Vũ Dương
Ông Tập phải trấn thủ Bắc Kinh, phòng chuyện không hay xảy ra?
Sau 20 ngày ẩn mình, cuối cùng ông Tập Cận Bình đã công khai lộ diện ở Bắc Kinh. Gần đây, chính quyền tiếp quản Tập đoàn Tomorrow Group nhưng vấp phải sự kháng cự của tập đoàn này, ở Trung Quốc đây là điều rất hiếm thấy. Có quan điểm cho rằng Tập Cận Bình muốn thâu tóm túi tiền của giới chức quyền quý Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông phải trấn thủ Bắc Kinh phòng xảy ra chuyện không may. Hội nghị Bắc Đới Hà đoán chừng sẽ có một trường sóng gió.
Ngày 21/7vừa qua, ông Tập Cận Bình đã có buổi hội nghị chuyên đề riêng với một loạt các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc. Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ sau khi tham dự Hội nghị nghiên cứu tập thể lần thứ 21 của Cục Chính trị của ĐCSTQ vào ngày 30/6.
Điều đáng chú ý là 3 ngày trước khi ông Tập lộ diện (17/7), 9 cơ quan tài chính cốt lõi của Tập đoàn Tomorrow Group do ông Tiêu Kiến Hoa, một trong những người giàu có nhất Trung Quốc đứng đầu, đã được Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc tiếp quản, với thời gian ít nhất là một năm. Tập đoàn Tomorrow Group ngày hôm sau (18/7) đã đưa ra tuyên bố rằng công ty này vẫn luôn chủ động trong việc quản lý tài sản, nhưng cơ quan quản lý điều hành đột ngột can nhiễu công việc của họ. Chính quyền “dồn hết sức thúc đẩy việc tiếp quản”, “Mục đích rốt cuộc là gì?”.
Tuy nhiên, sau thông báo của Tập đoàn Tomorrow Group được đưa ra, các phương tiện truyền thông xã hội có liên quan đã ngay lập tức gỡ bỏ nó.
Trong báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ chỉ ra rằng ở Trung Quốc rất hiếm khi các công ty, nhất là các công ty tư nhân sau khi bị các cơ quan quản lý điều tra và trừng phạt lại công khai thách thức quyết định của chính quyền.
Đằng sau vụ việc được cho rằng có liên quan đến đấu đá nội bộ cấp cao của ĐCSTQ.
Dựa trên nhiều báo cáo truyền thông, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa thành lập Tập đoàn Tomorrow Group vào năm 1999, trong thời gian hơn 20 năm đã phát triển thành một hệ thống tài sản quy mô lớn bao gồm tài chính, công thương nghiệp, bất động sản, dịch vụ thông tấn, năng lượng, Internet cùng nhiều lĩnh vực khác. Trong số đó, có 17 ngân hàng, 9 công ty bảo hiểm, 8 công ty chứng khoán, 4 công ty ký gửi, 3 quỹ đầu tư, 2 công ty hợp đồng tương lai (Futures) và 1 công ty cho thuê tài chính. Năm 2016, những người trong ngành ước tính rằng tổng tài sản của các tổ chức tài chính do Tập đoàn Tomorrow Group kiểm soát cổ phần đã vượt quá 3 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Vào cuối tháng 1/2017, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa đã bị bắt cóc bí mật tại Hồng Kông, sau đó được đưa trở về Trung Quốc. Các bên có liên quan bắt đầu tiến hành thanh lý và xử lý tài sản của Tập đoàn Tomorrow Group.
Quan hệ quan – thương phức tạp của Tiêu Kiến Hoa luôn được ngoại giới bàn tán, ông cũng được xem là một tỷ phú mang trong mình màu sắc thần bí. Ông Tiêu Kiến Hoa bị buộc tội thông đồng với các giới chức quyền quý của phe cánh Giang Trạch Dân và từng phát động một cuộc “đảo chính tài chính” vào năm 2015.
Theo truyền thông Hồng Kông, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa là “găng tay trắng” của Tăng Vỹ, con trai của cựu phó chủ tịch ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng – quản gia có tài sản lớn nhất thuộc phe cánh Giang Trạch Dân. Ông Tiêu Kiến Hoa ít nhất mang trong mình ba tội trạng chính trị như “găng tay trắng của các nhân vật quan trọng trong giới chính trị”, “tài phiệt lũng đoạn chính trị” và “thao túng tài chính và thị trường tương lai”. Sau khi được đưa về Trung Quốc, ông Tiêu Kiến Hoa đã tích cực thú nhận để đổi lấy một hình phạt nhẹ hơn.
Có nhân sĩ thạo tin tiếp cận Trung Nam Hải đã tiết lộ với thế giới bên ngoài rằng trường hợp của ông Tiêu Kiến Hoa là vụ án lớn đứng đầu Trung Nam Hải.
Nhà bình luận truyền thông độc lập Trung Quốc Ngô Đặc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài rằng ông Tập Cận Bình ẩn thân 20 ngày không lộ diện, ngay cả khi miền nam xảy ra lũ lụt lớn như vậy cũng không đến hiện trường “đích thân chỉ đạo” làm bộ đôi chút. Gần đây, ĐCSTQ đã cưỡng chế tiếp quản Tập đoàn Tomorrow Group của ông Tiêu Kiến Hoa, tương đương với việc lấy đi túi tiền của giới quyền quý ĐCSTQ như gia tộc ông Tăng Khánh Hồng, ông Tập phải trấn giữ Bắc Kinh để ngăn xảy ra chuyện bất ngờ.
Ông Ngô tin rằng Tập đoạn Tomorrow Group thách thức công khai là có chỗ chống lưng, bởi Tiêu Kiến Hoa từng là “găng tay trắng” cho nhiều gia tộc đỏ ĐCSTQ, trong đó có gia tộc ông Tăng Khánh Hồng. Các thế lực đằng sau ông ta chắc chắn không cam tâm để cho tài sản của mình bị lấy đi như vậy.
Ông Ngô cho rằng việc tịch thu tài sản của Tập đoàn Tomorrow Group diễn ra ngay trước Hội nghị Bắc Đới Hà, đoán chừng Tập Cận Bình có ý “giữ chặt túi tiền răn đe các nguyên lão”, hù dọa các thế lực chống Tập, bảo họ chớ nhảy ra ngoài sinh sự, nếu không sẽ khiến họ mất trắng cả người lẫn của.
Ông Ngô cho biết, “nhóm người của Tăng Khánh Hồng cũng đã thực hiện một cuộc phản công, vậy nên họ sẽ hỗ trợ Tập đoàn Tomorrow Group đứng ra thách thức. Mặc dù những lời tuyên bố thách thức này cuối cùng đã bị xóa, nhưng đoán chừng sẽ có một phen sóng gió sau Hội nghị Bắc Đới Hà”.
Ông tin rằng “các phe phái khác ngoài phe Tập hiện giờ có thể đã không còn sức để phản công, nhưng tất cả họ đều đang chờ cơ hội đợi khi ông Tập Cận Bình gặp phải rắc rối lớn nắm lấy cơ hội tổng tấn công“.
Tuy nhiên, ông Ngô nói rằng Tập Cận Bình đã xuất hiện tại Hội tọa đàm với các nhà doanh nghiệp và mạnh miệng nói rất nhiều những lời sáo rỗng về phẩm đức của nhà doanh nghiệp. Điều này cho thấy người lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ trước những khó khăn cả trong và ngoài nước đã biểu hiện ra một loại “tâm thái đà điểu”. Rõ ràng là đang trong tình huống nguy hiểm, nhưng lại không nguyện ý nhìn thẳng vấn đề, còn giả vờ bản thân đang dẫn dắt cả dân tộc bước trên con đường phục hưng.