Tâm Thanh
Việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và tồn tại nhiều tác dụng phụ, nhưng đã đưa vào sử dụng trên diện rộng, theo Sound of Hope.
Theo cơ chế chung về phòng ngừa và kiểm soát của hội đồng nhà nước Trung Quốc công bố trong cuộc họp báo ngày 20/10, cho đến nay, khoảng 60.000 người ở Trung Quốc đã được tiêm chủng và phạm vi tiêm chủng sẽ còn được mở rộng hơn nữa trong tương lai.
Tại cuộc họp báo, ông Điền Bảo Quốc, phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ Phát triển Xã hội thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc tuyên bố rằng, hiện tại, 4 loại vắc-xin bao gồm vắc-xin bất hoạt và vắc-xin Ad5-nCoV đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, có khoảng 60.000 người trên cả nước đã đồng ý tiêm thử 4 loại vắc-xin này.
Trước đó, có thông tin cho rằng tại Trung Quốc, các “đối tượng thử nghiệm” sau khi được tiêm vắc-xin xuất hiện các triệu chứng như buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, sốt…
Về điều này, ông Điền Bảo Quốc nói rằng, các phản ứng bất lợi của bất kỳ loại vắc xin nào sau khi thử nghiệm nghiên cứu hoặc đưa ra thị trường đều có thể xảy ra. Hiện các báo cáo nhận được đều ở mức độ nhẹ, “bước đầu cho thấy độ an toàn đáng lạc quan”.
Trước đó, vắc-xin viêm phổi Vũ Hán do AstraZeneca, một công ty dược phẩm hàng đầu của Anh hợp tác với đại học Oxford phát triển, đã tạm ngừng thử nghiệm do nghi ngờ có tác dụng phụ gây viêm tủy.
Công ty công nghệ sinh học Moderna trụ sở tại Massachusetts, Mỹ cũng đã thận trọng giảm tốc độ nghiên cứu phát triển vắc-xin sau khi phát hiện ra 5 tình nguyện viên xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sốt và đau đầu kéo dài một ngày sau khi tiêm thử vắc-xin. Người phụ trách của công ty này nói với giới truyền thông rằng, vắc-xin của họ sẽ không thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng rộng rãi của công chúng cho đến mùa xuân năm sau.
Trong khi các nước phương Tây thận trọng từng bước một đối với việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin, thì Trung Quốc lại nôn nóng muốn chiếm lĩnh thị trường toàn cầu mà mạo hiểm đâm đầu vào sóng giữ.
Bốn loại vắc-xin nói trên vừa mới bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, nhưng chúng lại đã được tiêm chủng cho hơn 60.000 người.
Tập san y khoa quốc tế “The Lancet” đã từng tiết lộ rằng, vắc-xin Ad5-nCoV, một trong bốn loại vắc-xin của Trung Quốc, do công ty CanSino Biologics và nhóm của viện sĩ Trần Vi thuộc học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc hợp tác phát triển, đã được đưa vào sử dụng cho quân đội, 108 quân nhân đã được tiêm loại vắc-xin này.
Trong số đó, 70% đến 80% người thử nghiệm có phản ứng bất lợi; 54% bị đau tại chỗ tiêm; 46% có triệu chứng bị sốt; 44% cảm thấy mệt mỏi, mất sức; 39% bị nhức đầu và 17% bị đau cơ bắp. Vì vậy, báo cáo kết luận hiệu quả việc sử dụng vắc-xin Ad5-nCoV làm vắc-xin tái tổ hợp virus viêm phổi Vũ Hán cần được nghiên cứu thêm.
Vắc-xin do Trung Quốc sản xuất đã gây ra một loạt phản ứng phụ trên quy mô lớn nhưng lại bị xem nhẹ. Thậm chí, ông Điền Bảo Quốc còn tuyên bố rằng, bất kỳ loại vắc-xin nào cũng đều có thể có các phản ứng bất lợi.
Hơn nữa, vào hồi cuối tháng 8, phương tiện truyền thông trong nước CBN (China Business News) dẫn lời một chuyên gia từ Trung tâm Lâm sàng Y tế Công cộng Thượng Hải tiết lộ rằng, nghiên cứu mới nhất cho thấy loại virus Corona mới (COVID-19) có hiện tượng “tăng cường phụ thuộc vào kháng thể” (Antibody-dependent enhancement – ADE), chính xác hơn là tăng cường miễn dịch hoặc tăng cường bệnh tật.
Điều này không chỉ khiến vắc-xin không hiệu quả, mà việc vắc-xin có thể tăng cường sản xuất kháng thể, nhưng thông qua cơ chế ADE thì người được tiêm chủng nếu bị nhiễm virus, triệu chứng sẽ còn tồi tệ hơn.
Về vấn đề này, phản ứng chính thức của ĐCSTQ là gỡ bỏ toàn bộ các báo cáo liên quan, một chữ cũng không nhắc đến.