- Lâm Trung Vũ
Trong khi “Ngoại giao sói chiến” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở khắp nơi đều bị thất bại, quan hệ Trung-Mỹ đã rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy. Các nước phương Tây đang tăng cường các biện pháp phòng bị và ngăn chặn các công ty Trung Quốc ví dụ như Huawei. Trong khi mặt trận chống ĐCSTQ trên trường quốc tế đang được hình thành thì vào ngày 20/7, “Trung tâm Nghiên cứu Tư tưởng Ngoại giao Tập Cận Bình” lại được ra mắt tại Bắc Kinh. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn tung hô ông Tập là “chiến lược gia vĩ đại”.
Theo truyền thông ĐCSTQ, “Trung tâm Nghiên cứu Tư tưởng Ngoại giao Tập Cận Bình” được thành lập bởi Học viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc do Bộ Ngoại giao ủy thác, tuyên bố điều phối các nguồn lực nghiên cứu quốc gia một cách toàn diện, có hệ thống, đồng thời cũng đi sâu vào nghiên cứu, giải thích, truyền bá và phát huy tư tưởng ngoại giao của ông Tập Cận Bình, đóng vai trò hướng dẫn đối với thực tiễn ngoại giao…
Theo báo cáo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị đã phát biểu công bố việc thành lập trung tâm. Thành phần tham gia gồm có các quan chức lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, Viện Nghiên cứu Tài liệu Lịch sử và Văn kiện Đảng Trung ương cùng các phòng ban khác có liên quan.
Trong bài phát biểu của mình, ông Vương Nghị đã mạnh mẽ ca ngợi ông Tập Cận Bình có “tầm nhìn xa của một chiến lược gia vĩ đại”, giờ đây đã hình thành và xác lập nên “Tư tưởng Ngoại giao Tập Cận Bình” và sau khi thành lập chính quyền ĐCSTQ thì đây là “thành tựu quan trọng tạo ra kỷ nguyên mới”…
Ông Vương Nghị còn nói thêm, mặt trận ngoại giao của ĐCSTQ nên coi việc nghiên cứu tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình là một nhiệm vụ chính trị quan trọng lâu dài.
Khi đưa tin về vấn đề này, hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan cho rằng, mặc dù ông Vương Nghị tung hô mạnh mẽ như vậy, nhưng thời đại ông Tập Cận Bình nắm quyền là thời kỳ mà các phương diện chính trị quốc tế, kinh tế, thương mại và các quan hệ đối ngoại khác của Trung Quốc bị thách thức và bị bài xích nhiều nhất. So với những gì ông Vương Nghị nói, thực tế gần như là một bức tranh ngược lại.
Ví dụ, giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa hoàn toàn yên ổn, ‘gã khổng lồ’ thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei lại bị loại khỏi việc tham gia xây dựng 5G tại Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã đề xuất các biện pháp trừng phạt liên quan đến các vấn đề Tân Cương và Hồng Kông. Ngày 9/7, tham dự diễn đàn trực tuyến nghiên cứu truyền thông Mỹ Trung, ông Vương Nghị cũng nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngoài ra, chiến lược “Một vành đai một con đường” do ông Tập Cận Bình đề xuất năm 2013 sau khi nhậm chức, lại khiến ngoại giới nghi ngờ Trung Quốc đang cố gắng khuếch trương ý đồ về đối ngoại, và thực tế là một số quốc gia đã rơi vào các khoản nợ lớn do việc xây dựng các công trình liên quan. Chính sách thăng cấp sản xuất “Made in China 2025” do Trung Quốc công bố năm 2015, theo đuổi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp không công bằng, và việc lo ngại về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ đã khiến Mỹ phải ra các biện pháp đối phó.
Từ năm 2019, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với Hồng Kông. Tranh cãi về các phương diện nhân quyền “trại tập trung” Tân Cương và cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cùng nhiều nhóm tín ngưỡng tôn giáo khác vẫn đang tiếp diễn. Năm nay, ĐCSTQ lại còn che giấu dịch viêm phổi Vũ Hán khiến đại dịch lan ra toàn thế giới. Những điều này đã khiến Trung Quốc bị quốc tế nghi ngờ và phản đối ngày càng sâu sắc.
Một liên minh chống ĐCSTQ đã được thành lập trên phạm vi quốc tế. Ngày 5/6 năm nay, nhóm các nhà lập pháp cấp cao từ 8 quốc gia dân chủ đã khởi động “Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về chính sách Trung Quốc“. Trong vòng một tuần, liên minh đã mở rộng ra hơn mười mấy quốc gia và hơn 100 chính trị gia cao cấp từ Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Úc, Canada, Đức, Na Uy và Thụy Điển tham gia. Các quốc gia mới được thêm vào là Cộng hòa Séc, Ý, Litva và Hà Lan.
Liên minh này tuyên bố, không một quốc gia nào phải gánh trách nhiệm nặng nề trong việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản và trật tự quốc tế, mà nên hợp tác để cùng nhau đối phó với mối đe dọa to lớn mà ĐCSTQ đặt ra cho thế giới.
Ngoài các quốc gia Âu Mỹ, Trung Quốc cũng gặp ‘hạn’ trong quan hệ ngoại giao với các nước khác như: kế hoạch thăm Nhật của ông Tập Cận Bình trong năm đã bị hoãn; xung đột quân sự đầu tiên sau 45 năm nổ ra ở biên giới Trung-Ấn hồi tháng Sáu; Úc cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G và yêu cầu điều tra độc lập về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, những điều này đã khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi.
Ngoại giới tin rằng ông Tập Cận Bình không còn tuân thủ nguyên tắc che giấu năng lực “thao quang dưỡng hối” (nghĩa là “náu mình chờ thời”) của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, do đó phải đối mặt nhiều hơn các thách thức từ quốc tế. Dưới sự chỉ đạo của loại “tư tưởng” này, các nhà ngoại giao ĐCSTQ đã giành được danh hiệu “sói chiến” vì phong cách cứng rắn của họ.
Tin tức ngày 31/3 của Reuters từng lấy người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, người thường xuyên gây tranh cãi quốc tế làm ví dụ để mô tả thế hệ mới của kiểu “ngoại giao diều hâu” (ngoại giao sói chiến), phá vỡ mô thức ngoại giao truyền thống xưa nay của Trung Quốc.
Tin tức còn trích dẫn lời của nhân vật trong cuộc tiết lộ, sự thay đổi này được thực hiện theo hướng dẫn của ông Tập Cận Bình từ năm ngoái. Trong một lá thư viết tay cho các quan chức ngoại giao, ông Tập Cận Bình đã chỉ thị phải có lập trường cứng rắn hơn và thể hiện nhiều hơn “tinh thần chiến đấu” khi đối mặt với các thách thức từ quốc tế, bao gồm cả quan hệ Mỹ-Trung.
Nhân vật cao cấp trong giới truyền thông Đài Loan, ông Dương Hiến Hoành trước đây đã từng nói, những “con sói” này thực sự là tiền tuyến của “đội quân nói dối”. “Ngoại giao chó sói” độc ác của họ thực ra đang đối mặt với phá sản, và thế giới hiện đang quay lưng lại với ĐCSTQ.
Lâm Trung Vũ