Triệu Hằng
21 năm sau khi họa sĩ bậc thầy Nhật Bản Kaii Higashiyama qua đời, chính phủ Trung Quốc đầu tháng 11 đã sử dụng một bức tranh của cố họa sĩ để gửi cảnh báo nghiêm khắc tới người đàn ông giàu có nhất đất nước là Jack Ma.
Nhà báo Katsuji Nakazawa của tờ Nikkei Asian trong một bài viết ngày 19/11 đã cho biết thông tin trên, và với kinh nghiệm bẻ khóa những ẩn đố Trung Quốc, nhà báo Nhật Bản đã xâu chuỗi những ám hiệu từ một bức tranh có lịch sử cách đây gần 50 năm để giải mã được một thông điệp mà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình mới đây đã gửi tới Jack Ma – vị tỷ phú từng được gọi là người giàu nhất châu Á.
Katsuji Nakazawa cho rằng, ông Tập muốn nhắn nhủ vị tỷ phú: “Cậu chẳng là gì ngoài một đám mây.”
Dưới đây là những phân tích của Katsuji Nakazawa:
Vào tối hôm 2/11, ngay sau khi Jack Ma Yun (Mã Vân), người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba bị chính quyền Trung Quốc triệu tập để thẩm vấn, một bài báo khó hiểu đã được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Tân Hoa Xã.
Bài báo có tiêu đề: “Đừng nói một cách thiếu suy nghĩ, đừng làm theo ý bạn, mọi người không thể hành động tùy tiện theo ý muốn của họ”, không đề cập đến Jack Ma. Nhưng bài viết đi kèm với một bức tranh có gam màu xanh lam nhạt của Higashiyama vẽ một bầu trời nhiều mây, nổi bật giữa trời là hình một con ngựa trắng.
Trong tiếng Trung Quốc, “Ma (Mã)” có nghĩa là ngựa, “Yun (Vân)” có nghĩa là mây. Rõ ràng là bài báo đã chỉ vào ai.
Những đoán già đoán non nhanh chóng lan truyền, rằng bài báo đó đã ngầm ý nói con ngựa có thể bị thổi bay như một đám mây, bài báo hẳn phải được xuất bản với sự cho phép của lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Là một đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, Ma được yêu cầu phải thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với hệ thống.
Tuy nhiên, doanh nhân 56 tuổi đã đưa ra những nhận xét được coi là thách thức những ý định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu.
Phát biểu tại một hội nghị tài chính ở Thượng Hải vào ngày 24/10, vị tỷ phú thẳng thừng chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc, nói rằng các quy định tài chính lạc hậu của đất nước là lực cản đối với sự đổi mới công nghệ.
“Trung Quốc không có vấn đề rủi ro tài chính hệ thống,” Ma nói tại Hội nghị Bund Summit. “Tài chính Trung Quốc về cơ bản không mang rủi ro, thay vào đó, rủi ro đến từ việc thiếu một hệ thống.”
“Đổi mới tốt không sợ quy định mà sợ quy chế lạc hậu. Không nên dùng cách quản lý một nhà ga xe lửa để điều tiết một sân bay”, Ma nói.
Ma cũng nhắm vào các ngân hàng Trung Quốc, nói rằng họ hoạt động với tâm lý “tiệm cầm đồ”.
Ma đã cả gan khi nói rằng ông đã nói chuyện trước với Vương Kỳ Sơn, vị phó chủ tịch vốn nhiều năm ở trung tâm vũ đài của cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc.
Theo Katsuji Nakazawa, những lời chỉ trích của Ma cũng nhắm vào Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một phụ tá của ông Tập. Ông Lưu vốn là người giám sát chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Những nhận xét của Ma, theo một cách tự nhiên, đã được báo cáo lên các lãnh đạo tầng cao nhất.
Ma đã đi tiên phong trong thương mại điện tử và thương mại không dùng tiền mặt. Nhưng những nhận xét của Ma là bất cẩn, và cuối cùng Ma đã giẫm lên đuôi hổ.
Một ngày sau khi Tân Hoa xã sử dụng bức tranh của Higashiyama để tạo ra một điểm nhấn trong bài viết của họ, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo kế hoạch của chi nhánh tài chính của Alibaba, Ant Group, ở Thượng Hải và Hồng Kông đã bị gác lại.
Sự trì hoãn vào phút chót của đợt gây quỹ lớn nhất trong lịch sử là kết quả của việc chính quyền Tập ưu tiên các vấn đề trong nước hơn là uy tín quốc tế của thị trường Trung Quốc.
Quy mô của Ant Group là không có địch thủ. Hơn một tỷ người sử dụng Alipay, dịch vụ thanh toán qua điện thoại thông minh là dịch vụ cốt lõi của hãng. Nó cũng cung cấp một loạt các dịch vụ khác, bao gồm cho vay, ứng trước tiền mặt và đánh giá tín dụng.
Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng nó gây nguy hiểm cho trật tự tài chính hiện có của Trung Quốc.
Katsuji Nakazawa chỉ ra rằng, không giống như những người sáng lập Tencent, Baidu và những gã khổng lồ công nghệ khác, Jack Ma đã tránh xa chính trị. Jack Ma không phải là thành viên của “hai kỳ họp” (còn gọi là “lưỡng hội”), cuộc họp hàng năm của cơ quan lập pháp quốc gia và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu.
Katsuji Nakazawa cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của đế chế kinh doanh của Jack Ma, ở một mức độ nhất định, đã được bảo vệ bởi các mối quan hệ chính trị của ông. Ma có mối quan hệ tương đối thân thiết với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, người lãnh đạo “phe cánh Thượng Hải”, cánh tay phải của Giang là Tăng Khánh Hồng và những người xung quanh họ.
Alibaba là một công ty tư nhân ra đời ở tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải một quãng rất ngắn, đoạn đường được ví như chỉ bằng khoảng cách khi người ta ném một hòn đá mà thôi.
Tuy nhiên, chìa khóa để hiểu được sự sảy chân của Ma ở hiện tại, có thể là nằm ở mối quan hệ của Ma với Tập, theo Katsuji Nakazawa.
Ông Tập đã có nhiều năm ở Chiết Giang với tư cách là một quan chức, dần dần củng cố vị thế chính trị của mình.
Các thuộc cấp của ông Tập từ thời điểm đó đã chuyển sang các vị trí chủ chốt trên khắp đất nước sau khi chủ nhân của họ lên nắm quyền và được gọi là “phe cánh Chiết Giang.”
Nhưng Ma được biết là không tìm cách kết thân với họ. Có lẽ là vì hai lý do. Ông ta biết những rủi ro liên quan đến việc tiến quá gần đến chính trị. Ông ta cũng tự tin về khả năng của mình và không cảm thấy cần thiết.
“Tiền và quyền lực chính trị không thể tồn tại cùng nhau,” Ma từng nói. “Một là thùng thuốc súng, còn thùng kia là thùng diêm. Nếu cả hai tồn tại, một vụ nổ sẽ xảy ra.”
Từng là thương gia, Ma luôn có trực giác tốt về sự thay đổi của thủy triều.
Ở lúc còn tương đối trẻ, Ma đã quyết định nghỉ hưu khỏi công việc quản lý ngày này qua ngày khác chán ngán. Cứ mỗi lần thấy rằng mình đã trở nên thu hút sự chú ý, Ma lại lùi lại phía sau hậu trường. Nhưng mỗi lần như vậy, ánh đèn sân khấu lại tỏa sáng hơn, và Ma không thể nào biến mất.
Vào tháng 5/2013, hai tháng sau khi ông Tập đảm đương chức vụ chủ tịch nước, Jack Ma chính thức thôi giữ chức Giám đốc điều hành Alibaba để toàn tâm toàn ý cho công việc Chủ tịch công ty.
Vào tháng 3/2018, ông Tập đã thúc đẩy thông qua việc sửa đổi hiến pháp quốc gia, loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm cho các chủ tịch Trung Quốc và mở đường cho thời kỳ cầm quyền kéo dài của chính ông.
Cuộc chơi quyền lực của ông Tập đã khiến Ma phải vội vàng đưa ra một quyết định. Nửa năm sau, Ma tuyên bố rằng ông “sẽ nghỉ hưu sau một năm nữa.” Ma thực sự từ chức chủ tịch vào tháng 9/2019. Ông cũng nghỉ hưu khỏi hội đồng quản trị vào tháng 9 này. Nhưng lần này, Ma dường như đã không giữ được một khoảng cách cần thiết với chính trường Trung Quốc.
Một manh mối về suy nghĩ của ông Tập có thể thấy được vào tuần trước trong chuyến thị sát tỉnh Giang Tô.
Đến thăm Bảo tàng Nam Thông, chủ tịch Tập đã xem phần trưng bày giới thiệu về Zhang Jian, người sáng lập bảo tàng, đồng thời là nhà công nghiệp và giáo dục Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Bảo tàng đã trưng bày cách Zhang điều hành các doanh nghiệp mang lại lợi ích cho quốc gia, phát triển giáo dục và tham gia vào các hoạt động phúc lợi công cộng như thế nào.
Ca ngợi Zhang là “một hình mẫu của tất cả các doanh nghiệp tư nhân,” ông Tập nói rằng bảo tàng và nơi ở trước đây của Zhang nên được biến thành một cơ sở để giáo dục lòng yêu nước.
Chỉ 10 ngày sau khi Ma bị nhà chức trách thẩm vấn, chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi các doanh nhân tư nhân đừng ích kỷ.
Một điểm đáng chú ý khác trong chuyến công du Giang Tô của ông Tập là ông đã đến thăm Dương Châu, quê hương của cựu Chủ tịch Giang, lần đầu tiên kể từ khi ông trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vào năm 2012.
Sáu năm trước, ông Tập đã gây tiếng vang lớn khi thị sát Trấn Giang (Zhenjiang), một thành phố cổ ở phía nam Dương Châu và ngay bên kia sông Dương Tử.
Cái tên Trấn Giang có thể có những dư âm chính trị đáng lo ngại.
Zhen có nghĩa là trấn giữ, Jiang có nghĩa là sông. Trấn Giang cũng có thể đọc là “đưa Giang vào tầm kiểm soát.”
Đó là lý do tại sao ngay cả tên của một cây cầu bắc qua sông Dương Tử hoàn được hoàn thành vào năm 2015 để nối Trấn Giang và Dương Châu đã tránh sử dụng từ này.
Sáu năm về trước, Trung Quốc vẫn quay cuồng trong cơn bão chính trị đang hoành hành do chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, chứng kiến Chu Vĩnh Khang, một cựu Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị bị điều tra vì tham nhũng.
Ủy ban này là cơ quan quyết định hàng đầu của Đảng. Giang Tô là cơ sở quyền lực của Chu cũng như của cựu Chủ tịch Giang. Chuyến thăm của ông Tập tới Trấn Giang sáu năm trước thể hiện quyết tâm phá vỡ sự cai trị của những người lớn tuổi trong đảng bằng chiến dịch trấn áp tham nhũng.
Cuối tháng trước, không có thay đổi nhân sự nào liên quan đến việc thăng chức những người kế nhiệm tiềm năng cho ông Tập tại phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 của đảng, tiếp tục dọn đường cho ông Tập kéo dài thời gian cầm quyền.
Chuyến thăm tới Dương Châu, một địa phương nhạy cảm về mặt chính trị, gần giống như một chiến thắng nhảy vọt, kỷ niệm chiến thắng của ông Tập trong cuộc đấu tranh quyền lực với Giang và những người cao niên khác trong đảng, Katsuji Nakazawa kết luận.
Có thể bạn quan tâm: