Giao thông hàng không châu Âu: Bầu trời vẫn u ám

Thanh Phương

image.png
Một máy bay của Air France chuẩn bị đáp xuống sân bay Nice, Pháp, ngày 16/03/2020. REUTERS – Eric Gaillard

Giao thông hàng không trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu, vẫn chưa biết khi nào mới thật sự thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19. Hiệp hội Giao thông Quốc tế IATA ngày 13/08/2020 đã đưa ra dự báo là giao thông hàng không của châu Âu năm nay sẽ sụt giảm đến 60% so với năm 2019.

Mặc dù tình hình hơi sáng sủa trở lại trong những tháng qua, nguy cơ làn sóng dịch mới ngày càng rõ nét, đe dọa đến sự hồi phục của ngành hàng không. Ngày càng có nhiều quốc gia đóng cửa biên giới đối với công dân đến từ các quốc gia mà dịch Covid-19 còn đang hoành hành, hoặc đang bùng phát mạnh trở lại.

Cùng với du lịch, giao thông hàng không là một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất bởi các hạn chế liên quan đến khủng hoảng Covid-19. Nói chung, du lịch và hàng không là hai lĩnh vực gắn liền với nhau. Theo thẩm định của IATA, khủng hoảng virus corona nay đe dọa đến hơn 7 triệu việc làm có liên quan đến hàng không, kể cả trong ngành du lịch, khách sạn. Mức dự báo nói trên là nhiều hơn 1 triệu so với thẩm định vào tháng 6.

IATA: Na Uy bị sụt giảm đến 79%

Theo IATA, tuy giao thông hàng không đã tăng trở lại so với lúc thấp nhất vào tháng Tư, nhưng vẫn thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại các nước Pháp, Đức và Anh Quốc, mức sụt giảm của giao thông hàng không năm 2020 được ước tính là 65%, còn tại Tây Ban Nha và Ý, nơi mà nhiều thành phố đang bị phong tỏa trở lại, giao thông hàng không được dự báo sẽ giảm 63%. Quốc gia châu Âu bị nặng nhất sẽ là Na Uy, với mức sụt giảm lên tới 79%. Hậu quả là 290 hãng hàng không thành viên của IATA sẽ bị thất thu ít nhất là 419 tỷ đôla. Tổ chức này còn dự báo là phải đợi đến năm 2024, giao thông hàng không trên thế giới mới hy vọng trở lại mức của năm 2019.

Một trong những hãng bị Covid-19 hạ gần như « nốc ao » đó là Cathay Pacific của Hồng Kông. Hôm 12/08/2020 hãng này thông báo trong 6 tháng đầu năm nay đã bị thua lỗ đến 9,9 tỷ đôla Hồng Kông ( 1,1 tỷ euro ), một mức thua lỗ kỷ lục đối với Cathay Pacific. Trong một thông cáo, chủ tịch của hãng này Patrick Healy cho biết: « Sáu tháng đầu năm 2020 đã là những tháng khó khăn nhất đối với Cathay Pacific trong hơn 70 năm lịch sử của hãng này ». Sở dĩ Cathay Pacific bị ảnh hưởng nặng nề như thế là bởi vì hãng này chỉ sống nhờ vào các chuyến bay quốc tế, chứ đâu có thị trường nội địa, cho nên khi các nước đóng cửa biên giới vì đại dịch, Cathay Pacific không có đường thoát.

Tuy nhiên, chính tại châu Âu mà ngành hàng không bị tác động nặng nề nhất. Theo thông báo của ACI Europe, tổ chức tập hợp hơn 500 sân bay của 46 nước châu Âu, trong tháng 07/2020, số hành khách ở châu lục này đã thấp hơn 78% so với tháng 7 năm ngoái. Riêng tại Pháp, theo tính toán của FlightRight, chuyên trợ giúp hành khách bị hủy hoặc hoãn chuyến bay, trong tháng 7, số hành khách ở các sân bay Pháp đã sụt giảm mạnh đến mức chóng mặt, do hậu quả của khủng hoảng Covid-19. Cụ thể, mức sụt giảm này là 79,5% ở sân bay Toulouse, 75,7% ở sân bay Bordeaux và 72,5% ở sân bay Lyon. Đây là 3 sân bay bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle là khá hơn, chỉ sụt giảm 51%. Tính về số chuyến bay thì tại sân bay Toulouse chẳng hạn, trong tháng 7 chỉ có 900 chuyến bay, so với 3.300 chuyến bay vào tháng 7/2019.

Châu Âu: Sớm nhất là đến 2022 mới phục hồi

Theo nhận định của ông Laure Marc Martínez, đặc trách truyền thông của FlightRight, mùa hè 2020 chắc chắn là một trong những mùa hè tệ hại nhất của ngành hàng không châu Âu. Trong bối cảnh dịch bệnh không biết bao giờ mới chấm dứt, dân Pháp sử dụng các phương tiện giao thông khác nhiều hơn, còn du khách ngoại quốc, nhất là khách châu Âu, thì tránh đến Pháp.

Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 31/07/2020, nhà phân tích chuyên về lĩnh vực hàng không-quốc phòng Yann Derocles, của tập đoàn tài chính Pháp-Đức Oddo BHF, cho biết :

“Có một kịch bản được dự báo đó là phải đợi ít nhất đến 2022, giao thông hàng không của châu Âu mới trở lại mức bình thường, tức là như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Nhưng về giao thông hàng không quốc tế thì việc trở lại mức bình thường sẽ diễn ra chậm hơn, tức là phải đợi đến năm 2025. Như vậy tình hình sẽ còn phức tạp trong vài năm tới. Cho nên, những hãng hàng không lớn như Air France-KLM, vốn phụ thuộc rất nhiều vào giao thông hàng không quốc tế, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn khởi động lại mạng lưới các tuyến bay. Giai đoạn này phải mất ít nhất vài quý.

Nhìn rộng hơn trên lục địa châu Âu, hiện có khoảng 300 hãng hàng không châu Âu và vào mùa đông tới chắc chắn sẽ có nhiều hãng cỡ nhỏ và cỡ vừa bị phá sản, biến mất khỏi thị trường. Theo thẩm định của chúng tôi, con số này là khoảng 1 phần 3. Số lượng máy bay mất theo thì ít hơn, nhưng con số 1 phần 3 hãng hàng không bị khai tử cũng đã là một con số đáng kể.”

Air France – KLM: Cắt giảm việc làm, cải tổ cơ cấu

Các hãng lớn như Air France-KLM thì dĩ nhiên là khó mà đi đến phá sản, do được Nhà nước Pháp và Hà Lan « chống lưng », nhưng để tồn tại, tập đoàn này buộc phải một mặt cắt giảm nhân sự, mặt khác, phải cải tổ cơ cấu để thích ứng với tình hình mới. Số hành khách của tập đoàn Air France-KLM đã sụt giảm 61,7% trong 6 tháng đầu năm, cho nên doanh số của tập đoàn này sụt giảm hơn 52% và bị thua lỗ đến 4,41 tỷ đôla. Mặt khác, Air France-KLM đã phải vay nợ tổng cộng 7 tỷ euro. Nhà nước Hà Lan cũng đã bơm vào 3,4 tỷ euro.

Lâm vào khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19, Air France vào đầu tháng 7 đã chính thức hóa việc cắt giảm 7.580 việc làm từ đây đến 2022, tức là 16% nhân sự của Air France và 40% nhân sự của Hop !, hãng giá rẻ của Air France. Ngay cả giới phi công Air France, vốn vẫn dứt khoát bảo vệ đến cùng quyền lợi của mình, nay cũng phải chấp nhận hy sinh một phần.

Hôm 12/08/2020, trong một cuộc trưng cầu dân ý, các phi công thành viên của công đoàn SNPL, chiếm đa số trong Air France, đã bỏ phiếu, với đa số áp đảo, chấp thuận một dự thảo kế hoạch mà hội đồng quản trị đã thông qua. Kế hoạch này nhằm phát triển Transavia France, hãng hàng không giá rẻ của Air France, trên thị trường nội địa Pháp. Cho tới nay, Transavia France chỉ hoạt động trên tuyến bay đường trung ( moyen courrier ), nay hãng này sẽ lấy lại một số tuyến bay nội địa của Air France và của Hop!. Chiến lược này chính là nhằm giúp cho Air France đối phó với sự cạnh tranh của xe lửa cao tốc TGV và các hãng hàng không giá rẻ khác trên thị trường nội địa của Pháp.

Về phần hãng hàng không Hà Lan KLM, đối tác của Air France, hôm 13/08, hãng này thông báo phải đơn phương đình chỉ việc thực hiện thỏa thuận tăng lương, mà ban giám đốc đã thương lượng với các công đoàn vào năm ngoái và trên nguyên tắc phải bắt đầu được áp dụng kể từ ngày 01/08/2020. Vì, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, KLM trải qua một cuộc khủng hoảng « với tầm mức chưa từng có » và kết quả của hãng này trong 6 tháng đầu năm 2020 là kết quả « tệ hại nhất trong lịch sử của KLM ». Mặc dù chính phủ Hà Lan đã có kế hoạch trợ giúp 3,4 tỷ đôla, KLM đã bị thua lỗ rất nặng nề, trung bình mỗi ngày lại bị mất 10 triệu euro. Vào cuối tháng 7, hãng thông báo sẽ phải cắt giảm đến 5.000 việc làm từ đây đến cuối năm 2021. Để sống sót, KLM buộc phải thi hành các biện pháp cắt giảm chi phí. Nhưng công đoàn của giới phi công dĩ nhiên là không chấp nhận quyết định nói trên của ban lãnh đạo và dự trù sẽ đưa vụ này ra tòa.

Nhà phân tích Yann Derocles dự báo về tương lai của Air France – KLM :

“ Chúng ta thấy rõ là sự hồi phục của giao thông hàng không sẽ diễn ra rất chậm. Chẳng hạn như tại châu Âu, công suất của các hãng hàng không nay sụt giảm đến 57% so với năm ngoái. Tình hình vào mùa đông tới sẽ rất gay go. Tập đoàn Air France –KLM sẽ phải tiêu tốn rất nhiều quỹ dự trữ của mình và sau đó sẽ phải trả các món nợ đã vay, nhất là món nợ nói trên.

Về trung hạn, tập đoàn này sẽ không thể duy trì các món nợ đó và phải tìm các phương án khác để cải thiện khả năng tài chính của mình. Họ sẽ phải tái cấu trúc các mạng lưới tuyến bay, tái cấu trúc đội máy bay, sẽ phải cắt giảm nhân sự và phải kêu gọi sự đóng góp thêm của các cổ đông, chủ yếu là Nhà nước Pháp và Hà Lan để có được các nguồn vốn mới”.

Hãng British Airways của Anh Quốc cũng đang lao đao khốn khổ vì dịch Covid-19 và dự báo phải đợi đến năm 2023, hoạt động mới trở lại như mức trước khi có dịch. Trước tình hình đó, các phi công của British Airways phải tỏ ra thực dụng hơn : vào cuối tháng 7, công đoàn của giới phi công BALPA thông báo là các phi công của hãng đã chấp thuận kế hoạch tạm thời cắt giảm 20% lương để hạn chế số người bị sa thải, tức là sẽ chỉ có 270 người bị cho nghỉ việc, thay vì 1.225 người ( trên tổng số 4.300 phi công ), như kế hoạch ban đầu của ban lãnh đạo British Airways.

Các đối thủ cạnh tranh của British Airways như Easyjet, Virgin Atlantic hay Ryanair cũng đã thông báo sẽ cắt giảm hàng ngàn việc làm và theo một nghiên cứu thì trong 3 tháng tới, có đến 70.000 việc làm bị đe dọa trong lĩnh vực này tại Anh Quốc.

Chiến tranh giá vé

Trong bối cảnh giao thông hàng không sụt giảm mạnh như vậy, ông Xavier Tytelman, nhà tư vấn hàng không của công ty CGI Consulting, dự báo một cuộc chiến tranh về giá vé giữa các hãng, nhưng về lâu dài, chỉ có các hãng hàng không giá rẻ mới trụ được trong cuộc chiến này :          

“Trong thời gian đầu chúng ta sẽ thấy một cuộc chiến tranh về giá cả, như sau mỗi lần xảy ra khủng hoảng, giống như khủng hoảng năm 2008. Các hãng hàng không sẽ chào mời với những giá vé rất hấp dẫn để thu hút hành khách trở lại. Hiện giờ với 50 euro, ta có thể bay ngang qua châu Âu, một giá vé cực kỳ thấp. Nhưng nếu nhìn xa hơn, trong 1 năm hoặc 2 năm nữa, các hãng buộc phải tìm cách cân bằng trở lại ngân sách. Có điều sớm nhất là 2022, họ mới hy vọng đạt được điều đó, nhưng trước hết, như trong trường hợp của Air France, phải trả hết cả vốn lẫn lãi món nợ 7 tỷ euro đã vay.

Trong thời gian tiếp, ta thấy rõ là các hãng hàng không lớn, vốn đã mắc nhiều nợ, nay lại không thể tiếp tục hạ giá vé, trong khi các hãng low cost như Ryannair hay Budget Air sẽ có tiếp tục cuộc chiến tranh về giá, vì họ có khả năng làm như thế với cách tổ chức được tối ưu hóa.”

Nhưng dù giá vé có rẻ đến mức nào, số hành khách đi máy bay có tăng trở lại hay không là tùy thuộc vào diễn tiến của tình hình dịch Covid-19. Hiện nay, chẳng hạn như tại Pháp, số ca nhiễm mới đang tăng trở lại một cách đáng ngại, và không loại trừ khả năng là chính phủ sẽ phong tỏa trở lại những vùng “đỏ” để ngăn chận làn sóng thứ hai. Trên thế giới, chắc là sẽ ngày càng có nhiều nước đóng cửa biên giới hoặc thi hành các biện pháp cách ly hành khách, khiến chẳng còn mấy ai muốn đi máy bay. Bầu trời của các các hãng hàng không sẽ còn u ám thêm một thời gian dài.

Related posts