- Ngân Hà
Chính sách “chống Trung Quốc” của Ấn Độ đã lan đến lĩnh vực học thuật với việc Bộ giáo dục Ấn Độ đánh giá lại thỏa thuận giữa các trường Đại học Ấn Độ với các viện Khổng tử, đồng thời loại bỏ các lớp tiếng Trung trong các trường trung học.
Tại Ấn Độ, tình cảm “chống Trung” vẫn tiếp tục tăng cao. Đại dịch bùng phát mạnh mẽ ở Ấn Độ trong thời điểm hiện tại đã khiến nhiều người Ấn Độ thêm tức giận với Trung Quốc vì cách nước này che giấu và xử lý COVID-19 khi mới bùng phát, khiến dịch lây lan ra khắp thế giới.
Trong khi đó, căng thẳng do cuộc khủng hoảng biên giới kéo dài ba tháng tại miền đông Ladakh tiếp tục leo thang. Mâu thuẫn gay gắt đã dẫn đến việc Ấn Độ cấm hàng chục ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc, đồng thời có các kế hoạch loại bỏ sự tham gia của các công ty Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực đầu tư quan trọng của đất nước.
Theo SCMP, xung đột Ấn – Trung giờ lan đến cả lĩnh vực học thuật.
Cuối tuần trước, truyền thông Ấn Độ đưa tin Bộ Giáo dục sẽ đánh giá lại hoạt động của các Viện Khổng Tử tại các trường đại học Ấn Độ, cũng như các thỏa thuận hợp tác được ký giữa các tổ chức của Ấn Độ và các tổ chức của Trung Quốc.
Chương trình giáo dục quốc gia mới nhất của Ấn Độ cũng đã loại bỏ tiếng Trung ra khỏi các môn ngoại ngữ dạy cho các học sinh cấp trung học cơ sở.
Các nhà phân tích cho biết Ấn Độ có những lo ngại nghiêm trọng về việc bảo vệ an ninh của mình trong cuộc đối đầu ngày càng tăng với Bắc Kinh.
“Ấn Độ hiện đang tìm cách bảo vệ tốt hơn các lợi ích quốc gia của mình, phải thực hiện tất cả các biện pháp có thể trong mọi lĩnh vực để đảm bảo an toàn cho chính mình,” ông Sriparna Pathak, phó hiệu trưởng của Trường các vấn đề quốc tế Jindal thuộc Đại học toàn cầu OP Jindal, cho biết.
Tuy nhiên, ông Pathak cho biết ảnh hưởng của Trung Quốc tại các trường đại học Ấn Độ không được thảo luận rộng rãi, do đó rất khó nói liệu có các hoạt động bí mật trong giới học thuật Ấn Độ hay không.
Trên thế giới, nhiều nước đang thực hiện việc giám sát chặt chẽ hoạt động của các Viện Khổng Tử vì lo ngại các lớp học có thể được sử dụng như một công cụ chính trị nhằm truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ ở nước ngoài, hay để thực hiện các hoạt động gián điệp.
Bắc Kinh đã bác bỏ mọi cáo buộc và coi đó là một định kiến đối với chương trình ngôn ngữ đơn thuần này. Nhưng nhiều trường đại học tại Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Đức và Thụy Điển đã đóng cửa các viện Khổng Tử vì lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc.
Phản ứng trước thông tin trên, hôm 4/8, bà Ji Rong, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, đã đưa ra một thông báo kêu gọi Ấn Độ đối xử với các Viện Khổng Tử và chương trình hợp tác giáo dục khác giữa Trung Quốc – Ấn Độ “một cách khách quan và công bằng” và “tránh việc chính trị hóa sự hợp tác bình thường”.
“Trong những năm qua, các Viện Khổng Tử đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc dạy tiếng Trung tại Ấn Độ và các chương trình giao lưu trao đổi văn hóa và người giữa Trung Quốc – Ấn Độ. Điều này đã được cộng đồng giáo dục Ấn Độ công nhận,” bà cho biết.
Truyền thông Trung Quốc cũng đăng nhiều bài báo chỉ trích động thái của Ấn Độ. Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), một tờ báo lá cải hiếu chiến đã đăng một bài báo hôm 3/8 với tiêu đề: “Một mục tiêu nhằm đàn áp Trung Quốc? Ấn Độ mượn cớ ‘sự xâm nhập của Trung Quốc’ để xem xét lại các Viện Khổng Tử và sự hợp tác cấp cao hơn.”
Ông Yang Chaoming, người đứng đầu Viện nghiên cứu Khổng Tử của Trung Quốc và là một thành viên của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, cơ quan tư vấn chính trị hàng đầu cho Bắc Kinh, cho biết việc xem xét của Ấn Độ phản ánh sự thiếu hiểu biết về các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới.
“Việc Ấn Độ từ chối và loại bỏ các Viện Khổng Tử một cách mù quáng là một phần trong thái độ chống Trung Quốc của họ. Viện Khổng Tử là cửa sổ để Trung Quốc hiểu thế giới và để thế giới hiểu Trung Quốc. Đóng cửa Viện Khổng Tử là đóng cửa một kênh trao đổi quan trọng. Điều này là một sai lầm rất nghiêm trọng,” ông cho biết.
Ngân Hà (theo SCMP)