Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc có nhiều tranh chấp hàng hải với láng giềng hơn bất kỳ ai khác

Hương Thảo

Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc có nhiều tranh chấp hàng hải với láng giềng hơn bất kỳ nước nào khác
Phải: (ảnh chụp màn hình Youtube/Guardian News), Trái: (ảnh thumbnail Youtube/ 101 EAST)

Một bài báo gần đây trên tờ shareAmerica – một kênh phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ – tuyên bố rằng nếu một nước nằm sát Trung Quốc, nhiều khả năng nước đó sẽ xuất hiện xung đột lãnh thổ với Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết trong cuộc họp báo ngày 7/8 rằng Bắc Kinh dường như có nhiều tranh chấp hàng hải và lãnh thổ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

“Từ dãy Himalaya, vùng biển thuộc Vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cho đến quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) và những khu vực khác, Bắc Kinh đã liên tục khiêu khích các tranh chấp lãnh thổ [với các quốc gia láng giềng]. Thế giới không nên cho phép những hành vi bá quyền như vậy tồn tại, và hành vi như vậy cũng không nên được phép tiếp tục”, ông nói.

Ngoại trưởng Pompeo cũng cho biết các nước láng giềng Trung Quốc không có niềm tin vào ĐCSTQ sẽ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của họ. 

Dưới đây là một số hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc đối với các nước xung quanh:

Xung đột lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng

Ấn Độ

Ngày 15/6, quân đội Trung Quốc đã khởi phát một cuộc xung đột với Ấn Độ ở khu vực biên giới, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong vòng 45 năm qua.

Lưu vực sông Mê Kông

Theo một báo cáo nghiên cứu dựa trên dữ liệu ảnh chụp vệ tinh được trích dẫn bởi Reuters, vào năm 2019, một con đập đã được xây dọc sông Mekong (còn được gọi là sông Lan Thương ở Trung Quốc) khiến các nước hạ lưu như Việt Nam, Lào và Campuchia lâm vào tình trạng hạn hán ngày càng tồi tệ, mặc dù mực nước thượng nguồn tại Trung Quốc ở mức cao hơn trung bình.

Xung đột hàng hải giữa ĐCSTQ với các nước láng giềng

Trong những tháng gần đây, ĐCSTQ đã quấy rối tàu cá Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở Biển Đông.

Tuy nhiên, yêu sách “đường chín đoạn” do Trung Quốc đề xuất năm 2009 – tuyên bố rằng nước này có quyền tài phán đối với các vùng biển và quần đảo trên Biển Đông, dù không có bất kỳ cơ sở pháp lý rõ ràng nào, và bất chấp việc các vùng nước này nằm gần hơn với đường bờ biển của các nước khác trong khu vực. 

Việt Nam

Ngày 3/4, tàu tuần duyên Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Đây là hành động mới nhất trong một loạt các hành động của Trung Quốc kể từ khi nước này đưa ra yêu sách phi pháp nhằm “nuốt trọn” gần hết Biển Đông vào năm 2009. Kể từ cuối năm 2019, Việt Nam, Philippines và Indonesia đã lần lượt công khai phản đối các tuyên bố chủ quyền hàng hải phi pháp của ĐCSTQ ở Biển Đông.

Nhật Bản

Từ ngày 8 đến ngày 10/5, tàu tuần duyên ĐCSTQ đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku (quần đảo Điếu Ngư ở Trung Quốc) ở Biển Hoa Đông và quấy rối các tàu đánh cá nước này. Theo báo cáo, cảnh sát biển Nhật Bản đã ra lệnh cho tàu Trung Quốc rời đi.

Tháng 6, Nhật Bản cũng cho biết một tàu ngầm Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku, vùng biển này hiện do Nhật Bản quản lý nhưng cũng bị Trung Quốc đòi yêu sách chủ quyền.

Malaysia

Theo báo cáo từ tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á, trong hai tháng 1/2019 và tháng 2/2020, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã can thiệp và quấy rối hoạt động thăm dò năng lượng của Malaysia ở hai mỏ dầu và khí ga ngoài khơi.

Philippines

Kể từ cuối năm 2018, cảnh sát biển Trung Quốc đã quấy rối các tiền đồn của Philippines ở Biển Đông và cản trở nước này nâng cấp cơ sở vật chất trên đảo Thị Tứ.

Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Mỹ cam kết phối hợp với các đối tác và đồng minh để chống lại các hành vi khiêu khích của Trung Quốc. Trong một tuyên bố ngày 13/7, ông cho biết Mỹ chính thức ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016, rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở dựa trên luật pháp quốc tế.

Related posts