Giới hoạt động Hồng Kông tính lập ‘Quốc hội lưu vong’

Hương Thảo

Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia hôm 1/7 (ảnh: Studio Incendo/Flickr/flickr.com/photos/studiokanu/50068365151/).

Simon Cheng, cựu nhân viên lãnh sự quán Anh, hôm 2/7 nói với Reuters rằng, các nhà hoạt động dân chủ của thành phố đang thảo luận về việc thành lập một quốc hội lưu vong không chính thức để duy trì tinh thần dân chủ, đồng thời gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng sự tự do của Hồng Kông không thể bị bóp nghẹt.

Simon Cheng là một công dân Hồng Kông, từng làm việc cho tòa lãnh sự Anh tại lãnh thổ này. Anh từng bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, tra tấn, vu cáo anh là gián điệp, tham gia kích động tình trạng bất ổn ở Hồng Kông. Hôm 2/7, tờ RTHK đưa tin Cheng thông báo anh đã được chính phủ nước Anh cho tị nạn chính trị. Cheng coi mình là một người vận động cho nền dân chủ Hồng Kông.

Anh Simon Cheng trả lời phỏng vấn của kênh BBC HARDtalk (ảnh chụp màn hình video).

“Một quốc hội lưu vong có thể gửi thông điệp rất rõ ràng tới Bắc Kinh và giới cầm quyền Hồng Kông rằng dân chủ không cần phải chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh”, Cheng nói với hãng tin Reuters tại London. “Chúng tôi muốn thành lập một tổ chức dân sự không chính thức để phản ánh chính xác quan điểm của người dân Hồng Kông”.

Nhà hoạt động Cheng nói rằng, dù ý tưởng này vẫn đang trong giai đoạn ban đầu, nhưng một quốc hội lưu vong như vậy sẽ hỗ trợ cho người dân Hồng Kông và phong trào đấu tranh cho dân chủ tại đây. Tuy nhiên, Cheng không đề cập đến việc khi nào quốc hội sẽ được lập ra.

“Chúng tôi đang phát triển một con đường khác để tranh đấu cho dân chủ”, anh Cheng nói. “Chúng tôi cần phải sáng suốt để đối phó với một chế độ toàn trị đang bành trướng: Họ đang phô diễn sức mạnh để đàn áp, nên chúng tôi cần tinh tế và lanh lợi hơn”.

Anh bày tỏ ngày càng có nhiều người “mất hy vọng rằng xuống đường hay tranh cử sẽ có tác dụng”. “Chúng ta nên sát cánh với người Hồng Kông và ủng hộ những người ở lại Hồng Kông”, Cheng nói thêm.

Bình luận về động thái của chính phủ Anh cho phép 3 triệu người Hồng Kông đủ điều kiện nhận hộ chiếu hải ngoại Anh cùng những người phụ thuộc được định cư ở nước này và có cơ hội nhập tịch, Chen nói: “Anh quốc đã đưa ra tín hiệu rất tốt. Ít nhất hàng trăm ngàn người sẽ đến đây”.

Về việc ngân hàng HSBC ủng hộ luật an ninh quốc gia, anh Cheng cho rằng chính phủ Anh nên nói chuyện với các nhà tư bản lớn của Anh để họ hiểu được tầm quan trọng của dân chủ.

Hôm 30/6, Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông, có hiệu lực ngay trong đêm. Luật hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người vi phạm có thể đối mặt với án tù chung thân.

Động thái của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Hồng Kông cũng như nhiều nước trên thế giới. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1/7 nói rằng luật an ninh Hồng Kông là sự sỉ nhục đối với tất cả các quốc gia và Washington sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị của Tổng thống Trump về việc chấm dứt chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho thành phố này. Nối tiếp động thái của chính phủ Anh, Thủ tướng Scott Morrison hôm 2/7 cho biết Úc đang tích cực xem xét việc cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho cư dân Hồng Kông vì đạo luật hà khắc của Bắc Kinh.

Related posts