SONG KIẾM HỢP BÍCH

   Phùng Nhân                                       

Đài Vietface TV Australia đang phát thanh tại Úc Châu, một tuần lễ 7 ngày. Tôi không biết Giám Đốc là ai, có liên quan đến VFTV bên Mỹ hay không, mà từ ngày tôi tìm thấy nó rồi, hầu như mỗi buổi sáng thức dậy tôi đều bật “nó” lên coi trước cái đả, mọi cái khác rồi sẽ tính sau. Không phải vì hai người BTV nầy đẹp, hay hoàn hão hơn mấy đài kia, mà vì hai cô nầy có giọng nói thanh tao. Một người thì đại diện cho giọng nói Hà Nội ngọt ngào, còn một người kia thì đại diện cho tiếng nói miền Nam Kỳ Lục Tỉnh…

Thông thường thì mỗi buổi sáng lúc 6 giờ, tôi hay ngồi bên tách cà phê để đọc tin tức như một thói quen trước khi đi tập thể dục. Tôi cũng không biết đài nầy có được mấy người, nhưng vào đúng giờ như tôi đã nói ở trên, thì lúc nào tôi cũng thấy chỉ có 2 người. Đó là Biên Tập Viên (BTV) Kim Hoàng với bà Lily Nguyễn. Bà Kim Hoàng là người miền Nam, nói rặt giọng Nam Kỳ Lục Tỉnh. Còn bà Lily Nguyễn thì người Bắc nên nói tiếng Hà Nội hay giọng Bắc Ninh, Hải Phòng gì đó mà tôi không biết rõ.

Bản tin Thời Sự Nước Úc vào mỗi buổi sáng được phát đi, đài VFTV Úc Châu thỉnh thoảng cũng có mời những nhà báo ở Úc Châu hiện nay như: nhà báo Lưu Dân chuyên bình luận về chánh trị, tài chánh, xã hội trên đài phát thanh SBS ban Việt Ngữ tại Úc Châu.

Còn nhà báo luật sư Lưu Tường Quang, trước đây ông là Giám Đốc Đài Phát Thanh SBS Ban Việt Ngữ hiện giờ. Ông là một nhà báo chuyên viết bài bình luận cho đài VOA ở bên Huê Kỳ và những đài phát thanh khác cũng ở Huê Kỳ. Ông cũng là một nhà báo có tiếng tăm, ngày hôm nay hưu trí chỉ thỉnh thoảng viết giải trí cho vui, hay ông viết cho đỡ nhớ về cái nghề trước đó mà ông đã làm với bổn phận của một người tỵ nạn chánh trị tại đây. Cũng có một thời ông và luật sư Nguyễn Văn Thân là một cặp bình luận chánh trị thật là ăn khách trên đài phát thanh Hoàng Nam rất lâu (thay vì 2VNR). Cho phép tôi được gọi bằng đài Hoàng Nam, vì nó thân mật hơn, gần gũi với tôi hơn …

Rồi bà Kim Hoàng lần lượt điểm qua những người có tiếng tăm ở trong thành phố Sydney nầy, được bà mời lên đài để mà bình luận những bản tin nóng hổi, trong số những người nầy, tôi thường thấy có ông Paul Huy Nguyễn – Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt NSW. Mỗi lần lên đài VFTV Australia ông ngồi một bên, bà Kim Hoàng ngồi một bên, như là đôi “Song Kiếm Hợp Bích”. Nó hoàn toàn ăn khớp không có kẻ hở để chê vào đâu cho được. Bởi bà Kim Hoàng thì nói rặt giọng miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà lại được trời cho phát âm cái giọng “kim” có pha một chút giọng “thổ”, nên khi dứt câu thì cái giọng còn kéo dài, khiến cho người nào buổi sáng ngồi nghe, thì cũng có thể liên tưởng tới con chim sẻ đang hót ở đầu hồi để kêu gọi ánh bình minh. Thật đây là một giọng nói trời cho hiếm có, nên làm cái nghề truyền thông là đúng với cái “nghiệp” của bà.

Ngoài những tin tức “nóng” về tình trạng lây nhiểm Covid-19 ra, đài VFTV Úc Châu còn bàn tới vấn đề: cơm, áo, gạo, tiền. Đó là những vấn đề thiết yếu trong đời sống hiện giờ, nên đã được những người lãnh trợ cấp hưu trí, hoặc tiền trợ cấp thất nghiệp hoan nghinh vì đã cập nhựt được nhiều tin rất là hữu ích …

Còn ông Huy, với dáng người đạo mạo, tiếng Việt nói đúng giọng lên bỗng xuống trầm, nên buổi sáng phát thanh khi tôi mở đài lên thấy hai người nầy thì tôi mỉm cười nhấp hớp cà phê với cõi lòng sảng khoái. Bởi đài nầy rất ư là thực tế, tin tức thường là cập nhựt đến cơn dịch Covid-19 hiện giờ, mà người dân họ thường trông đợi để lắng nghe. Coi tiểu bang nầy bao nhiêu, tiểu bang kia bao nhiêu, và sự tử vong cao hay thấp. Cũng chính nhờ đài nầy mà bà con cô bác ở đây mới biết rõ và biết sớm hơn, khi ở dưới Melbourne có một người Việt là Kelvin Nguyễn 51 tuổi vừa mới tử vong, cư ngụ tại Geelong khi anh đi làm trong hãng thịt gà Golden Farms 15 năm qua, hôm nay bị bịnh đang cách ly tại nhà vừa mới mất.

Cũng trong bản tin của đài VFTV Úc Châu, thì ngày hôm qua đây cũng ở dưới Melbourne có một bà cụ trên 80 bị chết vì Covid-19. Nói tóm lại trong số người tử vong tại Úc, có rất nhiều sắc tộc khác nhau, ở trong đó cũng có sắc tộc Việt Nam, nhưng vì một lý do nào đó mà người ta không thể nhắc, người ta chỉ nói chung chung, một con số tử vong chỉ ở vào lứa tuổi nào đó mà thôi. Còn riêng hai trường hợp nêu trên, có lẽ là chánh quyền Victoria muốn gởi Thông Điệp tới mọi người, là con Covid-19 nầy nó sẽ xâm nhập mọi gia cư, bất kể người đó là ai, màu da gì nếu trong cuộc sống lơ là về vấn đề phòng thủ.

Tôi khoái nhứt là chương trình “Điểm Báo Úc Châu” do bà Kim Hoàng đã mời được ông Paul Huy Nguyễn để bình luận về nền Kinh Tế Úc Châu, khi ReserBank đã giữ nguyên lải xuất Ngân hàng là 0.25 ngay lúc nầy, cho tới những tháng ngày sắp tới để cứu vản nền kinh tế, đang bị con Covid-19 hoành hành chết lên chết xuống ngất ngư như người đang bịnh nặng.

Nói đề tài gì thì tôi không dám chắc, chớ còn nói về kinh tế, tiền tệ, lạm phát của nhà băng, thì ông Paul Huy là một kế toán gia lâu năm, ông ta nói nghe rất đã. Ông Huy và bà Kim Hoàng hai người tung hứng, như đôi “song kiếm hợp bích” trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, khi Hoàng Dung và Quách Tỉnh cùng nhau đứng trên bờ thành để mà nghinh giặc. Trong lúc thành Tương Dương gần như là thất thủ, có lúc hai người phải đâu lưng lại với nhau để chống đỡ những đường gươm của kẻ thù. Một kiệt tác văn hóa mà tôi đã đọc qua, đã mấy chục năm qua rồi mà vẫn còn nhớ. Khi hai nhà hiệp sĩ nầy họ múa kiếm cho đến nổi chỉ còn thấy bóng, chớ không thấy hình đã làm thành truyền thuyết trong giới võ lâm.

Nhưng bài nói chuyện hôm nay, bà biên tập viên Kim Hoàng trên đài phát thanh VFTV, đã khéo léo lèo lái từ mẫu chuyện bình thường, cho tới tình hình đang nóng bỏng hiện giờ, khi cơn dịch Covid-19 đã hoành hành làm những hãng xưởng hiện nay gần như là tê liệt, nên chánh phủ có mở ra phương án gọi là: Job Keeper, Job Seeker – tức là chánh phủ sẽ hỗ trợ tiền, để cho mấy ông chủ hãng giữ nhân viên ở lại.

Muốn diễn giải cho mọi người hiểu được, thì không phải ai cũng làm được, nói được. Vì nó thuộc phạm trù thông tin, người nói nó phải là một người nói tiếng Việt thật rành, và phụ chú thêm tiếng Ăng Lê nữa thì mới thành công. Cũng trong phạm vi nầy, thì bà Kim Hoàng với ông Paul Huy Nguyễn có một sự tung hứng rất là ăn khớp. Bà Kim Hoàng không bao giờ cướp lời người phát ngôn “nói cặp”, nhưng khi người nói cặp lúng túng để tìm ra từ ngữ thông tin, thì bà lại lẹ làng nhắc khéo. Chính những cái tung hứng nhịp nhàng đó nên trên khấu, hay truyền thanh, người ta mới thường nói hai người nầy là một cặp phát thanh toàn vẹn.

 Phải nói khi đọc báo, chỉ giao tiếp với những con chữ nhỏ li ti, còn nghe đài phát thanh VFTV Australia thì mình sẽ thấy cả hình hài, và giọng nói của người đọc nữa. Nên tôi rất khoái nghe đài nầy, thành thử ra bữa nay rảnh rỗi mới ngồi xuống đây, rồi mở máy ghi lại cảm nghĩ của mình để làm kỷ niệm mà chơi.

Nhưng tôi thì đánh máy như cò mổ, nên vừa nghe vừa lượt lại những câu đối đáp của hai vị nầy thật là vất vả gian nan. Phải uống hết một bình trà Thái Đức (thức đái) của Trung Quốc, tôi mới viết ra được vài đoạn. Đây là một bài báo khó viết nhứt trong đời, nếu viết không tốt, thì người ta sẽ cho tôi thấy người đẹp Kim Hoàng rồi nói bá vơ, chớ bà Kim Hoàng làm sao qua mặt được mấy bà đang ngồi trong đài phát thanh Á Châu Tự Do, đài VOA, đài BBC, đài RFI bên Mỹ, bên Pháp quốc …

 Cái khó của bài viết nầy là dựa vào sự kiện ở đây, rồi viết ra thành bài báo của mình. Chớ còn chép lại thì làm chừng một tiếng đồng hồ là xong, đó là một sự rất khó trong bài báo, vừa Ký, vừa văn Nói, văn Viết nó được trộn lại thành một thứ bột ròng để làm ra cái bánh …

Nghe thét rồi quen, bữa nào mà quẹt lên ông Đỗ Dzũng “Thời Sự 247” trên đài bên Mỹ trước, thì tôi muốn bỏ qua, vì ông nầy bình luận quá ồn ào, nhưng được có cái ông nầy nói tới đâu thì trưng bằng chứng ra tới đó. Cũng có bữa nhờ ông mà tôi mới biết thêm ông Tổng thống Donald Trump, có cái bệnh hay Twitter vào lúc gần sáng hay sao, về cái vụ ông muốn ra lịnh hoản ngày bầu cử Tổng Thống thứ 46 là ngày 3/11 nầy lại. Nhưng sau đó ông bị trên Thượng Viện trả lời: “Thưa ngài Tổng Thống đâu có hoản được ngài ơi. Vì đó là bầu cử cho cả nước”. Ông Trump mới Twitter lại rằng, giỡn chơi thôi mà, thì cứ việc tổ chức tiếp đi “tôi” đâu có ngán.

Còn đài VFTV Australia của bà Kim Hoàng, buổi sáng thường thì tường thuật tin nước Úc: tình trạng hiện tại ở dưới Victoria con Covid-19 nó đã làm giặc ra sao, ông thủ hiến Daniel Andrews đã ra lệnh thiết quân lực cấp 4 như thế nào… mấy khi đó làm cho tới cái thời chiến tranh ở bên nước Việt Nam của mình trước năm 1975 quá xá.

Tôi cũng khoái nhứt khi bà Lily nói, thì bà Kim Hoàng cũng nhắc phụ họa theo. Chớ cứ để một người nói quá dài, quá lâu khiến khán giả ngồi nghe cũng buồn ngủ. Rồi còn hai bàn tay ngọc nữa nghen, đưa xuống đưa lên một cách nhẹ nhàng để diễn tả thêm ý nghĩa, nó chẳng khác gì một cảnh nằm võng ru con, nếu cái giò chòi cho cái võng đong đưa, mà cái miệng không hát ầu ơ thì còn gì thơ mộng nữa.

Tôi nghe thét rồi quen, tôi đi đâu cũng bỏ túi cái phone kè kè, chớ thật ra chẳng mấy khi có bạn bè gọi đến. Lâu lâu cũng lướt nhẹ nó vài dòng, nhưng cuối cùng rồi thì cũng kiếm đài VFTV Úc Châu, hoặc RFA bên Mỹ. Từ khi có những đài nầy có kênh Youtube kèm theo, thì tôi nhận thấy dường như trí óc con người có thật sự mở mang, nên mấy tờ báo giấy lần hồi chết trong hiu quạnh!

Nói tới đây tôi mới thấy thương tờ Việt Luận với tờ Chiêu Dương quá chừng, chừng ấy tuổi nghề mà vẫn lao đao. Mấy bữa nay trên mặt báo Việt Luận tôi thấy có bản tin là (quốc hội Mỹ muốn giải tán Facebook). Cái tin với cái headline như bom nổ, chớ thực chất thì chẳng giải quyết tới đâu, vì cái thằng Facebook bây giờ, nó có 72 phép thần thông như Tôn Hành Giả ngày xưa. Tuy vậy mà tôi cũng thấy vui vui, ít ra các nước tư bản họ cũng biết kềm hãm mấy con cá mập lại, chớ còn không thì nó vét sạch hết những gì có dưới đáy biển khơi, thì mấy rặn san hô có môn chết khô trong cơn sóng dữ.

Cũng nhờ hai bà Biên Tập Viên nầy, mà ngôn ngữ Nam Kỳ Lục Tỉnh lần hồi sống lại trong tôi. Có lần tôi nghe tới câu “đây là một con số tử vong mà ông Daniel Andrews không hề mong muốn”. Một câu nói rất bình thường, nhưng sẽ có tự sự kèm theo, mà cái thuở xa xưa khi chúa Nguyễn Hoàng đem quân đi mở cõi Phương Nam, cũng có mang theo rất nhiều người dân tứ xứ. Khi họ hợp quần lại để sống với nhau, vì lúc đó chưa có làng xã hay thôn xóm lập ra, nên họ mới nói và tạo dựng ra một phương ngữ địa phương, để rồi sau nầy người ta gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh …

Cũng chính vì vậy mà xứ Nam Kỳ nầy mới có những từ thật lạ, chẳng hạn như con cá “gô, bắt bỏ vô gổ nó nhảy gồ gồ”, hay một bà mẹ đi cấy về nhào lại ôm đứa con hun rồi nói “Chục chưng của mẹ, ở nhà có chóc có cha hôn?”. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi, bởi ngày xưa thời mở cõi, người đàn bà họ cũng giỏi dang đâu kém đàn ông, nên họ cũng đi phá rừng làm ruộng. Khi về tới nhà vì quá nhớ con, nên cứ nói cái giọng “đã đớt, bà chã bà chẹt” thét rồi quen, lâu dần trở thành từ ngữ địa phương, cho đến ngày hôm nay chỉ còn trong sách vở.

Trở lại vấn đề của đài VFTV Australia ra đời chưa được bao lâu, mà đi tới đâu tôi cũng có nghe nhiều người nhắc tới, chẳng hạn trong cái xẽo lá ở xóm Cabramatta West của tôi, thì mỗi buổi sáng mỗi người góp vào một chuyện. Nhưng sáng hôm nay lại phá lệ, có lẽ cũng nhờ gương mặt của hai bà BTV nầy – trong lúc mọi người đang hào hứng nói về chiến dịch vận động bầu cử bên nước Mỹ đã tới lúc chạy đua nước rút, thì ông Ba lưới rùn nói:

– Ông Paul Huy Nguyễn là ai, mà “tui” thấy ổng bình luận trên đài VFTV Úc Châu đã quá vậy mấy ông?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

– Bộ ông không biết ổng thiệt sao?

Ông ta đáp:

– Làm sao mà biết. Ông ta muốn làm cái chức phận gì ở đây cũng phải nói với tôi một tiếng chớ…

Tức thời ông Thi Sĩ trên Facebook đáp liền:

– Ổng là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt NSW của mình đó cha…

– Kỳ vậy sao tôi không biết …

Tôi hỏi vặn:

– Vậy chớ hồi đó ông có đi bầu không?

– Không. Có ai nói hay gởi thơ cho biết mà đi bầu.

Ông Bảy thắc mắc cự:

– Nói như ông nghe huề trất, đó là quyền lợi và bổn phận của một công dân. Ông là cái thá gì mà phải đợi người ta gởi thiệp mời tới nhà vậy chớ…

Tôi xoa diệu:

– Nếu mai mốt tới kỳ bầu cử Hạ Viện, ông Paul Huy Nguyễn ra tranh cử, ông có đi bỏ phiếu hôn?

– Đi chớ, bộ ngu sao không đi, Councill Fairfield nó phạt cho bỏ mẹ …

Câu chuyện lại kết thúc trong một buổi sáng mùa đông giá lạnh sương mờ, trên đường về tôi lại suy nghi miên man – hình như hôm nay ở dưới lãnh thổ Bắc Úc hôm nay, ngày thứ Bảy 22/08/2020 họ đang tổ chức bỏ thăm Hạ Viện. Còn ở Sydney thì chừng nào vậy ta? Chiếc ghế Hạ Viện hay Thượng Viện 3 năm bầu lại một lần phải hôn ta?

Đó là những câu hỏi bất chợt dồn dập trong đầu, rồi tôi lần tay tính lại là từ trước tới nay ở tại tiểu bang NSW của mình, đã có ông Nguyễn Thế Nghiệp ra tranh cử 2 lần đều rớt, sau đó tới bà Lê Đài cũng rớt. Khi nhớ tới chỗ nầy tôi lại thở ra, nếu tính nguyên con số từ ngày 30/04/1975 tới nay, thì đã hơn 45 năm rồi chớ đâu có ít, nhưng tại sao cả một cộng đồng người Việt của mình sinh sống tại NSW, năng nổ như vậy, tài năng như vậy, đã xây dựng được một cái Trung Tâm Sinh Hoạt Văn Hóa tốt đẹp như vậy, mà tại sao không gởi được một người đại diện của mình vào ngồi trong chiếc ghế Hạ Viện vậy cà …

Rồi cái khó nó ló cái khôn, về tới nhà tôi lại pha một ly cà phê uống tiếp, tôi chợt nhận ra điều này. Hai nhân vật mà tôi nói trên, họ rớt là vì thiếu sự ủng hộ của cộng đồng, nên số thăm của cộng đồng người Việt bị xé ra manh múng. Trong nhiệm kỳ tới nầy, nếu ông Paul Huy Nguyễn ra ứng cử thì cơ hội đắc cử sẽ đạt tới 80%. Bởi trong liên tiếp hai nhiệm kỳ vừa qua, ông ta đã làm việc với một tinh thần và trách nhiệm cho nên mọi người đều biết.

Bài viết nầy tôi không có ý định khuyến khích hay xúi giục ông Huy ra tranh cử, mà tôi muốn nói đến thời cơ nay đã chín muồi rồi. Vì trong thiên cơ đã có câu “nhứt bá tam”, thua ba lần thì phải thắng một lần. Còn nói về con đường hoạn lộ, thì ông Huy là hạng người có tướng làm dân biểu khỏe re, bởi ông ta là một người ăn nói chừng mực, và rất lễ phép với mọi người, nếu chúng ta dồn thăm thì sẽ chắc thắng.

Bởi từ trước tới nay, ở trong cộng đồng người Việt của mình. Phần đông thì họ nghĩ, phải ngồi vài chiếc ghế “nghị viên trước 4 năm cái đã”, rồi sau đó mới bò lên chiếc ghế Hạ Viện sau. Nhưng theo sự suy tính của tôi, thì con đường nầy sẽ gặp rất nhiều bế tắt, sẽ không thi thố được tài năng, bởi vì chỉ có ông Thị Trưởng thì mới được người dân biết tới.

Trong 4 năm ngồi trên chiếc ghế nghị viên, ông nghị viên nầy, ông nghị viên kia, bà nghị viên nọ chẳng ai biết được họ đã làm cái điều gì, thì khi đi vận động ra tranh cử lấy cái gì để chưng ra làm thành tích. Còn ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt ở đây, ở tại tiểu bang NSW nầy thì khác. Nếu họ đắc cử 2 nhiệm kỳ cũng 4 năm, thì họ sẽ có biết bao nhiêu công việc để làm, biết bao nhiêu thành tích để trưng ra khi tranh cử. Đó là tôi chưa nói tới những yếu tố như: thiên thời, địa lợi, nhân hòa và các cộng đồng Á Châu khác nữa …

Nếu kỳ bầu cử Hạ Viện khóa tới nầy mà trong cộng đồng người Việt ở NSW không có ai ra tranh cử, thì là một điều rất tiếc. Bởi đã đến lúc chúng ta phải làm cho cộng đồng mình lớn mạnh thêm ra, chớ không thể vài năm, có một vài người nào đó ra ứng cử vào chiếc ghế nghị viên, để rồi sau đó mãn nhiệm kỳ họ tan vào trong bóng tối.

Hãy thẳng thắn nhìn vào sự việc, rồi đề cử một người xứng đáng để đại diện cho cộng đồng. Một chiếc đũa thì chúng ta ai cũng có thể bẻ nó gãy dễ dàng, nhưng nếu bó lại thành một bó, thì nó sẽ là một cây cột, hay cây trụ để chống đở trong lúc bão giông. Tôi rất hy vọng trong nhiệm kỳ bầu cửa Hạ Viện tới, những vùng như Ward Cabravale Fairfield hay Ward Lansvale sẽ có người Việt của mình ra tranh cử. Hoặc lựa những vùng có người Việt cư ngụ đông, rồi cộng thêm phiếu của các sắc tộc Miên, Lào, Thái, Hồng Kong nếu biết cách tổ chức đi vận động thì cơ hội thành công sẽ nằm ngay trước mặt./-

Phùng Nhân

Related posts