- Lâm Trung Vũ
Gần đây, giới quan trường Nội Mông đã bị thanh trừng trên diện rộng. Trong phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 19, các quan chức Nội Mông đã thông báo về việc, một quan chức Cục Bốn bị sa thải vào ngày 27/10. Các nhà chức trách của ông Tập Cận Bình đang điều tra lại về giới quan trường Nội Mông trong vòng 20 năm. Phân tích của ngoại giới đã chỉ ra rằng, cuộc điều tra này nhằm vào phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Cũng có người nói rằng đây là một cuộc tấn công ngấm ngầm vào phe cánh của Hồ Xuân Hoa.
Trang web của Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Nội Mông của ĐCSTQ tối qua đã đưa 4 tin liên tiếp về các quan chức cấp tỉnh “ngã ngựa”. Bao gồm: ông Vương Tuấn Phong, Bí thư Đảng ủy kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Ứng phó Khẩn cấp Khu tự trị Nội Mông; ông Từ Hô Hòa, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Tư pháp Khu tự trị Nội Mông kiêm Bí thư Đảng ủy Cục Quản lý Nhà tù Khu tự trị; ông Tô Hòa, nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản quốc doanh Nội Mông Cổ; Ông Lý Tài, Bí thư đảng kiêm Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị ĐCSTQ thành phố Hulunbuir. Bốn người này đều là cán bộ cấp cục. Trong đó ông Tô Hòa và ông Từ Hô Hòa đã nghỉ hưu vào tháng 5 và tháng 6 năm ngoái.
Tháng 2/2020, các vụ án tham nhũng liên quan đến than ở Nội Mông bùng nổ. Chính quyền của ông Tập Cận Bình yêu cầu “Điều tra lại 20 năm”. Giới quan chức Nội Mông bị điều tra chính thức bao gồm các quan chức đảng và chính phủ hoặc giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư bất hợp pháp vào các mỏ than dưới danh nghĩa công khai hoặc bí mật từ năm 2000. Manh mối liên quan đến các vấn đề này gồm thông đồng giữa quan chức và doanh nhân, đòi và nhận hối lộ, làm “ô dù bảo vệ” cho các chủ mỏ khai thác trái phép.
Cho đến nay, gần 60 quan chức từ cấp phòng trở lên đã “ngã ngựa”. Trong đó nhiều người là quan chức đã về hưu và các lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực liên quan đến than.
Nhiều quan chức tham gia vào lĩnh vực than đá như ông Lý Vĩnh Tiên, cựu tổng cố vấn pháp luật của Tập đoàn Công nghiệp Than Sông Hoắc Lâm Nội Mông (Tập đoàn than Huolinhe); ông Tái Thanh Khắc, cựu phó thị trưởng chính quyền thành phố Hohhot; ông Tào Văn Mẫn, thành viên Ban thường vụ Thành ủy thành phố Thông Liêu, kiêm Bộ trưởng Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất; ông Tiết Thăng Kỳ, chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Nội Mông; ông Trương Chí Quân, phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Xilingol League Nội Mông ĐCSTQ; ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Nội Mông; bà Lưu Quế Hoa, nguyên phó chủ tịch Ban thường vụ đại hội nhân dân thành phố Ordos; ông Mãnh Chí Tuyền, nguyên phó bí thư đảng ủy Tập đoàn gang thép Bao Đầu; ông Quách Cương, phó thị trưởng thành phố Bayannur Nội Mông ĐCSTQ.
Giới truyền thông tại Đại Lục đưa tin, các quan chức tham nhũng ở Nội Mông, bao gồm ông Vân Quang Trung, ông Bạch Hướng Quần, ông Hình Vân, ông Vân Công Dân. Những người này đều liên quan đến việc vi phạm các quy định và luật pháp trong lĩnh vực tài nguyên than.
Trước thềm Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, ngày 16/10, trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã đưa tin dày đặc rằng, theo Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Khu tự trị Nội Mông, 4 quan chức đã bị “khai trừ kép” hoặc khai trừ đảng. Đó là: Ông Liên Thiên Tuấn, cựu Phó tổng thanh tra của Khu quản lý nhà tù Nội Mông, bị khai trừ đảng. Ông Tái Thanh Khắc, cựu phó thị trưởng chính quyền thành phố Hohhot, bị khai trừ đảng. Ông Tào Văn Mẫn, thành viên Ban thường vụ Thành ủy thành phố Thông Liêu, kiêm Bộ trưởng Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất bị “khai trừ kép”. Bà Lưu Quế Hoa, nguyên phó chủ tịch Ban thường vụ đại hội nhân dân thành phố Ordos, bị khai trừ đảng.
Ngày 17/10, ông Lưu Ngọc Doanh, cựu đảng viên của Văn phòng Kiểm toán Khu tự trị Nội Mông, bị điều tra.
Ngày 17/10, ông Cao Thầm, cựu chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị ĐCSTQ ở thành phố Thông Liêu, Nội Mông, đã bị kết án 6 năm tù giam và phải nộp phạt 600.000 nhân dân tệ (tương đương 2 tỷ VNĐ) vì đã nhận hối lộ hơn 7,56 triệu nhân dân tệ (tương đương 26 tỷ VNĐ).
Trong 20 năm qua, ông Trữ Ba và Vương Quân, những người nắm quyền điều hành Nội Mông suốt một thời gian dài, cũng như các quan chức cấp cao là ông Phiên Dật Dương và ông Vân Quang Trung đã ngã ngựa tại Nội Mông. Họ đều là tay chân bè phái Giang Tây của Tăng Khánh Hồng, Ngô Quan Chính, cựu Ủy viên Ban thường vụ, thuộc vây cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Họ đã tặng cho gia tộc họ Tăng và họ Ngô những khoản lợi nhuận khổng lồ bao gồm cả các mỏ than.
Nội Mông cũng là nơi sinh của ông Lưu Vân Sơn, một thành viên thuộc Ủy ban Thường vụ phe Giang. Trước khi được chuyển đến Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Lưu đã công tác ở Nội Mông hơn 20 năm. “Gia tộc họ Lưu luôn dựa vào Nội Mông để ăn cắp của cải quốc gia và thỏa mãn lòng tham vô đáy của họ”. Gia tộc này “kiểm soát quyền sở hữu một lượng đáng kể tài nguyên khoáng sản, bao gồm các mỏ than, mỏ molybden, v.v. ở Nội Mông.”
Theo phân tích của bình luận viên thời sự Lý Yến Minh, trước và sau Hội nghị Bắc Đới Hà, Mingtianxi của Tiêu Kiến Hoa bị tiếp quản, bức màn đen khai thác than phi pháp lên đến hàng chục tỷ NDT tại Thanh Hải bị phơi bày. Vụ án ông Lại Tiểu Dân, chủ tịch Hoa Dung, bị đưa ra xét xử. Ông Lạc Gia Mang, kế toán trưởng của Tập đoàn Trung Lương (COFCO) bị “ngã ngựa”. Bốn vụ án lớn liên tiếp nổ ra.
Thời gian diễn ra những vụ án nội bộ trong giới quan trường ở Nội Mông khá nhạy cảm và vẫn còn đang lên men. Điều này liên quan mật thiết đến cuộc chiến giành “túi tiền” và “cán bút” đang diễn ra trong chiến dịch của ông Tập. Có nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy ông Tập Cận Bình và các gia tộc quyền quý thuộc phe cánh Giang, gồm Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, đang tham gia vào một cuộc đọ sức toàn diện.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, ông Hồ Xuân Hoa có thể bị động đến bởi đề xuất “điều tra lại tham nhũng than trong 20 năm” của Nội Mông Cổ. Theo một số bài viết trên kênh truyền thông Hoa Kỳ, có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình có thể sử dụng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương nhằm động thủ với ông Hồ Xuân Hoa, nhằm nắm chắc quyền chủ động kế nhiệm trong tương lai.
Bài viết cho rằng Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa kiêm ủy viên Bộ Chính trị, hiện vẫn là một trong những ứng cử viên được yêu thích nhất cho chức vụ trong Ủy ban Thường vụ của Đại hội toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20. Trong khi đại dịch năm 2020 vẫn chưa kết thúc, dưới sự thúc giục của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Nội Mông đã quyết định điều tra lại vấn đề mỏ than suốt 20 năm. Đây là một động thái mang ý nghĩa sâu sắc, xưa nay chưa từng có. Có thể giống với việc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tiến hành một cuộc thanh tra đặc biệt đối với Trùng Khánh, nhằm mở đường cho vụ bắt giữ ông Tôn Chính Tài trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ.
Bài viết cho biết, tham nhũng trong ngành than của Trung Quốc thường xuyên xảy ra vào thập kỷ vàng của ngành than trong giai đoạn năm 2002 – 2012. Có lẽ, trọng tâm của cuộc điều tra lại 20 năm cũng sẽ tập trung vào thập kỷ vàng này của ngành than. Trong 20 năm qua, bí thư đảng ủy Nội Mông bao gồm 6 người là Lưu Minh Tổ → Trữ Ba → Vương Quân → Lý Kỷ Hằng → Thạch Thái Phong.
Trong số đó, các ông Lưu Minh Tổ, Trữ Ba và Vương Quân đã nghỉ hưu từ lâu. Chỉ có ông Hồ Xuân Hoa, bí thư Thành ủy Nội Mông từ năm 2009 đến năm 2012, vẫn nắm quyền và hiện đang giữ chức Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Còn ông Lý Kỷ Hằng và Thạch Thái Phong đã kế nhiệm chức bí thư của Nội Mông sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18. Đây là những ứng cử viên bí thư do ông Tập Cận Bình lựa chọn.
Bài viết chỉ ra rằng, nói cách khác, trong cuộc điều tra lại 20 năm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lần này, những quan chức không thân với ông Tập Cận Bình thực sự bị đe dọa hiện nay, hầu như chỉ có ông Hồ Xuân Hoa.
Lâm Trung Vũ