Từ năm ngoái, hai dự án sản xuất chip do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã thuê hơn 100 quản lý và kỹ sư kỳ cựu của công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) – nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, theo nhiều nguồn thạo tin nói với Nikkei Asian Review.
Các nguồn tin cho biết việc tuyển dụng này nhằm giúp Bắc Kinh đạt được mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip trong nước, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Cụ thể, công ty sản xuất vi mạch Quanxin ở Tế Nam (QXIC) và công ty sản xuất chất bán dẫn Hongxin Vũ Hán (HSMC) đã tuyển dụng mỗi bên hơn 50 nhân viên cũ của TSMC. Ngoài ra cả hai công ty này đều được lãnh đạo bởi các cựu giám đốc điều hành của TSMC với uy tín lâu năm trong giới sản xuất chip. Các công ty này đang nhắm đến việc phát triển công nghệ sản xuất hai loại chip 12 và 14 nanomet. Mặc dù công nghệ của hai dự án này đi sau TSMC hai đến 3 thế hệ nhưng vẫn là những công nghệ tiên tiến nhất tại Trung Quốc, theo Nikkei.
HSMC và QXIC được thành lập lần lượt vào năm 2017 và 2019 trong bối cảnh nhu cầu trong ngành bán dẫn Trung Quốc bùng nổ, nhất là khi Bắc Kinh muốn ưu tiên việc tự cung tự cấp trong các lĩnh vực công nghệ then chốt vốn đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng với Washington.
Theo SEMI, một tổ chức công nghiệp, Trung Quốc tự hào có nhiều nhà máy sản xuất chip mới hoặc đã lên kế hoạch thành lập nhất thế giới, và dự kiến sẽ đứng đầu các quốc gia khác trong việc chi tiêu mua thiết bị sản xuất chip trong năm 2020 và 2021.
Nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của nước này, Công ty Sản xuất chất bán dẫn Quốc tế do nhà nước hậu thuẫn, gần đây đã tăng chi tiêu lần thứ hai trong năm nay lên đến 6.7 tỷ USD cho năm 2020. Họ cũng tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy liên doanh với Khu Phát triển Công nghệ – Kinh tế Bắc Kinh, một khu công nghệ cao của nhà nước. Đây là một tín hiệu nữa cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty sản xuất chip.
Chính vì vậy, điều này đã làm dấy lên việc cạnh tranh và săn lùng các tài năng hàng đầu một cách dữ dội.
TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, nên họ đã trở thành mục tiêu quan trọng nhất mà các dự án sản xuất chip của Trung Quốc nhắm đến để lôi kéo nhân tài, các nguồn tin nói với Nikkei.
Công ty Đài Loan này là nhà cung cấp quan trọng cho các tên tuổi công nghệ hàng đầu trên thế giới như Apple, Huawei, Qualcomm và Google. Năng lực sản xuất của họ đã vượt qua cả Intel, công ty sản xuất chip khổng lồ của Mỹ, vốn từng đứng đầu ngành trong một thời gian dài.
“HSMC đã đề nghị một số gói lương bổng đáng kinh ngạc, cao gấp 2,5 lần so với tổng lương và thưởng của TSMC cho những nhân tài mà họ muốn lôi kéo về làm việc,” một nguồn tin biết rõ vấn đề cho biết.
Cũng theo các nguồn tin, việc này đã khiến TSMC rất lo ngại, mặc dù việc tổn thất một số tài năng có thể chưa ảnh hưởng ngay lập tức đến vị thế đầu ngành của họ. Điều công ty quan ngại là các bí mật thương mại của họ có thể bị chuyển giao cho các công ty mới nổi Trung Quốc. Họ thậm chí đã yêu cầu các nhân viên ký một bản cam kết mới là họ sẽ không bán bất kỳ thiết bị nào được chế tạo theo yêu cầu TSMC cho các công ty Trung Quốc.
TSMC cũng cảm thấy không thoải mái khi QXIC bắt đầu vận hành một cơ sở nghiên cứu và phát triển nằm gần nhà máy hiện đại nhất chuyên sản xuất loại chip 5 nanomet của công ty đặt ở phía nam Đài Loan, một người biết rõ vấn đề nói với Nikkei.
“Trung Quốc đã trở nên rất thông minh và hiện giờ họ chỉ nhắm vào những tài năng trong ngành làm việc tại các công ty đầu ngành, và TSMC là mục tiêu hàng đầu của họ,” một chuyên gia “săn đầu người” lâu năm yêu cầu giấu tên do sự nhạy cảm của vấn đề nói với Nikkei.
Trước đó, Nikkei đã đăng tin cho biết Đài Loan đã mất hơn 3.000 kỹ sư về chip cho Trung Quốc.
Mặc dù TSMC có thể là mục tiêu hàng đầu của các công ty Trung Quốc, nhưng các công ty sản xuất chip khác cũng có thể đứng trước nguy cơ chảy máu chất xám.
Một giám đốc điều hành trong ngành chip nói với Nikkei rằng “nhà sản xuất chip khổng lồ TSMC có thể không cảm thấy tổn thất ngay lập tức khi họ mất 100 nhân viên, nhưng một số nhà sản xuất chip nhỏ có thể sụp đổ nếu họ mất vài chục nhân viên”.
“Tất cả các chính phủ châu Á, bao gồm cả chính phủ Đài Loan cần phải nghĩ ra những cách hiệu quả để giữ lại nhân tài bởi vì Trung Quốc có thể sử dụng thị trường vốn lớn của mình, trợ cấp của chính phủ và những gói lợi ích hậu hĩnh để thu hút các nhân tài. Chúng ta không thể trông đợi nhân viên của chúng ta mãi mãi trung thành với công ty nếu chúng ta không cung cấp đủ các ưu đãi và cơ hội cho họ”.
Ông Dan Wang, một nhà phân tích công nghệ của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho biết các công ty sản xuất chip Trung Quốc có thể thuê một số lượng lớn các kỹ sư Đài Loan và Hàn Quốc từ cấp thấp cho đến cấp điều hành. “Họ đề nghị những gói lương bổng hậu hĩnh và cơ hội thăng tiến cho các kỹ sư, những người sẽ có ít cơ hội thăng tiến nếu ở lại công ty đang làm,” ông Wang cho biết.
Tuy vậy, các dự án này của Trung Quốc cũng đang gặp phải những vấn đề riêng của mình. Mặc dù họ đã thuê được một số nhân tài hàng đầu, nhưng việc xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất chip từ đầu vẫn là một thách thách cực kỳ to lớn. Các nhà quan sát thị trường và các giám đốc điều hành trong ngành cho biết muốn thành công đòi hỏi phải có một nguồn cung cấp nhân tài liên tục, kinh nghiệm dày dặn, quá trình học hỏi lâu dài, và nguồn tài chính dồi dào.
Ông Roger Sheng, nhà phân tích ngành bán dẫn của công ty nghiên cứu Gartner, cho biết: “Nhân tài về ngành chip của Trung Quốc cực kỳ hiếm bởi vì họ đang xây dựng nhiều dự án lớn cùng một lúc. Việc không có đủ nhân tài sẽ trở thành một thắt nút cổ chai cho việc phát triển chất bán dẫn. Các dự án sản xuất chip Trung Quốc phải đấu tranh với nhau để thuê mướn nhân tài và bồi dưỡng tài năng đó, đặc biệt trong lĩnh vực vi điện tử. Điều này thật sự mất rất nhiều thời gian. Không phải dễ dàng chỉ cần thuê một số lãnh đạo và sau đó bất thình lình họ có thể xây dựng và vận hành các nhà máy sản xuất chip hiện đại như vậy.”
Công ty HSMC đặt tại Vũ Hán, gần đây cũng phải đối mặt với một số vấn đề về vốn bởi họ không nhận đủ sự hỗ trợ tài chính ngay lập tức từ các nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Công ty này có kế hoạch xây dựng một dự án trị giá 128 tỷ nhân dân tệ (18,4 tỷ USD) để sản xuất loại chip 14 nanomet vào năm 2022 và cũng có một lộ trình công nghệ để phát triển loại chip 7 nanomet hiện đại hơn, nhưng các kế hoạch này hiện nay có thể phải trì hoãn bởi vì đại dịch virus corona, các nguồn tin nói với Nikkei.
Các nhà đầu tư của công ty HSMC bao gồm chính quyền địa phương và một nhà phát triển bất động sản tại tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Theo các nguồn thạo tin, các nhà đầu tư này không có kiến thức về ngành sản xuất chip và “điều này cũng có thể trì hoãn việc phát triển.”
Phản hồi về yêu cầu bình luận của Nikkei, TSMC nhấn mạnh về cam kết bồi dưỡng lực lượng lao động tài năng của mình.
“Nhân viên là tài sản quan trọng nhất của TSMC. Chúng tôi cam kết cung cấp cho nhân viên một môi trường làm việc tích cực và thách thức, và cơ hội phát triển nghề nghiệp lâu dài. … Tỷ lệ thôi việc hàng năm của chúng tôi chưa đến 5% trong những năm gần đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để giữ lại và bồi dưỡng đội ngũ tài năng nội bộ của mình.”
Công ty này cũng cho biết họ sẽ thực hiện “các hành động thích hợp” để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
“Với tư cách một công ty, TSMC hoàn toàn cạnh tranh trong khuôn khổ luật pháp. Chúng tôi không vu khống các đối thủ cạnh tranh và chúng tôi tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các công ty khác. Tương tự như thế, chúng tôi hy vọng các nhà cung cấp của chúng tôi và các công ty khác tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của TSMC và chúng tôi sẽ thực hiện các hành động bảo vệ thích hợp,” TSMMC cho biết.
Ngân Hà, theo Nikkei Asia Review