Tòa Lãnh sự TQ tại Houston hỗ trợ kế hoạch gián điệp “ngàn nhân tài”

Sau vụ việc Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán (LSQ) Trung Quốc tại Houston, hôm 24/7, giới chức Mỹ tổ chức một cuộc họp ngắn và đã cáo buộc LSQ Trung Quốc hỗ trợ người tham gia kế hoạch tài năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chỉ dẫn họ ăn cắp thông tin bí mật, tuyển dụng người cho kế hoạch tài năng. Trong khi phía tình báo Mỹ cáo buộc 10 năm qua LSQ Trung Quốc tại Houston đã liên quan đến hơn 50 trường hợp.

LSQ Trung Quốc tại Houston hỗ trợ chương trình tài năng của ĐCSTQ, trong 10 năm đã tham gia vào hơn 50 trường hợp (Ảnh: Epoch Times).

Theo Epoch Times (Mỹ), trong một cuộc họp ngắn ngày 24/7, giới chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ về một cuộc điều tra gian lận của cơ quan chức năng Mỹ, đã phát hiện các quan chức của LSQ Trung Quốc tại Houston tiếp xúc trực tiếp với các nhà nghiên cứu và hướng dẫn họ thu thập những thông tin tại Mỹ, qua đó cáo buộc LSQ tại Houston tham gia thúc đẩy kế hoạch tiến cử người tài của ĐCSTQ. Những chương trình tài năng này (với những điều khoản rất hấp dẫn) đã khích lệ người tham gia đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Giới chức Mỹ đã đề cập đến trường hợp của doanh nhân Thạch Sơn (Shan Shi) tại Houston. Năm ngoái người này đã bị kết tội trộm cắp bí mật thương mại. Công ty CBMI mà doanh nhân này thành lập tại Houston là công ty con của “Công ty Công nghệ Vật liệu mới” (Create Better Materials Future, CBMF)” tại Đại Lục.

Thông tin chỉ ra, Thạch Sơn đã khai thác được người tài từ một công ty ở Houston để đánh cắp tài sản trí tuệ của công ty này, theo mục tiêu phát triển công nghệ mà Trung Quốc (ĐCSTQ) mong muốn.

Cũng theo nguồn tin của Epoch Times, mới đây trong một bài phát biểu tại Viện Hudson vào ngày 7/7, Giám đốc Christopher Wray của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiết lộ rằng Thạch Sơn đã nộp đơn tham gia dự án giới thiệu tài năng là “Chương trình ngàn nhân tài” của ĐCSTQ, đã cam kết sẽ “hấp thu” và “tiêu hóa” khoa học công nghệ tại Mỹ, qua đó cáo buộc người này làm nhiệm vụ tiếp tay cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Quan chức tình báo cấp cao của Mỹ này còn chỉ ra trong 10 năm qua đã có hơn 50 trường hợp liên quan đến LSQ Trung Quốc tại Houston hỗ trợ cho người tham gia chương trình giới thiệu tài năng của ĐCSTQ, họ cũng đang nhắm mục tiêu vào các trung tâm nghiên cứu khác nhau trong khu vực Houston để thu hút nhân sự.

“Trung tâm Ung thư Anderson” tại Houston là mục tiêu quan trọng hàng đầu  

Nguồn tin cho biết, tháng Tư năm ngoái Trung tâm Ung thư Anderson của Đại học Texas (Trung tâm Anderson) ở Houston đã sa thải ba giáo sư, còn hai người khác đã bị điều tra. Cả 5 người đều là người gốc châu Á, trong đó 3 người là người gốc Trung Quốc.

Epoch Times dẫn nguồn tin từ Công ty phát thanh NBC (Mỹ) cho biết báo cáo tổng kết điều tra chỉ ra trong số 5 nhà nghiên cứu này thì có 3 người liên quan đến “Chương trình ngàn nhân tài” của ĐCSTQ và không ai trong số họ tiết lộ mối quan hệ này. Điều tra bao gồm thông tin chi tiết về thanh toán và một số biểu đồ từ trường đại học Trung Quốc, ghi lại cách thức “Chương trình ngàn nhân tài” cung cấp tài trợ cho các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Anderson để có được quyền sở hữu trí tuệ ở đó.

Còn STAT News của tờ The Boston Globe dẫn ý kiến của ông M. Roy Wilson là đồng chủ tịch Ủy ban Tư vấn của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết, một trong những điều kiện quan trọng để được chọn tham gia “Chương trình ngàn nhân tài” là tiếp cận được với quyền sở hữu trí tuệ. Tháng 12/2018 Ủy ban Tư vấn của NIH đã công bố báo cáo của “Chương trình ngàn nhân tài”, một trong những tác giả của báo cáo là Wilson.

Báo cáo cáo buộc ĐCSTQ sử dụng nhiều đãi ngộ hào phóng để thu hút các tài năng công nghệ cao nước ngoài tham gia chương trình, bao gồm trợ cấp một lần 1 triệu nhân dân tệ (RMB), tài trợ nghiên cứu lên tới 5 triệu nhân dân tệ (RMB); ngoài ra còn các lợi ích khác bao gồm nhà ở, trường học và bảo hiểm sức khỏe. Đổi lại, kế hoạch này giúp ĐCSTQ sẽ có được công nghệ cao từ các nước tiên tiến như Mỹ. Những năm gần đây trường hợp này đã xảy ra thường xuyên ở Mỹ, đã khiến FBI đặc biệt quan tâm.

Năm 2018, giáo sư Tạ Khắc Bình (Keping Xie) tại Khoa Tiêu hóa Trung tâm Anderson đã bị FBI và đơn vị liên quan khác điều tra vì cáo buộc tham gia các hoạt động gián điệp, cung cấp dữ liệu khoa học và công nghệ cho ĐCSTQ.

Tạ Khắc Bình cũng tham gia “Chương trình ngàn nhân tài” của ĐCSTQ.

Cảnh giác hơn trong ba năm gần đây

Nguồn tin về cuộc họp ngắn hôm 24/7 mà Epoch Times đưa tin cho biết, giới chức Bộ Tư pháp Mỹ chỉ ra gần đây chương trình thu hút người tài của ĐCSTQ đã trở thành tâm điểm trong hoạt động chấp pháp Mỹ. “Chúng tôi đang chứng kiến ​​nhiều hơn (các vụ án), bởi vì các nạn nhân, đặc biệt là khu vực tư nhân, đã gọi cho chúng tôi (tiết lộ tình hình) và hợp tác với chúng tôi”; “Tôi nghĩ có lẽ họ (tổ chức hoặc công ty là nạn nhân) cảnh giác hơn với các mối đe dọa, vì vậy họ sẽ liên hệ với chúng tôi trước khi nhân viên của họ hành động, ví dụ nhân viên của họ mang tài sản trí tuệ của công ty đến sân bay (để đưa đến Trung Quốc)”, quan chức Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ.

Trong khi một quan chức tình báo cấp cao khác của Mỹ chia sẻ rằng trong 10 năm qua các vụ việc liên quan đến hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng khoảng 1300%. Hiện cơ quan chức năng Mỹ đang thực hiện khoảng 2.000 vụ điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc (ĐCSTQ), trung bình khoảng 10 tiếng là lại vào cuộc với một vụ án mới.

Quan chức tình báo cấp cao Mỹ nêu trên cho biết: “Xưa nay Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn làm điều này, nhưng điều tôi muốn nói là chúng ta chỉ có thể hiểu sâu rộng hơn đối với nỗ lực lập kế hoạch và tuyển dụng nhân tài của họ trong ba năm qua.”; “Chúng tôi đang cố gắng liên lạc nhiều nhất có thể về vấn đề này, để mọi người biết khi nào nên tương tác với chúng tôi, khi nào chúng ta nên để FBI vào cuộc, khi nào họ có thể tự xử lý, giống như bên phía Bộ Tư pháp cho biết hiện có nhiều người đến để chia sẻ về một số vấn đề ảnh hưởng nước ngoài mà họ đã thấy ở trong giới học thuật và một số tổ chức.”

Y Bình/Epoch Times

Related posts