Luật An ninh khiến các DN nước ngoài tại Hồng Kông đối mặt với bất an lớn

  • Ngân Hà

Các công ty nước ngoài hoạt động tại Hồng Kông đang phải đối mặt với vấn đề nan giải không chỉ vì các quy định mơ hồ của Luật An ninh quốc gia mới gây tranh cãi, mà còn là việc tuân thủ theo luật này hay ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã áp đặt đạo luật gây tranh cãi này lên Hồng Kông vào đầu tháng 7 sau một năm xảy ra các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Hồng Kông. Luật nhắm đến các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, với mức án tối đa là chung thân.

Theo SCMP, một vài nguồn tin nội bộ trong các công ty và các nguồn tin ngoại giao cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của Luật An ninh đối với hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông.

Tuy nhiên, các từ ngữ mơ hồ và các điều khoản quá rộng của nó đang làm dấy lên nỗi bất an lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Các nhà quan sát cho rằng luật này có thể là một hồi chuông cảnh tỉnh để các doanh nghiệp xem xét lại sự ràng buộc của họ với Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ ngoại giao của Bắc Kinh với phương Tây.

Cụ thể, một số công ty Mỹ đã bày tỏ quan ngại về những hậu quả tiềm tàng của Điều 29.

Điều khoản này quy định một hành vi được xem là tội phạm khi ăn cắp, có được bằng cách mua hoặc cung cấp một cách bất hợp pháp các bí mật nhà nước hoặc tin tình báo an ninh quốc gia cho nước ngoài, thực thể nước ngoài hoặc cá nhân ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, theo Mục 4 của điều khoản này, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào “áp đặt lệnh trừng phạt, hoặc ngăn chặn hoặc tham gia vào các hoạt động thù địch khác” chống Trung Quốc, bao gồm Hồng Kông, đều xem là phạm tội.

“Việc đề cập đến ‘các lệnh trừng phạt’ có thể được hiểu là bao gồm cả việc thực hiện các lệnh trừng phạt được áp đặt bởi một định chế quốc tế hoặc chính phủ quê nhà của công ty đó,” ông Lester Ross, đối tác phụ trách văn phòng Bắc Kinh của công ty luật quốc tế WilmerHale, cho biết.

“Và thuật ngữ ‘các hành động thù địch’ hoàn toàn mơ hồ và không có giới hạn, cho thấy các cá nhân, các công ty và các thực thể khác có thể bị điều tra và truy tố vì một loạt các hoạt động.”

Ông Ross cũng nói rằng thuật ngữ “các bí mật nhà nước” có thể được định nghĩa “rất rộng”.

“Ví dụ, nếu một nhà phân tích tài chính báo cáo thông tin bất lợi về một công ty nhà nước hoặc một nhà báo đưa thông tin về một vụ bê bối, liệu điều này sẽ được coi là ‘những bí mật nhà nước’?” ông đặt câu hỏi.

Mục này sẽ đặt các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các doanh nghiệp Mỹ, vào tình huống khó khăn khi họ áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.

Rạn nứt giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng trở nên sâu sắc kể từ tháng 6 khi Mỹ đình chỉ tình trạng thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông và áp đặt hạn chế thị thực đối với các quan chức ĐCSTQ được cho là chịu trách nhiệm phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua luật vào tuần trước để xử phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức Trung Quốc thực thi luật này.

Theo một nguồn tin ngoại giao, câu hỏi quan trọng hiện giờ là các doanh nghiệp sẽ làm ăn như thế nào với những người và các tổ chức có khả năng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt này – và liệu điều đó có buộc họ phải xem xét lại các chiến lược của họ tại Trung Quốc hay không.

“Sắp tới có thể có nhiều lệnh trừng phạt và hạn chế hơn đối với Trung Quốc,” Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã nói với Fox News vào ngày 6/7 rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang chuẩn bị ban hành một loạt lệnh hành pháp về Trung Quốc, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

“Chúng tôi đang xem xét làm thế nào đảm bảo rằng Trung Quốc phải bị trừng phạt và làm thế nào chúng ta mang sản xuất từ nước ngoài trở về nước để đảm bảo công nhân Mỹ có việc làm,” ông Meadows nói với Fox News.

Ngoài Điều 29, Luật An ninh quốc gia đã gây ra sự chỉ trích rộng rãi, đặc biệt về Điều 38 bao hàm các hành vi phạm tội của người nước ngoài bên ngoài Hồng Kông.  

Ông Donald Clarke, giáo sư luật của Đại học George Washington, nói trong một bài đăng trên blog China Collection rằng luật này khẳng định quyền tài phán ngoài lãnh thổ “đối với mọi người trên hành tinh này.”

Một nguồn tin thương mại nước ngoài nói với SCMP rằng luật này khó có thể khiến xảy ra một cuộc di cư quy mô lớn các công ty ra khỏi Hồng Kông, nhưng các doanh nghiệp sẽ tìm hiểu chặt chẽ các chi tiết của luật “và xem xét bất kỳ khả năng nào để lập các kế hoạch dự phòng”. 

Ngân Hà (theo SCMP)

Related posts