2 chiếc tàu ‘ma’ in chữ Trung Quốc dạt vào bờ biển miền Trung
Người dân địa phương vừa phát hiện một chiếc tàu cá không có người, in chữ Trung Quốc dạt vào bờ biển xã Gio Hải, huyện Gio Linh vào 9 giờ 30 phút ngày 7/11.
Theo báo Người lao động, chiếc tàu “ma” này làm bằng composite, dài 13m, rộng khoảng 3m. Đầu mũi tàu có in dòng chữ Trung Quốc và trên khoang có một số ngư lưới cụ. Nhà chức trách đã lai dắt chiếc tàu này vào bờ để có biện pháp xử lý.
Cũng trong sáng cùng ngày (7/11), người dân ra biển thì phát hiện một chiếc bồn kim loại có chữ Trung Quốc dài hơn 6m, cao gần 2,5m trôi dạt vào bờ biển Điện Dương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Cách đây khoảng nửa tháng, một chiếc tàu gỗ không người điều khiển cũng dạt vào bờ biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trên tàu có hàng trăm bao bột cho cá chưa qua sử dụng, nhãn mác ghi bằng chữ Trung Quốc. Ngoài ra, trên tàu này còn có 1 bộ áo lặn đã qua sử dụng, 2 bình điện ắc-quy và 1 dàn máy tàu 100K.
ĐB H’Bơ Khắp: ‘Tôi hỏi, Bộ trưởng có nghe nhưng không hiểu tôi hỏi gì’
Truyền thông trong nước dẫn nội dung Đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (Gia Lai) hôm 6/11 chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn đề rừng, thủy điện: “Bộ trưởng nói thủy điện nhỏ không có lỗi trong đợt bão lũ, sạt lở vừa qua, mà là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?”.
“Theo bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam? Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?”, bà Ksor H’Bơ Khắp nói.
Với nội dung chất vấn này, ông Hà khẳng định: “Tôi không nói thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không là nguyên nhân. Tôi nói rằng con người là nguyên nhân”.
Ông Hà cho rằng mất rừng không có nghĩa là cứ nghĩ đến thủy điện. Thủy điện không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả do các việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không dựa vào quy luật tự nhiên.
“Mất rừng là do chúng ta tư duy sai trái, đó là trong nhà toàn dùng đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã. Mất rừng chính là người ta đã thay thế rừng tự nhiên bằng những cánh rừng sản xuất bình thường như cây cà phê, không thể thay thế được hệ sinh thái rừng tự nhiên”, ông Hà nói.
Thế nhưng sau khi Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời xong, bà Ksor H’Bơ Khắp không đồng ý và nói thẳng: “Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì. Câu hỏi của tôi Bộ trưởng chưa trả lời”.
Nữ đại biểu này sau đó đã phân tích 3 câu hỏi nêu trên và “gợi ý” Bộ trưởng cách trả lời.
Bão số 11 chưa tan, Biển Đông lại đón áp thấp khả năng mạnh thành bão số 12
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều tối 7/11 bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Tuy nhiên, cùng ngày trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines xuất hiện một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động, với sức gió mạnh nhất cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.
Theo dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và tiếp tục mạnh lên, sau đó đi vào Biển Đông và có khả năng thành bão số 12.
Kiên Giang phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh lậu
Theo Tuổi trẻ, ngày 7/11, nhà chức trách TP. Hà Tiên cho biết, 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và di chuyển bằng đường bộ đến TP này đã được cách ly.
Trước đó, vào ngày 5/11, 4 người Trung Quốc bị Công an phường Tô Châu, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang phát hiện nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ tỉnh Quảng Tây. Thông qua người quen đưa họ di chuyển bằng đường bộ đến TP. Hà Tiên nhằm mục đích tìm cách để vượt biên qua Campuchia.
Hơn 260 đại biểu Quốc hội chưa muốn bỏ sổ hộ khẩu năm 2021
Có 266/402 đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cho phép người dân được tiếp tục sử dụng loại giấy tờ này đến hết năm 2022.
Thông tin này được thể hiện trong báo cáo tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về Luật Cư trú (sửa đổi).
Theo báo cáo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, đã có 402 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến, chiếm 83,4% tổng số đại biểu Quốc hội.
Với những ý kiến khác nhau về quy định chuyển tiếp liên quan đến việc kéo dài thời gian sử dụng sổ hộ khẩu, kết quả cho thấy có 266/402 đại biểu tán thành phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp đến hết ngày 31/12/2022.