Quý Khải
Tờ The Australian của Úc hôm thứ Hai (27/7) đã đăng một bài xã luận có tựa đề “Các nền dân chủ [toàn cầu] phải đoàn kết chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc”. Dưới đây là toàn văn bài xã luận:
Lời cảnh báo của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, rằng “nếu thế giới tự do không thay đổi, không chịu thay đổi, Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta”, đã cung cấp một bối cảnh sắc nét cho cuộc tham vấn ngoại giao-quốc phòng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) 2020 trong tuần này tại Washington.
Đây sẽ là cuộc họp thứ 30 liên tiếp kể từ khi AUSMIN được thành lập vào năm 1985. Sức mạnh của liên minh Mỹ-Úc đã trở nên minh bạch hơn vào thứ Bảy (25/7) khi Úc ủng hộ Washington chính thức bác bỏ yêu sách trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông vốn không tương thích với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1984.
Động thái này đã gây ra một phản ứng kích động có thể lường trước được từ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tờ báo này đã cảnh báo “những hành động khiêu khích liều lĩnh” của Úc và hăm dọa áp lệnh trừng phạt đối với thịt bò và rượu vang Úc xuất khẩu đến Trung Quốc.
Khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sắp tới có buổi gặp gỡ với Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold, sẽ không có gì có thể che giấu những thách thức đang đè nặng lên hai quốc gia và các nền dân chủ khác, đặc biệt là trong khu vực của chúng ta.
Phát biểu tại Thư viện Richard Nixon ở California hồi tuần trước, ông Pompeo tuyên bố “Nếu chịu khuất phục, con cháu chúng ta có thể phải hứng chịu những hậu quả từ Trung Quốc”.Hồi tưởng lại chuyến thăm Bắc Kinh lịch sử hồi năm 1972 của cựu tổng thống Nixon, vốn đã mở cửa Trung Quốc ra thế giới và cho phép Bắc Kinh trở thành một lực lượng kinh tế lớn mạnh trên toàn cầu, ông Pompeo than thở:
“Hình thức hợp tác mà chúng ta theo đuổi đã không mang tới những thay đổi trong nội bộ Trung Quốc mà Tổng thống Nixon hy vọng sẽ tạo ra. Sự thật là những chính sách của chúng ta và những quốc gia tự do đã hồi sinh nền kinh tế kiệt quệ của Trung Quốc, để rồi Bắc Kinh quay lại lấy oán trả ân”.
Trung Quốc, theo ông Pompeo, đã lợi dụng sự mở cửa “để nói dối, lừa đảo và đi tắt đón đầu đến đỉnh cao quyền lực và thịnh vượng”. Ông đã kêu gọi các quốc gia tự do liên hợp lại để buộc Bắc Kinh thay đổi đường hướng của nó hoặc đối mặt với sự cô lập. Ông nói: “Chính sách hợp tác giữa phương Tây với Trung Quốc không thể tiếp tục như hiện tại”.
Với việc tỷ lệ cử tri ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sụt giảm trong các cuộc thăm dò dư luận, các nhà phê bình coi những ngôn luận thẳng thắn của ông Pompeo như một nỗ lực nhằm vực dậy khối cử tri dân túy của vị Tổng thống Mỹ. Bất kể đó có phải là ý định của Tổng thống Trump hay không, ông Pompeo đã đi đúng hướng khi đối diện với sự hiếu chiến của giới cầm quyền Bắc Kinh.
Kể từ khi công nhận Trung Quốc [trên trường quốc tế], chưa từng có tiền lệ một vị tổng thống Mỹ ra quyết định đóng cửa một cơ sở ngoại giao của Bắc Kinh. Nhưng ông Trump đã làm chính điều đó vào tuần trước khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, trong bối cảnh xuất hiện các cáo buộc quan chức Trung Quốc ăn cắp nghiên cứu y tế và gián điệp công nghệ cùng bí mật thương mại của Hoa Kỳ. Một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ tiết lộ rằng FBI đang điều tra 2000 vụ phản gián mở có liên quan đến gián điệp Trung Quốc.
Có rất nhiều bằng chứng về các hành vi gây hấn của Trung Quốc: các mối đe dọa trả đũa đối với quyết định của Anh trong việc đưa Huawei ra khỏi mạng lưới 5G của nước này và cung cấp chỗ trú ẩn cho công dân Hồng Kông chạy trốn khỏi sự áp bức của Trung Quốc; ở dãy Himalaya, quân đội Trung Quốc đã tấn công quân đội Ấn Độ; và khi 5 tàu chiến của Úc do tàu đổ bộ HMAS Canberra dẫn đầu đến Biển Đông vào tuần trước để tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhật, hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã triển khai chiến đấu cơ đến các đảo tranh chấp ở Biển Đông mà nó có tuyên bố chủ quyền.
Một vấn đề then chốt đối với Úc, như giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings cho biết vào hôm 20/7, là liệu các tàu chiến của Úc có nên tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải trong bán kính 20km từ khu vực đất liền tranh chấp mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền hay không.
Tuần trước, ông Pompeo quy hiện trạng toàn cầu do đại dịch COVID-19 cho người đứng đầu WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, khi nói rằng ông này đã bị “Bắc Kinh mua chuộc”. Tuy nhiên, mối bận tâm nhất của ĐCSTQ lại không phải là với tai họa toàn cầu do con vi-rút gây ra, mà là với lời kêu gọi thấu tình đạt lý và đã nhận được sự ủng hộ toàn cầu của Úc cho một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19.
Trên tờ The Weekend Australian, nhà phân tích chính sách, chiến lược gia Alan Dupont đã chỉ ra rằng các nền dân chủ không phải là đối tượng duy nhất phải đối diện với sự hiếu chiến của Trung Quốc. Ngay cả “Việt Nam anh em và Philippines chư hầu” cũng không thoát khỏi tình trạng bị Bắc Kinh bắt nạt và đe dọa.
Những rủi ro trong việc đối đầu với sự xâm lược của Bắc Kinh là rất lớn. Các nỗ lực cần phải được đẩy mạnh để thuyết phục Bắc Kinh rằng các chính sách đang được Tập Cận Bình theo đuổi cuối cùng sẽ gây thiệt hại to lớn cho chính nó. Không ai muốn một màn leo thang quân sự. Nhưng Bắc Kinh không thể được cho phép tiếp tục lũng đoạn những quy tắc hội nhập với một hệ thống toàn cầu mà nó đang tìm cách phá hủy.