Cập nhật tin Covid tại VN: Thêm 296 tử vong; Sài Gòn khẩn cấp xây dựng hệ thống khí oxy

Hiểu Minh

Thêm 4.315 ca COVID-19, 296 ca COVID-19 tử vong

Zing – Tính từ 6h đến 18h ngày 6/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.315 ca nhiễm mới, gồm 4 ca nhập cảnh và 4.311 ca ghi nhận trong nước.

Các bệnh nhân trong nước được ghi nhận nhiều tại TP.HCM (1.497), Bình Dương (847), Long An (573), Đồng Nai (347), Khánh Hòa (269), Hà Nội (115).

Thống kê số lượng ca mắc mới tại từng tỉnh, thành phố trong ngày 6/8 gồm: TP.HCM (4.060), Bình Dương (1.169), Long An (859), Đồng Nai (554), Khánh Hòa (269), Tiền Giang (253), Đồng Tháp (141), Đà Nẵng (138), Hà Nội (116), Tây Ninh (102), Cần Thơ (94), Bình Thuận (66), Vĩnh Long (63), Trà Vinh (62), Bến Tre (52), An Giang (47), Phú Yên (43), Ninh Thuận (25), Gia Lai (24), Nghệ An (21), Bình Định (19), Kiên Giang (17), Đắk Lắk (17), Hà Tĩnh (13), Hậu Giang (12), Lào Cai (11), Quảng Nam (11), Thanh Hóa (9), Thái Bình (8), Ninh Bình (8), Hải Dương (5), Bình Phước (5), Quảng Ngãi (5), Đắk Nông (4), Lâm Đồng (4), Quảng Bình (3), Bạc Liêu (2), Quảng Trị (2), Lạng Sơn (2), Vĩnh Phúc (2), Thừa Thiên Huế (2), Hà Giang (1). Trong đó, 1.486 ca cộng đồng.

Chiều cùng ngày 6/8, Bộ Y tế công bố thêm 296 ca tử vong (mã số 2721 đến 3016) tại 17 tỉnh, thành phố. Đến nay, nước ta đã ghi nhận 3.016 ca tử vong liên quan đến COVID-19, Theo Người lao Động.

Sài Gòn khẩn cấp xây dựng hệ thống khí oxy

Dân Trí – Ông Lê Hòa Bình Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chấp thuận xây dựng hệ thống khí oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 theo trình tự, thủ tục xây dựng công trình khẩn cấp.

Ban Dân dụng và công nghiệp cần khẩn trương phối hợp Sở Y tế xác định quy mô, giải pháp xây dựng hệ thống khí oxy y tế và trình UBND TP.HCM. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp, thi công có đủ năng lực, giá cả hợp lý; thành lập bộ phận có kinh nghiệm trong xây dựng, lắp đặt để điều phối, đảm bảo tiến độ khẩn cấp.

Ông Lê Hòa Bình cũng nhấn mạnh, việc bổ sung hệ thống khí oxy là nhiệm vụ cấp bách, cần hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

Phó thủ tướng: Xem xét cho công nhân đến công ty sản xuất thực phẩm

Tuoitre – Tại buổi làm việc với Công ty Vissan (TP.HCM) ngày 6/8, Phó thủ tướng cho rằng các trường hợp F1, sau cách ly y tế 14 ngày phải tiếp tục theo dõi y tế 14 ngày tại nhà như quy định. Tuy nhiên, với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thực phẩm thiết yếu có thể xem xét ưu tiên.

“Sau 14 ngày cách ly, nếu xét nghiệm âm tính có thể xem xét cho công nhân đến công ty để sản xuất thực phẩm, và tiếp tục theo dõi y tế. Đưa lực lượng y tế trực tại doanh nghiệp để theo dõi, và hỗ trợ khi cần”, ông Đam gợi ý.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành sản xuất quan trọng nhất lúc này là sản xuất dược phẩm, trang thiết bị vật tư y tế, và sản xuất thực phẩm nên các kiến nghị của Vissan không trái chủ trương của Chính phủ. Do đó, các địa phương cần nhanh chóng phối hợp, kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Về thiếu hụt thực phẩm chế biến, theo lãnh đạo Công ty Vissan, lượng thịt tươi sống được đơn vị cung ứng ra thị trường hiện đạt 80% so với bình thường, và dự kiến đạt 100% trong vài ngày tới. Tuy nhiên, nguồn hàng dự trữ cho sản xuất thực phẩm chế biến của đơn vị đang dần cạn, cần sớm có giải pháp.

Trước đó, ngày 28/7, Vissan xin tạm ngừng sản xuất giết mổ do phát hiện 43 ca nhiễm COVID-19 và hàng trăm trường hợp là F1.

Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Quảng Ngãi tử vong

Tienphong – Ngày 6/8, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 tử vong.

Theo đó, bệnh nhân này là ông P.H. (66 tuổi, trú phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ). Bệnh nhân nhập viện ngày 23/7 tại Bệnh viện điều trị COVID-19 số 2 và tử vong lúc 21 giờ ngày 5/8.

Cũng trong sáng nay, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm 5 ca dương tính COVID-19.

Hà Nội ghi nhận 107 ca dương tính COVID-19

VnExpress – Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 46 ca dương tính COVID-19 từ 13h-18h ngày 6/8, liên quan 4 chùm ca nhiễm hiện hành, tổng số ca trong 24 giờ qua lên 107.

Trong số ca nhiễm mới, có 42 người thuộc chùm ho sốt và những người liên quan, hai người liên quan TP.HCM; hai chùm liên quan nhà thuốc 95 Láng Hạ và Tân Mai, Hoàng Mai mỗi nơi một ca. Các ca phân bố tại Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Sơn Tây, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Đông Anh, Phú Xuyên.

Trong chùm ca bệnh ho sốt và những người liên quan, có 24 người ghi nhận tại công trình xây dựng trong Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Sau hai tuần áp dụng Chỉ thị 16, Chiều 6/8 Hà Nội thông báo tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6h ngày 23/8.

Tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 trên địa bàn là 1.645, không tính số ca nhiễm ghi nhận tại các bệnh viện tuyến trung ương.

Hà Nội giãn cách xã hội thêm 15 ngày, tìm người đến hàng loạt địa điểm

Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày để phòng chống dịch (ảnh: VTC News).

Sau hai tuần áp dụng Chỉ thị 16, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6h ngày 23/8. Chiều 6/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình (TP. Hà Nội) thông báo tìm người đến hàng loạt địa điểm.

Báo VnExpress đưa tin, chiều 6/8, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện về nội dung trên, yêu cầu thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; triển khai chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; người dân “ai ở đâu ở đó” để đảm bảo khống chế sự lây lan dịch bệnh.

Điểm mới của công điện lần này thành phố đưa ra các khái niệm “vùng xanh; vùng da cam và vùng đỏ” kèm theo các biện pháp tương ứng.

Để ứng phó với diễn biến mới của dịch, cơ quan y tế được giao triển khai thử nghiệm việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu dưới sự giám sát của ngành y tế; chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao nhất có thể cho điều trị, đảm bảo đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.

Các cơ quan chức năng rà soát và trưng dụng các khu nhà ở, cơ sở giáo dục, công trình xây dựng… đủ điều kiện để làm nơi thu dung người nhiễm Covid-19 (không triệu chứng), với công suất chuẩn bị 30.000 giường và tiếp tục rà soát để có thể nâng công suất lên 50.000 giường khi cần thiết.

Chính quyền các các cấp, các ngành chủ động phương án để bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, mất ổn định thị trường.

Quyết định trên của Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh những ngày qua số ca mắc mới trên địa bàn trung bình từ 50 đến 70 ca mỗi ngày; trong đó có nhiều ca lây nhiễm cộng đồng, phát sinh tại các điểm, môi trường nguy cơ cao như chợ đầu mối, siêu thị…

Related posts