Minh Nhật
“Robert Conquest, nhà phân tích tài ba về chế độ độc tài, từng nói với tôi: Thế giới này hiếm khi muốn tin nhân chứng”, Jay Nordlinger, biên tập viên kỳ cựu của tờ National Review viết trong một bài báo tháng 3/2006 với nhan đề “Một nơi được gọi là Tô Gia Đồn” (A Place Called Sujiatun). Trong những tội ác như Đức Quốc Xã diệt chủng người Do Thái, Liên Xô giết người trong các trại tập trung Gulag, hay Trung Quốc thu hoạch tạng và đàn áp tín ngưỡng, bi kịch lớn nhất không nằm ở bản thân tội ác mà nằm ở chỗ nhân loại thường nhắm mắt làm ngơ trước những thảm kịch ghê tởm đối với đồng loại. Bi kịch lớn nhất trong thế giới này không nằm ở hành động, mà nằm ở lòng người.
“Không bao giờ nữa!”, đó là thông điệp viết trên một tấm bia viết bằng nhiều ngôn ngữ ở trại tập trung Dachau của Đức Quốc Xã. Nó là một khẩu hiệu đẹp cho thấy quyết tâm của nhân loại trước những tội ác chống lại loài người. Nhưng thói đời, khẩu hiệu hầu hết vẫn chỉ là khẩu hiệu…
Sau cuộc diệt chủng Do Thái (1933-1945), nhiều cuộc diệt chủng khác đã diễn ra, như cuộc diệt chủng Bangladesh (1971), cuộc diệt chủng Rwanda (1994), cuộc diệt chủng của ISIS, hay tội ác thu hoạch tạng của ĐCSTQ… Những thảm họa lương tri đó lại diễn ra, và một số ít người sẽ thấy, và rồi tiếng nói của họ có thể sẽ lại chìm vào vô vọng. Cũng giống như một số người đã từng dự đoán được cuộc diệt chủng Do Thái trước Thế Chiến II, họ đã bị bỏ qua, bị chế giễu, bị bắt hoặc bị giết.
Khi nhân loại hứng chịu hết thảm kịch này đến thảm kịch khác, chúng ta hãy ngẫm xem tại sao những thảm kịch nhân tạo như vậy lại có thể lặp đi lặp lại. Jay Nordlinger đã nói bóng gió về nhân tố góp phần gây ra những thảm họa này: “Việc ngại đưa tin về những tội ác ở Trung Quốc của những tờ báo lớn và mạng lưới truyền hình là điều đáng buồn” (“The reluctance of major newspapers and TV networks to report on atrocities in China is a sad subject”).
Thế giới này không thể thoát khỏi vòng xoay nhân quả. Khi con người nhắm mắt làm ngơ trước sự tàn bạo và giết chóc thì rồi sẽ càng có nhiều nạn nhân phải chịu đựng hơn. Sự dung dưỡng chế độ độc tài của nhân loại cuối cùng đã dẫn đến đại dịch COVID-19, khiến hàng chục triệu người nhiễm bệnh và rất có thể hàng triệu người sẽ chết, rất có thể kinh tế thế giới sẽ bước vào một cuộc suy thoái lớn.
Từ Hitler và Stalin…
Timothy Snyder, nhà sử học, cũng là tác giả của cuốn sách “Vùng đất máu: Châu Âu giữa Hitler và Stalin” (Bloodlands: Europe Between Hitler and Stalin) đã trình bày rằng từ năm 1933 tới năm 1945, Joseph Stalin của Liên Xô và Adolf Hitler của Đức Quốc Xã đã sát hại khoảng 14 triệu người vô tội.
Cuốn sách Vùng đất máu của Snyder, đã lật lại cách nhìn nhận giản lược về Chiến tranh Thế giới II là “Đức Quốc Xã xấu, Liên Xô tốt”. Cho dù xung đột về mục tiêu, nhưng cả Hitler và Stalin đều đã tiến hành thảm sát hàng loạt ở Trung Âu và Đông Âu, khu vực mà Synder gọi là “Vùng đất máu”. Những cái chết không liên quan tới chiến tranh ở khu vực đó từ năm 1933 tới năm 1945 lên tới 14 triệu người.
Ông viết trong cuốn sách: “Hitler và Stalin vì thế có chung một nền chính trị chuyên chế nhất định: họ gây ra tai họa, đổ lỗi cho kẻ thù vì sự lựa chọn của họ và dùng cái chết của hàng triệu người làm cái cớ để chứng minh rằng chính sách của họ là cần thiết hoặc được mong muốn. Họ đều có một xã hội không tưởng có tác dụng thay đổi hiện tại, có một nhóm để đổ lỗi khi việc xây dựng xã hội đó bất thành, rồi lại tuyên bố chính sách giết chóc hàng loạt như một loại thế phẩm cho thắng lợi.”
Cụ thể hơn, trong số nạn nhân đó có 3,3 triệu người chết trong các nạn đói ở Liên Xô, 300.000 người trong cuộc khủng bố trên toàn quốc của Liên Xô (700.000 người nếu tính ở các khu vực ngoài “Vùng đất máu”), 4,2 triệu người trong Kế hoạch Xóa đói của Đức ở Liên Xô, và 5,4 triệu người Do Thái ở các trại tập trung (5,7 triệu người nếu tính cả các khu vực bên ngoài “Vùng đất máu”).
Một ví dụ về sự tàn bạo của Liên Xô là hệ thống trại cưỡng bức lao động tàn bạo Gulag. Aleksandr Solzhenitsyn xuất bản một tác phẩm năm 1973, chỉ ra rằng hệ thống trại tập trung Gulag đã bắt đầu từ thời Lenin, là một lỗi mang tính hệ thống trong văn hóa chính trị của Liên Xô và là hậu quả tất yếu của các cuộc vận động chính trị Bolshevik.
Kỳ thực, Đức Quốc xã là quốc gia của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei). Ở phương Tây, nó còn được gọi là Nazi. Cái tên Nazi này lúc đầu gọi đầy đủ là Nazi-Sozi (National Socialism – Chủ nghĩa xã hội quốc gia), xuất phát từ bộ trưởng tuyên truyền của phát-xít khi đó là Goebbels. Sau này, những người cộng sản vì sự nhạy cảm đó mà lược bỏ chữ “Sozi” (Socialism) vốn là danh từ chính, chỉ để lại phần bổ nghĩa “Nazi” (National). Đây chính là nguồn gốc của cái tên Nazi. Ngoài ra, họ còn gọi Đức Quốc xã là phát-xít, cố gắng tách nó khỏi phong trào cộng sản. Thực chất nó là một phần của phong trào cộng sản.
Trong cuốn “Sách đen về chủ nghĩa cộng sản” (The Black Book of Communism), hồ sơ Quốc Hội Hoa Kỳ tiết lộ chủ nghĩa cộng sản đã tàn sát ít nhất 100 triệu người trong các cuộc vận động của nó. Đối mặt với tội ác như vậy, điều nhân loại thường làm vẫn chỉ là im lặng.
… tới Đảng Cộng sản Trung Quốc
Tương tự như chế độ độc tài Đức Quốc Xã hay Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã gây ra cái chết của không biết bao nhiêu người kể từ khi nó lên nắm quyền. Chỉ riêng trong nạn đói lớn (1959-1961) do Đại Nhảy Vọt gây ra, 45 triệu người dân Trung Quốc đã chết.
Stalin từng tuyên bố: “Mỗi cái chết là một thảm kịch, nhưng một triệu cái chết chỉ là một con số thống kê.” Lối tư duy này thậm chí còn được đẩy mạnh hơn nữa ở Trung Quốc cộng sản.
Song song với cuộc vận động Chống Cánh hữu trong lĩnh vực tư tưởng (1957-1959), Mao Trạch Đông còn phát động chiến dịch Đại Nhảy vọt vào năm 1958 với mục đích tăng sản lượng ngũ cốc và sắt thép, lấy đó làm chỉ số chính để đánh giá tình hình phát triển kinh tế. Sản lượng thép năm đó được dự kiến tăng gấp đôi tại các cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 8/1958. Để đạt được mục tiêu này, lò luyện thép được dựng lên khắp nơi ở Trung Quốc, nông cụ và đồ dùng nhà bếp được coi như quặng sắt.
Ở nông thôn, năng suất cây trồng được thổi phồng tới hàng chục, hàng trăm lần so với khả năng thực tế có thể đạt được. Dựa trên sự phóng đại thái quá, nông dân bị ép nộp lượng ngũ cốc lớn cho chính quyền nên không còn lại gì cho bản thân, kết quả dẫn đến tình trạng chết đói trên diện rộng. Vào tháng 3/1959, ĐCSTQ và Quốc vụ viện ban hành chính sách cấm người dân rời nơi sinh sống để tìm đồ ăn. Bất kỳ người nào vi phạm đều bị xử phạt nghiêm khắc.
“Một báo cáo ngày 30/11/1960, và được truyền đi trong các lãnh đạo hàng đầu -trong đó hẳn có cả Mao- nói về một người đàn ông tên Wang Ziyou đã bị cắt một tai, hai chân bị trói bằng dây sắt và bị 10 cân đá rơi vào lưng, rồi bị gí thanh sắt nóng đỏ. Tội của anh ta là: đào trộm một củ khoai tây”, ông Frank Dikötter, một giáo sư tại Đại học Hồng Kông, viết trong một bài báo có tiêu đề “Cuộc Đại Nhảy vọt của Mao” đăng trên New York Times vào tháng 12/2010.
Ông Dikötter đã làm việc ở Trung Quốc từ 2005 đến 2009, và đã khảo sát hàng trăm tài liệu. Một trường hợp khác mà ông đọc được là một cậu bé lấy trộm một nắm ngũ cốc ở một làng của tỉnh Hồ Nam. Một quan chức địa phương tên là Xiong Dechang đã ép cha của cậu bé phải chôn sống cậu. Người cha đã qua đời vì quá đau buồn ba tuần sau đó.
Mao lớn lên ở khu vực nông thôn và biết rõ diện tích đất bao nhiêu thì cho sản lượng là bao nhiêu. Trong một cuộc họp bí mật tại Thượng Hải vào tháng 3/1959, khi có những lo ngại rằng việc trưng thu quá mức có thể dẫn tới nạn đói, Mao đã bác bỏ điều này. Trong biên bản cuộc họp có ghi lại những lời phát biểu của Mao: “Khi không đủ ăn, người ta sẽ chết đói. Thà cho một nửa số người chết để khẩu phần của họ cho nửa còn lại ăn còn hơn.”
Như miêu tả trong cuốn “Nạn đói Lớn của Mao”, ông Dikötter ước tính có ít nhất 45 triệu người đã chết bất thường từ năm 1959 tới năm 1961.
Thảm kịch tiếp diễn dưới chế độ độc tài
Người ta có thể tranh luận rằng Đại Nhảy vọt xảy ra mấy thập kỷ trước đã đi vào lịch sử. Nhưng sự độc hại của ĐCSTQ vẫn tiếp diễn tới ngày nay.
Cách xử lý đại dịch COVID-19 của ĐCSTQ là một ví dụ. ĐCSTQ đã biết đại dịch COVID-19 xảy ra, nhưng bịt miệng các bác sĩ dám lên tiếng. ĐCSTQ đã biết khả năng lây nhiễm từ người sang người nhưng kéo dài thời gian, không công bố cho thế giới biết. Trong khi ĐCSTQ đóng cửa đường bay nội địa, thì các đường bay đến quốc tế vẫn được duy trì, khiến cho dịch bệnh lan rộng khắp thế giới.
Từ 21 và 22/2, Sở Công an tỉnh Hồ Bắc đã ban hành hai công văn với tiêu đề “Báo cáo thường nhật về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh”, chỉ ra rằng ưu tiên hàng đầu của cảnh sát là duy trì ổn định xã hội bằng chiến dịch kiểm duyệt và bóp méo thông tin. Ví dụ, báo cáo ngày 22/2 có nêu “3.295 tin nhắn [trực tuyến] về các chủ đề nhạy cảm đã bị chặn, trên 200.000 tin nhắn mang nội dung tích cực được đăng, 637 tin đồn được điều tra, và 628 cá nhân bị kỷ luật”. Hai báo cáo cũng liệt kê các hành động cụ thể, chủ yếu là kiểm duyệt, giám sát và các biện pháp an ninh khác với mục đích đàn áp ý kiến hoặc hành động không nhất quán với đường lối của ĐCSTQ. Mặt khác, các báo này không đề cập gì tới việc chăm sóc người bị nhốt trong nhà và người cần trợ giúp ra sao.
Cũng giống như Stalin và những kẻ theo chân ông ta, ĐCSTQ không chỉ làm ngơ trước mạng sống của nhân dân mà còn thẳng thừng công kích các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia chỉ trích nó vì che đậy sự bùng phát COVID-19.
Một bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu tuyên bố Trung Quốc cần tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 để chống chọi với những mối đe dọa từ Hoa Kỳ. Tổng biên tập Hồ Tích Tiến kêu gọi ĐCSTQ phải có ít nhất 100 tên lửa chiến lược DF-41 trong kho vũ khí hạt nhân. Với tầm hoạt động xa nhất trên thế giới, từ 12.000 tới 15.000km, loại tên lửa này có thể chạm tới lục địa Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Chu Thành Hổ, một thiếu tướng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kiêm giảng viên của Viện Phòng thủ thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đã phát biểu với tờ The Wall Street Journal vào năm 2005 rằng: “Nếu người Mỹ bắn tên lửa và hỏa tiễn tầm không nhắm vào các khu vực mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc, tôi cho rằng chúng tôi sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho tình huống toàn bộ các thành phố phía Đông Tây An [một thành phố ở khu vực trung tâm của Trung Quốc] bị hủy diệt. Tất nhiên, người Mỹ sẽ phải chuẩn bị cho tình huống hàng trăm thành phố sẽ bị người Trung Quốc hủy diệt”.
Mặc dù gây sốc nhưng những lời này hay lối tư duy như vậy không phải là bất ngờ, nếu xét đến lịch sử tàn bạo từ Đức Quốc Xã, Liên Xô cho tới ĐCSTQ.
Nhân loại còn giữ thói quen im lặng đến bao giờ nữa?
Tại sao trước đây, thế giới không can thiệp vào những thảm kịch do chủ nghĩa cộng sản gây ra? Có nhiều nguyên nhân, trong đó, một nguyên nhân chủ yếu là vì người ta không thể tin được đó là hành động mà một người bình thường có thể làm được.
Năm 1943, nhà ngoại giao Ba Lan Jan Karski đã gặp thẩm phán Felix Frankfurter của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và kể cho ông nghe chi tiết về sự kinh hoàng của cuộc thảm sát người Do Thái. Đặc biệt, Karski đã tận mắt chứng kiến những tội ác của Đức Quốc xã tại một khu ổ chuột ở Warsaw và trạm trung chuyển của Đức Quốc xã ở Ba Lan. Song, thẩm phán Frankfurter đã đáp lại: “Tôi không tin ông”.
Đại sứ Ba Lan tại Hoa Kỳ, Jan Ciechanowski, cũng có mặt tại cuộc họp. Ông giải thích rằng Karski đang nói sự thật nhưng Frankfurter, cũng là một người Do Thái đã đáp lời rằng: “Tôi không nói là ông ta đang nói dối. Tôi nói là tôi không tin ông ta.”
Thảm kịch ở Liên Xô cũng diễn ra tương tự. Gareth Jones, một nhà báo trẻ của Vương quốc Anh, đã sang thăm Liên Xô và ra một thông cáo báo chí khi trở về, trong đó thuật lại những gì đang thực sự diễn ra tại đây.
Đáp lại việc này, Walter Duranty, Chánh văn phòng New York Times tại Moscow (1922-1936), viết một số bài báo lăng mạ Jones và phủ nhận nạn đói. Không ngờ Walter Duranty lại nhận được giải thưởng Pulitzer vì loạt bài báo đưa những thông tin tích cực về Liên Xô này. Nhiều năm sau đó, khi sự thật được phơi bày, đã có nhiều lời kêu gọi thu hồi lại giải thưởng Pulitzer của Duranty. Năm 1990, New York Times, tờ báo đã gửi những bài báo của Duranty đi tranh giải thưởng này hồi năm 1932, đã viết rằng những bài báo phủ nhận nạn đói sau này của Duranty là “một số trong những bản tin tệ hại nhất xuất hiện trên tờ báo”.
Một nguyên nhân khác khiến những thảm kịch này tồn tại là sự che đậy có chủ đích. Chuyến thăm của cựu Thủ tướng Pháp Édouard Herriot tới Kiev vào tháng 8/1933 là một ví dụ được ghi lại trong cuốn “Vùng đất máu” của Snyder: “Một ngày trước khi Herriot tới thăm thành phố này, Kiev đã bị đóng cửa và dân chúng được lệnh lau dọn và trang trí [thành phố]. Cửa sổ của các cửa hàng, vốn trống không suốt năm, bỗng nhiên lại bày đầy thức ăn. Số đồ ăn này chỉ để trưng bày chứ không bán, chỉ để một người ngoại quốc xem… Bất kỳ ai sống hay làm việc trên tuyến đường Herriot dự định đi qua đều bị buộc phải tham dự một buổi diễn tập cho chuyến viếng thăm này, để chỉ cho họ biết phải đứng ở đâu và phải mặc trang phục gì.”
Chuyến viếng thăm này cũng bao gồm một làng trẻ ở Kharkiv. Snyder viết: “Lúc đó, trẻ em vẫn đang chết đói ở khu vực Kharkiv. Những đứa trẻ mà ông ấy gặp đều được chọn trong những cháu nhỏ khỏe mạnh, bụ bẫm nhất. Trang phục mà các em mặc đều được cho mượn vào sáng hôm đó… Các học sinh ăn gì vào bữa trưa? Vị khách người Pháp hỏi, hoàn toàn không có ý mỉa mai. Bọn nhỏ đã được chuẩn bị cho câu hỏi này, và đã đưa ra câu trả lời phù hợp.”
Sau khi trở về, Herriot đã phát biểu trước công chúng rằng các trang trại tập trung của Ukraine Xô-viết là những khu vườn ngăn nắp. Tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô, Pravda, đã nhanh chóng đưa tin về những nhận xét này của Herroit.
Bao nhiêu lần sự thực che giấu bị phơi bày, thì từng đó lần nhân loại không học được một bài học nào hết, kể cả bài học “đừng tin các chế độ độc tài”.
Jay Nordlinger, biên tập viên kỳ cựu của tờ National Review viết trong một bài báo tháng 3/2006 với nhan đề “Một nơi được gọi là Tô Gia Đồn” (A Place Called Sujiatun) rằng: “Và tôi nhớ lại điều mà Robert Conquest, nhà phân tích tài ba về chế độ độc tài, từng nói với tôi: Thế giới này hiếm khi muốn tin nhân chứng”. Jay Nordlinger viết những dòng này sau khi xuất hiện thông tin về việc nội tạng của người tập Pháp Luân Công bị thu hoạch tại Tô Gia Đồn tỉnh Liêu Ninh. “Có lẽ cần 10, 20 hay 30 năm nữa, nhưng thường không sớm hơn”, Jay Nordlinger nhận xét. (Xem bài gốc tại đây)
4 tháng sau đó, tháng 7/2006, ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương và ông David Matas, luật sư nhân quyền Canada, đã công bố báo cáo dài 45 trang, trong đó kết luận: “…Từ năm 1999, chính phủ Trung Quốc và các cơ quan ở nhiều nơi trong nước, nhất là các bệnh viện, và cả các trại tạm giam, toà án nhân dân, đã sát hại một số lượng lớn tù nhân lương tâm Pháp Luân Công, đến nay vẫn chưa rõ số lượng cụ thể. Nội tạng của họ, kể cả tim, thận, gan và giác mạc, gần như bị lấy đi cùng lúc để bán với giá cao, thường là cho người nước ngoài, thường phải chờ đợi lâu để tìm nguồn tạng tình nguyện trong nước.”
Nhưng mà cho đến nay, 14 năm sau báo cáo, với hàng loạt chứng cứ, và việc tội ác thu hoạch tạng lan sang các cộng đồng tín ngưỡng khác như người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Kitô giáo, thậm chí là sau kết luận của một Tòa án Nhân dân uy tín (Xem bài: Tòa án: Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác Chống lại loài người), thì phản ứng của thế giới đối với ĐCSTQ phần lớn cũng chỉ dừng ở “lên án” mà thôi. Lời tiên đoán của Nordlinger năm xưa đã chứng nghiệm…
Khi dẫn chứng từ những bài học lịch sử của Liên Xô, Cộng sản Trung Quốc, Cuba, v.v., Nordlinger nói rằng những thảm kịch như vậy thường bị bỏ ngỏ. Ông viết: “Hy vọng chủ yếu của tôi hiện giờ là độc giả sẽ lướt qua những báo cáo mà tôi đã đề cập đến. Bởi vì, đôi khi, những điều không thể tưởng tượng được cũng cần được suy ngẫm, dù chỉ một chút mà thôi”.
Hy vọng rằng ứng với hình thế bao vây ĐCSTQ đang xuất hiện này, ở Trung Quốc Đại Lục, người dân sẽ tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ; trên thế giới, mỗi từng quốc gia, mỗi từng dân tộc, mỗi từng cá nhân sẽ quay lưng, sẽ phản đối, sẽ bao vây, sẽ góp phần khiến cho ĐCSTQ sụp đổ.
Minh Nhật biên tập