Ấn Độ mất khoảng 300km2 vào tay Trung Quốc chỉ sau mùa hè

  • Lê Vy

Tờ SCMP dẫn nguồn tin từ một vài quan chức Ấn Độ cho biết Ấn Độ đã mất quyền kiểm soát khoảng 300 km2 phần đất biên giới về tay Trung Quốc. Hiện tại, binh lính Trung Quốc đang ngăn cản Ấn Độ tuần tiễu trong khu vực rộng gấp năm lần Manhattan.

Sau sự kiện xung đột bạo lực tại khu vực tranh chấp biên giới Trung – Ấn, một đoàn xe quân đội Ấn Độ di chuyển dọc theo đường cao tốc Srinagar-Ladakh vào thứ Tư, ngày 17/6/2020. (Ảnh: Faizan Mir/Shutterstock).

Theo SCMP, vào tháng 5 năm nay khi mùa đông trên dãy Himalaya dịu bớt, Ấn Độ kinh ngạc phát hiện quân đội Trung Quốc đã xây dựng nhiều căn cứ tiền đồn, chiếm giữ các đỉnh núi và đưa hàng nghìn binh lính đến để ngăn chặn các cuộc tuần tra của Ấn Độ.

Ấn Độ nhận ra họ đã mất quyền kiểm soát khoảng 250km2 đất tại vùng đồng bằng Depsang, nơi có nhiều tuyến đường quan trọng dẫn đến đèo Karakoram, cũng như 50km2 đất ở Pangong Tso, các quan chức Ấn Độ cho biết.

Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa có bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thông tin trên “không có nguồn rõ ràng và không thể kiểm chứng”.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau đó đã nổ ra dữ dội vào tuần thứ 2 của tháng Sáu tại khu vực tranh chấp biên giới, khiến 20 binh lính Ấn Độ và một số lượng không rõ binh lính Trung Quốc thiệt mạng.

Đến 29/8, Ấn Độ đưa hàng nghìn binh lính tới vùng cao chiến lược dọc một dải hơn 40km vuông trên bờ nam sông Pangong Tso. Sau đó, ngày 7/9, hai bên đã bắn nhau lần đầu tiên trong bốn thập kỷ. Kể từ đó, nhiều vòng đàm phán quân sự và ngoại giao cấp cao đã thất bại trong việc cố gắng xoa dịu tình trạng căng thẳng.

Thông thường, vào những tháng mùa đông khắc nghiệt, nơi nhiệt độ có thể hạ xuống tới âm 40 độ C, hai bên đều rút quân. Nhưng năm nay, quân đội hai nước tiếp tục đóng quân tại khu vực biên giới, trấn giữ những cao điểm quan trọng.

Trung tướng D.S.Hooda, cựu tư lệnh lục quân miền Bắc Ấn Độ cho hay ông chưa từng chứng kiến việc triển khai quân rầm rộ như vậy kể từ năm 1962. Ông nhận định giai đoạn căng thẳng kéo dài sẽ còn tiếp tục và nó có thể mang đến những hậu quả không lường trước được.

Lê Vy

Related posts