- Lê Vy
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News vào cuối ngày 6/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đang cân nhắc việc cấm các ứng dụng truyền thông mạng xã hội có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm TikTok.
Trả lời người dẫn chương trình Fox News tối hôm thứ Hai, ông Pompeo tiết lộ chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét việc cấm các ứng dụng truyền thông có nguồn gốc từ Trung Quốc một cách “rất nghiêm túc.”
Ông Pompeo cho hay trước đây với các vấn đề liên quan đến các công ty Trung Quốc như Huawei hay ZTE, Mỹ đã xem xét trong một thời gian dài trước khi kết luận những công ty này là mối nguy hiểm đến an ninh quốc gia.
Vì vậy, đối với các ứng dụng (app) có nguồn gốc từ Trung Quốc, ông Pompeo nói rằng đảm bảo sẽ xử lý đúng đắn vấn đề này.
Ông Pompeo cũng cảnh báo rằng người Mỹ nên cân nhắc khi tải xuống những ứng dụng phổ biến trừ khi họ muốn dữ liệu riêng tư của họ “nằm trong tay Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Tuần trước, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok với lý do lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng. Trong một tuyên bố, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ cho biết các ứng dụng bị cấm “tham gia vào các hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng.”
Tại Úc, một số báo cáo cho hay hiện đã có một số lời kêu gọi về việc cấm Tik Tok. Tuy nhiên, Tik Tok Úc đã đáp trả lại rằng các báo cáo đó “không đáng tin cậy”.
Tik Tok, một trong những ứng dụng điện thoại được tải xuống nhiều nhất trên thế giới, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance.
Thời gian gần đây, ByteDance đã bị cáo buộc có mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và tiến hành các kiểm duyệt các nội dung nhạy cảm với ĐCSTQ trên nền tảng này. Đầu năm nay, một số cơ quan chính phủ Mỹ đã cấm Tik Tok vì lo ngại về an ninh mạng.
Năm ngoái, ứng dụng này đã đưa ra lời xin lỗi công khai sau khi bị buộc tội kiểm duyệt các video kêu gọi vi phạm nhân quyền Trung Quốc. Các cựu nhân viên cũng tố cáo Tik Tok hạn chế nội dung liên quan đến “các chủ đề xã hội và chính trị”.
Về phần mình, Tik Tok nói rằng mặc dù có nguồn gốc Trung Quốc, nhưng nó là một công ty quốc tế hoạt động độc lập với chính phủ Trung Quốc. Công ty khẳng định rằng họ chưa bao giờ nhận được yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc để bàn giao dữ liệu người dùng, và cũng sẽ không làm như vậy trong tương lai.
Ứng dụng Tik Tok là nền tảng truyền thông mạng xã hội Trung Quốc phổ biến nhất tại Mỹ và các nước châu Âu. Theo Sensor Tower, Tik Tok đã được tải về 315 triệu lần trong 3 tháng đầu năm nay.
Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ – Trung vẫn đang leo thang căng thẳng về nhiều vấn đề, bao gồm virus corona, thương mại, công nghệ, Hồng Kông.
Trong một diễn biến liên quan, Tik Tok cho biết họ sẽ rời khỏi thị trường Hồng Kông trong vài ngày tới sau khi Bắc Kinh chính thức thông qua Luật An ninh quốc gia.
Lê Vy