Chúng ta là một

Việt Luận

 Từ ngày 1.1.2021, khi hát quốc ca Úc chúng ta không còn hát ‘for we are young and free’ nữa mà đổi sang ‘for we are one and free’. Chỉ đổi một chữ ‘young, trẻ trung’ thành ‘free, tự do, thoải mái, dễ tính, …’ trong quốc ca đã thành cơ hội cho người sống ở đất nước này nghĩ lại về lịch sử nơi đây và bày tỏ ước vọng cho các thế hệ sẽ nối tiếp.

Để đổi một chữ trong quốc ca, thủ tướng tham khảo ý kiến các thủ hiến và toàn quyền tiểu bang, rồi xin chấp thuận từ toàn quyền liên bang. Và đây là lần thứ nhì Úc thay đổi lời hát trong quốc ca. Lần trước vào năm 1984 khi thủ tướng Bob Hawke chọn Advance Australia Fair làm quốc ca thay thế cho bản God Save the Queen, Úc đã đổi ‘Australia’s sons, let us rejoice’ thành ‘Australians all, let us rejoice’. Lần này, quốc ca Úc đổi từ ‘For we are young and free’ thành ‘For we are one and free’.

Thủ tướng Scott Morrison cho hay đổi chữ ‘young’ thành ‘one’ đã không lấy bớt tí tẹo gì khỏi quốc ca Úc mà còn thêm vào đó thật nhiều ý vị. Theo thủ tướng, quốc ca phản ảnh nếp sống hiện tại của nước Úc – mà trong năm ngoái một lần nữa chúng ta đã chứng tỏ tinh thần bất khuất và hết lòng đoàn kết. Hai nét độc đáo ấy luôn luôn nổi bật trong lịch sử của đất nước này. Vì lẽ ấy, bây giờ là lúc đưa tinh thần hợp nhất vào quốc ca.

Vào năm 1878, khi nhạc sỹ Peter Dodds McCormick viết lời ca cho bản Advance Australia Fair thì Úc chưa thành liên bang và ‘Úc’ quả là ‘non trẻ’. Mãi cho tới năm 1967, người da trắng lập nghiệp trên đất nước này chỉ biết một nước Úc bắt đầu từ khi thuyền trưởng James Cook tìm thấy đất phương Nam (Terra Australis). Trong mắt những người mới đến đây, lục địa này chưa bao giờ có người ở (Terra Nullius) vì thế những người hôm nay chúng ta gọi là dân bản địa (Aboriginal) — trong mắt người da trắng mới đến: dân bản địa có hình dáng người mà ‘thực ra’ chỉ là con vật!

Ý nghĩ sai lạc này đã đã bị đánh tan vào năm 1967 khi hơn 90% cử tri Úc đầu phiếu nhìn nhận dân bản địa cũng là người. Họ là người Úc đầu tiên sinh sống ở đây. Lịch sử của nước Úc không phải ‘young, non trẻ’ mà đã khởi đi hơn 60 ngàn năm trước.

Hơn nữa, không còn ‘non trẻ’ nước Úc hôm nay là ‘một’. Là một theo nghĩa lịch sử Úc không chỉ bắt đầu bằng năm 1770 khi thuyền trưởng James Cook thả neo chiếc HMS Endeavour ngoài khơi Botany Bay — tức Sydney Cove bây giờ, mà nước Úc hiện nay và nước Úc trước năm 1770 là một. Sự thật này rõ ràng nhưng không phải ai ai cũng chấp nhận. Hệt như lịch sử Việt Nam đang bị viết lại: những gì có trước năm 1975 thường bị xoá bỏ hay dèm pha; những gì không phải do nón cối làm thì không được ghi vào lịch sử. Cứ làm như là Việt Nam chỉ bắt đầu bằng chuyện cướp chính quyền từ năm 1945!

Ở Úc đã có một thời người ta bôi xoá lịch sử ngàn năm đã có trước khi người da trắng đến đây. Nên Úc luôn luôn ‘young, non trẻ’. Bây giờ, chúng ta nhận ra đất nước này không phải ‘non trẻ’ mà là ‘một’ với quá khứ ngàn năm. Trong nỗ lực này, người Úc đang viết rất nhiều lời cho bản quốc ca bằng tiếng nói của dân bản địa.

Được biết, trong hơn 60 ngàn năm đã có rất nhiều bộ lạc bản địa sinh sống ở đây. Bộ lạc sống ở Sydney khi người da trắng đổ bộ lên đây là dân Eora (đọc là ‘Yura’). Nhật ký của thuyền trưởng James Cook có ghi khi thả neo con tàu HMS Endeavour để bước lên Botany Bay thì những bóng da đen trông như hình người vẫn tiếp tục phóng những cây lao xuống biển để bắt cá. Mắt của họ tưởng như lơ đãng. Họ chả quan tâm đến người da trắng bắt đầu một trang sử mới ở đất nước này.

Song song với lời ca tiếng Anh, đã thành hình bài quốc ca Úc bằng tiếng Eora. Khi đội banh bầu dục Wallabies của Úc đấu với đội Argentina ở Sydney trong tháng 12 năm ngoái, ca sỹ bản địa Olivia Fox cùng với cầu thủ trong đội tuyển Úc đã hát Advance Australia Fair bằng tiếng Eora.

Australiagal ya’nga yabun
Eora budgeri

Garraburra ngayiri yabun
Yirribana Australiagal

Cũng như phần lớn bạn đọc, Việt Luận không hiểu một chữ trong lời quốc ca Úc bằng tiếng của những người chủ đầu tiên đất nước này. Nhưng điều này không có nghĩa là phủ nhận họ đã từng có mặt trên đất nước đang cưu mang chúng ta. Gần giống như thế, hôm nay rất ít người Việt Nam đọc được thứ chữ nguyên thuỷ của Bình Ngô Đại Cáo hay bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Ngay đến thủ bản truyện Kiều hay Lục Vân Tiên (nếu tìm ra) chắc là phần lớn người Việt Nam ‘bốn ngàn năm văn hiến’ cũng … mù tịt.

Con cháu không còn đọc được hay nói được thứ tiếng của cha ông thì không có nghĩa cha ông không có mặt trên cõi đời này. Cha ông chúng ta và những người Úc đầu tiên trên đất nước này đã để lại nhiều vết tích. Là người đến sau, chúng ta lần theo một số vết tích ấy để trân quý và ghi ơn người đi trước. Biết đâu, ngàn năm nữa sẽ có người Úc bập bẹ hát quốc ca bằng thứ tiếng của thuyền nhân đến đây trong những năm cuối thế kỷ 20.

Việt Luận

Related posts