- Minh Nhật
Ngày 10/6/2020, Lực lượng Đối ngoại (Foreign Affairs Task Force) của Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa (Republican Study Committee – RSC) đã công bố một báo cáo với tiêu đề “Chiến lược an ninh quốc gia của RSC: Tăng cường sức mạnh Hoa Kỳ và chống lại các mối đe dọa toàn cầu”, trong đó có 25 trang dành riêng cho các vấn đề liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Báo cáo của RSC đã trích dẫn một báo cáo từ Nhà Trắng vào ngày 20/5: “Sự phát triển kinh tế nhanh chóng và việc hòa vào thế giới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không dẫn đến sự hội nhập với dân chủ, tự do và cởi mở như Hoa Kỳ đã hy vọng… Bắc Kinh công khai thừa nhận rằng họ tìm cách thay đổi trật tự quốc tế để phù hợp với lợi ích và ý thức hệ của ĐCSTQ. ĐCSTQ đang mở rộng việc sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự để ép buộc thông qua các điều kiện có hại đến lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ, và làm suy yếu chủ quyền và nhân phẩm của các quốc gia và cá nhân trên thế giới.”
Để chống lại các mối đe dọa của ĐCSTQ, báo cáo của RSC đã đề xuất nhiều biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế ảnh hưởng của ĐCSTQ và bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Một trong những biện pháp được đề xuất là: “Quốc hội cũng nên yêu cầu Bộ Tài chính áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các lãnh đạo chủ chốt của ĐCSTQ liên quan đến những vi phạm nhân quyền tàn bạo ở Tây Tạng và Hồng Kông bằng cách áp dụng Đạo luật Magnitsky toàn cầu.”
Điều này đã được hiện thực hóa hôm 9/7/2020 sau khi chính phủ Hoa Kỳ áp đặt cấm vận lên 4 quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Tân Cương, và bị Trung Quốc trả đũa bằng các “chế tài tương ứng” nhắm vào 4 quan chức Hoa Kỳ. (Xem bài: Sơ lược về 4 chính trị gia Hoa Kỳ bị Bắc Kinh trả đũa)
Được gần 150 thành viên Quốc hội Hoa Kỳ hỗ trợ, các đề xuất của RSC được coi là “Các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với ĐCSTQ từng được đề xuất”.
Cụ thể hơn, báo cáo của RSC tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến Trung Quốc sau:
1) Hoạt động gián điệp công nghiệp và trộm cắp tài sản trí tuệ;
2) Tội phạm mạng tại các viện nghiên cứu và học viện Mỹ;
3) Che giấu các công ty liên kết với ĐCSTQ;
4) Gây ảnh hưởng chính trị ác ý và các chiến dịch truyền thông tin sai lệch;
5) Nhân quyền và tổ chức quốc tế;
6) Triển khai hiện đại hóa quân sự toàn cầu;
7) Tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ.
Mặc dù báo cáo thừa nhận việc cấm nhập cảnh đối với các thành viên ĐCSTQ có thể dẫn đến những hậu quả chưa lường trước được, nhưng RSC vẫn khuyến nghị: “Nên tính đến các lãnh đạo cấp cao, bao gồm 25 thành viên Bộ Chính trị, 205 Ủy viên chính thức và 171 Ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương, và 2.280 đại biểu của Đại hội toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 19, cùng với vợ/chồng và con cái của họ.”
RSC viết trong báo cáo: “Đối với ĐCSTQ, sự hỗ trợ ra nước ngoài và sự tham gia vào các tổ chức quốc tế là một biện pháp để rao giảng rằng thể chế chính trị và cách phát triển kinh tế của ĐCSTQ là vượt trội so với Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác. Từ đó, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực đối với các quốc gia, công ty và thậm chí cả các cá nhân để buộc họ phải tuân theo hệ tư tưởng của ĐCSTQ.”
Tự do tín ngưỡng cũng gặp nguy hiểm lớn. Báo cáo chỉ ra: “ĐCSTQ cũng đã thực hiện chiến lược ‘Hán hóa’ tất cả tôn giáo, cố gắng kiểm soát và thao túng tất cả khía cạnh của đức tin, buộc đức tin phải tuân theo khuôn mẫu xã hội chủ nghĩa mang đặc trung Trung Quốc.”
RSC đề xuất trừng phạt các lãnh đạo chủ chốt của ĐCSTQ, bao gồm cả “giám đốc của văn phòng liên lạc Hồng Kông Lạc Huệ Ninh và Hàn Chính, một trong bảy Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ.” Báo cáo nêu: “Cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông là một bước ngoặt trong cuộc chiến giữa tự do và độc tài, bởi vì chế độ Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy một biện pháp quản lý khác [thay vì một quốc gia hai chế độ]”.
Ảnh hưởng của ĐCSTQ ra bên ngoài Trung Quốc cũng rất lớn. Báo cáo tiếp tục chỉ ra: “Chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc đã tạo ra nhiều ảnh hưởng, bao gồm cả việc được bổ nhiệm vào các cơ quan như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nơi họ có khả năng xem xét các ứng viên cho các vị trí về nhân quyền quan trọng của Liên Hợp Quốc.” Theo báo cáo của RSC, đây “là ví dụ mới nhất về những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thúc đẩy cái gọi là ‘nhân quyền với các đặc điểm của Trung Quốc’ và định nghĩa lại nhân quyền.”
Do đó, báo cáo của RSC kêu gọi Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Điều hành của Quốc hội về Trung Quốc (CECC) “báo cáo về ảnh hưởng bất thường của Trung Quốc đối với các cơ quan quốc tế trong việc đánh giá lại nhân quyền và truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ, đặc biệt là trong các tổ chức nhận tiền thuế của người dân Hoa Kỳ”.
Như đã thấy trong đại dịch COVID-19, những lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ đã tăng cường kiểm duyệt phương tiện truyền thông và internet, và đã thiết lập một hệ thống giám sát công dân phức tạp. Tuy nhiên không chỉ thế, “Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, với mức đóng góp từ 400-500 triệu USD mỗi năm. Mặc dù vậy, rõ ràng WHO đã giúp che đậy những sai lầm của Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch COVID-19.” Ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc WHO, là một nhà lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, một tổ chức liên quan đến chủ nghĩa Mác và khủng bố. Ông bị cáo buộc là đã che đậy ba lần dịch tả ở Ethiopia trong khi còn là bộ trưởng y tế. Chưa hết, ĐCSTQ đã hỗ trợ ông làm lãnh đạo của WHO năm 2017, và trong thời gian lãnh đạo của ông, một đại dịch toàn cầu đã xuất hiện.
Theo báo cáo của RSC: “Lối suy nghĩ cũ về Trung Quốc đã sai lầm. Một chiến lược chỉ giới hạn trong hội nhập thương mại và kinh tế đã không khiến Trung Quốc trở nên dân chủ hóa hoặc có những hành xử bớt hung hãn hơn. Trái lại, ĐCSTQ ngày càng trở nên độc đoán và hung hăng hơn. Lực lượng Đối ngoại tin rằng Quốc hội phải áp dụng một chiến lược mới, trong đó tìm cách đẩy lùi ĐCSTQ và những nỗ lực làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ của nó, tái lập trật tự thế giới và thúc đẩy một hình thức quản lý thay thế.”
Video chủ tịch RSC, Hạ nghị sĩ Mike Johnson, tóm lược về các chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ do RSC đưa ra:
Theo Minghui.org
Hong Zhong, Wu Yue
Minh Nhật biên tập