Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc là gì và vì sao nó gây tranh cãi?

Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc là một tập hợp những cơ sở dữ liệu và sáng kiến giám sát và đánh giá mức độ tin cậy của các cá nhân, công ty và các thực thể xã hội. Điểm số tốt có thể được ưu tiên về chăm sóc sức khỏe hoặc thuê nhà ở xã hội không cần đặt cọc, trong khi đánh giá tiêu cực có thể khiến cá nhân bị cấm đi máy bay hoặc tàu hoả.

Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Theo SCMP, Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc được Quốc vụ viện đưa ra kế hoạch lần đầu tiên vào năm 2014 nhắm đến các cá nhân, doanh nghiệp, dự kiến sẽ ra mắt chính thức vào cuối năm 2020. 

Các cơ sở dữ liệu của Hệ thống được quản lý bởi Uỷ ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và hệ thống tòa án của nước này.

Hầu hết dữ liệu được tập hợp từ những nguồn truyền thống như hồ sơ tài chính, hồ sơ tội phạm và hồ sơ chính phủ, cũng như dữ liệu hiện hữu từ các văn phòng đăng ký cùng với các nguồn của bên thứ ba như các nền tảng tín dụng trực tuyến. Chính phủ Trung Quốc cũng đang thử nghiệm thu thập dữ liệu từ các video giám sát và truyền dữ liệu thời gian thực như quan trắc số liệu phát thải từ các nhà máy, dù đây không được coi là nguồn chính.

Mặc dù nó tương tự với những cách tính điểm tín nhiệm được sử dụng cho các cá nhân và doanh nghiệp tại một số nước khác, phiên bản Trung Quốc còn có khả năng mở rộng từ đánh giá cá nhân sang nhiều khía cạnh khác của cuộc sống như thanh toán hoá đơn và các bản án hình sự. 

Các doanh, nghiệp gồm cả doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc, cũng là đối tượng của hệ thống tín nhiệm doanh nghiệp nhằm theo dõi các thông tin như nộp thuế, trả nợ ngân hàng và những tranh chấp lao động.

“Những người mất tín nhiệm sẽ rất khó tiến dù chỉ một bước dù nhỏ trong xã hội,” Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nói trong một bài phát biểu năm 2018.

Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc hoạt động như thế nào?

Hệ thống tín nhiệm xã hội tập hợp điểm số của cả cá nhân và công ty sau khi thu thập dữ liệu, tổng hợp và phân tích dữ liệu từ những nguồn khác nhau.

Đối với các doanh nghiệp, ngoài những hoạt động riêng của mình, các công ty còn được yêu cầu gửi thông tin về đối tác và nhà cung cấp cho chính quyền địa phương và chính quyền cấp quốc gia. Các hành vi xấu và xếp hạng từ các nhà cung cấp và khách hàng cũng ảnh hưởng tới điểm tín nhiệm riêng của công ty.

Điểm số tốt sẽ có thưởng, trong khi điểm xấu thì các nhân hay công ty sẽ bị trừng phạt hoặc chế tài.

Các cá nhân bị cho là không tin cậy có thể đối mặt với một loạt hạn chế ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, gồm vay vốn, đi lại bằng đường sắt hoặc đường không, cũng như giáo dục.

Để khuyến khích các hành vi tốt, một số chính quyền địa phương đã đưa những biện pháp kích thích như ưu tiên chăm sóc y tế và miễn tiền đặt cọc khi thuê nhà ở xã hội.

Theo một báo cáo về hệ thống tín nhiệm xã hội doanh nghiệp do Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc xuất bản năm 2019, cơ chế thưởng không phát triển như yếu tố trừng phạt.

Báo cáo phát hiện rằng các biện pháp trừng phạt không chỉ giới hạn ở số tiền phạt hoặc lệnh tòa án, mà các công ty bị đưa vào danh sách đen có thể đối diện với việc bị thanh tra nhiều hơn cũng như trở thành mục tiêu bị kiểm toán, hạn chế trong việc được chính phủ chấp thuận quyền sử dụng đất và giấy phép đầu tư.

Họ cũng có thể bị loại khỏi các chính sách ưu đãi như trợ cấp và giảm thuế, cũng như đối mặt với những hạn chế về mua bán tài sản công. Các cá nhân và công ty bị cho là không đáng tin cậy còn bị bêu tên công khai. 

Các cá nhân hay công ty bị đưa vào danh sách đen vì những vi phạm nhẹ có thể nộp đơn xin khôi phục uy tín khi họ trả được nợ, và duy trì hồ sơ tín dụng tốt trong một giai đoạn thời gian nhất định.

“Việc phục hồi uy tín chủ yếu nhằm vào những vi phạm nhỏ hoặc thường xuyên. Những người vi phạm hoặc phạm tội nặng hoặc sẽ không được đưa ra khỏi danh sách đen…. Hồ sơ không không đáng tin cậy của họ được lưu giữ một thời gian dài theo luât,” Lian Weiliang, phó giám đốc NDRC, nói hồi tháng 7 năm 2019.

Ngoài nhắm đến cá nhân và doanh nghiệp, chính quyền các địa phương cũng được yêu cầu gửi thông tin, gồm cả tình trạng tài chính của họ lên hệ thống. Theo quy định của toà án Trung Quốc, chính quyền địa phương được coi là không đáng tin nếu họ không thanh toán được cho nhà thầu đúng hạn hay làm dữ liệu giả.

Trong những trường hợp như vậy, các quan chức địa phương thường bị cấm mua vé hạng thương gia trên các chuyến bay, tàu hoả và tàu thuỷ. Họ cũng bị cấm tiêu những khoản tiền lớn tại các khách sạn cao cấp, hộp đêm và sân golf cũng như mua hoặc cải tạo tài sản.

Vì sao Trung Quốc xây dựng hệ thống tín nhiệm xã hội?

Theo SCMP, mục đích của hệ thống là để cải thiện tính minh bạch của cá nhân và tập thể trong nhiều khía cạnh, mặc dù nó cũng là một công cụ của chính phủ để áp đặt quyền kiểm soát đối với hầu hết mọi mặt đời sống công dân.

Ý tưởng thiết lập một hệ thống tín nhiệm xã hội rộng rãi tại Trung Quốc đã được thảo luận trong một thời gian, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính suốt thập kỷ qua. 

Nhưng đề xuất xây dựng một hệ thống tín nhiệm xã hội vượt ngoài lĩnh vực tài chính được chính thức đưa ra vào năm 2011 và được thủ tướng thời ấy là Ôn Gia Bảo công bố.

“Tình trạng thiếu uy tín trong xã hội còn khá nổi bật. Mặc dù bị nghiêm cấm, nhưng gian lận thương mại, làm hàng giả và bán [hàng giả], báo cáo sai lệch và lừa đảo, và các hành vi sai trái trong học thuật vẫn tiếp tục diễn ra, khiến người dân rất bất bình,” ông Ôn nói trong một tuyên bố sau cuộc họp của Quốc Vụ viện tháng 10 năm 2011.

Ông Ôn nói rằng việc tạo ra một hệ thống tín nhiệm xã hội sẽ bảo đảm tính trung thực, kỷ luật tự giác, sự tin cậy và tin tưởng lẫn nhau, còn những ai gian dối và không trung thực sẽ bị trừng phạt.

“[Hệ thống tín nhiệm xã hội] cung cấp sự đảm bảo về đạo đức đối với cải cách và phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội xã hội chủ nghĩa,” ông Ôn bổ sung.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình, Trung Quốc đang cân nhắc sự cần thiết mở rộng phạm vi của hệ thống hơn nữa với việc tăng cường theo dõi và giám sát, dù điều này gây nên những câu hỏi về vai trò của chính phủ.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung quốc (PBOC), hệ thống tín nhiệm xã hội đã bao trùm 1.02 tỷ cá nhân và 28,34 tỷ công ty và tổ chức vào cuối 2019. Nhiều trong số này đã được xếp hạng và một số thậm chí còn bị đưa vào danh sách đen.

NDRC cho biết vào tháng 7 năm 2019 rằng 2,56 triệu người đã bị hạn chế đi máy bay, 90.000 người bị cấm sử dụng dịch vụ đường sắt cao tốc và 300.000 người bị các toà án Trung Quốc cho là không đáng tin.

Hàng trăm công ty và chính quyền địa phương cũng bị nêu tên về các vi phạm như không trả lương cho công nhân và nhà thầu đúng thời gian, hoặc lập quỹ đen bất hợp pháp.

Phòng thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết mặc dù đã thu thập được lượng lớn dữ liệu, nhưng hệ thống còn xa mới được triển khai đầy đủ. Ngoài ra, việc thi hành các cơ chế xử phạt và chia sẻ dữ liệu giữa những bộ phận khác nhau của hệ thống vẫn chưa hoàn thiện. Tuy vậy, Trung Quốc cho biết sẽ cải thiện chúng trong những năm tới.

Vì sao hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc gây tranh cãi?

Những khía cạnh gây tranh cãi nhất của hệ thống tín nhiệm xã hội đối với cá nhân là nó theo dõi hành vi và xếp hạng các công dân dựa trên các dữ liệu được cáo buộc là không đầy đủ và không chính xác.

Những người chỉ trích hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc cho rằng cam kết của Bắc Kinh về việc điều chỉnh hành vi và giám sát hàng loạt mang bản chất một nhà nước độc tài như nhà văn George Orwell mô tả trong tác phẩm kinh điển “1984” khi một chính phủ cố gắng kiểm soát mọi mặt của đời sống người dân.

Cũng có nhiều lo ngại về tính khả tín và tính bảo mật của dữ liệu cũng như việc xâm phạm quyền riêng tư cá nhân ở Trung Quốc trước tình trạng thực thi pháp luật yếu kém. Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về việc liệu chiến thuật điểm tên chỉ mặt và các biện pháp trừng phạt có thể cải thiện độ tin cậy và giảm nợ tồn đọng, đặc biệt giữa các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước hay không.

Liao Li, giáo sư tài chính tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã ước tính rằng chỉ khoảng một nửa trong số một tỷ cá nhân trong cơ sở dữ liệu có lịch sử tín dụng đầy đủ. 

Trong một bài viết xuất bản bởi China News Services của nhà nước năm 2019, ông Liao cũng chỉ ra một số thiếu sót trong hệ thống tín nhiệm xã hội, đặc biệt liên quan đến bảo mật dữ liệu.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, các công ty, đặc biệt là công ty nước ngoài, đang lo ngại với việc rò rỉ các dữ liệu nhạy cảm về công nghệ hoặc thông tin cá nhân với việc chuyển giao dữ liệu lớn.

Nhóm doanh nghiệp châu Âu cũng lo ngại rằng cơ chế danh sách đen đối với “các thực thể không đáng tin cậy” có thể biến hệ thống tín nhiệm xã hội doanh nghiệp thành một công cụ cho các xung đột thương mại, trong khi đó các tiêu chí để đánh giá còn rất mập mờ. 

Xuân Lan, theo SCMP

Related posts