Khoảng tối phía sau bức tranh kinh tế do Thủ tướng Trung Quốc ‘vẽ’

Hoàng Thu

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ảnh: Từ video của National Committee on U.S.-China Relations)

Vào ngày 5/2, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc trò chuyện video với một số doanh nhân châu Âu nhằm củng cố mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa EU và Trung Quốc. Ông Lý đã cố gắng khắc họa triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc, tuy nhiên một bài bình luận của Epoch Times lại cho thấy những điều ngược lại.

Dưới đây là phần chuyển ngữ nội dung chính bài viết của tờ báo có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Ông Lý Khắc Cường đã giới thiệu với các doanh nhân châu Âu rằng“Đối mặt với dịch bệnh và sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế thế giới”, chính phủ Trung Quốc “đã quyết định áp dụng các chính sách vĩ mô hiệu quả và đạt được kết quả tốt với chi phí hợp lý”, với mức “tăng trưởng [GDP] 2,3% trong năm 2020”.

Ông cho biết số lượng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cùng các hộ công thương cá thể “đã lên tới con số 130 triệu”, và một lần nữa tuyên bố rằng Trung Quốc “quyết tâm mở cửa ra bên ngoài thế giới”.

Chính phủ Trung Quốc luôn tập trung nỗ lực để thu hút vốn và công nghệ châu Âu, đồng thời thâm nhập thị trường châu lúc này nhiều hơn để bù đắp cho hàng loạt tổn thất do cuộc thương chiến với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Bức tranh của ông Lý Khắc Cường về triển vọng kinh tế Trung Quốc được mô tả khá miễn cưỡng. Thực tế là, vào ngày 7/2, ông đã đến Vận Thành, Sơn Tây để kiểm tra tình hình đời sống người dân và thăm các hộ gia đình nghèo. Tại đây, ông được biết rằng, người dân địa phương đang phải sử dụng “cành cây và rơm làm chất đốt để đun nấu và sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh”.

Bài báo trên trang web của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng cho biết ông Lý Khắc Cường đã đến nhà của “cư dân Mạnh Thụ Bình và hỏi thăm về những thiếu thốn trong cuộc sống. Mạnh Thụ Bình nói rằng nguồn nước ở đây không sạch, những ngày mưa thì bị lụt lội, và người dân không có phương tiện sưởi ấm vào mùa đông”.

Ngày 3/2, ông Lý Khắc Cường đã triệu tập cuộc họp, nhấn mạnh việc “đẩy nhanh cải thiện các chính sách cho việc phục hồi các doanh nghiệp phá sản, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ”. Ông nói, “Hiện nay, cả nước có hơn 130 triệu đơn vị kinh doanh đã đăng ký”, “Nhưng đồng thời cũng có những vấn đề về hoạt động. Trong điều kiện kinh tế thị trường, sự tồn vong của các doanh nghiệp, sống hay chết, ra hay vào thị trường là hiện tượng bình thường”, “Cần cải thiện hệ thống giải thể một cách đơn giản cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để họ có thể dễ dàng khởi động lại”. “Thông tin về sự phá sản và đóng cửa hoạt động nên được đưa vào thông tin tín dụng của doanh nghiệp một cách công khai và kịp thời”.

Có vẻ như khi ông Lý Khắc Cường giới thiệu “hơn 130 triệu” doanh nghiệp đến phái đoàn châu Âu, ông thừa biết rằng nhiều doanh nghiệp trong số đó đã thực sự đóng cửa và ngừng hoạt động, nhưng vì rất khó để giải thể nên các công ty này vẫn được coi là đã đăng ký hoạt động. Trung Quốc có một điều “đặc biệt” so với thế giới, chỉ cần chính phủ Trung Quốc không xóa sổ thì họ vẫn được xếp vào danh sách doanh nghiệp đang hoạt động bình thường.

Con số “hơn 130 triệu” công ty tương đương với tỷ lệ cứ 10 người Trung Quốc thì có một công ty, con số “ảo” như vậy đương nhiên không giải quyết nổi vấn đề việc làm chứ chưa nói đến việc mang lại tăng trưởng kinh tế. Do vậy, có thể dễ dàng đoán được con số “tăng trưởng 2,3%” của kinh tế Trung Quốc vào năm 2020 thực ra chỉ là một con số được chế tác.

Tại cuộc họp của Quốc vụ viện, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng giải thích chi tiết một trong những lợi ích của việc tham gia Hiệp định Thương mại Tự do RCEP, đó là “tích lũy xuất xứ của sản phẩm”; ” giúp cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất xứ và được hưởng ưu đãi về thuế quan”.

Thực ra, mục đích chính của ĐCSTQ khi tham gia RCEP là sử dụng hoạt động thương mại tái xuất của các quốc gia khác để che giấu nguồn gốc hàng Trung Quốc và vượt qua mức thuế cao mà Hoa Kỳ áp đặt. Điều này cũng chứng tỏ rằng lưu thông hàng hóa trong nước của ĐCSTQ đơn giản là không hoạt động, và nó phải dựa vào một số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ dưới hình thức ngụy tạo.

Vào ngày 3/2/2021, ông Lý Khắc Cường đã tham gia cuộc họp qua video với Vương quốc Anh, nói rằng “không có tảng băng nào không thể phá vỡ và không có những rào cản nào không thể bị loại bỏ”, “Trung Quốc luôn coi trọng sự phát triển quan hệ với Vương quốc Anh ” nhằm “thúc đẩy tốt hơn nền kinh tế giữa hai nước, giúp phục hồi và tăng trưởng”.

Có thể thấy ông Lý Khắc Cường đang ráo riết tìm kiếm các kênh xuất khẩu, khi việc lưu thông hàng hóa trong nước của Trung Quốc đang thực sự khó khăn. Ngày 5/2, hãng tin Tân Hoa xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng loạt bài “Xu ​​hướng trao đổi kinh tế và thương mại không thể bị ngăn cản – Nắm bắt đúng diễn biến quan hệ Trung – Mỹ”, nội dung bài báo nhiều lần nhấn mạnh “xu hướng hợp tác kinh tế và thương mại Trung – Mỹ không thể đảo ngược”. Điều này chỉ càng chứng tỏ ĐCSTQ đang ở thế bị cô lập, nên gặp phải nhiều khó khăn về kinh tế và đang mong muốn bứt phá.

Rõ ràng là, nền kinh tế Trung Quốc đang rất cần vốn, công nghệ và thị trường của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn thể hiện sự đối đầu quyết liệt, ngoại giao chiến tranh sài lang và thậm chí còn ngông cuồng muốn trở thành bá chủ thế giới. Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ thực sự tự tin và dũng cảm.

Related posts