Hương Thảo
Luật an ninh Hồng Kông thậm chí còn khủng khiếp hơn những quan ngại ban đầu, theo các chuyên gia pháp lý hôm thứ Tư (1/7).
Họ cho rằng bộ luật mới cấp cho Bắc Kinh những quyền tài phán chưa từng có đối với người dân Hồng Kông, thậm chí đối với mọi người dân trên toàn cầu, theo AFP.
Luật an ninh mới chính thức có hiệu lực tối thứ ba (30/6), 6 tuần sau khi được chính thức thông qua trong một nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung quốc (ĐCSTQ) nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại thành phố bán tự trị này.
“Nếu bạn từng nói bất cứ điều gì có thể xúc phạm [Trung Quốc] hoặc chính quyền Hồng Kông, thì đừng có bén mảng đến Hồng Kông”, ông Donald Clarke, một chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học George Washington (Mỹ), viết trong một bài phân tích.
Một trọng tâm rất đáng chú ý của luật này, ông Clarke nói, là Điều 38, trong đó nêu rõ các hành vi vi phạm luật an ninh quốc gia Hồng Kông, cho dù được thực hiện ở nước ngoài, thậm chí bởi người nước ngoài, vẫn có thể bị truy tố.
Theo đó, Điều 38 của “Luật An ninh Quốc gia” tại Hồng Kông đại khái quy định rằng:
“Những người không có tư cách thường trú tại Đặc khu hành chính Hồng Kông cũng sẽ chịu chế tài của Luật này nếu họ vi phạm Luật này ngoài Đặc khu hành chính Hồng Kông.”
“Thế có nghĩa là: Luật này đang khẳng định quyền tài phán vượt ra ngoài lãnh thổ của nó đối với tất cả mọi người dân trên thế người”, ông Clarke diễn giải.
Như vậy Luật An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ giới hạn thường trú nhân hoặc người Hồng Kông ở Hồng Kông, mà còn mở rộng ra cả cư dân ở nước ngoài và không thuộc Hồng Kông. Bất cứ khi nào ĐCSTQ thấy bất hợp pháp theo chủ kiến của họ là có thể kết tội, điều này đang đe dọa người dân toàn thế giới, Tri Thức VN dẫn nhận định của tờ Epoch Times.
Giáo sư chính trị Andrew Nathan từ Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng, những người nước ngoài ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông cần phải cảnh giác khi đi du lịch quốc tế, tránh những nước mà có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.
Nhà bình luận nổi tiếng Gordon Chang đã viết trên Twitter hôm 30/7 rằng: “Điều 38 kết tội cả hoạt động tại nước ngoài của người nước ngoài”,
Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Anh, đồng sáng lập tổ chức Hong Kong Watch, ông Benedict Rogers cũng viết trên Twitter hôm 30/7:
“Vừa có cuộc phỏng vấn với kênh euronews về Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông.
“Tôi đã nói rằng đây là án tử đối với mô thức “một quốc gia, hai chế độ”, một sự vi phạm rõ rệt hiệp ước quốc tế [của Bắc Kinh với Liên Hiệp Quốc]”.
“Tôi đã nhấn mạnh những nguy hiểm nghiêm trọng có thể xảy đến với người Hồng Kông”.
“Tôi kêu gọi thực hiện chế tài [đối với Bắc Kinh], cử đặc phái viên Liên Hợp Quốc [đến đóng trú ở Hồng Kông], cung cấp phao cứu sinh [cho người Hồng Kông]”
“Tôi đoán tôi đã vi phạm Điều 38 rồi đúng không?”
Phóng viên Bethany Allen-Ebrahimian chuyên về tình hình Trung Quốc của hãng tin Axios cũng viết trên Twitter hôm 30/7:
“Chúa ơi, tôi có nhìn nhầm không đây???? Bắc Kinh mới trao cho họ quyền tái phán đối với … mọi người dân trên thế giới?”
Thượng nghị sĩ Luke de Pulford của Anh, Ủy viên Nhân quyền của Đảng Bảo thủ, cũng viết trên Twitter hôm 30/7:
“Luật này là hoang đường. Điều 38 quy định đối với cả những người không phải người Hồng Kông và ngay cả những người không sống ở Hồng Kông, chỉ cần vi phạm luật này sẽ bị kết tội. Thế thì tôi phạm luật rồi”.
Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) của truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) tại Mỹ nói rằng quy định tại Điều 38 của Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông đã gây sốc cho thế giới, bởi vì theo quy định này thì mọi người trên thế giới đều thuộc phạm vi quản lý của ĐCSTQ…
“Loại điều khoản hoang đường như vậy mà cũng đưa ra được thì chỉ có thể giải thích rằng băng đảng Quốc hội ĐCSTQ làm ra luật này nếu không phải là nhóm người thiểu năng, loại chuyên gia rởm, hoặc giới nghiệp dư hiểu pháp lý mù mờ, hoặc mưu đồ biến “lãnh tụ” [Tập Cận Bình] thành trò cười cho thiên hạ….”, ông viết trên Twitter hôm 1/7.
Nhà biên kịch truyền hình nổi tiếng Hồng Kông Stephen Shiu thì nói rằng ĐCSTQ sẽ tự hoại vì Điều 38:
“Bây giờ tất cả các nước sẽ cảnh báo công dân của họ, vì mọi người đều có khả năng đã ‘phạm pháp’ [của ĐCSTQ] khi ở nước ngoài, có thể bị bắt ở Hồng Kông. Điều này sẽ có tác động lớn đến địa vị trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.”
Tại lễ khánh thành “Văn phòng Dịch vụ trao đổi Đài Loan-Hồng Kông” do Ủy ban vấn đề Đại Lục của Đài Loan tổ chức vào ngày 1/7, Chủ tịch Ủy ban Vấn đề Đại Lục là Trần Minh Thông (Chen Ming-tong) cho biết:
“Đây là một sắc lệnh do Đế quốc Thiên triều ban hành cho người dân trên thế giới”, cả thế giới phải chú ý đến điều này và đối mặt với nó một cách nghiêm túc.
Tại Mỹ, trong họp báo thường kỳ vào thứ Tư (ngày 1/7) Ngoại trưởng Mỹ Ông Pompeo nói rằng Điều 38 của Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông “rất có thể” được ĐCSTQ áp dụng cho người Mỹ. Ông cho rằng luật này là “tàn bạo và là một sự sỉ nhục đối với tất cả các quốc gia”.
Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư (1/7) cũng đã thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng liên quan đến những quan chức Trung Quốc thực thi luật an ninh Hồng Kông.
Trước đó vào hôm thứ Ba (30/6), 27 nước đã cùng ký vào một tuyên bố chung gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc phải xem xét lại luật anh quốc gia Hồng Kông mà Bắc Kinh đã chính thức thông qua.