- Trình Tường
(Ghi chú của người biên tập:
Tác giả của bài báo này, ông Trình Tường (Cheng Xiang), là một nhà bình luận thời sự nổi tiếng Hồng Kông, có hiểu biết sâu sắc về tình hình Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hồng Kông, ông Trình Tường là giám đốc, phó tổng biên tập của báo Văn Hối (Hồng Kông) trú tại Bắc Kinh. Ông từng tham gia cuộc phỏng vấn ngày 4/6/1989, sau đó đã cùng hàng chục đồng nghiệp từ chức vì không đồng ý với cách xử lý của chính quyền. Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban về Trung Quốc của tờ Straits Times, Singapore. Năm 2005, ông bị bắt oan tại Trung Quốc Đại Lục, ông được người dân Hồng Kông đủ mọi tầng lớp phát động hoạt động ủng hộ; trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, ông mới được trả tự do và quay trở lại Hồng Kông. Sau khi mãn hạn tù, ông đã xuất bản cuốn hồi ký “Nghìn ngày không hối hận – hành trình của trái tim”. Ông nói, “Tôi muốn thông qua thảm họa ngục tù của chính mình, góp một chút sức lực để tẩy sạch mảnh đất tạo ra những vụ án oan sai, nếu không, nỗi khổ ngục tù này chẳng còn ý nghĩa gì cả.” Lần này, Trình Tường viết bài phân tích văn kiện “Ý kiến về tăng cường công tác của Mặt trận thống nhất kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới” do Văn phòng Trung ương phát hành ngày 15/9, đề cập đến quan hệ đối tác công tư đợt hai của ĐCSTQ nhằm chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Dưới đây là toàn văn bài phân tích.)
Ngày 15/9, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành “Ý kiến về tăng cường công tác mặt trận thống nhất của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới”, công bố chính sách mặt trận thống nhất đối với các doanh nghiệp tư nhân. Tài liệu này khiến người ta lo ngại rằng ĐCSTQ sắp phát động “công tư hợp doanh” lần nữa, sử dụng hình thức “sở hữu hỗn hợp”, khôn khéo chiếm đoạt tài sản tư nhân. Đặc biệt, tài liệu này còn đề cập, các công ty được thành lập bởi các nhà đầu tư Hồng Kông và Macao ở Đại Lục cũng không tránh khỏi, điều này đã thu hút sự chú ý của người dân Hồng Kông. Bài viết này phân tích chi tiết tài liệu (toàn văn có 28 đoạn) để bạn đọc tham khảo.
Đảng quản lý doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phải mang họ đảng
Nguyên văn: (4) Tư tưởng chỉ đạo. Tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, thực hiện đầy đủ tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 19 và các kỳ họp toàn thể lần thứ II, III và IV của Ban Chấp hành Trung ương đảng lần thứ 19. Tập trung chặt chẽ vào bố cục “Năm vị nhất thể” của kế hoạch tổng thể, thúc đẩy phối hợp bố cục “Bốn toàn diện”, nâng cao toàn diện khả năng lãnh đạo công tác mặt trận đoàn kết kinh tế tư nhân của Đảng, củng cố hiệu quả công tác mặt trận liên kết kinh tế tư nhân, giáo dục và hướng dẫn những người dân làm kinh tế tư nhân nâng cao “bốn ý thức”, củng cố “bốn tự tin” và đạt được “hai tự vệ” , kiên định nghe theo đảng, đi theo đảng, đóng góp to lớn hơn nữa vào việc thực hiện mục tiêu “nhị bách niên” (hai lần một trăm năm), đóng góp to lớn hơn vào việc hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa“, phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại.
Diễn giải: Thuật ngữ chính trị và “từ kỹ thuật số“ do ông Tập Cận Bình tạo ra từ khi lên nắm quyền được sử dụng xuyên suốt. Cốt lõi của nó có thể được tóm tắt trong một câu: Các doanh nghiệp tư nhân phải mang họ đảng, chịu sự kiểm soát và chi phối của đảng và hợp tác với các chính sách của đảng.
Dấu hiệu “doanh nghiệp tư nhân mang họ đảng” là:
- Về chính trị: Tuyệt đối phục tùng đảng
Nguyên văn: (6) Củng cố và mở rộng nhận thức chung về chính trị. Giáo dục, hướng dẫn người làm kinh tế tư nhân trang bị tư duy, hướng dẫn thực hành theo tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới, duy trì sự nhất quán cao độ với Ban Chấp hành Trung ương Đảng về lập trường chính trị, đường lối chính trị, nguyên tắc chính trị, và trở thành một người luôn nhạy bén về chính trị.
Giải nghĩa:Đoạn này nhấn mạnh đến bốn điểm chính trị cần tuân theo. Cụm từ “là một người luôn nhạy bén về chính trị” thậm chí còn đáng chú ý hơn, nói một cách dễ hiểu, nó có nghĩa là: Các doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải luôn “biết phải làm gì” và ở mọi nơi đều tuân theo mệnh lệnh đảng. Doanh nghiệp tư nhân không chỉ phải “hiểu” chiều hướng đảng muốn áp lực doanh nghiệp tư nhân như thế nào, mà còn phải “hiểu” và theo sát những yêu cầu chính trị của Tập Cận Bình.
- Về tổ chức: Chấp nhận để đảng đưa người vào quản lý công ty tư nhân, bầu ra các cấp ủy công ty để ra thông qua các quyết định cao nhất
Nguyên văn:(6) Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng đảng của doanh nghiệp tư nhân, phát huy vai trò pháo đài chiến đấu của các tổ chức đảng và tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương của Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư tưởng, lý luận, giải đáp kịp thời những băn khoăn về tư tưởng của đại bộ phận kinh tế tư nhân. Mặt trận thống nhất của cấp ủy các cấp phải thực hiện chế độ trách nhiệm về công tác tư tưởng trong lĩnh vực kinh tế tư nhân, có trách nhiệm giữ đất, chịu trách nhiệm giữ đất, tận trách nhiệm giữ đất (thủ thổ tam trách).
Giải nghĩa:Dấu hiệu thứ hai của các “doanh nghiệp tư nhân mang họ đảng” là: Các công ty bị yêu cầu chấp nhận đảng đưa người vào thành lập tổ chức đảng trong công ty của họ, từ đó giao lại quyền quyết định cao nhất và quyền quản lý hàng ngày của doanh nghiệp tư nhân cho người của đảng.
Trên thực tế, ĐCSTQ đã sớm thực hiện điều này. Tại cuộc họp báo của Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 19, người phát ngôn của hội nghị cho biết, tính đến cuối năm 2016, 93,2% trong số 147.000 doanh nghiệp nhà nước, 67,9% trong số 2,73 triệu doanh nghiệp tư nhân, 70% trong số 106.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã thành lập tổ chức đảng, hơn nữa còn tham gia vào quyền quyết định của công ty. Người phát ngôn tuyên bố rằng sẽ đạt được “sự bao phủ toàn diện”, kiểm soát chặt chẽ nhóm các doanh nghiệp tư nhân. Văn bản này tập trung vào việc thành lập các tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, trở thành một “lực lượng đáng tin cậy” của ĐCSTQ nhằm tăng cường sự kiểm soát của đảng đối với các doanh nghiệp này.
Không chỉ như vậy, tổ đảng cũng phải kiểm soát tư tưởng của nhân viên doanh nghiệp tư nhân. “Thủ thổ tam trách” (ba trách nhiệm “giữ đất”) nói trên lần đầu tiên được ông Tập Cận Bình đề xuất tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2013. Ban đầu chỉ nhấn mạnh rằng các tổ chức tuyên giáo phải kiểm soát chặt chẽ các rào cản tư tưởng, nay công tác kiểm soát này cũng ứng dụng cho các doanh nghiệp tư nhân, cho thấy rằng Tập Cận Bình luôn lo lắng, bởi vì đối với ĐCSTQ, các công ty tư nhân luôn là “vùng sản sinh của chủ nghĩa tư bản”. Văn bản này cho thấy, ngoài việc kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân về quyền tài sản và kinh doanh, ĐCSTQ cũng phải kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân về mặt tư tưởng.
- Chấp nhận “công tư hợp doanh” phiên bản mới
Nguyên văn: (17) Hỗ trợ cho việc cải cách sâu rộng toàn diện. Hướng dẫn người làm kinh tế tư nhân đối xử đúng đắn với những điều chỉnh lợi ích do cải cách mang lại, hiểu rõ cải cách, ủng hộ cải cách, tham gia cải cách, sử dụng ngôn từ cơ trí và chiến lược thực dụng để cải cách sâu rộng toàn diện. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia cải cách công tư hợp doanh.
Giải nghĩa: Đây là phần cốt lõi của toàn bộ tài liệu, đó là: Để các công ty tư nhân “hiểu, ủng hộ và tham gia vào cải cách” , hơn nữa chấp nhận “cải cách công tư hợp doanh”.
Cái gọi là “cải cách công tư hợp doanh” được đưa ra bởi “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ về một số vấn đề chính của cải cách sâu rộng toàn diện” được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 18 vào năm 2013, nhấn mạnh việc quản lý chéo vốn nhà nước, vốn tập thể và vốn ngoài nhà nước, áp dung một hệ thống kinh tế sở hữu hỗn hợp tích hợp cổ phiếu và dung hợp lẫn nhau. ĐCSTQ dự kiến sự phát triển của sở hữu hỗn hợp thông qua “bốn tuyến tiến trình”:
– Tuyến thứ nhất dựa vào các doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn tư nhân và vốn nước ngoài và dung nhập vào vốn nhà nước;
– Tuyến thứ hai là dựa trên các doanh nghiệp tư nhân, cho phép tích hợp vốn nhà nước, vốn nước ngoài và tư nhân;
– Tuyến thứ ba là dựa trên các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho phép tích hợp vốn nhà nước, tư nhân và nước ngoài;
– Tuyến thứ tư là dựa trên cổ phiếu nhân viên của các công ty đã cổ phần hóa.
Ngay sau khi “quyết định” này được công bố, các doanh nghiệp tư nhân ở Đại Lục ngay lập tức nhận ra rằng đây là một phiên bản mới của “công tư hợp doanh”.
Từ đề xuất sở hữu hỗn hợp vào năm 2013, đến năm 2018, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã bị chèn ép ở các mức độ khác nhau. “Các doanh nhân tư nhân đang trên đường vào tù”, đây là chủ đề của bài giảng tiếng Nhật tại Học viện Kinh tế Thiên Tắc (Tianze) của Luật sư Trần Hữu Tây (Chen Youxi) ngày 17/11/2013. Ông chỉ ra rằng do sự phân biệt đối xử chính trị sâu xa của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân, số phận của ngày càng nhiều doanh nhân tư nhân thật đáng lo ngại, “Họ đang ở trong tù hoặc đang trên đường đến nhà tù.” Ông thậm chí còn nói rằng nếu (kiểu phân biệt đối xử này) không được thay đổi, “các (chủ) doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc sẽ luôn ở trên con đường vào tù.” Dưới áp lực chính trị như thế này, ngay cả, một ông chủ doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng như Jack Ma cũng phải sớm ngày hạ màn. Sau khi có tin tức về việc Jack Ma từ chức sớm, trên mạng Internet Trung Quốc đã xuất hiện những bình luận như “Không lùi thì kết cục cũng chẳng tốt đẹp”, “Chậu vàng không rửa tay, qua Pháp cũng rớt tường.” *(trường hợp tỉ phú Trung Quốc Vương Kiện – Wang Jian, trốn sang Pháp sau đó phát hiện chết với lý do “trèo tường” bị rớt).[1]
Văn bản hiện tại là ép các công ty tư nhân phải chấp nhận bị đảng trưng thu tùy tiện và từ bỏ các quyền tài sản của họ dưới hình thức sở hữu hỗn hợp.
Trên thực tế, ý định sử dụng sở hữu hỗn hợp để loại bỏ các doanh nghiệp tư nhân của ĐCSTQ đã được tiết lộ thông qua một số văn bản. Ngày 12/9/2018, Ngô Tiểu Bình (Wu Xiaoping), một nhân vật tài chính cấp cao ở Đại Lục và là người sáng lập Banniu.com, đã đăng một bài báo với tựa đề “Kinh tế tư nhân đã hoàn thành việc hỗ trợ sự phát triển của kinh tế công và nên dần rời khỏi thị trường.” Có thể nói, việc ĐCSTQ hướng đến các doanh nghiệp tư nhân khai đao đã được tiết lộ để ném đá dò đường. Bài báo chỉ ra rằng trong tiến trình lịch sử cải cách và mở cửa của Trung Quốc, kinh tế tư nhân “đã bước đầu hoàn thành nhiệm vụ lịch sử quan trọng là hỗ trợ kinh tế công đạt bước phát triển nhảy vọt”. Trong bước tiếp theo, kinh tế tư nhân “không nên tiếp tục mở rộng một cách mù quáng”. Hơn nữa, “kinh tế công tư hỗn hợp” với “hình thức mới, tập trung hơn, thống nhất và quy mô hơn” có thể sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong sự phát triển mới của kinh tế thị trường và xã hội xã hội chủ nghĩa. Bài báo này khiến giới tư nhân lo lắng. Có lẽ do vậy mà ngày 1/11, Tập Cận Bình buộc phải tổ chức hội nghị chuyên đề về công ty tư nhân để xoa dịu nỗi lo lắng này. Nhưng trấn an chỉ là trấn an, điều gì đến cuối cùng cũng sẽ đến. Trấn an xong, các văn bản chính thức được ban hành.
- Tham gia đầu tư “Một vành đai, một con đường”
Nguyên văn: (16) Khuyến khích tham gia vào các chiến lược quốc gia lớn… Hướng dẫn các doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào việc xây dựng “Một vành đai, một con đường”, có ý thức bảo vệ lợi ích quốc gia và thiết lập hình ảnh tốt đẹp về các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Giải thích:“Một vành đai, một con đường” là “dự án chủ chốt” của ông Tập Cận Bình – công cụ dùng để đạt được một mục tiêu chính trị nhất định mà không cần quan tâm chi phí, nên chỉ có thể là hoạt động đầu tư của nhà nước. Hiện ĐCSTQ chuyển hướng; đẩy các doanh nghiệp tư nhân vào cùng chịu. Điều này rõ ràng là ép buộc các công ty tư nhân vì “lợi ích quốc gia” mà đâm đầu vào một dự án thua lỗ.
- Tích cực xóa đói giảm nghèo
Nguyên văn:(9) Chủ trương coi trọng đạo nghĩa và lợi ích, đặt đạo nghĩa lên hàng đầu, kiên trì “trí phú tư nguyên, trí nhi tư tiến” (tạm dịch: làm giàu cũng phải uống nước nhớ nguồn, giàu rồi phải suy nghĩ tiến bộ), thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, ra sức xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tích cực tham gia vì sự nghiệp vẻ vang, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, từ thiện.
Giải nghĩa: Trong xã hội tư bản, chúng ta thường thấy nhiều nhà tư bản sẵn sàng quyên góp hào phóng để tham gia vào phúc lợi xã hội hoặc giáo dục. Trong những năm gần đây, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility, CSR) cũng đã được ủng hộ ở các xã hội tư bản phương Tây, nhưng tất cả các hành động này đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện, chính phủ không thể bắt ép các nhà tư bản quyên góp tiền để làm việc thiện thông qua luật pháp hay chính sách. Tuy nhiên, tài liệu này nêu rõ các doanh nghiệp tư nhân nên tham gia vào các hoạt động phúc lợi công cộng, tác giả cho rằng điều quan trọng nhất là nó thiết lập khái niệm “trí phú tư nguyên” (làm giàu cũng phải uống nước nhớ nguồn). Ý nghĩa của khái niệm này là: Lý do tại sao các doanh nghiệp tư nhân có thể làm giàu là do các chính sách của chính phủ cho phép họ và họ không thể giàu lên nếu họ không liên kết với giới quyền lực. Do đó, các doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm và nghĩa vụ tài trợ cho các hoạt động phi lợi nhuận theo yêu cầu của chính phủ mới có thể đảm bảo tài sản, địa vị không bị ảnh hưởng. Đây là áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân trên cả nước.
Theo ấn tượng của tác giả, lần đầu tiên đưa ra khái niệm này là vào ngày 12/9/2015, nhóm nghiên cứu “Liễu vọng” của Tân Hoa xã đã đăng một bài báo có tựa đề “Đừng để Lý Gia Thành bỏ chạy“ chỉ trích hành vi “bất chấp luân thường đạo lý” , vong ơn bội nghĩa, rút bớt tài sản khỏi Trung Quốc của hệ thống Trường Hòa. Tác giả của bài báo là La Thiên Hạo (Luo Tianhao), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chất lượng Công nghệ Thương mại.
Bài báo viết: “Ai cũng biết ở Trung Quốc hành nghề bất động sản không thể tách khỏi hệ thống quyền lực, nếu không có chính quyền chống lưng thì không thể tham gia vào thị trường bất động sản. Vì thế, tài sản ông ta có được một phần lớn không hoàn toàn xuất phát từ nền kinh tế thị trường bình thường. Ông ta không thể nói muốn đi là đi”. Nói cách khác, nếu Lý Gia Thành muốn ra đi, ông ta phải chi “tiền mãi lộ” hoặc “phí chuộc mình”. Đây là biểu hiện sớm nhất về “trí phú tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn) của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân. Bài báo cuối cùng đã chỉ ra rằng Lý Gia Thành và những người khác kiếm tiền ở Đại Lục có ba cách để “chuộc mình“:
Một là, chăm lo sinh kế người dân và báo ơn người nghèo.
Người giàu ở Hồng Kông muốn hạ cánh an toàn thì cần thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như hỗ trợ người nghèo bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực sinh kế của người dân không quá sinh lời. Ở Trung Quốc Đại Lục, nền kinh tế thực tế đang suy giảm, cần một lượng vốn lớn, trong tương lai, giới tài phiệt Hồng Kông không thể chỉ đầu tư vào những ngành sinh lời như bất động sản, mà còn cần đầu tư vào những ngành ít sinh lời, “kiếm được vài đồng vất vả”, và đóng góp vào công cuộc phục hưng kinh tế quốc gia, thay vì rút tiền không tiếc tay.
Hai là, đảm nhận trách nhiệm của thủ lĩnh giới kinh doanh.
Lý Gia Thành có thể thoái vốn, hoặc làm đi làm lại, nhưng không thể “thu sang lá rụng, quét sạch là xong”. Trong tương lai, cả ở Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông, họ nên để lại danh tiếng và tài sản của mình. Không thể cứ rời đi. . . . . Nếu Lý Gia Thành nhất quyết ra đi, ông ta có thể hủy hoại danh tiếng của mình trong nhiều thập kỷ. Hoặc phải hy sinh một phần lợi ích nhưng có thể bảo toàn được danh vọng, có thể nói là hai bên cùng có lợi.
Ba là, nhất định phải làm nhiều việc thiện hơn, thực hiện “sự nghiệp xã hội”.
Điều hành doanh nghiệp là công việc riêng của doanh nhân, nhưng ở Trung Quốc, điều đặc biệt cần thiết là “xã hội kinh doanh”, một kiểu xã hội vận hành như vậy, là một đóng góp thực sự cho một loạt các lĩnh vực xã hội, chẳng hạn như giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nghiên cứu khoa học… Trong tương lai, giới tài phiệt Hồng Kông cần tăng cường đầu tư vào “sự nghiệp xã hội” ở Trung Quốc.
Đọc kỹ bài này mới thấy lời lẽ đầy uy hiếp: Muốn “hạ cánh an toàn” thì phải làm sao? Nếu cứ nhất quyết bỏ đi thì cũng sẽ thân bại danh liệt, danh tiếng mấy chục năm rồi sẽ tiêu tan …
Nếu nắm vững bối cảnh này để đọc văn kiện, có thể thấy rằng yêu cầu của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân ở Đại Lục “kiên trì trí phú tư nguyên, phú nhi tư tiến” nặng mùi cưỡng bức đóng góp và bắt buộc phải sáp nhập.
Trình Tường
(Bài viết được sao chép với sự cho phép)
Chú thích: *[1] Đề cập đến vụ việc Chủ tịch HNA Vương Kiện (Wang Jian) chết vì rơi xuống tường ở Pháp. Các ví dụ khác phản ánh cuộc sống khổ sở của các doanh nhân tư nhân: Chủ tịch Alibaba Jack Ma tuyên bố nghỉ hưu sớm, Giám đốc điều hành JD.com Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong) nghi vấn tấn công tình dục, và các sự cố lần lượt xảy ra ở các công ty tư nhân như Wanda, HNA và Anbang Insurance…