Dàn xếp nhân sự lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, phức tạp hay đơn giản?

Jackhammer Nguyễn

20-12-2020

Hội nghị Trung ương lần thứ 14, khóa 12, của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) kết thúc sớm, để lại một kết quả hững hờ với nhiều lời đồn đoán, với hàng loạt câu hỏi không lời đáp. Ông Trọng đi hay ở lại? Bà Kim Ngân đâu rồi? Ông Phúc có lên không? Trông ông Vượng yếu nhỉ? …

Một nhà báo ở Việt Nam nói với tôi: Phải chờ tiếp hội nghị trung ương 15 mới đoán được anh ơi.

Văn kiện của Đảng được báo chí Đảng trích dẫn thì vẫn như mọi khi: Mọi sự ổn hết, chờ kết luận ở hội nghị 15 thôi. Ông Phạm Quý Ngọ, một cựu viên chức Việt Nam đặt vấn đề với BBC Việt ngữ rằng, tại sao ổn hết mà còn chờ đến hội nghị 15?

Tuy nhiên, tác giả Lê Văn Đoành, cây bút chuyên bình luận chuyện cung đình Việt Nam trên Tiếng Dân, có bài viết vào ngày 14/12/2020, là ngày hội nghị 14 khai mạc, rằng phải còn hội nghị 15 nữa, tức là hội nghị 15 đã được dự tính, không phải là một việc ngoài kế hoạch.

Sự kiện đảng CSVN kết thúc hội nghị 14 sớm hai ngày, có thể được hiểu là họ đã xong việc, nhưng cũng có thể hiểu là còn có hai ngày thì chẳng đi đến đâu, thôi đem qua hội nghị 15 bàn cho rồi!

Thế thì phức tạp hay đơn giản? Tôi nghĩ là cả hai.

Đơn giản thôi

Hai vấn đề mà bất cứ một đảng cầm quyền nào cũng phải cân nhắc là sẽ bang giao với các nước khác nhau trên thế giới như thế nào, và quốc gia sẽ phát triển ra sao?

Cả hai vấn đề này lại rất đơn giản đối với đảng CSVN hiện nay. Về đối ngoại, họ đã quyết định rằng sẽ “đu dây” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Về phát triển trong nước thì họ chẳng còn quan tâm mấy đến cái từ cộng sản, họ vẫn tiếp tục cho phép buôn bán làm ăn đồng thời với việc duy trì bộ máy đàn áp khổng lồ dưới danh nghĩa ổn định xã hội, chính trị.

Chỉ có mỗi một việc cần phải làm là chia sẻ quyền lực với nhau, chia sẻ giữa các vùng miền với nhau, và giữa các nhóm lợi ích. Các vùng miền chính là các tỉnh và thành phố, cao hơn nữa là ba vùng Bắc Trung Nam, đều phải có đại diện. Các quan đầu tỉnh cũng thường là ủy viên trung ương đảng, các vùng Bắc Trung Nam đều phải có đại diện trong Bộ chính trị.

Các nhóm lợi ích tức là các bộ. Các bộ quan trọng như công thương, tài chính, công an, quốc phòng, ngoại giao, đều phải được chia sẻ quyền lực.

Ngoài ra còn có các nhân vật đoàn phái (đi lên từ đoàn thanh niên cộng sản như ông Tất Thành Cang vừa bị bắt), các nhân vật thái tử đảng (con cháu các quan chức cao cấp cũ, chẳng hạn như ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng bộ công thương), tương tự như cộng sản Tàu.

Nhưng phức tạp…

Việc dàn xếp nhân sự sẽ trở nên phức tạp hơn khi phải choàng qua xếp lại giữa nguyên tắc địa phương và các nhóm lợi ích liên tỉnh liên vùng.

Ngoài những chiếc ghế trong bộ chính trị, họ còn phải chia nhau những chiếc ghế trong Ban Bí thư trung ương nữa, vì ban này điều khiển công việc hàng ngày của Đảng, thật sự có quyền lực và quyền lực trực tiếp. Và từ đó họ thăng tiến lên cơ quan quyền lực cao nhất là bộ chính trị.

Các địa phương ở Việt Nam thường được hình dung là có ba miền Bắc Trung Nam với các sắc thái văn hóa, truyền thống khá cách biệt nhau. Nhưng miền Trung lại có hai vùng khác hẳn, đó là các tỉnh Bắc Trung Bộ, là Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, và các tỉnh Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng vào Ninh Thuận, Bình Thuận.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng khá đặc biệt, không thuộc miền Trung cũng không hẳn hoàn toàn ở miền Bắc. Ninh Thuận và Bình Thuận thì có thể xem là miền Trung cũng được mà miền Nam cũng được.

Hai khu vực miền núi, Bắc Việt và Tây Nguyên bị khống chế bởi Hà Nội, Sài Gòn, hay Đà Nẵng.

Trên bức tranh địa phương đa dạng đó, có thể nói rằng Bộ Chính trị và Ban Bí thư phải được chia cho các vùng: Bắc Bộ, Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Trong đó các thành phố Hà Nội và Sài Gòn phải có người đại diện.

Đến đây sự thể bắt đầu phức tạp khi một địa phương cần phải có người nhưng lại không có người. Ví dụ như Sài Gòn và Nam bộ, sau khi ông Nguyễn Thiện Nhân về hưu, hoặc có thể cả bà Nguyễn Thị Kim Ngân nữa, thì gương mặt nào sáng giá để đại diện vùng này?

Đó là lý do mà ông Nguyễn Văn Nên, được đưa về Sài Gòn trước đây ít lâu. Nhưng liệu một mình ông Nên có làm thỏa mãn được các địa phương miền Nam, mà trong thời gian gần đây cảm thấy mình bị đối xử bất công vì đóng góp cho ngân sách quốc gia nhiều hơn các vùng khác?

Trong khi đó có vùng không mấy khả quan về kinh tế như miền Bắc Trung Bộ chẳng hạn, lại có hàng lô hàng lốc các viên chức đảng cao cấp ngấp nghé những chiếc ghế bộ chính trị và ban bí thư.

Tương tự như vậy, các nhân vật được bổ sung vào ban bí thư, mà không phải là ủy viên bộ chính trị, cũng phải được chia cho ba vùng. Các nhân vật này được xem là chuẩn bị thăng tiến vào bộ chính trị trong tương lai.

Trong danh sách được cho là rò rỉ từ nội bộ, người ta thấy có sáu người được đề nghị vào ban bí thư mà không nằm trong bộ chính trị, đều có đại diện ba miền, nhưng cánh Nam bộ trội hơn, có đến ba người, có phải vì để đền bù cho họ bị hụt người trong bộ chính trị? Trong danh sách được cho là ứng cử viên vào bộ chính trị, có 24 người, họ chỉ có năm người, và không có bà Kim Ngân. Trong khi đó, nhóm Bắc Trung Bộ lại có đến 6 người.

Danh sách ứng viên 24 nhân vật vào Bộ Chính Trị, có vẻ như Vũ Đức Đam bị loại, nhường chỗ cho Đào Ngọc Dung, theo tác giả Phạm Vũ Hiệp.

Và nhân vật nào sẽ điều hợp được các vùng địa lý, các nhóm lợi ích đó? Chuyện này có vẻ đơn giản hơn trong kỳ này, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng tập trung được quyền lực từ năm 2016 đến nay, nhưng khổ nỗi là ông ta già yếu và bệnh tật nhiều rồi, mà hàng đệ tử có vẻ không sai khiến được đám sừng sỏ nắm kinh tế ở các địa phương.

Tóm lại là, việc nhân sự của Đảng dễ mà khó, và cũng… hấp dẫn, như cây quạt của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vậy:

Mười bảy hay là mười tám đây,

Chành ra ba góc da còn thiếu

Khép lại hai bên thịt vẫn thừa

Related posts