Úc và dư luận viên Trung Quốc
Đội ngũ dư luận viên Trung Quốc đã được sử dụng để tấn công Úc trên mạng, nhắm vào việc phát tán bức ảnh giả do phát ngôn viên ngoại giao Triệu Lập Kiên đăng tải, ngụy tạo hình ảnh tả một binh sĩ SAS cắt cổ em bé Afghanistan.
Cyabra – công ty an ninh mạng của Israel – phát hiện một âm mưu đứng sau vụ phát tán bức ảnh giả trên trên mạng xã hội. Cụ thể, Cyabra xác định 57% số tài khoản Twitter tương tác với bài đăng của ông Triệu là tài khoản giả mạo. Đây là “bằng chứng cho thấy một chiến dịch bóp méo thông tin quy mô lớn được dựng lên nhằm khuếch đại tin giả.
Trong 1,344 tài khoản được nghiên cứu, đa phần chúng được lập vào tháng 11 và chỉ được sử dụng đúng một lần duy nhất là dẫn lại bài đăng của ông Triệu. Tuy nhiên, Cyabra không cung cấp chi tiết cá nhân hay tổ chức nào đứng sau chiến dịch phát tán bức ảnh giả.
Trong khi đó, Đại học Kỹ thuật Queensland (QUT) phân tích 10,000 bình luận tương tác với bài đăng của họ Triệu, cho thấy đa phần xuất phát từ Trung Quốc – quốc gia cấm sử dụng Twitter.
Nhiều bình luận tại bài đăng đến từ những tài khoản được lập ra trong vòng 24 giờ trước đó và có nội dung giống hệt nhau.
Tim Graham, chuyên gia an ninh mạng của QUT nhận xét: “Khi không nói về trẻ em Afghanistan, họ nói về Hong Kong (Trung Quốc). Điều đó cho thấy chúng (tài khoản) được lập ra phục vụ cho một chiến dịch cụ thể,
Bà Ariel Bogle, nhà nghiên cứu từ Viên Chính sách chiến lược Úc phát hiện những hành vi bất thường từ các tài khoản tương tác với bài đăng của họ Triệu, cho thấy các nhiều tài khoản được lập vào ngày 30.11 và 1.12 và chỉ theo dõi tài khoản của ông Triệu.
Đầu năm nay, Twitter từng xóa 175.000 tài khoản phát tán những thông tin không đúng sự thật mang động cơ địa chính trị tuyên truyền cho Trung Quốc.
Cháy rừng thiêu rụi gần một nửa diện tích rừng Fraser Island
Đám cháy trên đảo Fraser ngoài khơi bờ biển Queensland vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát và có nguy cơ báo sẽ kéo dài sang tuần tới.
Đảo Fraser là địa điểm du lịch, nổi tiếng của Queensland với những khu rừng nhiệt đới và cồn cát. Đảo này còn nằm trong danh sách di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Trao đổi với báo giới sáng thứ Sáu (4.12.2020) Sở cứu hỏa và ứng phó khẩn cấp Queensland (QFES) cho biết đợt cháy rừng kéo dài suốt gần 7 tuần qua, được cho xuất phát từ một vụ đốt lửa trại trái trép, đã thiêu rụi khoảng 82,000 ha, gần bằng một nửa diện tích của đảo Fraser. Tất cả các đám cháy hiện tại trên đảo cát lớn nhất thế giới này đều có liên quan với nhau song bùng phát trên nhiều khu vực.
QFES đã sử dụng 17 máy bay, trút gần một triệu lít nước xuống đảo để dập lửa. Song song với đó, gần 100 nhân viên cứu hỏa cũng đang nỗ lực và đã phần nào ngăn chặn mức độ bùng phát của các đám cháy trong 2 ngày qua. Tuy nhiên, với tình trạng nguy cơ hỏa hoạn cao dự kiến sẽ kéo dài sang đầu tuần tới (7.12), nhà chức trách đã ban hành cảnh báo sẵn sàng di tản đối với cư dân sống gần một khu nghỉ mát tại Kingfisher Bay trên đảo.
Cục Khí tượng Úx dự báo nhiệt độ trung bình ở cac khu vực nội địa bang Queensland hiện vào khoảng 40 độ C. Ở các vùng gần biển, nhiệt độ sẽ thấp hơn do ảnh hưởng của gió biển. Australia đang trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục, xuất hiện ở các vùng hẻo lánh và hiện đang dịch chuyển về phía Đông Bắc.
Úc và Nam Dương phối hợp về an ninh hàng hải
Trong thông báo cuối tuần qua (4.12.2020) Bộ Quốc phòng Úc cho hay cuộc tuần tra an ninh hàng hải lần thứ 10 AUSINDO CORPAT 2020 giữa hải quân Úc và hải quân Indonesia đã kết thúc trong hai ngày phối hợp, ngày 2 và 3 tháng 12 .
Trong thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds cho biết AUSINDO CORPAT 2020 là một phần quan trọng trong nỗ lực không ngừng giữa Australia và Indonesia nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác quốc phòng của hai nước.
Mục tiêu của AUSINDO CORPAT là nhằm vào tất cả các mối đe dọa an ninh hàng hải, bao gồm đánh bắt cá bất hợp pháp, nhưng cũng tập trung vào việc cải thiện việc thu thập và chia sẻ thông tin giữa hai nước. AUSINDO CORPAT 2020 đã được thực hiện theo các giao thức nghiêm ngặt như không có việc thăm viếng hậu cần ngoài phạm vi tàu của mỗi nước, cũng như không có sự tiếp xúc giữa các thủy thủ đoàn nhằm giảm thiểu rủi ro nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều nơi.
Qua AUSINDO CORPAT 2020, cả Úc và Indonesia đều nhận thấy tầm quan trọng của việc cùng nhau hợp tác để hỗ trợ an ninh khu vực và thúc đẩy trật tự khu vực hòa bình, thịnh vượng cũng như dựa trên luật lệ.