Cụ Phan Châu Trinh có 5 chính sách nhất quán mà sau hơn 100 năm thấy rất khớp với các công trình tổng kết của các học giả hàng đầu thế giới:
1) Khai dân trí: Tạo ra NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ thành phần quan trọng nhất trong 3 nguồn lực hoạt động (trí tuệ, kết nối, vật chất);
2) Hậu dân sinh: tạo ra NGUỒN LỰC VẬT CHẤT;
3) Cụ chủ trương liên kết (qua mở trường, mở công ty phục vụ cho 1) và 2), khuyến khích du lịch, du học, lập hội,… tất cả tạo ra sự giao tiếp nhiều hơn giữa con người) đó chính là tạo ra hay nâng cao NGUỒN LỰC KẾT NỐI thành phần thứ 3 của các nguồn lực hoạt động.
Ba nguồn lực đó tạo thành nền tảng của xã hội (dù dân chủ hay không). Tức là nếu không có phát triển kinh tế (nguồn lực vật chất), không có giáo dục tốt (nguồn lực tri thức) và không có các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức kinh tế và chính trị (để tạo ra nguồn lực kết nối) thì xã hội không phát triển lành mạnh; đấy là cái nền của một xã hội dân chủ. Không có nước dân chủ thật sự nào thiếu ba nguồn lực trên.
Dân chủ hàm ý dân cai trị, cho nên Phạm Toàn đặt tên cho cuốn sách của Tocqueville do ông dịch là NỀN DÂN TRỊ MỸ chính xác hơn cách dịch NỀN DÂN CHỦ MỸ.
4) Chấn dân khí: Cụ Phan chủ trương chấn hưng dân khí, sức mạnh giá trị, tinh thần để xây dựng đất nước. Đó chính là cái các học giả hiện đại thấy rất cần thiết trên tầng văn hoá để thúc đẩy các quyền tự do, các giá trị tự do. Và chính dân khí là động lực mạnh mẽ nhất (trong nhiều động lực khác) thúc đẩy người dân tham gia đấu tranh đòi dân quyền tức là tham gia các phong trào xã hội.
5) Thực thi dân quyền: tham gia vào phong trào xã hội đòi dân quyền, và thực thi các quyền tự do vốn có của mình qua đó nâng “cầu” về các quyền tự do lên cao gây sức ép liên tục 24/7 lên chính quyền (buộc chính quyền tạo ra “cung” về các quyền tự do, tức là ban hành luật pháp đảm bảo các quyền của dân và ép thực hiện các quyền đó trong thực tế). “Cầu” cao mà “cung” thấp thì áp lực lớn, gây căng thẳng và chỉ có cách tăng “cung” để thu hẹp khoảng cách: đó là động học của dân chủ hoá. Khi các quyền chính trị được đảm bảo (tức là có các luật tạo thuận lợi cho dân tham gia chính trị: có quyền tự do lập hội; tự do ngôn luận; tự do báo chí; có quyền bầu cử ứng cử tự do, có các cuộc bầu cử định kỳ, tự do, công bằng và trong sạch;…) thì dân chủ được thiết lập.
Tất cả các chủ trương trên đều có xuất xứ từ cụ Phan Châu Trinh, được đúc kết và sắp xếp lại cho hợp với ngôn ngữ thời nay và các kết quả nghiên cứu của các học giả khắp thế giới về thuyết hiện đại hoá, phong trào xã hôi và dân chủ hoá.
Cũng cần nhắc đến phương pháp đấu tranh của cụ Phan: BẤT BẠO ĐỘNG (bạo động tắc tử) vẫn là lời dạy quý báu cho con cháu chúng ta ngày nay. Bất bạo động cả trong NGÔN TỪ (các chế độ độc tài sử dụng chúng để lấy cớ đàn áp). Rất đáng tiếc nhiều người đã không nghe cụ và sử dụng phương pháp bạo lực. Chúng ta phải nhất quyết theo Cụ Phan, theo phương pháp bất bạo động của cụ. Những nghiên cứu khắp thế giới đã cho thấy phương pháp bất bạo động có cơ hội thành công cao hơn các phương pháp bạo lực rất nhiều, và quan trọng hơn nó đỡ tốn xương máu và làm cho kết quả bền vững.
Tóm lại: Thực thi dân quyền, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh chính là con đường XÂY DỰNG DÂN CHỦ.
Vì con người mắc chứng dễ quên cho nên ngay cả ở các nước đã có dân chủ, thậm chí dân chủ tiên tiến cũng vẫn phải thực hiện 5 chủ trương trên NẾU muốn dân chủ đứng vững và phát triển.
Với các nước chưa có dân chủ như Việt Nam thì càng phải thực hiện tốt 5 chủ trương ấy. Chúng không tách biệt nhau mà tác động qua lại với nhau (theo cách tăng cường lẫn nhau) và tạo thành phần cốt lõi của chiến lược phát triển đất nước, chiến lược dân chủ hoá. Công cuộc này khó khăn, gian khổ và lâu dài. Dài hay ngắn phụ thuộc vào sự tham gia của MỖI CHÚNG TA vào quá trình này. Mỗi người có hoàn cảnh riêng, năng khiếu riêng và có thể tham gia theo cách của mình, trong lĩnh vực của mình.
VÀ CHÚNG TA NÊN HOAN NGHÊNH tất cả sự tham gia như vậy. Chỉ có với tấm lòng bao dung, chấp nhận cách hoạt động khác biệt, ý kiến khác biệt trong khi tham gia thực hiện 5 chủ trương đó của cụ Phan chúng ta mới có thể thành công.