Canada hủy thử nghiệm vắc-xin Trung Quốc vì vận chuyển chậm
Canada đã hủy thỏa thuận phát triển vắc-xin COVID-19 với Công ty Công nghệ Sinh học CanSino của Trung Quốc vì lý do vận chuyển thuốc chậm trễ.
Đầu tuần này, CanSino đã phủ nhận chuyện hợp tác bị hủy bỏ, tuy nhiên Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada (NRC), một cơ quan do chính phủ tài trợ đã xác nhận rằng, các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin Ad5-nCoV sẽ không được tiến hành ở Canada.
Hội đồng cho biết: “Do CanSino vận chuyển vắc-xin COVID-19 đến Canada chậm, và vì CanSino hiện đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 tại nơi khác, cơ hội cụ thể này đã qua và NRC đang tập trung đội ngũ và cơ sở vật chất của mình vào những ưu tiên khác.”
NRC đã ký thỏa thuận với CanSino thực hiện thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng Năm. Hôm thứ Năm (27/8), CanSino niêm yết tại Hồng Kông đã trình lên sàn giao dịch chứng khoán của thành phố tuyên bố phủ nhận việc hợp tác với Canada bị đổ vỡ theo như truyền thông đưa tin.
Vắc-xin viêm phổi Vũ Hán Ad5-nCoV do nhóm nghiên cứu Trần Vi (Chen Wei) của Học viện Khoa học Quân sự và Công ty Công nghệ Sinh học CanSino hợp tác phát triển nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào ngày 18/3 năm nay và được cấp phép vào ngày 11/8, trở thành bằng sáng chế vắc-xin ngừa virus corona mới đầu tiên của Trung Quốc.
Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada nói rằng họ đã chuyển sang tập trung hợp tác với đối tác Bắc Mỹ và đang làm việc với VBI có trụ sở tại Massachusetts và Tổ chức vắc-xin và bệnh truyền nhiễm của Đại học Saskatchewan – Trung tâm vắc-xin quốc tế, đồng thời tìm kiếm các đối tác khác.
Giai đoạn thử nghiệm vốn được lên lịch vào đầu tháng Sáu nhưng CanSino bị từ chối cấp phép cho chuyển vắc-xin đi. Hội đồng cho biết sau khi ký thỏa thuận, chính quyền Trung Quốc thay đổi quy trình liên quan đến việc vận chuyển vắc-xin đến các quốc gia khác. Quy trình này không được làm rõ với NRC nhưng CanSino không có thẩm quyền để chuyển vắc-xin đi vào thời điểm đó.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có phải căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia này khiến việc xuất vắc-xin đi thử nghiệm tại nước khác bị chậm trễ hay không. Nhưng NRC nhấn mạnh rằng, thỏa thuận đã được đồng ý bởi chính quyền Trung Quốc – Học viện Công nghệ và Ủy ban Khoa học Công Nghệ Bắc Kinh – cơ quan cung cấp vốn cho CanSino. Chính quyền Trung Quốc không có bất kỳ tuyên bố công khai nào về việc thay đổi những yêu cầu vận chuyển vắc-xin trong khi hải quan không trả lời câu hỏi về nguyên nhân giữ lại hàng.
Hôm thứ Ba, trang Globe and Mail đưa tin rằng CEO của CanSino, ông Xuefeng Yu nói với tờ báo rằng, nguyên nhân của vụ việc là do cách làm việc quan liêu của quan chức nhà nước. Nhưng hôm thứ Năm (27/8), công ty CanSino đưa ra tuyên bố rằng không có nhân viên quản lý nào của hãng đã nói như vậy với truyền thông.
CanSino đã không đưa ra bình luận khi được yêu cầu.
Giai đoạn thử nghiệm 3 của vắc-xin Ad5-nCoV đang được triển khai tại Ả Rập Saudi và Nga. Trước đó vào cuối tháng Sáu năm nay, giới chức Trung Quốc thông báo rằng loại vắc-xin này đã được Quân ủy Trung ương phê duyệt và có thể bỏ qua các thử nghiệm giai đoạn III như thông lệ, đồng thời tiêm trực tiếp cho quân nhân.
Sau đó, một báo cáo của Tập san Y khoa The Lancet tiết lộ, trong số 108 người được tiêm loại vắc-xin này, 70% đến 80% có phản ứng bất lợi, 54% bị đau tại chỗ tiêm và 46% xuất hiện các triệu chứng sốt, 44% cảm thấy mệt mỏi, 39% cảm thấy đau đầu và 17% cảm thấy đau cơ. Do đó, báo cáo cho rằng hiệu quả của việc sử dụng Ad5 như một chất dẫn để tái tổ hợp virus viêm phổi Vũ Hán vẫn còn phải được nghiên cứu thêm.
Tuyết Mai (theo SCMP)
Người Hoa không quen dùng BĐS bảo lãnh cho nhà khoa học TQ bị Mỹ bắt
- Miêu Vi
- •
- Chủ nhật, 30/08/2020 • 181 lượt xem
Hồi tháng Bảy, Mỹ bắt giữ nghiên cứu viên 37 tuổi Đường Quyên (Tang Juan) có bối cảnh liên quan đến quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Gần đây, một người đàn ông gốc Hoa không quen biết với Đường Quyên đã đồng ý dùng bất động sản trị giá 500.000 USD để bảo lãnh cho Đường Quyên tại ngoại. Hôm 28/8, Tòa án khu vực liên bang Mỹ đã phê chuẩn việc này.
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin, Tòa án liên bang khu vực tại San Francisco hôm 28/8 đã phê chuẩn đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho Đường Quyên, một nghiên cứu viên khoa học của quân đội Trung Quốc từng ẩn thân trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco. Hiện tại cô ta bị giam tại nhà tù quận Sacramento, trong thời gian làm thủ tục bảo lãnh tại ngoại và phía công tố có thể đề xuất phản đối, Đường Quyên vẫn sẽ bị giam giữ ít nhất một tuần nữa.
Theo Bloomberg đưa tin, “ông C” – người Trung Quốc di dân bí ẩn này là một luật sư, ông cho biết nguyện ý dùng bất động sản trị giá 500.000 USD để thế chấp, bảo lãnh và bố trí nơi ở cho Đường Quyên.
Về việc này, thẩm phán xử lý vụ án là Kendall Newman đã tỏ ra vô cùng kinh ngạc, bởi vì trước ngày 27/8, “ông C” chưa từng gặp qua Đường Quyên, hơn nữa hai người họ chưa từng nói chuyện, hiện tại lại muốn thế chấp toàn bộ tài sản để bảo lãnh cho cô.
Ông Kendall Newman nói, “Tôi muốn chắc chắn rằng họ hiểu, bao gồm bác sĩ Đường Quyên, nếu cô ấy trốn, thì ông C sẽ thảm, sẽ mất toàn bộ tài sản.” Hiện tại thẩm phán cho biết, nếu ông C đồng ý cung cấp khoản thế chấp tương đương 750.000 USD, ông sẽ nghiêng về phía đồng ý cho Đường Quyên được bảo lãnh, thẩm phán khuyên “ông C” nên suy nghĩ thận trọng, sau đó thông báo cho thẩm phán.
Trong thời gian xử lý bảo lãnh, phía công tố Mỹ cho rằng, nếu Đường Quyên ra tù, chính phủ ĐCSTQ có thể sẽ giúp đỡ cô ta chạy thoát.
Ngoài ra, theo VOA đưa tin, công tố viên liên bang Heiko Coppola từng cảnh báo, “Nếu thả Đường Quyên, tuyệt đối sẽ không có gì có thể ngăn cản cô ta rời khỏi, tiếp tục quay trở lại Lãnh sự quán Trung Quốc và tìm đường trở về Trung Quốc.”
Ông Heiko Coppola còn nói, mẹ, con gái và chồng của Đường Quyên đã rời khỏi Mỹ, đã không còn bất cứ liên hệ nào với Mỹ, “đây đúng là một canh bạc lớn và mạo hiểm”.
Ngày 27/8, trong quá trình xét xử vụ án Đường Quyên, thẩm phán đã bác cáo buộc của phía công tố rằng Đường Quyên tham dự vào một “âm mưu to lớn” trong hoạt động gián điệp quốc tế.
Trước khi bị bắt, Đường Quyên là nghiên cứu viên của phân hiệu Davis của Đại học California, khi xin cấp visa học giả viếng thăm J-1, cô ta đã che giấu thân phận liên quan đến quân đội Trung Quốc, và đã phủ nhận khi bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) tra hỏi.
Ngày 26/6, FBI đã đề xuất truy tố và phát lệnh bắt giữ, thì phát hiện Đường Quyên đã vào trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco để lẩn trốn, cho đến ngày 23/7 Đường Quyên mới bị bắt. Theo Epoch Times (Mỹ) tiết lộ, Đường Quyên là Phó nghiên cứu viên của Trung tâm chuyển hóa y học phân tử Quốc gia – Đại học Quân y Không quân Trung Quốc, chức danh là Phó giáo sư, chủ trì dự án nghiên cứu điều trị ung thư cấp quốc gia. Công tố viên Mỹ cho biết, tài liệu quân sự Trung Quốc cho thấy Đường Quyên đang nghiên cứu thuốc giải độc sinh học.
Đường Quyên đã chính thức bị Bồi thẩm đoàn Liên bang truy tố, ngoài liên quan đến gian lận visa, tội danh trong cáo trạng mới cho thấy cô còn liên quan đến khai báo gian dối, tức nói dối FBI.
Nếu tội danh gian lận visa được thành lập, Đường Quyên sẽ đối mặt với mức án 10 năm tù và nộp phạt 250.000 USD.
Miêu Vi