Cổ Nhuế
Không nói ra, hai nước Úc và Trung Cộng coi như đang lâm vào cuộc chiến thương mại. Trong cuộc chiến này, Trung Cộng tung ra nhiều đòn đánh vào hàng hoá từ Úc xuất cảng sang đó. Cú đá mới nhất Trung Cộng tung vào bụng Úc là: ngưng mua than đá. Quyết định này làm cho 60 chiếc tàu chở đầy than đá của Úc không biết đâu là bến bờ.
Ngưng mua lúa mạch, thịt bò, rượu, tôm hùm, vân vân, nhưng Trung Cộng lại ào ạt mua quặng sắt khiến cho giá dọt lên dữ dội. Giá một tấn trước đây ở mức $US64 nay dọt lên thành $US160.
Nhờ giá quặng sắt dọt lên dữ dội, Úc đang thủ lợi. Chỉ riêng Tây Úc trong năm nay đã thu về $8.6 tỷ tiền thuế do các công ty khai mỏ đóng. Dù hưởng lợi rất lớn, Úc dư biết: rồi ra quặng sắt không được giá như hiện nay vì thói thường của Trung Cộng là mua ào ạt một món hàng, rồi bỗng nhiên ngưng lại. Bà con Việt Nam mình chắc có người nhớ cơn sốt chim cút ở Sài-gòn. Ba Tàu làm giá cho chim chút lên cao hơn vàng y. Rồi không mua nữa. Hình như họ tung tin: chim cút làm lây bệnh cùi. Vậy là khối người ôm chim mà … chết.
Tinh thần pháp trị
Hiển nhiên Úc không ngồi yên cho Trung Cộng tự do đấm đá. Úc bắt đầu trả đòn bằng cuộc họp báo của ông tổng trưởng thương mại Simon Birmingham vào trưa thứ Tư vừa qua.
Vì Úc sống theo pháp trị, nên đòn đầu tiên của Úc là dở cả ngàn trang luật lệ ra. Trong khi Trung Cộng tự tay ra luật và ngừng mua nhiều món hàng từ Úc, thì Úc lôi Trung Cộng ra toà WTO (Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, World Trade Organisation). Úc xin WTO phân xử khi Trung Cộng cho rằng Úc đã tài trợ cho nông gia trồng lúa mạch nên lúa mạch Úc bán cho Trung Cộng với giá quá rẻ. Trung Cộng nói Úc bán tống bán tháo lúa mạch kiểu đó là ‘hổng phe’ nên đánh thuế 80% để bằng giá với lúa mạch từ các nước khác. Ngược lại, Úc cho rằng Trung Cộng vu cáo.
Bên cạnh đó, Úc đưa cho Trung Cộng coi những điều khoản hai nước đã ký trong hiệp ước tự do buôn bán (FTA). Xem chừng Trung Cộng không màng đến tổ chức bù nhìn và xấp giấy lộn kia. Dám nói tổ chức kia là ‘bù nhìn’ vì WTO khệ nệ vài năm mới đọc hết hồ sơ của bên nguyên và bên bị.
Rõ ràng đem luật ra nói chuyện với Cộng Sản thì không khác gì nói chuyện với đầu gối. Thế là Úc phải tìm những ngón đòn khác.
Úc không muốn lâm chiến
Nghị sỹ Matt Canavan, từng ngồi ghế tổng trưởng Tài Nguyên (Resources Minister) tung ý kiến lên tờ The Australian. Ổng viết Úc cần đánh thuế quặng sắt xuất cảng qua Trung Cộng. Làm thế cho đảng Cộng Sản Trung Hoa phải trả giá cho việc họ đã làm và ngăn chận họ tiếp tục đá vào bụng Úc.
Nhưng ý kiến của ông Matt Canavan nhanh chóng bị đảng Lao Động đối lập và tiểu bang Tây Úc bác bỏ. Đảng Lao Động nói đánh thuế lên quặng sắt xuất cảng là ‘tự uýnh cho mình thua, self-defeating’. Còn dân biểu Tây Úc Madeleine King cho rằng ý kiến của ông Matt Canavan là ‘hấp tấp, reckless push’.
Xem chừng, Úc không muốn lâm vào cuộc chiến tranh buôn bán với Trung Cộng (và với bất cứ nước nào khác) vì Úc cho rằng không ai thắng trong cuộc chiến này cả.
Thật vậy, một quốc gia riêng lẽ không thể nào đương đầu với thị trường 1.4 tỷ dân ở Trung Cộng. Nếu thế giới không đoàn kết thì Trung Cộng sẽ bắn tỉa từng quốc gia một. Khi lúa mạch Úc bị nạn ở Trung Cộng thì Mỹ nhanh chóng ngỏ ý bán thứ này qua bển. Trung Cộng biết vậy nên lấn sang thịt bò Úc. Không biết nước nào trên thế giới thế chỗ thịt bò Úc ở Trung Cộng; Nhưng được biết, ngày nào Trung Cộng không mua quặng sắt của Úc nữa thì Brasil sẽ nhảy vô.
Trung Cộng biết rõ nước nào trên thế giới cũng muốn bán hàng cho họ. Họ mua ào ạt. Rồi làm eo. Và chạy qua nước khác. Từng nước một sẽ bị Trung Cộng bắn tỉa. Bắn gục.
Năm con mắt trừng trừng
Úc và Trung Cộng, mỗi nước có những thế mạnh và thế yếu.
Nói về vây cánh thì có lẽ Úc hơn hẵn nước có gần tỷ rưỡi dân kia. Nhìn vào bảng sắp hạng nước mạnh nước yếu do viện Lowy (có trụ sở tại Melbourne) thực hiện, (https://power.lowyinstitute.org/) chúng ta thấy yếu nhất của Trung Cộng là không có nhiều đồng minh. Ngược lại Úc là một trong những nước mở rộng giao hảo với nhiều nước khác trên thế giới.
Bỏ qua các liên minh quân sự (mới nhất liên minh Úc-Nhật), trong cuộc tranh chấp về buôn bán hiện nay, người ta nhắc đến một liên minh không có giấy tờ mà Úc có chân ở trỏng. Chính liên minh này làm cho Trung Cộng chạm nọc vì Trung Cộng nhắc tới trong số 14 điều họ phàn nàn. Trung Cộng bực bội vì Úc cùng với Hoa Kỳ, Anh quốc, Canda và New Zealand họp nhau thành ‘Ngũ Nhãn, Five Eyes’.
Nguyên thuỷ Ngũ Nhãn được thành lập trong Chiến Tranh Lạnh với Cộng Sản. Năm nước cùng nhau để mắt theo dõi Cộng Sản và chuyển tin tức tình báo cho nhau. Nay một trong Ngũ Nhãn ấy bị Trung Cộng chơi ép, nếu bốn con mắt kia cùng đứng về phía bạn của mình thì đối phương quả là tứ bề thọ địch.
Điều khó là khi Trung Cộng đánh thuế lúa mạch Úc đến 80% thì bốn nước kia có …’thừa nước đục thả câu’ không? Cho đến nay câu trả lời là ‘có’ vì Ngũ Nhãn không phải là NATO. Các nước trong Liên Minh Phòng Thử Bắc Đại Tây Dương để dàng được yểm trợ, vin vào điều 5 của hiệp ước này. Theo đó, một nước thành viên trong NATO bị tấn công thì các nước khác tự coi mình cũng bị tấn công như thế. Trong thực tế, trong Ngũ Nhãn không phải chỉ Úc tranh chấp với Trung Cộng. Trong những năm cuối nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ lâm vào cuộc chiến thương mại với Trung Cộng. Canada và Anh quốc đụng độ với Trung Cộng về hoạt động của công ty viễn thông Huawei. New Zealand cũng không êm thắm gì với Bắc Kinh, đặc biệt khi Bắc Kinh muốn thâu tóm hãng sữa bên đó.
Buồn một điều cả năm nước trong Ngũ Nhãn đều tranh chấp với Trung Cộng mà từng nước không tiếp cứu nhau. Có lẽ đến lúc Úc phải nhờ đến Ngũ Nhãn khi trả đòn Bắc Kinh. Ở Úc, ông Fergus Hanson, viện trưởng International Cyber Policy Institute, đề nghị biến Ngũ Nhãn thành một tổ chức cùng nhau giữ cho nền kinh tế cho được vững vàng. Ông Fergus Hanson cho rằng năm nước Ngũ Nhãn cùng nhau ra những biện pháp Bắc Kinh đang đánh vào Úc. Có thế đảng Cộng Sản Trung Hoa mới biết ‘hòn bấc ném đi, thì hòn chì ném lại’.
Nó dậy, nó quậy
Cho tới nay, khi lúa mạch Úc bị Trung Cộng chận lại thì nông giao Hoa Kỳ nhảy mừng. Họ sẽ điền vào chỗ trống. Chính Trung Cộng cũng mừng vì trong cuộc chiến tranh thương mại với tổng thống Donald Trump, Trung Cộng đã hứa mua thêm hàng hoá từ Mỹ để cân bằng cán cân xuất nhập cảng. Nay Hoa Kỳ đổi chính phủ và có thể cuộc chiến tranh thương mại với Trung Cộng chuyển qua hướng khác. Hy vọng chính phủ mới của Hoa Kỳ không còn theo chính sách ‘American First, Nước Mỹ trước hết’ và cũng không bắt buộc Bắc Kinh phải mua thêm hàng hoá từ Mỹ. May ra, đây là cơ hội để hàn gắn lại mối giao thương giữa Úc với Trung Cộng.
Napoleon đã nói ‘Đừng ai đánh thức con rồng Trung Hoa dậy. Nó dậy, nó quậy’. Rủi thay, thế giới tự do không nghe. Bây giờ, đối phó với nó thì không gì ngoài lập lại một thứ ‘bát quốc liên quân’ đánh thẳng vào Bắc Kinh như đã xảy ra vào năm Canh Tý, 1900.
Cổ Nhuế