Phùng Nhân
Buổi sáng hôm nay tôi có một cuộc hẹn với anh em ở xóm Xẽo Lá đi ra chợ Cabramatta uống Cà Phê chơi vì trong ngày hôm qua, toàn tiểu bang NSW chưa có ca mắc bịnh Covid-19 mới nào. Như vậy là bà thủ hiến Gladys Berijiklian đã chống dịch thành công vì hiện nay bên châu Âu, châu Phi cơn đại dịch Covid-19 đã tái phát tới hồi 3, còn bên nước Mỹ thì cứ 24 giờ trôi qua là có thêm số người chết từ bảy trăm trở lên chớ không có ít. Cơn bịnh nầy do Trời, hay do bên Trung Quốc nuôi nó để làm vũ khí hóa học, rồi bị sơ sẩy sút chuồng bay ra, bây giờ cả thế giới phải nhận thiên tai chưa từng có trong lịch sử.
Khi tôi đi tới trước cửa nhà băng Commonwealth thì đã thấy Bác sĩ Huân, Long Flemington đứng đợi ở đó trước rồi. Nhìn xéo qua công trường chỗ đặt 2 con kỳ lân bằng đồng thì thấy anh Năm Thợ Lặn đang kéo cái troyley đi chợ buowcs tới rất oai, làm cho tôi chạnh lòng nhớ tới hình ảnh của ngày xưa, đã một thời ông nầy ôm bình hơi lặn sâu dưới biển để trụt vớt mấy con tàu Hải Quân bị chìm. Ôi thời oanh liệt nay con đâu. Hai tiếng “người nhái” đã một thời làm cho binh chủng Hải Quân nổi tiếng, và ngay ở trong các quán Bars ngoài Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng mấy ông người nhái nầy đã được mấy bà chủ mời đến nhậu chùa để bảo vệ mấy em…
Chúng tôi gom lại đứng nhìn thiên hạ lao xao một hồi để chờ anh Ba Thuốc Tây tới nữa là đủ bộ. Anh Ba Thuốc Tây nầy hồi trước ngày 30/4/1975 ở tại Mỹ Tho tỉnh Định Tường, đã gầy dựng nên sự nghiệp có tới hai cái nhà Thuốc Tây bự lắm. Ngày hôm nay qua định cư ở xứ người, cứ ngồi nhìn bóng hoàng hôn mà buồn cho số phận, vì tình đời, vì tuổi già làm cho anh khắc khoải lo âu…
Anh Năm Thợ Lặn reo lên:
– Ổng lên tới cà…
Ông Ba Thuốc Tây vội phân trần:
– Bị đi trễ hết một chuyến xe lửa, làm mấy ông đợi dữ hả?
Tụi tôi bắt đầu đi ngược trở ra con hẽm Bầu Trường, khi đi tới đầu hẽm, thì Bác sĩ Huân hỏi:
– Bây giờ tấp vô đâu ông Xã trưởng…
Tôi nhìn vô trong quán Cà Phê Subway, thấy bàn ghế đã bày biện ra rồi mà chẳng có người ngồi, bèn nói:
– Tấp vô đây luôn đi mấy ông, ủng hộ quán nầy cho nó lên tinh thần trong mùa đại dịch…
Trong lúc tôi kêu cà phê, thì anh Năm Thợ Lặn cầm cây viết Bic lên tay, rồi ghi tên họ, và số điện thoại từng người vào trong cuốn sổ để sẵn. Tôi nhìn cuốn sổ bìa đã ố màu, đây là một cuốn sổ “đoạn trường” mà pháp luật của nước Úc đã đặt ra để truy tìm bịnh dịch. Nếu người nào mà ghi tên vào rồi, bị ở đây kêu, hay cảnh sát, hoặc nhân viên y tế gọi tới báo tin thì kể như dính chấu. Nếu sức khỏe còn cường tráng, thì có thể vượt qua, còn mấy người trên “bảy bó” thì cũng có thể tiêu diêu nơi miền cực lạc.
Chúng tôi rất vô tư trong những giờ phút như vầy. Tính ra thì trận dịch nầy đã xảy ra cũng 8 tháng trời rồi chớ có ít đâu, làm cho con người phải trốn nó, cũng như là trốn bom nguyên tử…
Mỗi người góp một chuyện, mà chuyện nào cũng hào hứng rất vui, thì ra dân lao động ở đâu cũng vậy. Một lát sau thì cô bồi bàn bưng cà phê ra để xuống. Tôi bưng lên từng ly rồi nói:
– Ly nầy không đường, là ly của tôi, thì tôi bắt. Còn ly nầy một đường của ai? Long Flemington hả, thì chú bắt. Còn ly nầy 1 đường thuốc (chuột) của ai. Của Bác sĩ Huân hả, thì cứ bắt…
Tôi phân phát hết 5 ly cà phê rồi mới hớp một ngụm đầu ngày. Mùi cà phê làm cho tôi cảm thấy phấn khởi vui tươi, rồi tôi chợt nhớ ra ở nơi đây có lẽ là đất lành chim đậu, nên thấp thoáng ngoài con đường trước mặt, thì có mấy ông thầy chùa và một sư cô mặc áo “cà sa”. Họ mang bình bát đi “khất thực” fulltimes, cho dù trời mưa hay tháng đông lạnh lẽo. Còn từ chỗ tiệm Cà Phê Nha Trang cột đèn đỏ chạy xuống tới đây chỉ có một khoảng đường, vậy mà tôi thấy có tới 5-6 ông hiệp sĩ không nhà (Homeless) đang ngửa nón ăn xin. Có ông thì dường như mới ngủ dậy, nên đôi mắt còn mơ màng chưa tỉnh. Bên cạnh đó thì có mấy ly cà phê giấy đã uống hết rồi vung vãi lung tung. Tôi nghe có người họ nói là mấy ông hiệp sĩ nầy cũng sung sướng lắm. Khi màn đêm buông xuống, thì họ ngồi dựa lưng vào tường để luyện pho “tịch tà kiếm phổ”. Hơi khuya một chút thì bà con chủ shops quanh đây, người thì bưng lại ly cà phê, người thì dĩa cơm, hay tô mì hỏa tốc. Nên ở đây là chỗ đất lành chim đậu cũng phải, không biết rồi đây, còn bao nhiêu hiệp sĩ nữa họ phải tụ về. Tôi hớp thêm ngụm cà phê nữa, rồi quay qua Bác sĩ Huân hỏi:
– Ông bấm điện thoại lên coi kèo cá độ bầu cữ bên Mỹ lên xuống ra sao rồi?
Bác sĩ Huân bấm bấm một hồi, thì nói:
– Bạc xuống thấp nữa rồi ông ơi…
– Bao nhiêu?
– Nếu mình đá $100 đô. Win thì lãnh tới $250 đô lận…
– Cái gì. Bác sĩ nói lại cho tôi nghe coi. Gà chỉ mới quần chưn, vậy mà tụi nó dám phóng bạc xuống ăn 5. Như vậy thì trận nầy, tôi vét bóp đá hết cho dầu có thua cũng khoái…
Từng tràng cười ha hả vang lên. Trong bọn chúng tôi người nào cũng thò tay vô túi soạn tiền. Chúng tôi phải đánh kèo nầy, để tỏ thiện chí ủng hộ tổng thống Donald Trump mới được. Tôi nói tiếp:
– Phải máy bay nó còn cất cánh. Tôi vọt về Mỹ Tho Tiền Giang liền. Bán quách căn nhà ở bển, chuyển hết tiền qua bên nây, đánh một trận nầy cho quân thù biết mặt.
Từng tràng cười vang lên nho nhỏ, dường như cơn bịnh dịch đã qua rồi… chớ thật ra tụi nó vẫn còn lẩn khuất đâu đây, nếu không phòng bị thì bị lây rất khổ. Tôi hớp thêm một ngụm cà phê nữa rồi hỏi:
– Vậy chớ Bác sĩ coi giùm tôi cái hãng nào đang “Ra Kèo” ở đây?
– Hãng cá cược TAB nữa ông ơi…
– Trời đất. Cũng cái thằng nầy nữa. Đua ngựa cũng của nó, đua chó, đua ếch, đá banh, bóng bầu dục, tennis, golf. Bất cứ cái gì hễ dính tới tiền thì cũng của nó. Vậy thì anh em mình hãy hùn tiền lại đập cho nó một trận nầy đi…
Anh em chúng tôi vui quá là vui vì đã tới mấy tháng trời rồi hôm nay mới đà gặp mặt. Một cơn đại dịch bắt mọi người phải bó gối ngồi nhà, mọi sanh hoạt đời sống tê liệt hết trơn. Bác sĩ Huân quay qua tôi hỏi:
– Anh muốn chơi thiệt hôn? Cần bao nhiêu tôi đưa…
– Cám ơn Bác sĩ. Một lát nữa có bao nhiêu chơi bao nhiêu. Chớ mình đâu có phải dân chơi, mà chơi cho tới bán mạng.
Rồi chúng tôi đứng dậy tan hàng. Tôi thì mang khẩu trang theo một thói quen, cùng mấy anh em bước đi ngược trở vô, rồi băng qua vài con lộ. Khi đi tới ty Bưu Điện Post Office, chúng tôi đi thêm vài bước nữa thì đụng mặt cái thằng TAB. Cái thằng nầy rất là giàu có nên gương mặt của nó bự và dài cả một bức tường, mà ở trên đó có dán hình từng trận ngựa đua. Vừa nhìn thấy, không biết sao tự dưng trong lòng của tôi sanh ra hồi hộp.
Chúng tôi đưa tay đẩy cánh cửa kiếng 10 ly bước vô, thì gặp ông “Tây Râu” ngồi ở quầy thâu tiền nhìn chúng tôi cười chúm chím. Chúng tôi để cho Bác sĩ Huân đại diện bước tới một cách hiên ngang, như cái thời anh còn làm ở ngoài Bịnh Viện Đa Khoa Ban Kontum năm nào. Sau một tràng tiếng Anh giòn khứu, thì tôi nghe và hiểu được rằng, thằng Tây Râu nầy nó nói, là cảm phiền mấy anh biên đầy đủ tên họ và số điện thoại vô trong miếng giấy nầy rồi đưa lại “cho em”.
Tôi lại nhìn cuốn sổ “đoạn trường” mà lòng đau như cắt. Lẽ ra tôi không đi tới những chỗ đông người, mặc dầu buổi sáng hôm nay cái TAB nầy rất ế, chẳng có ai, chỉ có một nhóm chúng tôi đang thò tay vào túi móc tiền. Lấy hết 2 tờ giấy săng còn mới tinh ra đưa cho Bác sĩ Huân nói:
– Ông đánh hết hai tờ nầy cho tôi. Hôm trước đánh một tờ rồi. Cộng với bữa nay nữa là ba tờ chẳn. Tôi nhìn 2 tờ giấy săng xanh lét, láng cóng được thằng Tây Râu nó đón lấy mỉm cười nham hiểm. Sau mấy cái hít tay, thì thằng Tây Râu nầy đưa ra một tấm Receipt, trong đó ghi rõ con số là nếu win, thì tôi được $500 đô. Ôi một số tiền quá lớn chớ chẳng phải nhỏ nhoi gì. Bác sĩ Huân ngó thằng Tây Râu hỏi:
– Vậy chớ dân Vietnamese của tụi “tao” họ đánh bên nào. Ông Trump hay ông Biden?
Thằng Tây Râu lại cười rồi nói:
– Tụi nó cũng như tụi bây bữa nay. Dồn tiền đánh hết qua kèo của ông Trump. Vì ngon ăn quá mà…
Ông Long Flemington hỏi tiếp:
– Vậy chớ kèo nầy theo “mầy” nhận định thì bên nào Win?
– Ông Trump Win 90%… là cái chắc.
– Trời đất. Như vậy thì tụi mình kể như đang trúng số rồi mấy ông ơi…
Trên đường về lòng tôi mừng khấp khởi, nhưng khi về tới nhà thì thấy “nhà tôi” đang nhổ cỏ trồng rau làm cho tôi xấu hổ âm thầm. Chẳng lẽ tôi hư rồi sao! Còn nếu nói rằng ủng hộ ông Trump, thì tôi chỉ cần viết chừng vài số báo là đủ. Còn ăn hay thua là do dân Mỹ họ bầu, chứ tôi là một người tỵ nạn chánh trị đang cư ngụ nơi đây thì làm được gì, sao tôi không biết giữ mình, mà lại muốn tập tành đi vào con đường cờ bạc…
Đâu phải dám lấy 3 tờ giấy săng ra cá độ thì mới gọi là ủng hộ Trump. Cái đó là máu mê cờ bạc bắt đầu hiện lên rất rõ. Trong khi tại quê nhà lũ lụt ngoài miền Trung đã làm chết trên 117 người rồi, số người mất tích chưa tìm được cũng trên 20. Sao tôi không nhớ câu máu chảy ruột mềm dầu đất nước tôi hiện nay đảng Cộng Sản đang cai trị rất hà khắc với người dân nhưng đó là một việc hãy để cho lịch sử sau nầy phê phán. Còn tôi không thể lấy cớ ủng hộ ông Trump, mà lăn thân vào chốn bạc bài…
Như những người đang ghiền cờ bạc hiện nay, thì trước đây họ cũng mượn cớ mua vui như tôi. Hên thì ăn dẫn bạn bè đi ăn phở, còn thua thì è lưng ra gánh chịu một mình. Ngày hôm qua trên đài SBS trong chương trình phát thanh hằng tuần, tôi có nghe loáng thoáng ông Hoàng Quốc Vinh đang phỏng vấn một người đã lậm bài bạc vừa mới “cai” xong, để nói lên những thói quen của người ghiền cờ bạc. Lúc nào cũng ám ảnh trong đầu những canh bạc ăn thua. Nếu thua, thì phải tìm cách đi vay tiền để mà gở tiếp, và sau đó phỏng vấn với một chuyên viên tư vấn về vấn nạn cờ bạc nữa.
Nếu theo như cái đà nầy, cứ bước vào nhà thằng TAB thấy cái gì cũng đều cá độ được thì chẳng bao lâu sau tôi là một người ghiền cờ bạc như một lẽ tất nhiên. Câu châm ngôn của người xưa để lại “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Không biết rồi đây trong cuộc đời nầy tôi sẽ gần mực hay gần đèn vì hiện nay đã có mấy ông Bác Sĩ danh giá một thời, có mở phòng mạch tại chợ Cabramatta, mượn tiền xã hội đen đánh bài thua nhiều quá trả không nổi rồi trốn mất…
Bao nhiêu sự hối hận thúc hối âm thầm, tôi ngồi vào cái desktop computer mở máy lên rồi gỏ con chữ nhảy múa say sưa trong khi ngoài trời cơn mưa bắt đầu nặng hột.
Hy vọng sau khi viết bài nầy tôi sẽ không còn nhớ tới 3 tấm giấy săng, mặc dầu ăn hay thua gì tôi cũng xem như trong một phút ham vui quá lố. Còn ở bên nước Mỹ, cho dù ông Biden hay ông Trump, ông nào làm vua cũng được hết trơn bởi một ông vua của nước Mỹ, ngoài nhiệm vụ phục vụ cho nước Mỹ, họ còn phải có nghĩa vụ quốc tế trên cả thế giới hiện giờ.
Có lẽ vì những vấn đề liên quan đó mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 46 nầy mang đậm chất phe phái giựt giây. Tại sao bà Pelosi hiện là chủ tịch Hạ Viện, bao nhiêu ngân sách điều hành của chánh phủ phải đệ trình lên cho bà duyệt xét mà bà ta lại nông nổi có thái độ thiếu tự trọng như vầy, khi ông Tổng thống Donald Trump phân phát tới tay bà một xấp diễn văn, bà ta lại cầm lên hai tay đưa ra trước mặt, với gương mặt giận dữ đỏ phừng phừng, rồi xé nghe “rột rột” mới đã cơn nư, có phải tánh khí của người đàn bà thường là vậy? Tại sao bà phải làm như vậy? Nếu nói rằng tại ông Trump khi dễ không bắt tay bà, thì bà có quyền chất vấn cho rõ trắng đen, chớ cái ghế của bà đang ngồi đâu cho phép bà có hành xử đê tiện như vậy.
Còn việc ông da đen tên George Floyd đi vào một tiệm tạp hóa mua gói thuốc bằng tiền giả, người bán không chịu, biểu ông ta trả gói thuốc lại là xong. Nhưng ông ta không chịu trả, rồi bước ra xe ngồi với đồng bọn ung dung nhả khói. Bà chủ quán gọi 911. Một lát sau thì có 3 người cảnh sát chạy tới, không biết họ vô tình hay cố ý, rồi có một người dùng đầu gối đè lên ngay cần cổ lát sau thì ông nầy “hết thở”. Một cái chết chỉ đơn giản như vậy, làm gì lại có hận thù, có phân biệt chủng tộc màu da, thì cứ để cho tòa án người ta phân xử. Tại sao đảng Dân Chủ, cầm đầu là ứng cử viên tổng thống Joe Biden, ông bà cựu tổng thống Obama, bà Pelosi cùng đảng Dân Chủ tung đòn ra vận động rần trời, làm cho người da đen họ nổi dậy khắp nơi. Họ đốt phá cướp của giựt đồ và đập phá giựt sập cả trăm tượng đài, mà cả nước Mỹ đã xây dựng lên bằng máu và nước mắt chưa từng có trong lịch sử.
Đám tang của George Floyd, đám tang của một ông tội phạm, lại tổ chức làm lớn chưa từng có từ trước tới giờ. Cái hòm thì mạ vàng óng ánh 24 cara, rồi còn có cổ xe ngựa với hai con ngựa trắng kéo đi như một vì vua chúa. Trong khi đó thì ông Biden, bà Pelosi và hai vợ chồng ông cựu tổng thống Obama, với không biết bao nhiêu thủ hạ của đảng Dân Chủ… bước vô qùy gối xuống giữa lễ tang để cầu nguyện cho một người tội phạm, đành rằng cái câu “nghĩa tử là nghĩa tận” của một kiếp người, không một ai có quyền gì để nhân danh cái chết của George Floyd, mà hô hào dân chúng nổi dậy để đi đốt phá khắp rồi cướp bốc nước Mỹ.
Tôi viết bài báo nầy là để cho tôi, cũng như dành cho tất cả độc giả, bạn bè của tôi đã từng một thời chia sẻ chớ tôi không cố viết để tuyên truyền vì tôi đang định cư ở nước Úc châu thì việc bầu cử ở bên Mỹ đối với tôi cũng không có gì là hệ trọng.
Phùng Nhân
Sydney 10/2020