Indonesia bắt giữ tàu Trung Quốc và Iran vì nghi ngờ chở dầu lậu

Tâm Thanh

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (ảnh: Reuters)

Mới đây, cảnh sát biển Indonesia đã bắt giữ hai tàu siêu cấp chở dầu của Trung Quốc và Iran với cáo buộc chuyển dầu bất hợp pháp trong vùng biển của nước này, Reuters đưa tin.

Hôm Chủ nhật (24/1), lực lượng cảnh sát biển Indonesia đã bắt giữ các tàu chở dầu hiệu MT Horse mang cờ của Iran và tàu chở dầu hiệu Freya mang cờ Panama tại vùng biển gần tỉnh Tây Kalimantan và đưa chúng đến đảo Batam thuộc quần đảo Riau để điều tra. Các tàu chở dầu này đến bến trong khoảng từ 3 giờ chiều đến 4 giờ chiều (0600GMT).

Phát ngôn viên cảnh sát biển – Wisnu Pramadita nói rằng, các tàu “bị bắt quả tang” khi chuyển dầu từ MT Horse sang MT Freya. Lực lượng cảnh sát biển tố cáo hai tàu chở dầu này đã cố gắng che giấu danh tính, không treo cờ quốc gia, tắt hệ thống nhận dạng tàu, đậu trái phép và không trả lời các cuộc gọi vô tuyến.

Theo Reuters, 61 thuyền viên của cả hai tàu đã bị bắt giữ, những người trên tàu chủ yếu là công dân Trung Quốc và Iran. Cảnh sát biển Pramadita cho biết thêm, việc bắt giữ tàu và nhân viên không liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo dữ liệu vận chuyển đường thuỷ của Refinitiv Eikon, hai tàu siêu cấp này đã được phát hiện ở vùng biển Singapore vào đầu tháng này. Chiếc tàu hiệu MT Horse thuộc công ty tàu chở dầu Quốc gia Iran (NITC) và chủ sở hữu của con tàu hiệu MT Freya là một công ty Trung Quốc có tên là công ty quản lý tàu Tương lai Thượng Hải (Shanghai Future Ship Management Co., Ltd).

Trong danh bạ công ty Trung Quốc, địa chỉ văn phòng đăng ký của Shanghai Future Ship Management Co., Ltd. thuộc về một công ty khác có tên công ty quản lý tàu Thành Đạt Thượng Hải (Shanghai Chengda Ship Management). 

Reuters cho biết đã nhiều lần gọi cho công ty nhưng không nhận được phản hồi.

Emma Li, nhà phân tích dầu thô cấp cao của Refinitiv cho hay, mỗi tàu siêu cấp này có thể chở 2 triệu thùng dầu. Gần đây, tàu hiệu MT Freya đã giao hai lô dầu thô đến cảng Thanh Đảo ở bờ biển phía đông Trung Quốc và cảng Doanh Khẩu ở Đông Bắc Trung Quốc, với tổng lượng hàng hóa khoảng 4 triệu thùng dầu thô.

Theo quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (OMI), tàu của các quốc gia phải sử dụng thiết bị phát đáp để đảm bảo an toàn và minh bạch hàng hải. 

Trước đó, Iran đã bị cộng đồng quốc tế lên án vì hành vi đóng hệ thống nhận dạng và vô hiệu hóa hệ thống theo dõi nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Năm 2019, Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo các công ty vận tải biển Trung Quốc không tắt thiết bị phát đáp của họ để che đậy các giao dịch dầu với Iran.

Năm 2018, cựu Tổng thống Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu dầu của Iran với mục tiêu đưa mức xuất khẩu của quốc gia này xuống mức 0. Đó là đợt trừng phạt mới nhất của cựu Tổng thống Trump sau khi ông tuyên bố Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Related posts