- Dương Hạo
Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) do virus corona mới vẫn không ngừng lây lan trên toàn cầu. Ngày 18/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch này đã bước sang giai đoạn mới, về cơ bản nhóm người trong độ tuổi 20 – 40 đang làm bùng phát đại dịch. Dịch đã lan rộng trong nhóm người này với nhiều người nhiễm không triệu chứng gây nguy hiểm nghiêm trọng cho nhóm người già yếu và người tàn tật. Cả thế giới đang chờ đợi vắc-xin, nhưng liệu khi có vắc-xin thì mang lại hiệu quả đến đâu?
Trước nguy cơ sinh tồn, loài người chờ đợi liệu pháp kháng thể
Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health), khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu về liệu pháp kháng thể đối với viêm phổi Vũ Hán. Hy vọng của ông Collins đã có câu trả lời khi việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin đang được đẩy mạnh trên khắp thế giới, đã có hơn 160 loại vắc-xin được giới thiệu nhưng hầu hết vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm trên động vật hoặc phòng thí nghiệm, trong đó khoảng 23 loại vắc-xin đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người.
Theo một thông tin của AP (Mỹ) vào ngày 11/8, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của vắc-xin có mã MRNA-1273 do khu cộng đồng Modena (Illinois, Mỹ) và Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) hợp tác phát triển đã nhắm mục tiêu 30.000 người dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9. Thử nghiệm quy mô lớn này nhằm mục đích đánh giá độ an toàn của vắc-xin mRNA-1273 của Moderna và xác định liệu nó có thể ngăn ngừa các triệu chứng viêm phổi Vũ Hán sau hai lần tiêm hay không.
Có thông tin rằng vào tháng 8, nhà sản xuất vắc-xin Pfizer Inc (PFE.N) và Johnson & Johnson (J&J) (JNJ.N) đang khởi động các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với vắc-xin của họ. Công ty dược phẩm AstraZeneca (AZN.L) của Anh cho biết, vào mùa hè này loại vắc-xin họ hợp tác phát triển với Đại học Oxford sẽ được thử nghiệm trên quy mô lớn tại Mỹ.
Virus biến đổi nhanh chóng nên rất khó lường
Tuy nhiên, chia sẻ với Vision Times, chuyên gia y tế Hoành Hà (Heng He) đã nhiều năm tham gia nghiên cứu sinh lý bệnh học và miễn dịch học ở Trung Quốc và Mỹ cho rằng có ba vấn đề lớn với vắc-xin:
Một là virus có thể biến đổi, điều này cũng giống như vắc-xin cúm phải tiêm mỗi năm một lần. Sự hiểu biết hiện tại về virus viêm phổi Vũ Hán còn ít hơn nhiều so với sự hiểu biết về bệnh cúm, vì vậy liệu trong tương lai có phải tiêm hàng năm hay không là một câu hỏi lớn.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy virus viêm phổi Vũ Hán đã có những đột biến đáng kể.
Trong tháng 8 ở Hồng Kông, Hà Lan và Bỉ đều có trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán trở lại, theo đó trình tự gen RNA virus của người bệnh hai lần bị nhiễm là khác nhau.
Ngày 24/8, Khoa Y của Đại học Hồng Kông thông báo về một người đàn ông 33 tuổi sau khi chẩn đoán nhiễm virus vào cuối tháng 3 đã hồi phục vào tháng 4, nhưng vào tháng 8 lại dương tính với virus sau khi từ châu Âu trở về Hồng Kông. Kiểm tra trình tự gen đã xác nhận rằng virus trong người đàn ông này thuộc một nhánh gen khác với gen virus trước đó, đã xác định rằng virus mà người đàn ông này nhiễm không phải là tàn dư của virus trước đó mà bị nhiễm lần thứ hai.
Ngày 25/8, truyền hình công cộng Hà Lan đưa tin WHO và một trong những nhà tư vấn quan trọng nhất của Hà Lan là nhà virus học Marion Koopmans, cho biết Hà Lan cũng có trường hợp nhiễm virus lần thứ hai là một bệnh nhân cao tuổi hệ miễn dịch bị suy giảm.
Ngày 25/8, Bỉ cũng xác nhận phát hiện ca nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán lần thứ hai, bệnh nhân là một phụ nữ bị nhiễm lại virus sau lần nhiễm đầu tiên vào tháng 3.
Chuyên gia Koopmans cho biết, đối với các trường hợp nhiễm lần thứ hai thì cần tiến hành kiểm tra so sánh trình tự gen RNA virus của hai lần người bệnh bị nhiễm. Nếu trình tự gen RNA virus của hai lần nhiễm là khác nhau thì có thể xem là bị nhiễm lần thứ hai.
Nghiên cứu mới nhất được công bố ngày 2/7 trên tạp chí nổi tiếng “Tế bào” (Cell) chỉ ra virus viêm phổi Vũ Hán đang lưu hành toàn cầu đã có đột biến.
Các nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Los Alamos National Laboratory) ở bang New Mexico, Đại học Duke Bắc Carolina (Mỹ), và nhóm nghiên cứu từ Đại học Sheffield ở Vương quốc Anh đã hợp tác phân tích trình tự bộ gen của virus viêm phổi Vũ Hán, kết quả cho thấy 29% virus mẫu có đột biến D614G, đột biến này trên protein S-spike sẽ cho phép virus giữ nhiều chìa khóa hơn để mở cánh cửa vào tế bào người và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người hơn, làm tăng khả năng lây nhiễm của virus lên gấp 3 đến 6 lần.
Ngày 6/7, ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong) – trưởng nhóm chuyên gia điều trị y tế Thượng Hải về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán và là Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm tại bệnh viện Hoa Sơn (Huashan) thuộc Đại học Phúc Đán (Fudan), đã tuyên bố trên Weibo rằng chủng virus được tìm thấy trong đợt bùng phát dịch bệnh ở Bắc Kinh cũng có đột biến D614G.
Trước đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin, từ giữa tháng 6 Nhật Bản đã xuất hiện loại virus viêm phổi Vũ Hán đột biến với chuỗi gen mới. Hiện nay hầu hết các trường hợp nhiễm ở Nhật Bản đều là loại virus đột biến này.
Ngày 16/8, Tổng thanh tra Noor Hisham của Bộ Y tế Malaysia đã đăng lên trang mạng xã hội thông tin nghiên cứu của cơ quan y tế Malaysia chỉ ra nước này có các trường hợp virus chủng biến thể D614G. Chủng đột biến này có thể lây lan nhanh hơn 10 lần so với chủng thông thường.
Ông Noor Hisham cũng nhắc nhở rằng chủng virus được phát hiện vào tháng 7 năm nay có thể khiến vắc-xin hiện đang nghiên cứu không phát huy tác dụng.
Theo Press Trust of India (PTI) – cơ quan tin tức lớn nhất ở Ấn Độ đưa tin ngày 15/8, Ấn Độ đã phát hiện thêm hai dòng virus mới, 73 biến thể mới của dòng virus viêm phổi Vũ Hán.
Ngoài Malaysia và Ấn Độ thì các quốc gia khác như Việt Nam, Singapore, Philippines cũng liên tiếp phát hiện ra các chủng biến thể của virus viêm phổi Vũ Hán.
Thời gian bảo vệ của miễn dịch có thể không kéo dài
Vấn đề thứ hai được chuyên gia Hoành Hà chỉ ra là “tồn tại của kháng thể”. Kháng thể có thể tồn tại trong bao lâu? Quan điểm phổ biến hiện nay thường cho rằng kháng thể chống lại virus viêm phổi Vũ Hán cũng chỉ tồn tại có hạn chế thời gian: rất nhiều bằng chứng y tế cho thấy tồn tại vài tháng hoặc một năm. Như vậy liệu có cần phải thường xuyên tiêm phòng không?
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng kháng thể của bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán bị suy yếu nhanh chóng, có nghĩa là ngay cả khi một loại vắc-xin được phát triển thì thời gian bảo vệ cơ thể cũng chỉ là tạm thời.
Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) đưa tin rằng Đại học Hoàng đế Luân Đôn (King’s College London) đã theo dõi một nghiên cứu trên 90 bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán đã khỏi bệnh, phát hiện ra vài tuần sau khi nhiễm virus, khoảng 60% người bị nhiễm đã phát triển các kháng thể mạnh mẽ, nhưng sau 3 tháng chỉ còn lại 16,7% số người còn duy trì được kháng thể đó, thậm chí có trường hợp số lượng kháng thể thấp đến mức gần như không phát hiện được.
The Guardian của Anh đưa tin, ngày 13/7, nghiên cứu mới cho thấy những người bình phục sau khi bị nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán có thể mất khả năng miễn dịch trong vòng vài tháng, giống như cảm lạnh thông thường, có thể khiến người ta mắc bệnh liên tục.
Hồi tháng 6 cố vấn Y tế Cấp cao của Nhà Trắng là bác sĩ Anthony Fauci đã suy đoán rằng, nếu COVID-19 hoạt động giống như các virus corona khác, thì “khả năng miễn dịch của kháng thể hoặc vắc-xin sẽ không tồn tại lâu.”
Tiến sĩ Katie Doores tại Đại học Hoàng đế Luân Đôn (King’s College London) cho biết rằng nếu trong vòng 2 – 3 tháng mà mức độ kháng thể giảm xuống thì có thể vắc-xin cũng tương tự, như vậy một lần dùng có thể không đủ.
Trên một chương trình của CNBC ngày 6/7, giáo sư Danny Altmann chuyên về miễn dịch tại Đại học Hoàng đế Luân Đôn cũng cho biết, tại các vùng đô thị bị nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, số người có thể miễn dịch được chỉ từ 10% – 15% dân số.
Nhà virus học tại Đại học Cambridge là giáo sư Jonathan Heeney thì cho biết rằng, nghiên cứu này là một bằng chứng khác cho thấy khả năng miễn dịch của con người đối với virus viêm phổi Vũ Hán chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ông nói: “Đó là một đòn chí mạng khác với khái niệm miễn dịch cộng đồng đầy rủi ro.” Nhà miễn dịch học người Anh này cảnh báo rằng việc dựa vào vắc-xin để chống lại COVID-19 như một chiến lược ứng phó chủ chốt “sẽ không phải là đặt cược an toàn”. Ông cũng bổ sung rằng chiến lược miễn dịch cộng đồng “có thể không bao giờ phát huy hiệu quả.”
Lo ngại tác dụng phụ của vắc-xin. Tổng giám đốc WHO: Không có thuốc nào hoàn hảo toàn vẹn
Vấn đề thứ ba được chuyên gia Hoành Hà đưa ra là: Vắc-xin mang lại hiệu quả hoàn toàn không? Hiện nay chưa có tiêm chủng trên diện rộng, chưa rõ tác dụng phụ thế nào?…
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom của WHO cũng cho biết không có thuốc nào hoàn hảo toàn vẹn. Ông chỉ ra: “Hiện có rất nhiều loại vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba. Tôi hy vọng những loại vắc-xin này sẽ giúp mọi người tránh được dịch bệnh. Nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào hiệu quả triệt để, và có thể một thời gian nữa vẫn chưa thể có được.”
Các loại vắc-xin thường phải đợi vài năm mới có thể được cơ quan chức năng phê chuẩn đủ quy cách. Lý do chủ yếu là các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc cần được thời gian minh chứng. Ngay cả khi thuốc đã được phê duyệt thì vẫn tiềm ẩn khả năng có tác dụng phụ trên cơ thể người.
Công luận đang bày tỏ những lo ngại đối với tính an toàn của các loại vắc-xin được phát triển nhanh chóng. Cuộc thăm dò mới nhất do Angus Reid công bố cho thấy có đến 60% người Canada lo lắng về tác dụng phụ của vắc-xin.
Chuyên gia Hoành Hà khẳng định khó tránh những tác dụng phụ. Nhiều loại vắc-xin hiện nay có hội chứng GBS (hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các dây thần kinh). Với vắc-xin COVID-19 thì còn vấn đề lớn hơn là không thể lường được kết quả ngoài dự tính. Phần lớn do thực trạng xen vào của chính trị, việc phát triển phương pháp chống dịch nào nhiều khi rất mất tự chủ. Giống như liệu hydroxychloroquine có phải là vấn đề chính trị không, khẳng định là vấn đề chính trị.
Ông ví dụ ở Mỹ năm 1976 có một loại virus cúm mùa thu. Khi mới xảy ra, nó chưa trở thành một sự kiện toàn quốc, họ đặc biệt lo sợ về khả năng giống như dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918. Vì vậy đã quyết định tiêm chủng cho toàn dân.
Vì vắc-xin cần nuôi cấy trong trứng gà, cần rất nhiều trứng gà, nuôi cấy vắc-xin có chu kỳ nên phải quyết định nhanh chóng, chi phí rất tốn kém. Còn xu hướng phát triển của dịch bệnh là hoàn toàn không lường trước được nên lúc đó phải quyết định tiêm phòng cho toàn dân, nhưng rồi sau này bệnh cúm không lây lan trên cả nước.
Vì lúc đó quy định mọi người đều phải tiêm phòng, hệ quả sau này xuất hiện căn bệnh mới là hội chứng GBS (Guillain-Barré syndrome), lúc đó cứ 100.000 người thì có 7-10 người mắc hội chứng này, sau này các vụ kiện kéo dài nhiều năm. Đây là vụ kiện lớn nhất trong lịch sử y học Mỹ, xuất phát từ yêu cầu bắt buộc của Chính phủ Mỹ.
Chuyên gia Hoành Hà cũng nói rằng một triệu chứng của bệnh hô hấp này là hội chứng giải phóng cytokine (Cytokine Release Syndrome, CRS). Hiện nay, có ý kiến cho rằng sau khi tiêm vắc-xin thì trong lần lây nhiễm thứ hai dễ xuất hiện hội chứng giải phóng cytokine, nghĩa là gia tăng tình trạng bị nhiễm trùng phổi và phản ứng viêm phổi sẽ gây ra nhiều ca tử vong hơn. Quan điểm này không có cách nào để chứng minh được vì hiện nay đang ở giai đoạn thử nghiệm vắc-xin.
Vì hiện nay về cơ bản có xu hướng sử dụng protein S làm kháng nguyên để thúc đẩy hệ thống miễn dịch, đó là làm vắc-xin, vấn đề của vắc-xin là có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch nhưng liệu có thể ngăn chặn sự xâm nhập của virus không? Điều này vẫn còn quá nhiều ẩn số.
“Thỏa thuận bảo mật” cho người tham gia thử vắc-xin của Trung Quốc
Trong chuyên mục “Đối thoại” của CCTV ngày 22/8, Chủ nhiệm Trịnh Trung Vĩ (Zheng Zhongwei) của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tuyên bố rằng ngày 22/7, Trung Quốc chính thức triển khai sử dụng khẩn cấp đối với bệnh viêm phổi do virus corona mới.
Ông Dương Hiểu Minh (Yang Xiaoming), Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ sinh học Sinopharm của Trung Quốc và là nhà khoa học chính của dự án vắc-xin chương trình “863” quốc gia, cho biết vào ngày 23/6, tập đoàn này đã khởi động giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng vắc-xin đối với 20.000 người tại Bắc Kinh, Vũ Hán và Abu Dhabi (UAE).
Đài Á châu Tự Do (RFA) đưa tin, một người phụ trách kinh doanh của một công ty tiết lộ rằng Bắc Kinh đã tiến hành tiêm vắc-xin trên quy mô nhỏ ở một số khu vực, những người tham gia phải ký “thỏa thuận bảo mật” không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về hoạt động này.
Một thông tin của Reuters ngày 22/8 dẫn lời ông Trịnh Trung Vĩ (Zheng Zhongwei) cho biết, các nhà chức trách có thể xem xét mở rộng thêm kế hoạch tiêm vắc-xin khẩn cấp để ngăn chặn các đợt bùng phát có thể xảy ra vào mùa thu và mùa đông.
Điều đáng chú ý là vào cuối tháng 6 năm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức thông báo rằng vắc-xin “Ad5-nCoV” do nhóm nghiên cứu Trần Vi (Chen Wei) của Học viện Khoa học Quân sự và Công ty Công nghệ Sinh học CanSino hợp tác phát triển đã được Quân ủy Trung ương phê duyệt và có thể bỏ qua giai đoạn thử nghiệm thứ ba, sẽ tiêm chủng trực tiếp cho các binh sĩ.
Sau đó, một báo cáo từ The Lancet tiết lộ rằng trong số 108 người được tiêm vắc-xin này có 70% đến 80% người thử nghiệm có phản ứng bất lợi.Do đó báo cáo cho rằng, hiệu quả của vắc-xin tái tổ hợp lấy Ad5 làm chất dẫn vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Tin tặc liên quan đến Bắc Kinh cố gắng đánh cắp dữ liệu vắc-xin quan trọng của Mỹ
Về việc tin tặc có liên quan đến Bắc Kinh cố gắng đánh cắp dữ liệu vắc-xin quan trọng của công ty nghiên cứu phát triển vắc-xin Modena (Mỹ), chuyên gia Hoành Hà cho biết, dù Trung Quốc tuyên bố rằng họ đi đầu trong lĩnh vực vắc-xin nhưng họ vẫn muốn đánh cắp thông tin của Mỹ, vẫn muốn tấn công nghiên cứu về virus của Mỹ. Một mặt để cản trở người khác nghiên cứu, mặt khác muốn nắm được tiến độ nghiên cứu của Mỹ. Bởi vì các công ty hiện đang giữ bí mật, không muốn người khác biết kết quả nghiên cứu của họ, trong khi bây giờ tất cả mọi người đều đặt cược vào vấn đề này, không còn cách nào, không có lối thoát nào khác.
Reuters ngày 30/7 dẫn lời một quan chức an ninh Mỹ theo dõi hoạt động của tin tặc Trung Quốc cho biết, đầu năm nay, các tin tặc liên quan với Chính phủ Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tấn công vào công ty nghiên cứu phát triển vắc-xin viêm phổi Vũ Hán Modena hàng đầu của Mỹ. Mục đích là cố gắng đánh cắp dữ liệu quan trọng về vắc-xin của công ty này. Tháng Giêng năm nay, công ty này đã thông báo về việc phát triển vắc-xin, là một trong những công ty lớn đầu tiên tiến hành nghiên cứu phát triển vắc-xin viêm phổi Vũ Hán. Đến ngày 27/7, vắc-xin được công ty phát triển đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.
Nhiều công ty tham gia vì được Chính phủ hỗ trợ, không đồng nghĩa hiệu quả của vắc-xin
Chuyên gia Hoành Hà đề cập rằng trước đây các công ty công nghệ sinh học không muốn lao vào nghiên cứu vắc-xin, lý do quan trọng là do không có sự hỗ trợ của chính phủ, vì giả như sau khi đầu tư mà không có hiệu quả thì công ty sẽ mất trắng bao công sức. Sau khi viêm phổi Vũ Hán trở thành đại dịch, Chính phủ Mỹ mới phân bổ kinh phí để ký hợp đồng với nhiều công ty khác nhau. Hệ quả nhiều công ty vào cuộc, kinh phí dành cho mỗi công ty là không nhỏ, có hỗ trợ này thì ngay cả khi kết quả nghiên cứu không tốt và không thể sử dụng được thì công ty cũng không chịu thiệt hại. Cho nên, sự tham gia của nhiều công ty không có nghĩa là có thêm nhiều hy vọng về vắc-xin, nhưng công ty thì thấy được hy vọng kiếm tiền.
Được biết, Chính phủ Mỹ đã phân bổ ít nhất 10,9 tỷ đô la Mỹ cho nghiên cứu vắc-xin.
Ngày 11/8, Tổng thống Donald Trump thông báo ông đã ký hợp đồng với công ty công nghệ sinh học Modena để đặt hàng 100 triệu liều vắc-xin đang được phát triển với giá 1,5 tỷ USD. Kể từ tháng 5, đây là lần thứ 6 Chính phủ Mỹ đã đạt được loại thỏa thuận này. Trong những tuần gần đây, Chính phủ Mỹ đã đặt hàng 100 triệu liều vắc-xin từ Johnson & Johnson, Novavax, Pfizer và Sanofi, và 300 triệu liều từ AstraZeneca.
Dương Hạo, Thiên Tú