- Đức Thiện
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm (9/7) đã có bài phát biểu đáng chú ý tại Dunmore, bang Pennsylvania, trong đó ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ đã công khai tầm nhìn kinh tế, tuyên bố sẽ “chấm dứt kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản cổ đông”.
“Đã đến lúc phải chấm dứt kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản cổ đông. Lý tưởng về một doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm duy nhất đối với cổ đông của mình là không đúng, đó hoàn toàn là trò hề. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với công nhân, cộng đồng và đất nước của họ”, ông Biden nói tại Pennsylvania.
Bài phát biểu tại Pennsylvania là bước đầu tiên trong nhiều bước đi mà ông Biden sẽ thực hiện trong nhiều tuần tới để công bố chi tiết nghị trình kinh tế mở rộng vượt xa những gì ông đã đề xuất trong các cuộc thảo luận tranh cử sơ bộ.
Thay thế cho “chủ nghĩa tư bản cổ đông”, ông Biden đề xuất một hệ thống toàn diện hơn được xây dựng dựa trên quyền lực của các nghiệp đoàn lao động và dựa trên các cộng đồng “người da đen, da nâu và người Mỹ bản địa”, những người mà cựu phó tổng thống Mỹ cho rằng họ đã bị đẩy ra ngoài sự thịnh vượng kinh tế Mỹ.
Trong bài phát biểu này, ông Biden đặc biệt đề xuất tăng chi tiêu chính phủ 300 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển công nghệ cao như xe điện và mạng di động 5G, cũng như thêm 400 tỷ USD trong chi tiêu liên bang được sử dụng để mua các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ.
Ông Biden gọi đó là mức độ đầu tư “chưa từng thấy kể từ Đại suy thoái và Thế chiến II” và ông nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của ông là mở rộng sự thịnh vượng tới tất cả mọi ngóc ngách khắp nước Mỹ trên cả phương diện chủng tộc và địa lý.
“Khoản tiền này sẽ được sử dụng với mục đích nhằm đảm bảo tất cả người Mỹ đều được hưởng lợi, bao gồm các cộng đồng mà trước đây đã bị bỏ qua: các chủ doanh nghiệp tư nhân da đen, da nâu và người Mỹ bản địa, các thành phố và thị trấn ở khắp nơi”, ông Biden nói.
Cựu phó tổng thống đề xuất phương án bù đắp khoản chi khổng lồ này bằng việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28% từ mức 21% theo chính sách giảm thuế được chính quyền Trump áp dụng từ năm 2017.
Ông Biden cũng nhấn mạnh đến việc mở rộng chương trình chăm sóc y tế Obamacare và chi tiêu nhiều hơn cho lực lượng giáo viên.
Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ nói rằng ông cũng sẽ cố gắng giải quyết “bất cập của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống” và sẽ đưa ra “nghị trình toàn diện về công bằng chủng tộc tại Mỹ”.
Theo New York Times, nhận xét về tầm nhìn kinh tế của ông Biden, chuyên gia kinh tế Stephen Moore – thành viên tổ công tác phục hồi kinh tế của chính quyền Trump nói rằng nghị trình của ông Biden, trong đó bao gồm việc rút lại chính sách giảm thuế doanh nghiệp của chính quyền Trump, sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.
Đức Thiện