Thùy Dương
Trong những ngày qua, báo chí Pháp nói nhiều đến mối đe dọa của Trung Quốc đối với thế giới. Vậy quá trình vươn mình của Trung Quốc trên trường quốc tế, nhất là cuộc đọ sức với Mỹ diễn ra như thế nào trong những thập kỷ qua?
RFI Việt ngữ lược dịch bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Nadège Rolland, chuyên gia về chính trị và an ninh châu Á, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu châu Á, trụ sở tại Seattle và Washington. Bài viết được đăng trên báo Pháp Libération ngày 26/05/2020.
Sự cạnh tranh giữa chế độ Cộng Sản Trung Quốc và Hoa Kỳ có từ khi nào?
Vào năm 1949, khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời, Mỹ cạnh tranh với Nga nhiều hơn là với Bắc Kinh. Đối với Washington, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã đánh dấu chiến thắng của chủ nghĩa tự do. Sau ba mươi năm theo chủ nghĩa Mao, Trung Quốc là một “chú lùn” về kinh tế, nên thực sự không nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Trái lại, Bắc Kinh coi Hoa Kỳ là đối thủ, vì Mỹ là đại diện của tự do hóa và dân chủ hóa trên toàn thế giới. Trung Quốc quyết định kín đáo củng cố sức mạnh để chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai. Cải cách được đưa ra, với các yếu tố tư bản, nhưng chế độ vẫn giữ quyền kiểm soát.
Việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế giới (WTO) năm 2001 là một đòn bẩy cho Bắc Kinh trên trường quốc tế. Các công ty nước ngoài, bị mê hoặc bởi thị trường Trung Quốc khổng lồ, đã đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Phương Tây tưởng rằng khi họ giúp Trung Quốc hội nhập quốc tế, Bắc Kinh sẽ tự do hóa chính trị và tầng lớp trung lưu mới sẽ đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn. Bắc Kinh cũng đưa ra một số đảm bảo, cho các địa phương nhiều quyền tự do dân chủ hơn. Đã có nhiều căng thẳng song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sau vụ 11/09/2001, Hoa Kỳ bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố và không còn chú ý đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Khi nào Trung Quốc cảm thấy đã đến thời?
Vào năm 2008, Thế Vận Hội Bắc Kinh là một dấu ấn quan trọng. Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đã giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế phương Tây. Đối với Trung Quốc, Mỹ đã bắt đầu suy tàn, kéo theo cả hệ thống tư bản và tự do. Bắc Kinh đàn áp Tân Cương và Tây Tạng, đi những nước cờ ở Biển Đông, thấy rằng Hoa Kỳ và Châu Âu không có bất kỳ phản ứng nào. Đó là chính sách tiến từng bước nhỏ. Vào năm 2012, Tập Cận Bình lên nắm quyền. Nhiệm vụ của ông ta là tăng tốc mọi thứ. Ông Tập đã đề xuất kế hoạch Con đường tơ lụa mới và Made in China 2025, nhằm đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tất cả các lĩnh vực công nghệ.
Hoa Kỳ đã phản ứng ra sao?
Mỹ đã không tính đến sự phát triển của hệ thống chính trị Trung Quốc và tiếp tục coi họ là đối tác thương mại. Thời Obama là thời Mỹ do dự, chần chừ. Mục tiêu của chính quyền Obama không phải là gây ra những cơn sóng, mà là nối lại quan hệ. Vào năm 2015, Tập Cận Bình đã đến California trấn an Mỹ, bảo đảm không có gián điệp mạng. Hai năm sau, chiếc mặt nạ rơi xuống. Năm 2017, ông tuyên bố sự ra đời của một “kỷ nguyên mới”, sự tái sinh của cường quốc Trung Hoa vĩ đại nhất trong lịch sử. Lãnh đạo họ Tập đề xuất với các nước đang phát triển chọn mô hình chuyên quyền Trung Quốc thay cho mô hình dân chủ tự do. Nhiệm kỳ lãnh đạo của ông trở nên không giới hạn.
Liệu có khả năng xảy ra xung đột quân sự Mỹ – Trung?
Kể từ năm 1949, Đài Loan luôn là một vấn đề lớn đối với chế độ Cộng Sản Trung Quốc. Năm 1996, Bắc Kinh đã hướng hàng ngàn tên lửa đến hòn đảo này, còn tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã gửi một tàu sân bay tới eo biển Đài Loan. Ưu thế quân sự của Mỹ là hoàn toàn áp đảo, và ngay cả khi hiện đại hóa trong tất cả các lĩnh vực, Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ. Nhưng châu Á-Thái Bình Dương là sân nhà của quân đội Trung Quốc, và các chiến lược gia của Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách cản trở Hải Quân Mỹ đến khu vực này.
Hoa Kỳ có nhiều căn cứ quân sự trong vùng, nhưng chỉ với vài chục ngàn quân. Trong trường hợp xảy ra xung đột, quân Mỹ sẽ phải vượt qua cả Thái Bình Dương mới đến nơi. Bắc Kinh đang chơi một trò chơi cực kỳ nguy hiểm, nhưng có thể phạm sai lầm khi tính toán. Bởi vì theo Đạo luật quan hệ Đài Loan 1979, Washington vẫn cam kết để bảo vệ hòn đảo. Thực tế là mô hình dân chủ Đài Loan đã nổi bật trở lại trong giai đoạn dịch bệnh, và điều này rất quan trọng đối với công luận Mỹ. Nếu can thiệp vào xung đột, Washington sẽ phải làm rất nhiều công tác chuẩn bị hậu cần, nhưng không phải là không thể.
Khủng hoảng Covid-19 đóng vai trò thúc đẩy?
Mỹ đã bắt đầu thảo luận về “phân ly kinh tế”. Nhưng Covid-19 đã cho thấy Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, kể cả dược phẩm. Hoa Kỳ sẽ không thể tự sản xuất mọi thứ, họ tìm cách xích lại gần các quốc gia mà họ tin tưởng. Nhưng không thể tái lập dây chuyền sản xuất hàng hóa trong ngày một ngày hai. Về phía Bắc Kinh, sự phân ly kinh tế đã bắt đầu. Trong tất cả các lĩnh vực, Trung Quốc đã dần dần hạn chế sự xâm nhập của nước ngoài vào lãnh thổ của mình, trong khi vẫn mở rộng hoạt động trên lãnh thổ các nước khác.
Trung Quốc bao bọc mạng internet bằng bức tường lửa không thể bị xuyên thủng, nhưng lại sử dụng mạng thông tin toàn cầu vì lợi ích của chế độ. Bắc Kinh hạn chế các công ty phương Tây xâm nhập thị trường Trung Quốc, nhưng lại yêu cầu các nước khác phải mở thị trường cho Trung Quốc. Bắc Kinh làm chậm sự lan tỏa của các tư tưởng phương Tây, nhưng ồ ạt truyền bá ý thức hệ của họ để làm suy yếu các giá trị phổ quát. Đã đến lúc phương Tây ngưng mù quáng.
Hậu quả cuộc đấu tay đôi này đối với châu Âu?
Trong thâm tâm, châu Âu hy vọng sẽ được hưởng lợi kinh tế từ Trung Quốc và sự bảo vệ chiến lược và quân sự của Mỹ. Áp lực từ cả hai phía đều rất lớn. Châu Âu sẽ có những lựa chọn khó khăn. Châu Âu từng nghĩ rằng cuộc đấu đang diễn không liên quan trực tiếp đến mình, nhưng dịch bệnh lại cho thấy số phận châu Âu nằm trong tâm cuộc đấu tay đôi của hai người khổng lồ. Châu Âu có liên minh quân sự với Hoa Kỳ, những lợi ích kinh tế và công nghệ cần được bảo vệ và châu Âu cần các đối tác là những chế độ dân chủ và không độc đoán, ít tham nhũng, minh bạch hơn, những quốc gia mà châu Âu chia sẻ hy vọng hòa bình, ổn định và giao thương cân đối.
Toàn cầu hóa đã thu hẹp phạm vi địa lý, và mối đe dọa Trung Quốc hiện đang rất gần. Giờ không còn là lúc ngồi xỗm trên các giá trị căn bản của để tiếp cận thị trường Trung Quốc và nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ. Các nền dân chủ phải hợp tác với nhau để tái liên kết các nền kinh tế, đẩy lùi những bước tiến của Trung Quốc trong xã hội của họ và ở các nước thứ ba. Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian, và điều đó đòi hỏi chúng ta phải có ý chí chính trị mạnh mẽ.