Nhà sáng lập WikiLeaks chính thức xin TT Trump ân xá: Project Veritas vào cuộc

Vy An

Ngày 16/12, ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên đăng tải những tin tức chính trị bị rò rỉ, đã chính thức xin Tổng thống Donald Trump ân xá cho mình sau một thời gian dài bị giam giữ tại Vương Quốc Anh.

Cùng ngày hôm đó, tổ chức Project Veritas cũng tung ra một đoạn video ghi âm cuộc gọi điện chưa từng được biết đến giữa ông Assange và luật sư Cliff Johson thuộc văn phòng Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, thời bà Hillary Clinton còn nắm quyền Bộ trưởng. Cuộc gọi được thực hiện vào năm 2011, từ trước khi xảy ra vụ rò rỉ 251.000 bức điện tín của Đại sứ quán Hoa Kỳ khiến ông Assange bị buộc tội gián điệp.
Embed from Getty Images

Những người ủng hộ ông Julian Assange biểu tình bên ngoài Tòa án Hình sự Old Bailey khi phiên điều trần dẫn độ người sáng lập WikiLeaks diễn ra vào ngày 7/9/2020 tại London, Anh. (Ảnh: Guy Smallman/Getty Images)

Ngày 16/12, ông James O’Keefe, người thành lập tổ chức Project Veritas đã đăng tải một đoạn video trên Twitter, ghi lại cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa nhà sáng lập WikiLeaks và cựu luật sư Cliff Johnson của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thời Hillary Clinton. Cuộc hội thoại đã làm sáng tỏ những nỗ lực của ông Assange trong việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do sự cố rò rỉ hơn 250.000 bức điện tín của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gây ra tại thời điểm ấy.

Đáng chú ý là nội dung cuộc gọi được thực hiện vào ngày 26/08/2011, cho thấy rõ rằng WikiLeaks chỉ công bố lại toàn bộ các bức điện của Đại sứ quán Mỹ sau khi chúng đã được phát tán bởi hàng trăm trang web, trang torrent và Twitter khác. Cụ thể là chúng đã được đăng tải trên Cryptome.org và Pirate Bay, vài ngày trước khi được công bố trên WikiLeaks.

Trong cuộc gọi, ông Assange đã cảnh báo luật sư Johnson: “Đúng vậy, tình hình là chúng tôi có thông tin tình báo rằng Kho lưu trữ cơ sở dữ liệu của Bộ Ngoại giao, nơi chứa hơn 250.000 bức điện ngoại giao bao gồm cả những nội dung được giải mật, đang được lan truyền khắp nơi và đến mức chúng tôi tin rằng trong vài ngày tới chúng sẽ được phát tán công khai. Chúng tôi không chắc chắn nhưng việc này có thể xảy ra rất sớm, có thể trong vài ngày tới hoặc một tuần tới. Có lẽ sẽ có một số cách để ngăn chặn việc đó.”

Tuy nhiên luật sư Johnson đã đáp lại bằng cách vặn vẹo: “Và ai sẽ là người phát tán những bức điện này? Có phải là WikiLeaks không?”

Ông Assange cố gắng giải thích: “Không, chúng tôi sẽ không phát tán chúng. Chúng tôi vẫn chỉ đang làm công việc biên tập thường ngày của mình, nhưng trong 24 giờ qua chúng tôi đã phát hành khoảng 100.000 bức điện chưa được phân loại, việc này chỉ giống như một nỗ lực nhằm ngăn chặn những bên có ý định tung ra toàn bộ kho lưu trữ nội dung các bức điện. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng, mặc dù chúng ta có thể trì hoãn mọi thứ một chút bằng cách làm như vậy, nhưng họ vẫn sẽ thực hiện ý định của mình trừ khi các biện pháp ngăn chặn được đưa ra. Chúng tôi cũng đã can thiệp vào một số nỗ lực pháp lý để yêu cầu họ dừng lại nhưng tôi nghĩ rằng như vậy vẫn chưa đủ.”

Đoạn ghi âm cho thấy ông Assange đã rất nỗ lực để ngăn chặn việc các bên thứ ba mặc sức phát tán toàn bộ những bức điện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trên Internet. Ông ấy đã cố gắng kêu gọi các nhà biên tập đừng tung những tít bài thu hút sự chú ý đến các bức điện tín chưa được giải mã. Ông cũng đưa ra yêu cầu tương tự với ông Daniel Domscheit-Berg, một cựu nhân viên bị cho thôi việc cách đó một năm của WikiLeaks và nhà xuất bản Freitag của Đức. Tuy nhiên ông Assange đã nhận được câu trả lời từ các luật sư người Đức của mình rằng, ông không có bổn phận làm việc đó vì các bức điện tín không phải của ông, chúng thuộc về Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Hãy xem những gì diễn ra sau đó. Mật khẩu của các tập tin còn đang mã hóa đã được nhà báo Luke Harding của tờ Guardian công bố trong một cuốn sách về Wikileaks của mình, và ông Domscheit-Berg là người đã phát tán những nội dung này. Tuy nhiên, nhà báo Harding và vị cựu nhân viên “xỏ lá” của WikiLeaks chưa bao giờ phải đi xin tị nạn tại một Đại sứ quán nước ngoài (điều mà ông Assange đã phải nếm trải trong nhiều năm), và ông Luke Harding vẫn được công ty Guardian tuyển dụng.

Ông Assange đã liên tục kết nối với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để đề nghị hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại. Ông đã phân tích cho họ cách ngăn chặn sự lan truyền của tin tức trong vòng 6 ngày, trước khi công chúng có thể tiếp cận một cách rộng rãi. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao của bà Hillary Clinton đã không làm gì cả. Ông Assange giải thích rằng phía Hoa Kỳ phải yêu cầu Đức ngăn chặn việc rò rỉ thông tin, vì WikiLeaks không có quyền làm như vậy. Nhưng những lời cảnh báo của ông đã bị phớt lờ.

Cũng trong cuộc gọi, luật sư Johnson đã hỏi liệu WikiLeaks có thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để ngăn chặn các nhân viên lừa đảo của mình và những người khác phát tán các tài liệu chưa được giải mã hay không. WikiLeaks trả lời rằng họ có làm vậy, nhưng cách duy nhất để ngăn chặn nó là Bộ Ngoại giao phải vào cuộc và ít nhất, phải cảnh báo những người có thể gặp nguy hiểm, rằng việc phát tán có khả năng sẽ diễn ra trong vòng một tuần.

Ông Assange gợi ý: “Những gì chúng tôi muốn Bộ Ngoại giao làm là hãy đẩy mạnh các chiến lược cảnh cáo mà Bộ đã thực hiện hồi đầu năm, hoặc giống như năm ngoái, đối với các nguồn tin của Bộ và đề cập trực tiếp đến vấn đề này trong nội dung các bức điện. Tôi có thể giả định, nhưng không khẳng định 100%, rằng tất cả các nhân viên của Bộ Ngoại giao đang gặp nguy hiểm, bởi những kẻ xấu chắc chắn đã nắm được thông tin, vì báo chí đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng rằng điều này sắp xảy ra. Nếu trong trường hợp có bất kỳ cá nhân nào chưa được biết thông tin thì nên cảnh báo cho họ. Trong chừng mực nào đó, Bộ Ngoại giao có thể gây sức ép với những người ở Đức, khuyến khích họ rằng việc từ bỏ hành vi ấy sẽ có lợi cho họ.”

Ông Assange cũng đề nghị ai đó từ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở London hãy đến gặp trực tiếp ông ấy, vì ông đang bị quản thúc tại gia. Ông muốn gặp họ để có thể cung cấp vị trí lưu trữ các tệp tin và mật khẩu vì ông không thể trao đổi những thông tin này qua các kênh không an toàn. Họ đã từ chối làm như vậy.

Đoạn ghi âm cho thấy rất rõ rằng WikiLeaks đã dành 9 tháng làm việc cật lực để bảo vệ những người có khả năng gặp nguy hiểm, và dần dần đưa các câu chuyện ra ánh sáng sau khi chúng đã được xác minh và chọn lọc một cách hợp lý.

Ông Assange là người làm nghề báo, và ông ấy đã “hành nghề” một cách có trách nhiệm.

Chính phủ Hoa Kỳ biết rõ rằng Cryptome và những trang khác đã phát tán thông tin trước, nhưng họ không bao giờ đưa ra các mức án phạt hoặc nhắm mục tiêu vào những người này, như cách mà họ đã làm với ông Assange.

Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy việc truy tố nhà sáng lập WikiLeaks là có ý đồ và mang tính chính trị.

Bản ghi âm đầy đủ dài 75 phút của cuộc gọi điện cũng đã được Project Veritas đăng tải trên Youtube.

Ông Julian Assange chính thức xin Tổng thống Trump ân xá

Mọi người từ khắp các khu vực chính trị đã kêu gọi Tổng thống Trump ân xá cho nhà sáng lập WikiLeaks, bằng cách dẫn chứng tầm quan trọng của quyền tự do xuất bản thông tin. Vị hôn thê Stella Morris, mẹ hai đứa con nhỏ của ông Assange, trước đó cũng đã kêu gọi ân xá, nhưng yêu cầu chính thức đã không được đệ trình lên Nhà Trắng cho đến tuần này.

Ông Assange hiện đang bị giam ở Vương quốc Anh trong khi chờ quyết định dẫn độ sang Hoa Kỳ, nơi ông ấy sẽ phải đối mặt với một loạt các cáo buộc tấn công và gián điệp liên quan đến việc WikiLeaks xuất bản Nhật ký Chiến tranh giữa Irag và Afghanistan. Nếu bị kết án, ông Assange có thể phải chịu nhận hình phạt tối đa 175 năm tù cho “tội” phát tán những tài liệu mà chính phủ Hoa Kỳ không muốn người dân được biết.

Vào năm 2018, các luật sư của Tổng thống Trump đã âm thầm dẫn chứng một trường hợp để bảo vệ WikiLeaks trong suốt quá trình thu thập hồ sơ pháp lý cho vụ kiện được khởi xướng bởi các nhà tài trợ của Đảng Dân chủ. Những người này cáo buộc rằng WikiLeaks và cựu cố vấn chính trị Roger Stone đã thông đồng với Nga để công bố các email bị rò rỉ của Ủy ban Quốc gia Dân chủ.

Trong một kiến ​​nghị được đệ trình vào tháng 10/2018, luật sư Michael A. Carvin của Tổng thống Trump đã lập luận rằng, theo mục 230 của Đạo luật Khuôn phép trong Truyền thông (47 U.S.C. § 230), “một trang web cung cấp một diễn đàn nơi ‘các bên thứ ba có thể đăng tải thông tin’ không phải chịu trách nhiệm về thông tin mà các bên thứ ba đăng tải. Điều đó có hiệu lực ngay cả khi trang web thực hiện ‘chức năng biên tập’ ‘chẳng hạn như đưa ra quyết định liệu có xuất bản [thông tin] hay không’.”

Luật sư Carvin viết: “Ngoài ra theo thông lệ, Tu chính án thứ nhất phủ nhận quyền lực của chính phủ trong việc đưa ra lệnh trừng phạt với các phát ngôn trung thực.” Ông nói thêm rằng quyền riêng tư không thể được sử dụng để biện minh cho việc vi phạm các tiêu chuẩn cốt lõi của Tu chính án thứ nhất.

Sau đó các hồ sơ pháp lý cũng dẫn chứng đến một trường hợp năm 1989, khi tờ The Florida Star vô tình tiết lộ tên đầy đủ của một nạn nhân bị hãm hiếp mà họ có được từ báo cáo của cảnh sát. Bà Betty Jean Freedman, nạn nhân trong vụ hãm hiếp đó, đã kiện tờ báo để đòi bồi thường thiệt hại. Luật tiểu bang Florida quy định việc nhà xuất bản ghi rõ tên nạn nhân bị hãm hiếp là bất hợp pháp và bà Betty Jean Freedman được bồi thường. Tuy nhiên khi công ty Florida Star kháng cáo, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng, lệnh áp dụng các khoản bồi thường thiệt hại cho việc công bố thông tin công khai một cách trung thực là vi phạm Tu chính án thứ nhất.

Yêu cầu ân xá chính thức của ông Assange được đưa ra sau khi một đồng minh của Tổng thống Trump, ông Pastor Mark Burns đăng tweet tiết lộ rằng Tổng thống sẽ ân xá cho nhà sáng lập WikiLeaks. Mặc dù cuối cùng ông Mark Burns đã rút lại tuyên bố của mình với lý do nguồn tin sai sót nhưng đoạn tweet đã đạt được hơn 75.000 lượt “thích” chỉ trong khoảng một giờ. Điều này cho thấy một động thái ủng hộ rất lớn đối với ông Assange.

Ông Edward Snowden, một “người thổi còi” của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2013, đã nhấn mạnh tin tức trên và nói rằng: “Tôi rất hy vọng điều này là sự thật. Vụ kiện chống lại Assange dựa trên một lý thuyết pháp lý có thể dẫn đến việc hình sự hóa đối với công việc của tất cả các nhà báo, cả trong và ngoài nước.”

Ông Snowden trước đó đã vận động hành lang để xin ân xá cho ông Assange, thậm chí trước cả khi ông này xin ân xá cho chính mình.

Hồi đầu tháng này, ông Snowden đã tweet: “Thưa Ngài Tổng thống, nếu trong thời gian tại vị Ngài chỉ ban hành duy nhất một lệnh khoan hồng, làm ơn: xin hãy phóng thích Julian Assange. Duy chỉ có Ngài mới có thể cứu mạng ông ấy.”

Vy An (tổng hợp)

Related posts