Nhật Bản dự định ngừng mua máy bay không người lái của Trung Quốc để tăng cường an ninh quốc gia
Theo các nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản và đảng cầm quyền, vì để bảo vệ thông tin nhạy cảm, chính phủ Nhật Bản có thể ngừng mua máy bay không người lái từ các nhà cung cấp Trung Quốc như một phần trong việc tăng cường chính sách an ninh quốc gia, theo Sound of Hope.
“Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương” của Đài Loan trích báo cáo của Reuters vào ngày 30/10 nói rằng, theo chính phủ Nhật Bản và 6 người thạo tin trong đảng cầm quyền, để bảo vệ thông tin nhạy cảm, chính phủ Nhật Bản có thể ngừng mua máy bay không người lái từ các nhà cung cấp Trung Quốc như một hành động để củng cố an ninh đất nước.
Hiện tại, công nghệ thông tin (IT), chuỗi cung ứng, an ninh mạng và sở hữu trí tuệ là những mối quan tâm chính của chính phủ Nhật Bản.
Theo báo cáo, Nhật Bản cố gắng hết sức để đạt được sự cân bằng trong việc phụ thuộc kinh tế cao vào Trung Quốc và mối lo ngại về an ninh quốc gia. Đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm như máy bay không người lái thương mại và camera giám sát.
Ngoài ra, với tư cách là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng phải đưa ra lựa chọn khi mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn và rất quan trọng đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng rất lo ngại công nghệ thông tin tiên tiến có thể bị rò rỉ cho Trung Quốc, và những điều đó có thể bị phía Trung Quốc chuyển sang sử dụng cho quân đội.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có hàng trăm máy bay không người lái, một số do các công ty Trung Quốc sản xuất. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có khoảng 30 chiếc, hầu hết đều được sản xuất tại Trung Quốc. Cả hai cơ quan này đều tuyên bố rằng, họ không sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc cho các vấn đề liên quan đến an toàn.
Theo báo cáo, vẫn chưa rõ có cần phải thay thế tất cả các máy bay không người lái hay không, nhưng theo chính sách sửa đổi, những máy bay không người lái mới được sử dụng cho các nhiệm vụ nhạy cảm như điều tra tội phạm, cơ sở hạ tầng và cứu hộ khẩn cấp cần phải đảm bảo rằng, dữ liệu sẽ không bị rò rỉ và phải trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt hơn.
Các chính sách này sẽ có hiệu lực vào tháng 4/2021. Mặc dù không có quốc gia nào được nêu tên cụ thể, nhưng các nguồn tin cấp cao từ chính phủ Nhật Bản và đảng cầm quyền nói rằng, những chính sách này được thiết lập là nhằm vào Trung Quốc.
Những chính sách này sẽ bao gồm các quy định đầu tư mới dành cho người nước ngoài được ban hành vào năm ngoái và các thành viên của đảng cầm quyền cũng đang chuẩn bị một đề xuất pháp lý toàn diện sẽ được tiết lộ trong năm nay để thúc đẩy an ninh kinh tế.
Ngoài ra, hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản đã thành lập một bộ phận mới vào tháng 4 để điều tra mức độ ảnh hưởng của công nghệ tiên tiến và các vấn đề kinh tế khác liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo các báo cáo, chính sách mới có khả năng thúc đẩy chính phủ Nhật Bản mua máy bay không người lái từ Nhật Bản, điều này có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất máy bay không người lái nội địa Nhật Bản.
Cố vấn Tòa Bạch Ốc: Hollywood và NBA là ‘kẻ ngốc hữu dụng’ của ĐCSTQ
Ngày 30/10, nhà kinh tế và Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng các vận động viên Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) và những người nổi tiếng ở Hollywood là “những kẻ ngốc hữu dụng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong chương trình “American Thought Leaders (Nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ)” của The Epoch Times, Cố vấn Nhà trắng cho biết, các vận động viên bóng rổ đều không dám lên tiếng về chế độ Trung Quốc vì họ đều bị trói buộc vào lợi ích với chế độ độc tài này.
Cố vấn Navarro nói: “Họ câm lặng và tránh né khi nói về chủ đề Trung Quốc”. Ông cũng nói thêm rằng, “các cơ sở sản xuất bóc lột lao động ở Trung Quốc” thậm chí còn “sản xuất giày thể thao cho các ngôi sao của họ” và “bán [chúng] lại cho trẻ em Mỹ”.
Nhưng “vấn đề lớn hơn”, theo ông Navarro, là “họ liên tục tuyên truyền rằng bằng cách nào đó, chính phủ độc tài và hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của [ĐCSTQ] vượt trội hơn chúng ta”.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Navarro cho biết, Hollywood cũng đang “khấu đầu” trước ĐCSTQ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, đã có sự thúc đẩy các hãng phim loại để bỏ đi những nội dung “nhạy cảm”, khiến bộ phim phù hợp hơn với thị hiếu của khán giả Trung Quốc và những người kiểm duyệt phim của chế độ.
TT Trump chạy đua nước rút ở bang chiến trường Trung Tây
The Epoch Times đưa tin, Tổng thống Trump hôm 30/10 tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri ở miền Trung Tây, khi còn 4 ngày đến cuộc bầu cử.
Ông Trump đã tổ chức sự kiện vận động tranh cử ở Michigan trước các điểm dừng chân tiếp theo được lên kế hoạch ở Wisconsin và Minnesota.
“Một lá phiếu bầu cho tôi đồng nghĩa với việc giữ và tạo việc làm trong ngành ô tô và tất cả các loại công việc ở Michigan”, Tổng thống Trump nói tại thị trấn Waterford. Ông cũng cảnh báo công nhân trong ngành sản xuất ô tô của bang rằng các chính sách của đối thủ Joe Biden sẽ đe dọa việc làm của họ.
Phát biểu trước các cử tri, ông Trump cho rằng đối thủ Joe Biden đã đứng về phía Trung Quốc.
Theo Breitbart, Tổng thống Trump cho rằng rằng ông Biden đã khiến các ngành công nghiệp của Michigan “tài trợ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc”, loại bỏ “một nửa tổng số việc làm trong ngành sản xuất ô tô ở Michigan”.
Indonesia trục xuất ba người Duy Ngô Nhĩ đến Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Pompeo
Tờ South China Morning Post hôm 30/10 dẫn một nguồn tin an ninh cấp cao của Indonesia, cho biết nước này đã trục xuất ba người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc sau khi họ ra tù vào tuần này.
Nguồn tin giấu tên nói rằng: “Họ đã được đưa về Trung Quốc trên một chuyến bay đặc biệt do chính phủ [Trung Quốc] thuê”.
Nguồn tin cho biết động thái này xảy ra “hai đến ba ngày trước” – trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm Indonesia, nơi ông gặp Tổng thống Joko Widodo. Trong thời gian dừng chân ở Jakarta, ông Pompeo kêu gọi người Hồi giáo Indonesia và các nhà lãnh đạo tôn giáo không “ngoảnh mặt” trước những đau khổ của người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết ba người Duy Ngô Nhĩ gần như chắc chắn sẽ bị ngược đãi khi trở về Trung Quốc.
Brad Adams, giám đốc điều hành khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng: “Thực tiễn trong quá khứ cho thấy những người này có nguy cơ bị kết án nghiêm khắc, bao gồm cả án tử hình. Chính phủ Indonesia biết rằng chính phủ Trung Quốc thường xuyên bắt bớ người Duy Ngô Nhĩ nhưng dường như nó đã đưa ra một quyết định vô tâm khi đối mặt với trách nhiệm pháp lý củaình để bảo vệ người dân khỏi sự đàn áp”.
Armenia và Azerbaijan nhất trí các biện pháp tháo gỡ xung đột
Theo DW, Ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan hôm 30/10 đã nhất trí các biện pháp nhằm tháo gỡ xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh, song không đề cập cam kết ngừng bắn mới.
Theo một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, Armenia và Azerbaijan nhất trí không nhằm vào dân thường hoặc các mục tiêu phi quân sự ở Nagorny-Karabakh, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.
Hai bên cũng đồng ý tìm kiếm và trao đổi thi thể những người thiệt mạng trên chiến trường; đồng thời trong vòng một tuần sẽ cung cấp danh sách tù binh cho Tổ chức Chữ thập Đỏ để tiến hành trao đổi.
Anh có thể sắp phong tỏa toàn quốc lần hai
Reuters dẫn tin từ The Times hôm 30/10 cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang xem xét áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn quốc vào tuần tới, trong bối cảnh các ca nhiễm virus Vũ Hán đang tăng mạnh ở quốc gia này.
Tờ báo Anh cho biết thêm, các hạn chế mới có thể được áp dụng từ thứ Tư (4/11) đến ngày 1/12.
Ông Johnson dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Hai (2/11) để công bố các biện pháp hạn chế mới, theo đó mọi cơ sở đều có thể bị đóng cửa, trừ các cửa hàng thiết yếu và “cơ sở giáo dục”.
Anh hiện ghi nhận gần 990.000 ca nhiễm và hơn 46.000 ca tử vong. Một số quốc gia châu Âu như Pháp, Bỉ, Đức đã công bố lệnh phong tỏa lần hai khi các ca nhiễm tăng nhanh.