Úc sẽ nóng hơn hiện tại rất nhiều

Trong báo cáo Tình trạng Khí hậu công bố hôm thứ Sáu tuần qua (13/11.2020) Cục nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ Úc (CSIRO) và Nha Khí tượng đã bày tỏ sự bị quan về tương lai của quốc gia. Sau khi trận cháy rừng thảm khốc cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Úc lại trải qua một năm nắng nóng và hạn hán kỷ lục. Các đám cháy rừng đã thiêu trụi khu vực rộng lớn tương đương với diện tích của nước Anh, khiến 33 người thiệt mạng, gần 3 tỷ động vật bị chết hoặc phải di dời và gây thiệt hại kinh tế ước tính lên đến hơn $7 tỷ.

Tuy nhiên Giám đốc Trung tâm Khoa học Khí hậu của CSIRO, Tiến sĩ Jaci Brown, cho rằng khoảng 10 hay 20 năm nữa năm 2019 sẽ không được coi là năm thực sự nắng nóng nữa bởi nghiên cứu cho thấy thập kỷ này dường như vẫn còn mát mẻ so với thế kỷ tới.

Báo cáo Tình trạng Khí hậu được thực hiện hai năm một lần cho thấy lượng mưa tại khu vực Tây Nam và Đông Nam bị tàn phá bởi cháy rừng đang giảm đi, trong khi lại tăng lên ở khu vực miền Bắc vốn đã trải qua những trận lũ lụt nghiêm trọng và lốc xoáy nhiệt đới có sức tàn phá mạnh trong những năm gần đây.

Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ ở Úc hiện nay tăng trung bình 1.44 độ C so với năm 1910, phù hợp mức giới hạn an toàn của sự tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Theo báo cáo, nhiệt độ ở các đại dương cũng tăng lên khoảng 1 độ C trong cùng thời gian trên, gây ra hiện tượng acid hóa và các đợt nắng nóng thường xuyên hơn. Nhiệt độ đại dương tăng lên đã khiến rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier ở ngoài khơi bờ biển Queensland trải qua 3 đợt tẩy trắng quy mô lớn trong 5 năm qua, làm một nửa số san hô tại đây bị biến mất kể từ năm 1995.

Báo cáo cũng dự báo mực nước biển sẽ tiếp tục tăng lên theo xu hướng toàn cầu trong khi các trận lốc xoáy nhiệt đới ít xảy ra hơn nhưng cường độ lại mạnh hơn. Ông Brown cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu đang xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra.

Người dân Úc đã ngày càng lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu khi kết quả cuộc thăm dò do Viện Lowy ở Sydney thực hiện cho thấy khoảng 90% số người được hỏi cho rằng đây là mối đe dọa nghiêm trọng. Họ cho rằng tình trạng hạn hán và thiếu nước ngọt do biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn, thậm chí hơn cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, những mối đe dọa hàng đầu mà Úc phải đối mặt.

Đóng cửa mỏ kim cương hồng lớn nhất thế giới

Đại công ty hầm mỏ Rio Tinto cho hay sẽ đóng cửa Argyle, mỏ kim cương hồng (pink diamon) lớn nhất thế giới ở Tây Úc vào cuối năm nay do trữ lượng kim cương hồng đã cạn kiệt.

Mỏ Argyle nằm tại vùng Kimberley,là nguồn cung cấp hơn 90% nhu cầu về loại kim cương hồng quý hiếm cho thế giới.

Rio Tinto bắt đầu khai thác kim cương hồng tại Argyle vào năm 1983, sau khi mỏ này được phát hiện 4 năm trước đó. Kể từ đó đến nay, Rio Tinto đã sản xuất hơn 865 triệu carat kim cương thô. Quá trình tháo dỡ và ngừng hoạt động của khu mỏ 37 năm tuổi dự kiến sẽ kéo dài khoảng 5 năm.

Sau khi mỏ Argyle đóng cửa, sản lượng kim cương của Rio Tinto sẽ sụt giảm nhưng chỉ tác động chưa đến 2% doanh thu do kim cương chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của đại công ty này.

Related posts