Cuộc chiến của Mỹ đối với nạn trộm cắp công nghệ của Bắc Kinh đã bước sang một giai đoạn mới, khi các trường đại học ở Trung Quốc được bổ sung vào danh sách đen của Washington.
Trong khi những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei, Hikvision và SenseTime từ lâu đã bị hạn chế quyền truy cập vào các công nghệ Mỹ, thì danh sách thực thể – một danh sách các công ty bị nghi ngờ ăn cắp sở hữu trí tuệ và gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia Mỹ – đã được mở rộng sang các cơ sở giáo dục Trung Quốc. Nói cách khác, những “Viện Công nghệ Massachusetts MIT của Trung Quốc” – cách nói ví von những tổ chức giáo dục công nghệ hàng đầu nước này – sẽ chịu ảnh hưởng. Một khi lọt vào danh sách thực thể, các tổ chức giáo dục này sẽ cần đến sự phê duyệt của chính phủ Mỹ trước khi công nghệ Mỹ có thể được bán hoặc chuyển giao cho họ.
Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang phía Đông Bắc Trung Quốc là một cơ sở giáo dục có tuổi đời hơn trăm năm. Trường đại học này vừa bị cắt quyền truy cập và sử dụng một phần mềm kỹ thuật quan trọng, đồng thời kế hoạch liên doanh giáo dục với Đại học Arizona của Mỹ hiện đang bị gác lại, và các chương trình trao đổi học thuật với Đại học California ở Berkeley hiện không còn khả thi, theo thông tin thu được của tờ Nikkei Asian Review.
Vấn đề này nổi lên hai tuần trước khi một bức ảnh chụp các email trao đổi giữa Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và nhà phát triển phần mềm toán học MathWorks có trụ sở tại bang Massachusetts (Mỹ) được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Đáp lại khiếu nại không thể truy cập phần mềm của một người dùng từ Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, MathWorks nói với trường đại học này rằng họ không thể tiếp tục cung cấp sản phẩm do sự thay đổi chính sách của chính phủ Mỹ.
Phần mềm bị phong tỏa truy cập, gọi là MATLAB, được các sinh viên kỹ thuật Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân sử dụng trong các nghiên cứu hàng ngày và trong công việc phòng thí nghiệm.
Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, nằm cách đó không xa, cũng đã bị đưa vào danh sách thực thể của Washington hồi tháng trước.
Hai trường đại học này không còn có thể nhập khẩu thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ mà chưa được sự chấp thuận của Washington. Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm các nhà cung cấp khác bên cạnh Mỹ và thử nghiệm các giải pháp phần mềm mã nguồn mở trong những năm gần đây, các chuyên gia cho biết việc không thể truy cập các công cụ nghiên cứu và phát triển của Mỹ sẽ cản trở công việc của họ.
Căng thẳng chính trị đã phủ bóng lên các cuộc trao đổi học thuật, khi một trường đại học hàng đầu của Mỹ đình chỉ hoạt động trao đổi với các trường đại học Trung Quốc.
“Đối với các tổ chức hiện nằm trong danh sách thực thể, các tổ chức học thuật ở Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xem xét hợp tác”, Paul Triolo, người đứng đầu ban nghiên cứu công nghệ địa chất tại Tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia có trụ sở tại New York, nhận định. “Các tổ chức giáo dục của Mỹ sẽ càng ngày càng phải cân nhắc đến khả năng tổn thất uy tín khi hợp tác với các tổ chức Trung Quốc có dính líu đến các chương trình quân sự của Trung Quốc hoặc các hoạt động gây tranh cãi khác”.
Trong một tuyên bố kèm danh sách thực thể mới nhất được công bố hồi tháng trước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết hai trường đại học Trung Quốc và 22 thực thể khác đã bị trừng phạt vì “tham gia vào các hoạt động gây tổn hại an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Đây là động thái tranh chấp mới nhất trong trận chiến giữa Washington và Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, từ phát triển công nghệ cho đến thị trường tài chính và truyền thông.
Chính phủ Mỹ đã bổ sung thêm 11 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen hồi năm 2018, và 42 (không kể Huawei và tổ chức liên kết với nó) vào năm ngoái, theo Bộ Thương mại Mỹ. 35 thực thể khác đã được bổ sung thêm từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay.
Các trường đại học Trung Quốc đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tham vọng lãnh đạo của Bắc Kinh trên toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh việc bồi dưỡng các nhà khoa học, kỹ sư và lập trình viên lành nghề cho các doanh nghiệp nội địa, họ cũng trực tiếp cung cấp các công nghệ tiên tiến, tối tân.
Dù hầu như không được biết đến bên ngoài đại lục, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân là trường đại học đầu tiên ở Trung Quốc chế tạo được một cỗ máy biết chơi cờ và robot hàn hồ quang. Năm 2015, Viện đã công bố kết quả nghiên cứu về cấu trúc protein trong virus HIV. Nó thậm chí còn đánh bại Viện Công nghệ Massachusetts MIT và Đại học Stanford của Mỹ để giành vị trí dẫn đầu về hai ngành kỹ thuật điện và điện tử, theo danh sách “Các trường Đại học Toàn cầu Tốt nhất” được công bố gần đây của trang US News & World Report.
Câu hỏi đặt ra là liệu những cơ sở giáo dục Trung Quốc mới nổi có thể đi tiên phong mà không cần đến các phần mềm và phần cứng của Hoa Kỳ hay không.
Một nhà nghiên cứu từng làm việc cho Trường Phi hành gia thuộc Viện Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân đã chia sẻ với Nikkei rằng phòng thí nghiệm của ông phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ của Mỹ và việc tìm kiếm một giải pháp thay thế là điều gần như không thể.
“Hầu hết các phần mềm [mô phỏng] là của Mỹ, và không có quốc gia nào khác cung cấp phần mềm tương tự”, nhà nghiên cứu này cho biết. Giống như nhiều người từ trường đại học, nhà nghiên cứu này yêu cầu được giấu tên để có thể chia sẻ cởi mở. Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân là xương sống của ngành công nghiệp du hành vũ trụ Trung Quốc. Trường này đã thiết kế, chế tạo và phóng các vệ tinh của mình và tham gia sâu vào các sứ mệnh không gian chủ chốt của nước này.
Thật khó để nói được bao nhiêu phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân bị gián đoạn công việc bởi lệnh cấm của Mỹ. Nhưng các cuộc phỏng vấn với các học giả và sinh viên từ một số khoa cho thấy các tác động là khá phổ biến.
Một sinh viên ngành kỹ thuật dân dụng nói rằng chỉ riêng trong lĩnh vực của anh, ít nhất hai công cụ quan trọng dùng trong các thiết kế kết nối máy tính và mô phỏng kỹ thuật được cung cấp bởi các hãng phần mềm Hoa Kỳ và việc mất quyền truy cập vào chúng có thể “ngăn cách [sinh viên] khỏi những gì đang diễn ra ngoài kia, và làm chậm quá trình nghiên cứu và phát triển khoa học”.
Không chỉ vậy, khả năng chế tạo các thiết bị y tế tiên tiến của Viện, một ngành công nghiệp ưu tiên trong khuôn khổ chiến lược “Made in China 2025” của Bắc Kinh, cũng đối diện với rủi ro lớn.
Một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật y sinh tại Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân nói với tờ Nikkei rằng phòng thí nghiệm của anh phải dựa vào các bộ chip cao cấp của Mỹ để xử lý các bức ảnh y tế và khó có thể tìm được bộ chip thay thế nào có chất lượng cao tương đương.
“Các công ty Trung Quốc như Huawei cũng đã phát triển bộ chip trí tuệ nhân tạo, nhưng không phải tất cả các sản phẩm của họ đều có chất lượng tương đương, hoặc đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, như các con chip được thiết kế bởi hãng Nvidia của Mỹ”, ông nói thêm. “Đó là thách thức khi phải xây dựng các giải pháp tiên tiến dựa trên phần cứng sản xuất ở nội địa”.
Các sinh viên và học giả từ các trường đại học trong danh sách đen cũng phải đối mặt với sự cô lập ngày càng gia tăng từ cộng đồng khoa học quốc tế. Trên lý thuyết, danh sách thực thể không hạn chế dòng chảy chất xám hai chiều. Nhưng trên thực tế, ít trường đại học Mỹ cảm thấy thoải mái với việc hợp tác với những cá nhân có mối liên kết với các trường đại học đang chịu lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ”.
“Tất cả các chương trình trao đổi học thuật của chúng tôi [với Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và HUE] đã bị hoãn lại”, Đại học California ở Berkeley, cho biết trong một trao đổi bằng email với Nikkei.
Đại học Arizona, vốn có một trường đại học trực thuộc có liên kết với Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, nói với Nikkei rằng họ đang “tìm kiếm giải pháp cho mối quan hệ giữa họ với Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và các thực thể [trong danh sách đen] khác”.
Các cơ sở học thuật hàng đầu khác của Mỹ có các chương trình trao đổi và hợp tác với Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân bao gồm Đại học Illinois ở Urbana-Champaign và Đại học Carnegie Mellon, theo thông tin trên website của các trường.
Kevin Wolf, một luật sư thương mại quốc tế tại hãng luật Akin Gump cho biết hoạt động trao đổi học thuật của các đại học Trung Quốc cũng sẽ gặp trở ngại.
Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại Viện Chính sách Quân sự Rand Corp, cũng đồng tình: “Việc mở rộng các danh sách thực thể sẽ phủ bóng những nỗ lực hợp tác của Mỹ với các công ty và cơ sở giáo dục Trung Quốc”.
Các nhà khoa học Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những trở ngại để có thể đến Mỹ nghiên cứu. Hồi cuối tháng 5, trong một cuộc họp báo “nhanh chóng và giận dữ”, tổng thống Trump đã đưa ra một loạt quyết sách chưa từng có để đối phó với Trung Quốc, bao gồm trục xuất các sinh viên cao học và các nhà nghiên cứu Trung Quốc có mối liên hệ trực tiếp đến các trường đại học liên kết với Quân đội Trung Quốc, nhằm giảm thiểu tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ. Dự tính có ít nhất 3.000 sinh viên sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách này.
Tại Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, sinh viên Trung Quốc cho biết cơ hội học tập tại Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên mong manh.
Một sinh viên cao học nghiên cứu kỹ thuật y sinh cho biết một nghiên cứu sinh trong khoa của anh đã lên kế hoạch tham dự một chương trình trao đổi học thuật ở Mỹ vào năm ngoái, nhưng đã không xin được visa sau sáu tháng trao đổi với Đại sứ quán Mỹ.
“Năm nay, không có sinh viên sau đại học nào nhận được đề nghị [cho chương trình trao đổi] từ các trường đại học Mỹ vì những trường đại học đó đang chịu áp lực từ chính phủ”, nghiên cứu sinh này cho hay. “Mặc dù chúng tôi có thể tham dự các chương trình trao đổi ở châu Âu hoặc ở nơi khác, nhưng hầu như tất cả các sinh viên đều có nguyện vọng trao đổi học thuật ở Mỹ, vì các trường đại học ở đây thực sự nằm ở tốp đầu”.
“Các học giả Mỹ cũng không muốn đến đây (Trung Quốc)”, sinh viên này nói, viện dẫn chính sách xét duyệt ngày càng thắt chặt của Washington là lý do căn bản.
Nghiên cứu sinh này cho biết danh sách thực thể của Mỹ chắc chắn sẽ làm chậm lại công việc của họ, nhưng “danh sách đen vẫn chỉ là bước đầu tiên”.
(Nguồn thumbnail: Sparktour/Wikimedia)