- Xuân Thành
Liên minh châu Âu (EU) đang theo đuổi quan hệ đối tác với Mỹ trong việc “bảo vệ các giá trị và lợi ích chung” của cộng đồng các quốc gia xuyên Đại Tây Dương trước mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). EU đã thức tỉnh trước mối đe dọa từ ĐCSTQ?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 25/6 đã thông báo rằng Mỹ đã chấp nhận đề xuất của Bộ trưởng Ngoại giao EU Josep Borrell về việc thiết lập Đối thoại Mỹ – EU về Trung Quốc với mục tiêu xử lý mối đe dọa do ĐCSTQ đặt ra.
Ông Pompeo hy vọng rằng sáng kiến nhằm bảo vệ “các xã hội tự do của ta, sự thịnh vượng của ta và tương lai của ta” này sẽ được khởi động trong vài tuần tới và sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian dài.
Đương đầu với các mối đe dọa do ĐCSTQ đặt ra không có nghĩa rằng các quốc gia “phải lựa chọn kinh doanh đối đầu với ĐCSTQ” mà là “đặt ra các quy tắc trong đó giao thương phải có đi có lại và công bằng”, ông Pompeo nói.
Cả Mỹ và EU đều có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc. “Đó là một thị trường hơn một tỷ dân”, ông Pompeo nói.
Mặt khác, “Trung Quốc cũng cần thị trường” và họ cũng “cần tiếp cận tri thức và bí quyết của phương Tây”. Tuy nhiên, cả hai cộng đồng ở hai bờ Đại Tây Dương “không còn cho phép ĐCSTQ chi phối các quy tắc, điều khoản và điều kiện của những mối quan hệ này nữa vì chúng là không công bằng đối với người dân chúng ta”, Ngoại trưởng Pompeo nói thêm.
Ông Pompeo dẫn một ví dụ về những hành vi không công bằng của ĐCSTQ là hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ đang xảy ra tại Đức, cũng như khắp châu Âu và Mỹ.
“Những người dân Đức chăm chỉ đã sáng tạo ra tài sản trí tuệ đó, đã làm việc hết sức vì những tài sản trí tuệ đó, tạo dựng nó, bảo vệ nó trong hệ thống của họ, và rồi người Trung Quốc đến và đánh cắp nó”, ông Pompeo nói.
Sự thịnh vượng mà cộng đồng các quốc gia xuyên Đại Tây Dương có được phần lớn là nhờ vào việc bảo vệ tài sản trí tuệ, ông Pompeo nhấn mạnh.
Trong Quốc được tiếp cận thị trường phương Tây theo những cách mà các quốc gia phương Tây không thể tiếp cận thị trường Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ giải thích thêm.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sau hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc diễn ra hồi đầu tháng Sáu, đã nói rằng: “Để cho các mối quan hệ của chúng ta phát triển hơn nữa, thì các mối quan hệ này phải trở nên đối ứng và dựa vào luật lệ hơn nhằm đạt được một môi trường cạnh tranh bình đẳng thực sự”.
“Kinh doanh và hợp tác với Trung Quốc có cả cơ hội và thách thức. Tuy nhiên,… chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta không chia sẻ cùng giá trị, hệ thống chính trị hoặc cách tiếp cận về chủ nghĩa đa phương. Chúng tôi sẽ tham gia theo cách hiểu rõ và chắc chắn, bảo vệ mạnh mẽ những lợi ích của EU và giữ vững quan điểm về các giá trị của ta”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói sau hội nghị EU – Trung Quốc.
Năm 2019, Trung Quốc rớt xuống vị trí thứ ba trong quan hệ đối tác thương mại với Mỹ, trước đó nhiều năm Bắc Kinh luôn là bạn hàng số một của Washington, theo Forbes.
Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc năm 2019 là 106 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc là 452 tỷ USD.
Cũng trong năm 2019, Trung Quốc là đối tác lớn thứ ba của EU về xuất khẩu hàng hóa (222 tỷ USD) và là đối tác lớn nhất của EU về nhập khẩu hàng hóa (407 tỷ USD).
Mối đe dọa từ ĐCSTQ
Ông Pompeo đã mô tả nhiều mối đe dọa do chế độ ĐCSTQ đặt ra có thể thách thức các xã hội tự do.
Một trong những mối đe dọa đó là ĐCSTQ phá vỡ các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, Liên Hiệp Quốc, cũng như cam kết với người dân Hồng Kông.
Chế độ Trung Quốc có kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông, làm xói mòn mô hình “một quốc gia, hai chế độ” vốn đang tạo ra sự khác biệt về chính trị, luật pháp và cơ sở hạ tầng tài chính giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Ông Pompeo nói trong tuyên bố hôm 25/6 rằng nếu được áp đặt, luật an ninh mới sẽ vi phạm “những lời hứa của chính Trung Quốc với người dân Hồng Kông theo Tuyên bố Chung Trung-Anh, một hiệp định đã được nộp lên Liên Hiệp Quốc”.
Những hoạt động kinh tế săn mồi của Trung Quốc như cưỡng chế các quốc gia khác phải sử dụng các dịch vụ 5G của Huawei – “cánh tay nối dài của nhà nước giám sát của ĐCSTQ”, sẽ đe dọa tới các quyền tự do và quyền riêng tư của người dân.
Ông Pompeo cho rằng những vi phạm của ĐCSTQ đối với chủ quyền của châu Âu, “trong đó có việc nạt nộ các công ty như HSBC” cũng nên bị coi là một mối đe dọa.
HSBC (Ngân hàng Hồng Kông Thượng hải), tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Anh Quốc đang hoạt động tại Hồng Kông gần đây đã lên tiếng ủng hộ luật an ninh mới mà chế độ Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông.
Động thái đó của HSBC kéo theo sự chỉ trích của chính phủ Mỹ và Anh Quốc vì ngân hàng này ủng hộ đàn áp bất đồng chính kiến tại Hồng Kông và cũng vấp phải sự chỉ trích của ĐCSTQ vì họ cho rằng HSBC đã lưỡng lự và trì hoãn tuyên bố ủng hộ luật an ninh quốc gia mới, cũng như ngân hàng này trước đó đã nỗ lực hợp tác với Mỹ.
Ông Pompeo cũng đưa ra vấn đề lạm dụng nhân quyền gây sốc đang diễn ra tại Trung Quốc. Theo một báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, chế độ Trung Quốc đã bỏ tù người dân của các cộng đồng thiểu số tôn giáo vào các trại giam giữ tập trung, giết hại các tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng dùng trong ghép tạng, bức hại các luật sư bảo vệ những người bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động của Công giáo không đăng ký, các học viên Pháp Luân Công, và các nhà phê bình chính phủ.
Ngoại trưởng Mỹ nói Trung Quốc cũng tham gia vào các hoạt động quân sự khiêu khích, chẳng hạn như “hung hăng trên Biển Đông, các cuộc đụng độ chết người tại biên giới với Ấn Độ, chương trình hạt nhân không minh bạch, và các mối đe dọa nhằm vào các nước láng giềng ôn hòa“.
EU có thể đương đầu với ĐCSTQ?
Ngoại trưởng Pompeo cho biết EU và Mỹ trước hết cần phải đồng ý về hiểu biết chung đối với những thực tế cốt lõi cấu thành nên mối đe dọa từ ĐCSTQ, và sau đó cả hai mới “có thể bắt đầu hành động”.
Ông Pompeo dự đoán rằng trong cộng đồng doanh nghiệp có thể sẽ có những quan điểm khác về vấn đề này. Họ có thể không muốn đối đầu với ĐCSTQ bởi vì họ đang kiếm tiền tại Trung Quốc và họ sẽ chấp nhận làm ăn kinh doanh tại đây dựa theo những điều kiện do ĐCSTQ đặt ra.
“Tôi không chấp nhận lập luận đó. Không nên có bất kỳ thỏa hiệp nào giữa tự do và độc tài”, ông Pompeo nói.
Ngoại trưởng Mỹ tin rằng châu Âu có động cơ để yêu cầu ĐCSTQ phải hành xử có đi có lại và công bằng. Họ không nên quỳ gối trước ĐCSTQ chỉ bởi vì Trung Quốc là một thị trường tỷ dân.
Mỹ đã yêu cầu ĐCSTQ phải chấm dứt đánh cắp tài sản trí tuệ. Nhóm các nước G7 cũng đã lên án Trung Quốc muốn áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông. Anh Quốc đã phản đối mạnh mẽ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông.
Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc, tập hợp các nhà lập pháp của các nước hai bờ Đại Tây Dương, đã thiết lập mục tiêu cải cách phương thức mà các quốc gia dân chủ tiếp cận Trung Quốc.
Cộng hòa Czech “đã dẫn đầu việc phụ trách khuyến khích các nước” chỉ cho phép các nhà phát triển và cung cấp dịch vụ 5G uy tín tham gia vào mạng lưới hạ tầng di động của họ.
“Mỹ không ép châu Âu phải lựa chọn giữa thế giới tự do và tầm nhìn độc tài của Trung Quốc. Trung Quốc đang phải đưa ra lựa chọn đó…”, ông Pompeo nói.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)