Lê Trọng Hiệp
Lê Khả Phiêu – người làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từ 1997 đến 2001 – đã qua đời sáng sớm ngày 7.8.2020, thọ 89 tuổi.
Phiêu chính là chính ủy Trung đoàn 9, đơn vị chủ lực trong chiến dịch trận tấn công vào Huế Tết Mậu Thân. Là người nắm quyền sinh sát tại cố đô này trong vòng 26 ngày đêm thì trực tiếp hay gián tiếp, Phiêu phải chịu phần nào trách nhiệm trong vụ thảm sát người dân vô tội tại đây.
Thời Phiêu nắm đỉnh cao quyền lực cũng là thời Cộng sản Việt Nam (CSVN) ký Hiệp định Biên giới với Bắc Kinh, dẫn đến làn sóng phản đối dữ dội, kết án rằng CSVN Hà Nội đã cắt đất dân cho Tàu.
Lúc này lại có tin đồn Trung Quốc dùng gái để gài bẩy Phiêu.
Nay chúng ta nhắc lại đôi ba việc về Phiêu, cũng là những việc “điển hình” trong cách “ăn ở” giữa những “đồng chí” CSVN với nhau.
Ghế tổng bí thư: lên và xuống
Việc Phiêu lên làm tổng bí thư cũng là chuyện đầy bât ngờ, sau khi Đỗ Mười đã bị “hạ” giữa nhiệm kỳ, trong Hội nghị Trung ương Đảng (khoá VIII) năm 1993.
Cuối năm 1997 Lê Đức Anh và Đỗ Mười bị ép về hưu giữa đường và cả hai chỉ chịu rút lui với điều kiện Trần Đức Lương và Lê Khả Phiêu lên thay (Lương chủ tịch, Phiêu tổng bí thư), và phải cho cả hai vị trí danh dự “Cố vấn Trung ương đảng”. Cả hai nghĩa rằng mình sẽ nắm thóp được Phiêu trong vai trò “ông cố vấn”.
Trong hồi ký bị cấm Làm người là khó – Làm người xã hội chủ nghĩa còn khó hơn, tác giả Đoàn Duy Thành -, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại – viết về việc Đỗ Mười bị xuống để Lê Khả Phiêu lên:
“Nhất là anh Phạm Văn Đồng biết rất rõ anh Mười… Sau này tôi mới hiểu một chi tiết nhỏ, là anh Mười làm thêm khóa thứ hai Tổng Bí thư, anh Tô (Phạm Văn Đồng) phản ứng rất gay gắt. Tuy thế phản ứng của nhà lãnh đạo có tầm cỡ, nhà hiền triết, nhà ngoại giao cũng khác những người khác. Anh đã nói với 5 đồng chí là cấp tướng, nếu anh Mười không chịu thôi giữa nhiệm kỳ các đồng chí phải tham gia “hạ” anh Mười xuống… Việc này qua cơ quan nắm tin tức, anh Đỗ Mười đã được báo cáo lại.”
‘Tôi lại thăm anh Mười. [..]. Anh kể cho tôi nghe, cuộc họp Trung ương giữa nhiệm kỳ này, anh xin nghỉ. Tôi hỏi ai thay, anh bảo tôi: “Lê Khả Phiêu”. Rồi anh giới thiệu quá trình của anh Lê Khả Phiêu, có đoạn đáng lưu ý và buồn cười với sự giới thiệu và giải thích này “Cậu Phiêu nó chiến đấu ở Bình Trị Thiên được rèn luyện 14 năm. Nó lên có thể giữ được hai khóa. Còn bảo nó hủ hóa thì mấy người còn hủ hóa quá nó!”…
Cùng bị hạ với Mười là Lê Đức Anh, trao ghế chủ tịch nước cho Trần Đức Lương. Nhưng Anh và Mười, đã xoay xở để biến cái chức “Cố vấn” chỉ mang tính danh dự của mình thành một vị trí “hữu danh hữu thực”.
Nhưng do hay cố vấn với thái độ kẻ cả nên năm 2001 Phiêu đâm cáu, ra lệnh giải tán Ban cố vấn, thực sự cho Anh và Mười về vườn. Thế là Anh và Mười tìm cách lật Phiêu để trả thù.
Tác giả Đoàn Duy Thành kể:
‘Đại hội 9, trong thời gian chuẩn bị nhân sự đại hội, tôi biết có nhiều phức tạp. Bộ Chính trị mời một số cán bộ cao cấp đến tham khảo ý kiến về nhân sự, trước khi đến họp tôi lại thăm anh Mười. Anh nói nhiều chuyện về nhân sự. Khi nói đến Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, anh Mười nói: “Cậu Phiêu bây giờ gái nó nắm hết rồi. Có đứa là CIA. Kỳ này phải thay người khác…” Tôi đã định nói một câu, nhưng suy đi nghĩ lại sợ anh Mười phật lòng, nên tôi không nói nữa. Câu tôi định nói là: “Nay chắc anh Lê Khả Phiêu hủ hóa hơn mấy người trước?”. Tôi thấy rất buồn, cán bộ chủ chốt không đào tạo, không qui hoạch, thay đổi vội vàng thì lòng Đảng không yên, lòng dân yên sao được?
Trong việc thay anh Lê Khả Phiêu, tôi đến dự hội nghị được một đồng chí cho biết: có một cán bộ thân với anh Mười, hỏi anh Mười sao lại làm như vậy. Anh Mười trả lời: “Nó lật tôi, tôi lật lại”.’
Để lật Phiêu, Mười rêu rao chuyện Phiêu “bị gái nắm” còn Anh thì lạm dụng sự khù khờ của Phiên trong nghề tình báo.
Gã khờ tình báo!
Để đối phó với Tổng cục II của Anh, Phiêu cho thành lập cơ quan điệp báo gọi là A-10, thế nhưng ông tướng chính trị này bị Anh chơi bằng đòn “gậy ông đập lưng ông”.
Số là khi làm chủ tịch nước (1992 – 1997) Anh đã lũng đọan nền nội chính bằng cách nâng Cục 2 (Cục quân báo) của Bộ quốc phòng thành Tổng cục II (TCII), có quyền hạn vượt qua cả bộ Quốc phòng vì làm việc thẳng với Bộ Chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của Đặng Vũ Chính thuộc phe Anh, TC II đẻ ra các vụ gián điệp ma như Sáu Sứ, gây nhiễu về Võ Nguyên Giáp, bịa ra vụ T4, cho biết TCII cài người vào CIA và phát hiện đảng viên cao cấp làm việc cho Mỹ, trong đó có cả Trương Tấn Sang!
Không ai có cách nào để phối kiểm tin của TCII cả nên Phiêu cùng Phạm Văn Trà (đại tướng, bộ trưởng quốc phòng) và Phạm Thanh Ngân (thượng tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội) bàn cách thành lập “Tổ A10”, bao gồm TCII, Cục bảo vệ an ninh, Tổng cục chính trị để “phối kiểm tin địch, tránh tình trạng mạnh ai nấy báo”. Phiêu cử Trà làm tổ trưởng A10 nhưng Trà từ chối, đề cử Ngân.
Nhưng Phiêu khờ tới mức giao Vũ Chính (lãnh đạo TC II – bố vợ của Nguyễn Chí Vịnh, tay chân đắc lực của Anh) soạn kế hoạch. Khi Chính nộp bản sơ thảo “Quyết định 234”, Phiêu thấy Chính đề bạt quyền hạn của A10 quá lớn nên sửa chữa nhiều chỗ, trong đó có phần “Theo dõi thượng cấp” và “Theo dõi lực lượng cấp tiến trong và ngoài quân đội”.
Nhưng Chính chơi Phiêu: viết lại thành 1 bản chính như Phiêu đã sửa chữa nhưng phụ lục hướng dẫn thì để nguyên rồi trao cho Ngân thông qua.
Cẩu thả, chỉ xem bản chính không xem phụ lục, Ngân ký rồi chuyển cho Phiêu duyệt.
Cẩu thả, Phiêu cũng ký ngay, không xem phụ lục và khi ký ghi chức danh là “Bí thư quân uỷ TƯ để đối phó với Tổng cục II của Anh” chứ không ghi “Thay mặt Quân uỷ TƯ”.
Chính đem văn bản này “dâng” cho Anh và Anh để yên, chỉ chờ đến khi đảng họp bàn vấn đề nhân sự mới tung ra làm át chủ bài, lên án Phiêu “lộng quyền, độc đoán, phạm nguyên tắc không qua tập thể Quân Uỷ TƯ”. Xa hơn, Anh quy chụp Phiêu tội “chủ trương theo dõi cán bộ cao cấp, cán bộ trong và ngoài quân đội” và “nâng quan điểm” rằng Phiêu có ý “theo dõi cả Bộ chính trị, mang ý định âm mưu lật đổ”.
Anh đòi phải kỷ luật, buộc Phiêu phải từ chức ngay.
Vấn đề nổ lớn và Bộ chính trị triệu tập Hội nghị TƯ. Tại đây Phiêu phải vất vả tìm lại bản thảo có những đoạn đã gạch mà Chính không chịu sửa và được một số người bảo vệ. Phe bảo vệ cho là Phiêu là chỉ “sơ hở về hành chính” chứ không “phạm nguyên tắc”. Đồng thời cũng cho là Phiêu không độc đoán mà vẫn có họp Thường vụ đảng uỷ quân sự TW khi quyết định thành lập A10 gồm Phiêu, Trà, Ngân. Nhưng khổ thân Phiêu, khi Anh tấn công Phiêu thì Trà lại ậm ừ, ngồi im, để một mình Phiêu vất vả chống đỡ.
Phiêu phản đòn rằng nếu nói chuyện lộng quyền thì Anh đã lộng quyền từ năm 1995 khi Anh đưa cục II lên thành TCII để hoạt động quá phạm vi hoạt động của mình! Trong khi đó thì phẩn kiểm tra hồ sơ, giấy tờ của Uỷ ban kiểm tra TƯ đều không phát hiệu dấu hiệu gì là theo dõi cán bộ cao cấp mà chỉ là vu khống. Thế nhưng vì vây cánh của Anh khá mạnh nên Hội nghị TƯ không thể kết luận đó là vu khống, mà cũng không kết tội Phiêu, chỉ bỏ ngỏ, không đưa ra kết luận ngay nghị quyết dứt khoát nào, chỉ giải tán suông.
Không quật được Phiêu về A10, Anh dùng trò khác: tố cáo Ngân cử người theo dõi cán bộ cao cấp trong đảng. Ngân phản bác: không có chỉ thị, văn bản nào giao nhiệm vụ đó.
Tiếp tay Anh để mong ngồi ghế tổng bí thư, Trần Đức Lương trực tiếp đe doạ sẽ kỷ luật thiếu tướng cục trưởng bảo vệ an ninh tên An: “Phiêu, Ngân có rủ đến anh không?”, nhưng không được kết quả.
Thất bại trong vụ này, Anh dùng mưu cuối cùng là gọi Nguyễn Chí Vịnh làm chứng: Phiêu và Ngân đã từng tới rỉ tai Vịnh.
Sau đó Anh cho người đến từng nhà các cựu ủy viên Bộ chính trị như Nguyễn Đức Tâm, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, các tướng lĩnh về hưu như Chu Huy Mân, Trần Văn Quang, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Quyết, Đồng Sĩ Nguyên để hạch tội Phiêu về vụ A10 với bản cáo trạng dài đến 6,7 trang để thuyết phục họ ủng hộ việc lật Phiêu.
Chính Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng 4T hiện đã đi tu, là người thay mặt Anh mang hồ sơ A-10 tới gõ cửa từng ủy viên trung ương và từng công thần của đảng để tố Phiêu.
Tuy nhiên Son không thành công trong nhiệm vụ này, thậm chí bị Chu Huy Mân chửi vào mặt, đuổi ra khỏi nhà!
Vụ hạ bệ Phiêu chỉ thành khi có bàn tay của Võ Văn Kiệt.
Kiệt có đầu óc cải cách không ưa Anh và Mười nhưng Phiêu lại làm mất lòng Kiệt ở thái độ chống Mỹ. Tháng 11 năm 2011 nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Việt Nam, một chuyến đi lịch sử, đáp lễ bài diễn văn cởi mở của ông Clinton, Phiên đã đọc trọn bài diễn văn sặc mùi “chống Mỹ cứu nước” do trợ lý của Phêu là nhà văn Nguyễn Chí Trung chấp bút. Việc này khiến Kiệt nổi giận, “đoàn kết” cùng Anh và Mười để hạ Phiêu.
Bài diễn văn với Bill Clinton
Phiêu đón Clinton vào chiều ngày 18-11-2000 bằng một bài diễn văn dài lê thê trong đó đáng chú ý nhất là các đoạn:
“Tôi đồng ý với Ngài là chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề quan trọng là hiểu cho đúng thực chất cái quá khứ ấy. Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến chống xâm lược mà chúng tôi đã phải tiến hành… Việt Nam có đem quân đi đánh Hoa Kỳ đâu mà Hoa Kỳ lại đem quân sang đánh Việt Nam? Cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên đối với chúng tôi, quá khứ không phải trang sử đen tối, đau buồn và bất hạnh”.
[…] “Bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp tôi có hỏi: chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Tôi nói: không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi… Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước. Đảng chúng tôi có quan hệ với hơn 180 đảng cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền… Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi.
[…] Chúng tôi quý trọng nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thấy hình ảnh cháu Chelsea, tôi chạnh nhớ cháu Emily, con gái của Morrison, và mẹ cháu cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Đó là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.
Sau này Bill Clinton kể lại trong hồi ký của mình:
“Lê Khả Phiêu cố gắng sử dụng hành động phản đối chiến tranh Việt Nam của tôi để cáo buộc những gì Mỹ đã làm là hành vi đế quốc. Tôi càng phẫn nộ hơn khi ông ta nói vậy trước sự có mặt của Đại sứ Pete Peterson, một người đã từng là tù binh chiến tranh. Tôi nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng khi tôi không tán thành các chính sách đối với Việt Nam, những người theo đuổi nó cũng không phải là đế quốc hay thực dân, mà là những người tốt chiến đấu chống cộng sản. Tôi chỉ Pete và nói, ông đại sứ không ngồi sáu năm rưỡi trong nhà tù ‘Hà Nội Hilton’ vì muốn thực dân hoá Việt Nam”.
Sau đó không lâu, trước Đại hội Đảng lần thứ IX (4-2001) Phiêu đã bị cả ba ông cố vấn là Mười, Anh, Kiệt cùng ký tên vào một lá thư phê phán Phiêu, gây sức ép để Phiêu ra đi.
Cùng lúc đó thì Mười nhắm vào tật mê gái của Phiêu!
Bị gái nắm
Năm 2004 Tòa án Hà Nội mở phiên xử ba can phạm Đỗ Ngọc Chấp, Nguyễn Quang Vinh và Đặng Diệu Hà. Tòa kết án ba can phạm tội giả mạo tài liệu và biển thủ 50,000 đô la từ ngân quỹ nhà nước, phạt Chấp 5 năm tù ở, Vinh tám năm rưỡi, Hà 4 năm.
Tòa đã không nói rõ hơn những lý do bên trong nhưng giới thạo tin thì kể ra vanh vách.
Chấp, lúc đó 62 tuổi, là một đại tá cục trưởng của Tổng cục 2; Vinh cũng là đại tá của Tổng cục 2 và chỉ mới 39 tuổi, phụ trách công ty TOSEKO, buôn bán vũ khí chủ yếu với nước Nga. Còn bà Đặng Diệu Hà lúc đó 40 tuổi, con gái của Đặng Kinh (Đặng Văn Rợp), nguyên là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 3 sau làm Phó Tổng Tham mưu trưởng (1978-1988).
Hà từng là cán bộ trong Sở văn hóa thông tin Sài Gòn TPHC, là một phụ nữ có nhan sắc, được Tổng cục 2 chiêu mộ, sử dụng như làm mỹ nhân kế để phe Anh không chế và hạ bệ Lê Khả Phiêu.
Và như đã nói ở trên, Đoàn Duy Thành từng hai lần dẫn lời Mười về chuyện mê gái của Phiêu:
“Nó lên có thể giữ được hai khóa. Còn bảo nó hủ hóa thì mấy người còn hủ hóa quá nó!”….
và “Cậu Phiêu bây giờ gái nó nắm hết rồi.”
Nhưng thực tế thì như thế nào?
Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, nhà báo Huy Đức dẫn lời ông Vũ Quốc Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, người được giao thẩm tra các sai phạm của ông Lê Khả Phiêu, cho biết: “Đầu năm 2001, Bộ Chính trị họp chuẩn bị Đại hội IX, chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ đi họp về nói, Bộ Chính trị đang kiểm điểm anh Phiêu gay gắt nhiều chuyện: vấn đề Campuchia, quan hệ nam nữ, vô nguyên tắc khi ra Quyết định 234, ngành tình báo lâu nay chỉ nắm địch, nay được theo dõi nội bộ, gặp Giang Trạch Dân, đi không hỏi, về không trình“.
Nhà báo Huy Đức dẫn lời ông Hùng:
“Trước khi đi Cuba, ông Lê Khả Phiêu có đến nhà anh Đoàn Mạnh Giao ăn cơm. Tới đó có cả cô Đặng Thu Hà, con gái Trung tướng Đặng Kinh. Ông Phiêu giải trình, quan hệ giữa ông và ông Đặng Kinh là quan hệ giữa cấp dưới với thủ trưởng, ông coi cô Hà như là cháu. Tôi có hỏi anh Trần Đình Hoan, anh có thấy yếu tố quan hệ nam nữ không. Anh Hoan nói không thấy. Còn “quan hệ với CIA”, khi đi Cuba, đoàn có Ngô Xuân Lộc, Nguyễn Mạnh Cầm, Đỗ Trung Tá đi cùng, chuyển tiếp máy bay ở Thuỵ Điển. Tại đây thông qua Hà có gặp một phụ nữ tên là Vũ Thị Dung, có người tố cáo Dung là CIA”.
Trên thực tế, Vũ Thị Dung chỉ là một cán bộ doanh nghiệp đi trong phái đoàn Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm châu Âu. Một tấm hình chụp có Vũ Thị Dung trong chuyến đi này được photoshop, cắt hình những người cùng chụp chỉ để lại hình Lê Khả Phiêu và Vũ Thị Dung để nói ông Phiêu lén lút quan hệ với “gái” là một nữ điệp viên. Tại phiên họp Bộ Chính trị mà tấm hình này được đưa ra, ông Nguyễn Mạnh Cầm xác nhận bức ảnh này khi chụp có cả ông nhưng đã bị xoá. Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Văn An thừa nhận: “Bức ảnh được cắt xén quá ấu trĩ. Tổng cục II đưa ảnh cho ông Đỗ Mười, ông Đỗ Mười đưa cho nhiều người xem trước mặt Bộ Chính trị rồi đưa lại cho tôi quản lý”.
Chuyện này cho thấy chuyện gái gú của Phiêu có thể là do thủ đoạn của Mười và Anh. Nếu thực sự có thì trong chuyện này Phiêu chỉ phạm tội với vợ con. Trong khi đó thì bằng chứng cho thấy Phiêu mang một tội khác cực kỳ nặng với dân tộc: tội đi đêm với Tàu!
Đi đêm với Giang Trạch Dân
Cũng trong cuốn Bên Thắng Cuộc, nhà báo Huy Đức dẫn lời Nguyễn Văn An (cựu chủ tịch quốc hội), cho rằng Lê Khả Phiêu bị hạ vì vi phạm nguyên tắc “cả đối nội và đối ngoại”:
‘Về đối ngoại, ông An nói: “Ông Lê Khả Phiêu gặp Giang Trạch Dân không theo con đường chính thống bằng quan hệ Đảng, Nhà nước mà theo con đường tình báo”. Theo ông Nguyễn Đình Hương, thành viên Ban Chuyên án A10: “Tháp tùng chuyến đi ấy của Lê Khả Phiêu gồm Trần Đình Hoan, Nguyễn Mạnh Cầm và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục II Nguyễn Chí Vịnh. Vịnh bố trí một cuộc gặp giữa ông Lê Khả Phiêu và Giang Trạch Dân. Khi gặp, cả ông Nguyễn Mạnh Cầm và ông Trần Đình Hoan cùng đi nhưng phía Trung Quốc ngăn ông Cầm và ông Hoan, chỉ cho Vịnh vào. Theo báo cáo của Vịnh thì hội đàm cũng không có thoả thuận riêng gì nhưng có nhiều người đặt vấn đề trong đó có Trần Đình Hoan”.
Theo ông Lê Khả Phiêu thì đây là một cuộc gặp theo đề xuất của Giang Trạch Dân, phía Việt Nam cũng nhân đấy, muốn “thăm dò thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ và đối với chủ nghĩa xã hội”. Phía Trung Quốc thoả thuận thành phần, mỗi bên bốn người, chủ yếu là chỉ để Tổng bí thư gặp Tổng bí thư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, trong khi ông bị chặn lại thì phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Đường Gia Triền vẫn vào ngồi cùng Giang Trạch Dân.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm kể: “Trước cuộc họp kín giữa Giang Trạch Dân và Lê Khả Phiêu, chúng tôi bị chặn lại. Phía Trung Quốc chỉ cho Tổng bí thư, chánh Văn phòng, thư ký Tổng bí thư và Nguyễn Chí Vịnh, phó tổng cục trưởng Tổng cục II vào. Bọn tôi phản ứng nhưng anh Phiêu bảo thôi”.
Chính hành tung mờ ám này đã dẫn đến câu hỏi về những thoả thuận kín giữa Phiêu với G Dân khi trong việc phân chia Thác Bản Giốc, Ảo Nam Quan, bãi Tục Lãm và Điểm cao 1509,
Phần Lê Khả Phiêu thì giải thích: “Tôi gặp Giang Trạch Dân hai lần, lần thứ hai, hai bên thống nhất là nên có gặp riêng để bàn về biên giới và Biển Đông. Trước cuộc gặp tôi có xin ý kiến Bộ Chính trị nhưng nhiều anh quên. Tôi và Giang Trạch Dân chỉ thoả thuận, trong vấn đề Biển Đông, cái gì chỉ liên quan đến hai nước thì đàm phán song phương, cái gì còn liên quan đến quốc gia khác thì đàm phán đa phương. Cho đến bây giờ thoả thuận này vẫn còn được thực hiện”.
Qua những tài liệu trên chúng ta thấy tin đồn về chuyện “bị gái nắm” của Phiêu có thể là trò bôi nhọ do Anh và Mười thực hiện, có thể là có, có thể là không có, có thể là “có ít xít ra nhiều”. Nhưng rõ ràng việc Phiêu đi đêm với Giang Trạch Dân là có thật và hoàn toàn mờ ám.
Phải chăng là lúc đó Phiêu tìm kiếm sự ủng hộ của Dân trong cuộc đấu với những đồng chí của mình và bắt đất nước phải trả giá bằng Bản Giốc và Nam Quan?