Ở Úc, có những lúc bước vào siêu thị người ta phải gãi đầu gãi tai. Nhất là bà nội trợ nhà mình quen có tính tiết kiệm tiền bạc và nhiễm tí cái thói ‘đầu cơ tích trữ’ đã có từ thuở chiến tranh – thì khó xử hơn. Bà nội trợ có thể thấy món hàng đề giá $3.99 / một cái. Và bên cạnh đó là cái bảng chình ình ‘$5.99 / hai cái’. Nói cho tiện việc sổ sách, $3.99 tức là $4 Đô-la chẵn chòi. Hai lần $4 Đô-la phải là $8 Đô-la. Nhưng siêu thị cứ bán hai cái $6 Đô-la mà thôi.
Phải là bạn đọc, xin cho biết sẽ mua một cái hay hai cái.
Siêu thị đã mướn chuyên viên tâm lý và các nhà chuyên môn tính toán (actuary) để định giá bán một món hàng $3 và hai món $6 vì biết trước người ta sẽ mua một hay hai món.
Mở rộng ra toàn xã hội, chính phủ thường dùng cái lối chữ Anh gọi là ‘social enginering’ để người dân chui vào khuôn phép. Một trong những đòn phép ‘uốn nắn xã hội’ là trừng phạt và ban thưởng. Mới nhất chính phủ Úc đã uốn nắn lại những giấc mơ của cô cậu sắp bước vào đại học bằng dự luật có tên là ‘Job-Ready Graduate Bill, dự luật Ra Trường là Có Việc Làm’.
Tên của dự luật thật mỹ miều vì cho thấy ai cúi mình chui vào những điều ghi trong dự luật thì sau khi đội mũ mặc áo từ trường đại học là a-lê-hấp … ‘có việc làm’. Nghe mà ham!
Ghi trong dự luật này là thay đổi học phí cho các phân khoa trong trường đại học ở Úc. Theo đó, bắt đầu năm học tới sinh viên ghi danh vào các ngành văn khoa (humanities) và luật (law) phải chịu học phí hơn gấp đôi. Trước đây, học cử nhân văn khoa tốn chừng $20,000; sang năm sẽ tốn $43,000. Trước đây học cử nhân luật tốn $44,620; sang năm sẽ tốn $58,000. Đó là phần trừng phạt.
Bước sang phần ban thưởng: từ sang năm, sinh viên ghi danh học các môn toán, khoa học, kỹ sư chỉ đóng học phí rẻ. Cũng rẻ là học các môn nông nghiệp, môi sinh, sư phạm, tâm lý, kiến trúc, tin học, Anh văn và y tế. Trước đây, sinh viên học xong chương trình cử nhân nông nghiệp thường mắc nợ chính phủ $28,000. Từ sang năm, ai bắt đầu học cử nhân nông nghiệp thì khi ra trường chỉ mắc nợ $11,100.
Với lối tính học phí mới, chính phủ uốn nắn lại những ước mơ của bạn trẻ (và của phụ huynh) khi ngấp nghé ở cổng trường đại học. Rủi cô cậu có óc sáng tạo, tài văn khoa mà nhà nghèo thì … xin mơ giấc mơ rẻ tiền, à nghe.
Hơn nữa, làm thế chính phủ còn hạ thấp sứ mạng của đại học. Đại học không những đào tạo chuyên viên cho xã hội mà còn là nơi phát triển óc sáng tạo và nuôi dưỡng khả năng truyền đạt. Các môn học văn khoa giúp phát triển sáng tạo và nuôi dưỡng truyền đạt. Thiếu nó, xã hội chỉ toàn những chiếc máy răm rắp làm theo kỹ thuật. Bạn đọc có thích con mình thành robot mặc dù rủng rỉnh tiền bạc không? Bạn đọc có muốn xã hội ngày mai không còn thi ca, hội hoạ, kịch nghệ … mà chỉ răm rắp sống theo chương trình điện toán : ‘If… then…, Nếu…. thì….’.
Sau cùng, vì sỹ số sinh viên ghi danh vào các phân thay đổi nên trường đại học ở Úc phải thích ứng về trường ốc, phòng thí nghiệm, thư viện và ban giảng huấn. Nhóm 8 đại học hàng đầu ở Úc (Group of 8) e rằng có những phân khoa đầy nghẹt sinh viên mà thiếu phương tiện. Lý do là chính phủ quá vội tính học phí mới. Vào năm học 2021 sẽ thấy trường luật và văn khoa thưa thớt mà khoa học, kỹ sư, y tá, nông nghiệp chật cứng. Bên cạnh đó, sang năm sẽ chật chội hơn ở đại học Úc vì sẽ đông hơn cô cậu từ lớp 12 lên. Thông thường, chừng 20 ngàn cô cậu học xong trung học là nghỉ một năm (gọi là ‘gap year’) để đi chơi. Năm nay, con Corona cắn dữ quá nên cô cậu không còn đường bay ra khỏi nước Úc nữa. Cô cậu đành lên đại học.
Với người mình, thay đổi lối tính học phí này có thể giúp cho có người thở phào. Khá đông cha mẹ Việt Nam không mong gì hơn khi con cái ra trường thì có ngay việc làm và phần lớn việc làm được người mình ưa chuộng thuộc các lãnh vực khoa học ứng dụng, y tế hay tin học. Cô cậu đã từng được cha me uốn nắn từ nhỏ để mơ những giấc mơ ‘…sỹ, …sư’ thì nay phần lớn ngành học ấy lại được bớt học phí. Âu chẳng phải gặp thời gặp vận ư?
Sau cùng, phụ huynh nào cũng có những giấc mơ đại học giùm cho con cháu. Nếu ông bà cha mẹ mơ cùng một giấc mơ như con cháu thì không gì êm đẹp bằng. Tuy nhiên, có những ông bà cha mẹ mơ khác với con cháu. Hiển nhiên, người đi trước có bổn phận hướng dẫn người đi sau. Chắc là người đi trước nên dừng lại trong vai trò hướng dẫn. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người đi sau. Bởi lẽ, rủi bị ép phải học những môn mình không thích hay không có khả năng nên ngay trong năm thứ nhất đã rớt phân nửa môn học thì từ sang năm cô cậu sinh viên ấy không còn được vay tiền HESC từ chính phủ nữa.
Việt Luận