quốc gia thành viên trong đại dịch virus corona, Trung Quốc đã sử dụng cách tiếp cận “chia để trị” để gia tăng sức ảnh hưởng tại lục địa này.
Trung Quốc đã gửi viện trợ tới Hy Lạp, Ý và một nhóm y tế đến Serbia, khiến Thủ tướng nước này, ông Alexanderar Vucic tuyên bố tình đoàn kết châu Âu không còn tồn tại.
Với việc Trung Quốc đang tìm cách củng cố chỗ đứng tại EU, giáo sư Steve Tsang từ Trường Nghiên cứu phương Đông và Châu Phi, cảnh báo châu Âu hiện đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng do sự đổ vỡ kinh tế gây ra bởi đại dịch virus corona, bên cạnh các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh tại lục địa này.
Trao đổi với tờ Daily, giáo sư Steve Tsang nói:
“Châu Âu đang gặp vấn đề. Và vấn đề nằm ở một số nước Đông Âu. Trung Quốc về cơ bản đang cố gắng tiếp cận theo kiểu ‘chia để trị’ đối với EU. Một số quốc gia EU đang bị dụ dỗ xích lại gần với Trung Quốc và tách ra khỏi các quy tắc thường lệ của Liên minh châu Âu”.
“Và đây là một vấn đề nghiêm trọng”, ông kết luận.
Trong khi viện trợ vật tư ý tế và gửi chuyên gia đến một số quốc gia nhất định trong đại dịch, Bắc Kinh cũng đồng thời theo đuổi Sáng kiến Vành đai và Con đường vào phía đông và trung tâm châu Âu.
Dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường được đề xuất vào năm 2013, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường đầu tư ở gần 70 quốc gia.
Năm 2012, Trung Quốc đã đưa ra một thỏa thuận với 17 quốc gia trung và đông Âu.
Các quốc gia này nằm trên tuyến đầu của kế hoạch Vành đai và Con đường, và đã chứng kiến các quốc gia như Hungary quay sang bắt tay Bắc Kinh sau khi xuất hiện xung đột với Brussels.
Ý, nền kinh tế lớn thứ ba Châu Âu cũng tuyên bố sẽ tham gia dự án này vào năm ngoái, trước khi xảy ra các xung đột với EU liên quan đến dịch virus corona.
Sự bất hòa này là do thiếu sự hỗ trợ từ EU trong đại dịch, khiến 52% người Ý được hỏi trong khoảng thời gian từ ngày 20/3 đến 12/4, tuyên bố Trung Quốc hiện đang là đồng minh lớn nhất của nước này, dù không ý thức được việc Bắc Kinh giấu dịch tại đại lục đã khiến dịch lan ra toàn thế giới.
Trong khi đó, Đức và Pháp bị coi là hai kẻ thù lớn nhất của Ý trong cuộc thăm dò ý kiến từ nhà nghiên cứu thị trường Ý, SWG.
Đối mặt với nỗi lo sợ trước sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khối, trong đề xuất lập gói cứu trợ kinh tế trị giá 500 tỷ euro cho các nước Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của Đức và Pháp, có một yêu cầu cụ thể cho một chính sách công nghiệp nhằm ngăn chặn nguồn đầu tư từ các nước thứ ba.
NATO trong tháng này cũng bày tỏ quan ngại trước sự thống trị và phát triển quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Trong một sự thừa nhận nghiêm túc, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các quốc gia tăng cường liên minh để ngăn chặn mọi mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc.
Mặc dù ông tuyên bố Trung Quốc không phải là kẻ thù, ông yêu cầu một cách tiếp cận thống nhất hơn đối với bất kỳ mối đe dọa bên ngoài nào đối với liên minh.
Ông nói: “Rốt cục, chúng ta cũng phải đứng lên vì một thế giới được xây dựng dựa trên tự do và dân chủ”.
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản đang làm dịch chuyển cán cân sức mạnh toàn cầu, hâm nóng cuộc đua giành quyền bá chủ về kinh tế và công nghệ, nhân rộng các mối đe dọa đối với các xã hội mở và các quyền tự do cá nhân, đồng thời làm gia tăng xung đột đối với các giá trị sống và lối sống của chúng ta”.
“Họ [TQ] đang tiến gần hơn trong lĩnh vực kiểm soát không gian mạng. Chúng ta thấy họ ở Bắc Cực, Châu Phi, chúng tôi thấy họ đang do thám cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta”.
“Và họ hợp tác càng ngày càng nhiều với Nga”.
“Tất cả những điều này mang đến những hậu quả trên bình diện an ninh cho các đồng minh NATO”.