Chu Vũ Cát
“Đừng bao giờ tin bất kỳ điều gì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói về cách phòng đại dịch của họ. Hãy suy nghĩ và đưa ra nhận xét của chính mình”, ông Lưu Giai Hâm, một cư dân Vũ Hán, cho biết trong cuộc phỏng vấn với thời báo Epoch Times.
Mất vĩnh viễn vị giác và khứu giác bởi trì hoãn điều trị
Ông Lưu cho biết nơi cư trú của ông tại Vũ Hán chỉ cách Chợ Hải sản Hoa Nam 10 phút đi bộ, địa điểm được coi là có liên hệ với nguồn gốc của sự bùng phát virus corona. Khi virus mới bùng phát, ông cảm thấy lo lắng, nhưng tất cả các báo cáo của các kênh truyền thông chính thống lúc đó đều tuyên bố rằng không có nguy cơ virus lây lan từ người sang người. Do vậy, ông đã lơi lỏng phòng vệ.
Sau đó, đại dịch bùng phát khiến hoàn cảnh thay đổi hoàn toàn. Bản thân ông Lưu đã trải qua các triệu chứng của chủng virus này. Ông bắt đầu ho ra máu và sốt, nhưng bệnh viện và trung tâm cộng đồng đã gây khó khăn và ông không được chuẩn đoán chính thức hay điều trị y tế.
Ông nói: “Tôi đến bệnh viện nhưng được yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận do trung tâm cộng đồng cấp. Khi tôi quay lại trung tâm cộng đồng để tìm đến sự trợ giúp thì họ lại yêu cầu tôi xuất trình giấy chứng nhận của bệnh viện. Họ chỉ đá quả bóng qua lại. Sau khi tự uống thuốc, tôi cuối cùng cũng khá hơn. Tới giờ thậm chí tôi vẫn không biết liệu mình có nhiễm virus corona hay không. Nhưng tôi đã mất vĩnh viễn vị giác và khứu giác”.
Ông Lưu cho rằng bệnh này không quá đáng sợ, miễn là nó được xử lý đúng cách và vẫn còn cơ hội bình phục. Thực tế đáng sợ là cách xử lý đại dịch sai lầm của ĐCSTQ. Ông nói: “ĐCSTQ vô cùng tàn ác. Tôi đã tới nhiều bệnh viện, nhưng tôi không được chuẩn đoán hay điều trị. Thay vào đó, họ bảo tôi quay về và đi lấy giấy chứng nhận y tế từ trung tâm cộng đồng. Khi tôi tới một trung tâm cộng đồng thì họ lại yêu cầu tôi lấy chứng nhận y tế từ một bệnh viện trước khi họ tiếp nhận tôi! Tôi cảm thấy tôi như trở lại cái thời mà chúng tôi phải được Đảng cho phép mới được kết hôn”.
Mỗi ngày tại Vũ Hán có ít nhất 5.000 người chết trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch
Ông Lưu cho biết các con số chính thức về virus corona từ ĐCSTQ luôn chỉ để tham khảo. Theo một người bạn của ông làm việc tại lò hỏa thiêu địa phương, “vào lúc đỉnh điểm của đại dịch, có ít nhất 5.000 người chết mỗi ngày tại Vũ Hán”.
Ông nói bệnh viện dã chiến tạm thời (fangcang) cũng chỉ là một động thái của chính phủ để xoa dịu dân chúng. “Bệnh viện dã chiến này không có bất kỳ phương thức điều trị nào. Nó được lập lên sau khi tất cả các nguồn lực y tế đã cạn kiệt. Nó không có gì ngoài một căn nhà được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng. Tất cả các bệnh nhân hoặc nghi là bệnh nhân đều được đưa đến đây, dẫn tới rất nhiều những thảm họa nhân đạo”.
Cha mẹ của một người bạn học cũ của ông Lưu đã từng ở bệnh viện fangcang này và sau đó nhờ tự điều trị mà bình phục. Ông Lưu nói: “ĐCSTQ khoe khoang khắp nơi rằng nó đã cứu được rất nhiều sinh mạng để ca ngợi tính ưu việt của chế độ và xoa dịu người dân, nhưng sao họ không thấy biết bao nhiêu người đã chết một cách vô ích do bị phong tỏa. Người khỏe mạnh và người nhiễm bệnh, đều chết cả”.
Lệnh phong tỏa hà khắc của ĐCSTQ là một biện pháp cực đoan, không một quốc gia nào khác tiến hành phong tỏa trên diện rộng như thế. Ngoài ra, các biện pháp phong tỏa chỉ tạm thời làm chậm lại sự phát tán của virus nhưng không thực sự loại bỏ được tận gốc sự lây lan của nó.
Không có bất kỳ dịch vụ hay sự trợ giúp nào trong thời gian phong tỏa
Trong suốt thời gian phong tỏa ở Vũ Hán, ông Lưu không hề nhận được khoản tiền trợ cấp nào từ chính phủ và chính phủ cũng không trợ giúp gì trong việc mua thực phẩm hay các dịch vụ khác như đã tuyên bố.
Ông nói: “Quả là có nhiều phiếu giảm giá được phát hành, ví dụ như được giảm 5 nhân dân tệ cho một loại bánh quy nhất định”. Đối với những người không được phép ra khỏi nơi cư trú để đi mua hàng thì những phiếu giảm giá này lại không dùng được. Trong những giai đoạn phong tỏa sau đó, người dân được phép đi mua hàng nhưng họ không thể ra khỏi nơi cách ly của họ, nên người ta phải đặt hàng tiếp tế thông qua Wechat và sau đó xếp hàng để nhận đồ tại lối vào khu cách ly.
Ông Lưu đã mua rất nhiều mỳ ăn liền và một số thực phẩm đông lạnh để “vượt qua” quãng thời gian này. Ông cho biết giá cả mọi mặt hàng đều tăng chóng mặt trong giai đoạn đó. Giá khẩu trang tăng tới 30 nhân dân tệ trước phong tỏa, và chính phủ không hề cung cấp bất kỳ trang thiết bị phòng hộ y tế nào cho cư dân. Người dân Vũ Hán đã biết rõ rằng khi chính phủ tiến hành phong tỏa thành phố là họ đang bỏ rơi người dân, những người không có quyền phản đối hay bảo vệ chính mình.
Tại khu vực lân cận nơi ông Lưu sinh sống, hai đứa trẻ đã bị bỏ mặc sau khi cả cha lẫn mẹ của chúng qua đời. “Nhiều gia đình đã bị tan vỡ. [Đối với gia đình đặc biệt này], chỉ còn lại hai đứa trẻ và chính phủ không quan tâm đến chúng”.
Mặc dù sau khi phong tỏa, trên bề mặt đại dịch có vẻ như đã giảm xuống, nhưng “cái được gọi là mô hình chống dịch ưu thế chỉ là quá trình hy sinh một khu vực lân cận hay một thành phố để bảo vệ chính phủ này. Tại sao chúng ta phải hy sinh cuộc sống của chính chúng ta để giúp cho cái chính phủ này trông có vẻ tốt đẹp?” ông Lưu đặt câu hỏi.
Theo ông Lưu, nhiều người dân biết sự thật về sự phong tỏa tại Vũ Hán nhưng không có cách nào để nói ra. Ông cho biết bất kỳ người nào dám nói sự thật đều sẽ bị bắt và thậm chí toàn bộ gia đình họ sẽ bị liên lụy, do vậy, hầu hết người dân không dám lên tiếng.
Thảm kịch của Vũ Hán lặp lại ở Thông Hóa
Gần đây, thành phố Thông Hóa ở Tỉnh Cát Lâm đã bị giới nghiêm, tình trạng hỗn loạn của đợt phong tỏa 2020 ở Vũ Hán đã lặp lại. Theo thông tin được đăng trực tuyến thì sự thiếu thốn thực phẩm và thuốc men vẫn rất nghiêm trọng. Thế nhưng, truyền thông của ĐCSTQ vẫn không ngừng đưa “tin tốt lành” từ Thông Hóa.
Dưới sức ép của dư luận, chính quyền Thông Hóa đã phải trả lời rằng thành phố này đã dự trữ đủ những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, dầu, rau quả, thịt, trứng, sữa và các kênh giao thông hoạt động thông suốt, đáp ứng được nhu cầu sống thiết yếu của người dân đô thị.
So với những câu chuyện hay do chính quyền miêu tả, có hơn 15.000 bình luận, hầu hết đến từ các cư dân mạng ở Thông Hóa, phàn nàn trên tài khoản Wechat chính thức của cơ quan ngôn luận của Nhân dân Nhật báo rằng những lời hứa hẹn của chính quyền chỉ là những lời hứa suông và không thực sự được thực hiện.
Sự hỗn loạn ở Vũ Hán một năm trước đây đang diễn ra ở Thông Hóa. ĐCSTQ tự ca ngợi mình là “vĩ đại, vinh quang, chân chính”. Cho dù có bao nhiêu người chết thì kết quả của việc ngăn chặn đại dịch vẫn được tô vẽ là một sự thành công. Bất kỳ thảm họa nào trên các tờ báo và các đài truyền hình của ĐCSTQ cuối cùng đều có thể biến thành tốt, và đám tang có thể biến thành lễ kỷ niệm.
Cho đến nay, có bao nhiêu người đã chết bởi virus corona ở Vũ Hán vẫn là một ẩn số. Nếu có ít nhất 5.000 người chết mỗi ngày trong giai đoạn đỉnh điểm thì ước tính số lượng người chết ở Vũ Hán có thể hơn 100 ngàn, thậm chí là hàng trăm ngàn người.
Nếu đại dịch vẫn tiếp diễn và ĐCSTQ tiếp tục phong tỏa đất nước hà khắc theo kiểu Vũ Hán, điều đó có nghĩa là sự đau khổ của người dân Trung Quốc chỉ mới bắt đầu. Sự tái hiện phong tỏa của Vũ Hán tại Thành phố Thông Hóa một lần nữa chứng minh rằng cái gọi là hình mẫu chống dịch mà ĐCSTQ rêu rao không gì hơn là sự lừa gạt trắng trợn.